Tôi
khẩn thiết cầu mong các bạn đọc trẻ hãy đọc bức thư ngỏ này và tất cả
chúng ta, con dân nước Việt hãy đứng bên nhau trong giờ phút đất nước
đang bị đe dọa nghiêm trọng, cùng suy nghĩ và đồng lòng góp sức, tìm ra
cách tốt nhất, đối phó một cách hiệu quả nhất cho sự bình an của Tổ
Quốc ta. Và ngay khi có thể, các bạn hãy giúp tôi, đưa bức thư này đến
những người thân quen của các bạn, càng nhanh, càng đông, tôi càng biết
ơn các bạn!
Nguyễn Khắc Phục
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2008
Bạn đọc trẻ thân quý!
Tôi
tên là Nguyễn Khắc Phục, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã về hưu và
tiếp tục sáng tác tại Hà Nội. Cách đây đúng một năm (ngày 08.12.2007),
trước những hành vi sai trái, nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc đe
dọa chủ quyền, an ninh lãnh thổ nước ta, tôi đã phải viết một bức thư ngỏ gửi các nhà văn Trung Quốc.
Một năm sau, những diễn biến nói trên mỗi lúc một thêm nghiêm trọng,
nhà cầm quyền Bắc Kinh càng có nhiều hành động không thể chấp nhận
được, đưa ra những đòi hỏi cực kì vô lý, đi ngược lại mọi chuẩn mực
công pháp quốc tế, đạo lý khi tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển có
diện tích khoảng 75% Biển Đông. Tham vọng bất chính, bất hợp pháp của
họ không dừng lại ở việc xâm chiếm phi pháp Hoàng Sa, đe dọa Trường Sa
mà còn tiếp tục những mưu toan ngang ngược, trắng trợn đòi chiếm luôn
cả vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn của Việt Nam vốn
nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1000 km, bất chấp chủ quyền không
thể chối cãi của Việt Nam đối với vùng biển này đã được luật quốc tế và
các bên liên quan công nhận (xin tham khảo thêm tư liệu ở TUANVIETNAM ngày 8.12.2008- Chủ quyền VN ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây của Dương Danh Huy - Lê Minh Phiếu).
Thật ra những diễn biến nguy hiểm mới này chỉ là những biểu hiện tiếp
tục một cách lô-gic của chủ nghĩa bành trướng và tham vọng bá quyền
thâm căn cố đế trong đầu óc của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Vì
thế, hôm nay tôi phải viết thư ngỏ này, khẩn thiết gửi các bạn đọc trẻ
- đồng bào máu thịt của mình, giãi bầy với trách nhiệm công dân, những
suy nghĩ nghiêm túc, canh cánh và tâm huyết nhất của mình, một người
bình thường trong ngót trăm triệu con dân nước Việt đang sống trên Tổ
Quốc hay ở nước ngoài, rằng: Nhân dân Việt Nam vốn chỉ có một nỗi khao
khát thiết tha duy nhất, được sống bình yên, hạnh phúc, hữu nghị và làm
bạn với tất cả các nước láng giềng và các quốc gia trên thế giới, nhưng
những gì nhà cầm quyền Trung Quốc đã, đang và sẽ làm, đang đe dọa
nghiêm trọng, hủy diệt nỗi khao khát thiết tha nói trên!
Có
một sự thật hiển nhiên: Muốn hiểu rõ bản chất của tội ác, tham vọng bất
chính của các thế lực đen tối, chúng ta không còn cách nào khác là truy
ngược lên, tìm gốc rễ sâu xa của những tội ác và tham vọng nói trên!
Nỗi
ưu tư này càng nóng bỏng, nhức nhối trong mỗi con tim Việt Nam, khi sắp
tròn 30 năm ngày xẩy ra sự kiện quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam
(17. 02. 1979 - 17. 02. 2009)!
Đến
đây, chúng ta lại phải đối mặt với một sự thực rất đau lòng và không
thể chấp nhận được: Trong lịch sử hiện đại của đất nước, sự kiện Trung
Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 là một trong những sự kiện đặc biệt và
quan trọng bậc nhất, lại hầu như rất ít khi được nhắc tới dưới mọi hình
thức, phương tiện thông tin, từ những nghiên cứu sử học, đến các tác
phẩm văn chương - nghệ thuật phản ánh đề tài hiện thực này. Theo tôi
biết, không phải không có những công trình, tác phẩm liên quan trực
tiếp hay gián tiếp, với quy mô lớn, vừa hoặc nhỏ, đề cập tới sự kiện
lịch sử này. Vậy vì sao những công trình, tác phẩm ấy không được công
bố? Ai phải chịu trách nhiệm, họ muốn gì khi chủ trương như vậy? Đó
không chỉ là biểu hiện ô nhục, hèn nhát mà còn làm yếu đi sức mạnh của
chính nghĩa và khả năng tập hợp đại đoàn kết dân tộc trước nguy cơ
ngoại xâm.
Ở
đây, tôi chỉ điểm lại một vấn đề mấu chốt hệ trọng và dễ thấy nhất,
liên quan đến cái cớ nhà cầm quyền Trung Quốc vin vào để phát động cuộc
chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Ngay
sau khi lên nắm quyền ở Căm-pu-chia, tập đoàn Pôn Pốt được Bắc Kinh
dung dưỡng, cổ súy cả tinh thần, vật chất, cả hệ tư tưởng, bày mưu tính
kế, cố vấn cao cấp hoặc trực tiếp huấn luyện, đã ngang nhiên xâm lấn và
phá hoại cuộc sống yên lành của nhân dân ta dọc biên giới, đồng thời
thực hiện một chế độ diệt chủng với chính đồng bào mình, tàn bạo, vô
nhân đạo bậc nhất trong lịch sử nhân loại.
Việt
Nam buộc phải tiến hành các biện pháp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh
thổ và cuộc sống, sinh mạng của đất nước, nhân dân mình, giáng trả bọn
xâm lược theo đúng công pháp và tập quán quốc tế về "quyền tự vệ chính
đáng". Và lịch sử đã diễn ra theo đúng lô-gic của nó. Ngày mồng 7 tháng
1 năm 1979, bộ đội tình nguyện Việt Nam theo yêu cầu của Đảng Nhân Dân
Cách Mạng Căm-pu-chia, tiến vào đất bạn, góp sức cùng các lực lượng yêu
nước, yêu công lý Căm-pu-chia, chặn đứng nạn diệt chủng, giải phóng đất
nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt vong... Và chỉ 37 ngày sau, ngày 17
tháng 2 năm 1979, Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam!
Vì sao họ "nhanh nhẹn" như vậy khi gây ra tội ác này? Họ nhân danh cái
gì để xâm lược Việt Nam?
Như
mọi lần, Bắc Kinh lại biến trắng thành đen , vu cáo "Việt Nam tiểu bá
xâm lược Căm-pu-chia" và Trung Quốc phải "dạy cho Việt Nam một bài
học". Thế là họ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tổng lực, không từ
bất cứ tội ác nào chống lại dân thường Việt Nam, phá hủy tan hoang thị
xã, thành phố, làng mạc, nhà máy, xí nghiệp, cầu cống trên địa phận các
tỉnh phía Bắc Việt Nam giáp biên giới Trung Quốc, theo một kế hoạch
được vạch trước, với mưu đồ nham hiểm là đánh quỵ Việt Nam không chỉ ở
khả năng phòng thủ, tiềm lực kinh tế - quân sự mà còn nhằm hăm dọa,
làm tan rã ý chí yêu nước, cắt đứt truyền thống quật cường chống ngoại
xâm chảy trong máu các thế hệ người Việt sau này...
Bây
giờ, gần 30 năm đã qua, mọi cái đã trở nên minh bạch. Sự thật đã sáng
như ban ngày. Và mọi sự dối trá và đạo đức giả cũng đã được phơi bày
trước thế giới. Việc quân tình nguyện Việt Nam giúp Căm-pu-chia thoát
khỏi họa diệt chủng, dân tộc Khơ -me và nền văn hóa rực rỡ với Ăng-co
Vát, Ăngco Thom đã hồi sinh và đang tiến bước trên con đường hòa
bình-phát triển..., đã được công luận quốc tế thừa nhận. Chính nhân dân
cùng Quốc Vương và các nhà lãnh đạo Căm-pu-chia cũng đã hơn một lần ghi
nhận, bày tỏ lòng biết ơn Việt Nam đã giúp Căm-pu-chia hồi sinh bằng
hành động quang minh chính đại, kịp thời, hiệu quả và đã tốn không ít
xương máu, tiền của vì đại nghĩa nói trên. Sự ghi nhận này không chỉ ở
lời nói, dư luận mà cả trong các văn bản chính thức của Quốc Hội - Nhà
Nước Căm-pu-chia. Và bọn thủ ác khủng khiếp nhất mọi thời đại, bọn mù
quáng đi theo đường lối diệt chủng, bọn đã từng được Bắc Kinh dung
dưỡng, khuyến khích, đã phải ra đứng trước vành móng ngựa của Tòa án
Quốc Tế xét xử tội ác chống lại loài người!
Vậy
là cái cớ nhà cầm quyền Bắc Kinh vin vào để xâm lược Việt Nam năm 1979
đã hoàn toàn đổ nhào, khẳng định mạnh mẽ một sự thật: Cuộc chiến tranh
Trung Quốc tiến hành năm 1979 chống Việt Nam là phi nghĩa, phi pháp,
phi đạo lý, cần phải bị lên án đanh thép. Và những kẻ đòi "dạy cho Việt
Nam một bài học", đã lộ nguyên hình ngụy quân tử, đầy dã tâm, tàn ác và
nham hiểm.
Nhưng
thử hỏi, 30 năm qua, tại sao những kẻ gây nên tội ác xâm lược Việt Nam
năm 1979 chưa bị vạch mặt công khai và đưa ra xét xử trước Tòa án công
lý Quốc Tế? Tại sao chưa có bất cứ cuộc điều tra toàn diện, khách quan
và công bằng nào của các tổ chức, cơ sở nghiên cứu khoa học và cá nhân,
về tội ác của Trung Quốc chống Việt Nam năm 1979, được tiến hành? Hoặc
đã có mà chưa được công bố bởi những lý do nào đó? Ấy là chưa kể một
loạt tội ác khác nhà cầm quyền Bắc Kinh đã gây nên cho nhân dân Việt
Nam, chưa bao giờ được thống kê, phân tích đầy đủ để công bố cho nhân
dân ta và thế giới biết rõ:
- Ngày
19-1-1974, hải quân Trung Quốc đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ cưỡng
chiếm toàn bộ Hoàng Sa của ta. Trong trận chiến không cân sức này, 58
binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống.
- Tháng
4 năm 1988, Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải
Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước đó,
ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm các
đảo ở Trường Sa. Họ đã bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam.
74 chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh khi bảo vệ mảnh đất thiêng liêng
của Tổ Quốc mình.
Tại
sao cái ác, cái xấu, cái đạo đức giả ở tầm vóc "giới cầm quyền một nhà
nước" không bị phanh phui, lên án? Tại sao? Và những ai phải trả lời
câu hỏi này?
Những
diễn biến lịch sử và thực tế cuộc sống đã cho chúng ta những bằng chứng
hiển nhiên để không mơ hồ: Về bản chất và tham vọng bất chính, những kẻ
đòi "dậy Việt Nam" năm 1979 và những vị hôm nay trịnh trọng rêu rao
những lời đường mật về "16 chữ vàng" và "4 tốt" là một đồng một cốt.
Khác chăng chỉ ở cách thức, giọng điệu, diễn xuất, càng ngày thói đạo
đức giả và thủ đoạn càng tinh vi, nham hiểm và tàn độc hơn.
30
năm trước, họ nói toạc ra mồm "dạy cho Việt Nam một bài học" và xua
quân đánh qua biên giới. Tàn ác, nguy hiểm lắm, nhưng vẫn ít nguy hiểm
và tàn ác hơn bây giờ, khi họ thi thố đủ các thủ đoạn chính trị - ngoại
giao - quân sự đen tối, được che đậy, ngụy trang khôn khéo, ru ngủ
thiên hạ, chia rẽ, làm suy yếu, vô hiệu hóa mọi khả năng đề phòng, đoàn
kết của các quốc gia, dân tộc trong khu vực (vốn cùng là nạn nhân của
chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của họ), chống lại những mưu đồ nguy
hiểm bất hợp pháp, ngang ngược coi thường mọi chuẩn mực công pháp quốc
tế; bằng các chiến lược, chiến thuật cực kì tàn độc, thâm thúy mà có
nhà nghiên cứu đã gọi là "chiến lược diều hâu"!
"Trung
Quốc mạnh hơn hẳn Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng tranh chấp như
Phillipine hay Malaysia. Đây là một sự thực rõ như ban ngày. Sự chênh
lệch về sức mạnh kinh tế và quân sự, kèm theo các phản ứng rất chừng
mực và đơn lẻ, từ các đối thủ ASEAN đã khiến Trung Quốc tùy ý vận dụng
chiến lược diều hâu trên Biển Đông.
Từ
khoảng 20 năm đổ lại đây, họ đã sử dụng một công thức tổng hợp bao
gồm:(1) tấn công quân sự quy mô nhỏ (Việt Nam, 1988, Philippine, 1996,
1997), đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng tranh chấp,
(3) đe dọa bằng vũ lực (đối với ngư dân) hoặc sức ép kinh tế (với các
tập đoàn dầu khí quốc tế) nhằm ngăn chặn các đối thủ tiến hành khai
thác tài nguyên trong vùng tranh chấp, (4) chia rẽ các đối thủ bằng
kinh tế và ngoại giao, và (5) tuyên truyền về chủ quyền và thái độ cứng
rắn của họ đối với vấn đề Biển Đông trên toàn thế giới..." ( Dự Trần, cố vấn của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - Theo TUANVIETNAM ngày 06.12.2008)
Đúng,
họ đã mưu toan "ru ngủ", "gây mê", "dọa dẫm", sử dụng tất cả những mánh
khóe tinh vi, biến hóa khôn lường trong việc kết hợp giữa diễu võ
giương oai (thị uy, phô trương sức mạnh quân sự, khoa học-kỹ thuật) với
các chiến dịch ngoại giao đạo đức giả, gây sức ép, tâm lý chiến (không
loại trừ cả "văn hóa chiến" và "hữu nghị chiến" thông qua phim ảnh, tác
phẩm văn học - nghệ thuật, các cuộc gặp gỡ "hữu nghị", thi đấu thể
thao, buôn bán, mậu dịch, viện trợ... ), tăng cường các hoạt động tình
báo, gián điệp, phản gián và cấy vào nội bộ các nước mà họ muốn thôn
tính, một loạt "nội gián", ra sức "li gián", "mua chuộc", "phân hóa"
khối đại đoàn kết Việt Nam bằng mọi thủ đoạn; nếu không tỉnh táo, dũng
cảm và thông minh, chúng ta lại tự ru ngủ, sợ sệt, hoang mang và tự
chia rẽ thêm nữa, thì việc mất nước chỉ còn là chuyện thời gian!
Vâng,
hiện giờ chuyện khẩn cấp và sống còn nhất, liên quan đến lãnh thổ, lãnh
hải thiêng liêng, chủ quyền của Tổ Quốc, số phận, danh dự toàn dân Việt
Nam và tương lai của các bạn, hoàn toàn tùy thuộc vào hành động và nhận
thức của tất cả chúng ta.
Đúng,
xét về phương diện thực lực từ kinh tế, trang bị vũ khí, đến khả năng
tác chiến cơ động, hiện đại (đặc biệt là hải quân và không quân), Trung
Quốc mạnh hơn hẳn Việt Nam và các nước trong khu vực. Nhưng cái quyết
định trong chiến tranh không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh vũ khí,
tiền bạc, thủ đoạn.
Một.
Nếu các nước trong khu vực nhận thức tỉnh táo và đầy đủ về nguy cơ bành
trướng và "chiến lược diều hâu", biết tập hợp lại, đồng tâm hiệp lực,
tạm thời gác bỏ những bất đồng, tranh chấp lẫn nhau (mà giữa các nước
này với nhau, việc đàm phán đi tới các giải pháp thỏa đáng là có cơ sở
và khả thi), chống lại mọi âm mưu và hành động bá quyền, cảnh giác
trước mọi âm mưu chia rẽ, li gián..., dễ gì Trung Quốc đã có thể tự
tung tự tác, muốn làm gì thì làm?
Hai.
Trên bàn cờ quốc tế hiện đại, các cường quốc khác đã từng có mối quan
hệ lịch sử với khu vực này, hiện nay cũng đang coi các nước như Việt
Nam - Philippin- Malayxia..., là các nhân tố được tính đến trong chiến
lược phát triển kinh tế - chính trị - ngoại giao - an ninh của họ,
không thể bó tay ngồi im, để mặc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và lấn
lướt phi pháp và vô hạn độ, trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ
trụ. Trước hết vì quyền lợi của chính nước họ, sau nữa có thể họ làm
như vậy vì được thúc đẩy bởi những đòi hỏi của lương tri, tầm nhìn xa
và cũng có thể do họ nhận thức được lời cảnh báo: Nếu không ra tay hành
động kịp thời và đủ mức cần thiết, sẽ là quá muộn một khi chủ nghĩa bá
quyền, bành trướng từ "bóng ma" hiện lên thành một thế lực vật chất
nguy hiểm và tàn bạo! Công luận quốc tế và lương tri nhân loại cũng
luôn đứng về phía các dân tộc bị áp bức, các đất nước bị xâm hại bởi
các thế lực đen tối, phi nghĩa. Vì vậy, phải công khai đưa ra quốc tế
những vấn đề khúc mắc trong quan hệ Việt - Trung trước nay vẫn được
"những ai đó" coi là "tế nhị", là "nhạy cảm" và ra sức bưng bít. Trong
một số trường hợp tranh chấp cụ thể về lãnh thổ, lãnh hải, cần phải
được đưa ra phân xử công khai trước các tổ chức quốc tế hữu quan, có đủ
năng lực, thẩm quyền và uy tín. Chúng ta đừng quên một bài học kinh
nghiệm vô cùng quý báu: Trong thời kì chống xâm lược 1945 đến 1975, đặc
biệt là từ 1954 về sau, cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta được
tiếp thêm nhiều nguồn cổ vũ, ủng hộ từ dư luận tiến bộ trên thế giới,
từ chính phong trào phản chiến trong lòng đất nước mà nhà cầm quyền
nước ấy tiến hành xâm lược Việt Nam. Chúng ta không thể không nhắc tới
sức mạnh mà những tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh chống Việt
Nam của Bec-trăng Rut-xel, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh
diễn ra trên khắp các lục địa, từ Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ đến Mỹ La-tinh...,
đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta giữa những năm tháng thử thách khốc
liệt, cam go nhất. Tại sao hôm nay chúng ta lại không tăng cường thêm
sức mạnh, khả năng và hiệu quả tranh đấu cho chính nghĩa của chúng ta
bằng cách tranh thủ công luận tiến bộ và ngay cả sự thức tỉnh trong
lòng đất nước đang bị chi phối bới chủ nghĩa bành trướng..., cũng
không phải không có tác dụng chặn bớt các mưu đồ đen tối và nguy hiểm
với chính an nguy của nhân dân nước ấy.
Ba.
Riêng với nước ta, từ hàng nghìn năm trước, không chỉ một lần, ông cha
ta đã từng phải đối mặt với những cuộc xâm lược của các đế chế Trung
Hoa đầy tham vọng, hùng mạnh, nham hiểm và tàn ác. Dĩ nhiên tình thế
ngày ấy khác bây giờ cả từ hình thái, quy mô, thủ đoạn xâm lược, bối
cảnh quốc tế, trình độ kĩ thuật, tác chiến, phương tiện chiến tranh và
tương quan lực lượng. Nhưng xét cho cùng vẫn là chuyện nước nhỏ, dân
nghèo, quân ít phải đánh với giặc to, ác và hiểm. Vậy ông cha ta đã làm
cách nào để có Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa? Thậm chí
đời Lý, anh hùng Lý Thường Kiệt còn đại phá Ung - Khâm, đập tan từ
trong trứng mưu đồ xâm lược của nhà Tống năm 1075. Nhà Trần đã tổ chức
thành công 3 lần kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỉ 13. Anh hùng
dân tộc Lê Lợi, nhà chiến lược, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng
những nghĩa sĩ dự hội thề Lũng Nhai năm 1418, đã tiến hành cuộc kháng
chiến 10 năm chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước khỏi họa
diệt vong do bọn xâm lược tàn bạo mưu toan thực hiện bằng tất cả các
thủ đoạn và tội ác của chúng, từ hủy diệt văn hóa, hủy diệt cơ sở vật
chất và hủy diệt khả năng tồn tại của dân tộc ta như một dân tộc có văn
hóa và khát vọng hạnh phúc. Rồi Đại đế Quang Trung đã diệt 28 vạn quân
Mãn Thanh chỉ trong vòng mấy ngày mùa xuân năm Kỉ Dậu - 1789, ngay giữa
thành Thăng Long. Vân vân và vân vân... Tựu trung, nguyên nhân thắng
lợi của những võ công trên là do:
A- Ta chính nghĩa, ta chống xâm lược.
B-
Ta đoàn kết một lòng, không phân biệt Nam-Bắc, Xuôi-Ngược,
Vua-Quan-Dân, Trai-Gái, Già-Trẻ, Tôn Giáo - Tín Ngưỡng - Chính kiến,
tất cả đồng lòng đánh giặc khi đất nước lâm nguy. (Điển hình là Hội
nghị Diên Hồng thời Trần đánh giặc Nguyên-Mông). Ta kiên quyết giữ vững
và phát huy cao nhất, sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy, chống lại mọi
mưu toan chia rẽ, mua chuộc và li gián của giặc ngoại xâm.
C-
Ta có truyền thống đấu tranh anh dũng và tự tôn, biết mình (sở đoản -
sở trường), biết người, biết tìm cách đánh thích hợp, lấy "đoản binh
thắng trường trận", "lấy yếu thắng mạnh", lấy " chí nhân thay cường
bạo", biết tiến biết thoái... Mỗi lần phải đương đầu với giặc xâm lược
phương Bắc, bao giờ cha ông ta cũng tìm mọi cách liên kết với các lân
bang cùng cảnh ngộ, cảnh giác ngăn chặn mọi mưu đồ li gián của kẻ thù
chính, tỉnh táo, có tình có lý, phân tích cho các lân bang hiểu rõ
những nguy cơ do âm mưu " bẻ từng chiếc đũa trong bó đũa" gây nên, làm
suy yếu khả năng của các liên minh chống lại bá quyền, bành trướng. Ta
cũng biết nội bộ của chính thế lực xâm lược không phải lúc nào cũng ổn
cả, chính nhà cầm quyền ấy cũng phải đối mặt với những vấn đề nan giải
của chính đất nước ấy.
D-
Đặc biệt, sức mạnh của Việt Nam được tìm thấy cội rễ từ chí khí, tinh
thần quật cường, trung hậu và đức xả thân..., của giới trẻ trong mọi
hoàn cảnh hiểm nghèo nhất. (Điển hình là chuyện cậu bé Trần Quốc Toản
bóp nát quả cam ở Hội nghị Bình Than - thời nhà Trần).
E-
Ta không mơ hồ trước mọi sự lừa phỉnh, đường mật của kẻ xâm lược. Ta
biết rõ tim đen và dã tâm của chúng. Ta luôn nhũn nhặn, thậm chí chịu
lép khi nói năng, chữ nghĩa viết lách các văn thư của triều đình và
phải cống nạp cho cái gọi là "Thiên Triều" (kể cả khi ta đánh thắng,
vẫn tạo điều kiện giao trả tù binh đàng hoàng cho chính bọn xâm lược
mình, hoặc cấp đất xây mộ phần cho những tên xâm lược chết trận tại
Việt Nam), nhưng trong thâm tâm, ta không bao giờ quên họ là ai, muốn
gì và ta phải làm gì để chống lại mọi mưu toan nham hiểm, tàn bạo đã ăn
vào máu của những kẻ cầm quyền phương Bắc. Muốn làm gì thì làm, muốn
mềm dẻo thế nào thì mềm dẻo, nguyên tắc cốt tử là phải bảo toàn bằng
mọi giá, đất đai, sông biển thiêng liêng của tổ tiên trao lại, danh dự
và phẩm giá của một đất nước có truyền thống văn hiến hàng nghìn năm.
Đối sách "trong rắn ngoài mềm" phải được vận dụng và nhận thức trên
nguyên tắc cốt tử, tối thượng như trên.
G- Ta không lạ gì sách của họ từ nghìn xưa đến giờ. Nôm na thế này: Muốn lấy phải cho (đời Tống, họ phải cắt 800 dặm đất họ cho Liêu Hạ, nhưng lại mưu toan cướp đất của Đại Việt). Trước Nam sau Bắc (phía Bắc của họ toàn thứ dữ, khó gặm, họ bèn tính chuyện lấn xuống phía Nam trước với hi vọng dễ ăn cướp hơn). Mềm với người xa, rắn với kẻ gần
(mua chuộc, giả vờ ngọt nhạt, hữu hảo với những nơi xa, gây cảm tình,
tạo đà để mưu lợi trong tương lai khi có cơ hội bành trướng, sắm vai
anh hùng hảo hán, cứu khốn phò nguy, ra vẻ hào hiệp và nhân nghĩa,
nhưng trắng trợn, trịch thượng, cậy mạnh hiếp yếu với những nước nhỏ
hơn cạnh mình).
Tôi
nghĩ sao nói vậy, giãi bày tâm can cùng các bạn đọc trẻ, chắc có chỗ
thiếu sót, chủ quan hoặc thiển cận, thành thực không ngại bị chê cười
hay khó chịu. Tôi làm việc này chỉ nhằm một mục đích: Tất cả chúng ta
hãy cùng nhau suy nghĩ, nhìn sau trước, thấy phải làm gì tốt nhất, kịp
thời và thiết thực nhất cho đại vận mệnh của đất nước - quê hương này
(đương nhiên, có hạnh phúc và tương lai của mỗi chúng ta). Khi viết bức
thư này, tôi cũng chờ những điều chẳng muốn vẫn sẽ đến với mình. Kể cả
vậy, tôi không hối tiếc khi bày gan ruột của mình trên giấy. Hơn nữa,
nếu tìm được cách thức nào hành động hướng tới mục đích trên, tốt hơn,
hiệu quả hơn, tôi sẽ làm ngay, không nề hà, tính toán.
Dân
Việt Nam xưa nay có cái hay, có cái dở như mọi dân tộc bình thường khác
trên thế giới. Nhưng dân Việt Nam cũng đủ tỉnh táo để phân định rạch
ròi giữa nhân dân Trung Quốc, các giá trị chân chính và đáng trân trọng
của văn hóa Trung Hoa với thiểu số ôm ấp "chủ nghĩa bá quyền, tham vọng
bành trướng". Người Việt Nam chỉ muốn sống yên ổn, no ấm, hòa thuận với
láng giềng, không muốn gây thù chuốc oán, càng không ham tranh giành
quyền lợi bất chính. Nhưng khi bị xâm lược, danh dự bị xúc phạm, toàn
dân Việt Nam nhất định mang hết sức lực, trí tuệ, máu xương, hiến dâng
cho Tổ Quốc với tinh thần Đại đế Quang Trung đã tuyên cáo tại Thăng
Long, mùa xuân năm Kỉ Dậu 1789:
"Đánh cho biết nước Nam anh hùng, có chủ!"
Tôi
khẩn thiết mong các bạn đọc trẻ hãy đọc bức thư ngỏ này và tất cả chúng
ta, con dân nước Việt hãy đứng bên nhau trong giờ phút đất nước đang bị
đe dọa nghiêm trọng, cùng suy nghĩ và đồng lòng góp sức tìm ra cách tốt
nhất, đối phó một cách hiệu quả nhất cho sự bình an của Tổ Quốc ta. Và
ngay khi có thể, các bạn hãy giúp tôi, đưa bức thư này đến những người
thân quen của các bạn, càng nhanh, càng đông, tôi càng biết ơn các bạn.
Qua mấy lời máu thịt này, tôi xin gửi gắm trọn vẹn lòng tin yêu vào quê hương, đất nước và nghĩa đồng bào.
Thân quý gửi lời chào các bạn đọc trẻ Việt Nam.
Thân mến
Viết xong lúc 2 giờ 15 ngày 08 tháng 12 năm 2008
Nguyễn Khắc Phục - canhcualieutrai@yahoo.com.vn - 0904481335
|