Ra đường gặp giả trá
Nếu
tôi khôn ngoan, trước khi viết về sự giả dối, tôi cần phải rào đón
khoảng mươi dòng, rằng về cơ bản nhân dân Việt Nam ta luôn trung thực
thật thà dũng cảm, rằng nhân dân ta luôn có truyền thống trọng chữ tín.
Rằng được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp nói chung và lãnh đạo ngành
tư tưởng văn hóa nói riêng, người Việt Nam ta hiện nay và ngành giáo
dục đang có nhiều tiến bộ và gặt hái được nhiều thành tựu. Rằng người
Việt Nam đi đâu cũng có uy tín trên trường quốc tế và luôn luôn dược nể
trọng là một dân tộc anh hùng...
Vâng.
Phản xạ rào đón, dù chỉ là rào đón để làm đà thôi, để báo chí có thể
đăng nổi, hoặc để tung ra một lời nói thẳng, vẫn là một phản xạ gắn
liền với sự giả trá.
Khốn
khổ thay! Tại sao chúng ta phải rào đón đủ điều trước khi nói thật? Tại
sao nói thật là điều “ghê răng” đến thế? Tại sao trước mỗi lời phát
biểu, từ một học trò tiểu học miệng còn hơi sữa đến một người lãnh đạo
một cơ quan đơn vị, địa phương cũng cứ phải leo lẻo một đoạn dài lê thê
cảm ơn ngành nọ cấp kia dù trong lòng biết thừa rằng chẳng có gì phải
cảm ơn cả. Vì họ đã ăn lương ngân sách thì dù là ai cũng phải làm tròn trách nhiệm và không làm tròn trách nhiệm chính là tội lỗi.
Tại vì chúng ta nói một đằng làm một nẻo quen rồi.
Tại
sao con người ta cứ phải "khôn ngoan"? Tại sao đa phần con người Việt
Nam hiện nay mất đi cái sự hồn nhiên tối thiểu của mọi sinh vật: thấy
nóng phải biết kêu rằng nóng, thấy lạnh thì nói rằng lạnh?!
Để
được yên thân, rất nhiều người trong chúng ta đều phải giả vờ hoặc phải
lờ đi. Để cầu an hoặc cầu lợi, nhiều khi chúng ta thấy nóng thì bảo
lạnh. Hoặc vờ không biết rằng nóng.
Như
thế, là con người đã từ bỏ sự chính trực. Quyền được hồn nhiên và được
chính trực, đó là quyền đương nhiên của muôn loài - trong đó, trẻ con
chưa đi học mẫu giáo, và từ loài bò sát trở lên, còn giữ lại được cho
mình.
Có ai, bỗng một ngày nghĩ lại mà giật mình, rằng người chính trực, người thật thà hiện nay khó sống lắm không?!
Cứ
nhìn thầy giáo Khoa thì biết. Thầy Khoa đã làm những việc tối thiểu mà
một con người có tự trọng phải làm. Thầy phản ứng và chống lại sự giả
trá trong thi cử, cái được gọi bằng một mỹ từ nhẹ nhàng là “bệnh thành
tích” tại một ngôi trường nhỏ ở Hà Tây.
Thế mà, thầy bị trù dập, bị trả thù hết lần này lượt khác. Không những bản thân mà đến vợ con cũng khốn đốn.
Sự
trả thù của những người bị ảnh hưởng quyền lợi do phản ứng chính trực
của thầy Khoa đã là điều trái pháp luật, cần bị trừng trị, nhưng còn có
thể hiểu được. Nhưng điều hết sức đáng buồn, là chính cộng đồng xung
quanh thầy, không có quyền lợi liên quan, đa phần cũng xa lánh, miệt
thị, coi thầy là người kỳ dị, rách việc, rồi gán cho thầy bao nhiều tội
tình. Rồi không có chứng cứ gì để mạt sát thầy về hành vi hay nhân cách
thì họ quy cho là thái độ kiêu căng!
Trong
cuộc sống, hiện tượng cộng đồng đối xử với những người như thầy Khoa
không hiếm. Trong nhiều cơ quan đơn vị, người trung thực dám làm chứng
cho sự thật, không cam tâm a dua dối trá theo cường quyền, thay vì được
đồng nghiệp, bạn bè ủng hộ, thì bị xa lánh và những kẻ ghen ghét thừa
cơ bịa đặt vu cáo tung tin thất thiệt. Kẻ xấu luôn được dung dưỡng bằng
một môi trường có quá nhiều người luôn muốn nghe những điều xấu về
người khác, luôn tiếp tay cho sự vu cáo. Quá nhiều người thích nói xấu
người khác, sợ sự thật như dơi sợ ánh ngày và mong người khác thất
bại, là để tự an ủi mình.
Ra đường, chúng ta luôn bị tổn thương vì sự giả trá
Kìa
xem cái người bán xăng cho chúng ta. Dù thế nào thì họ vẫn ăn bớt của
ta. Và nếu ta cự nự, thì họ lập tức nổi khùng. Họ độc quyền. Những
người bán hàng cho ta cũng vậy. Chín mươi chín phần trăn cân dối. Ta
không mua của họ thì biết mua của ai?
Mỗi
mét vuông mặt đường chứa đựng sự dối trá. Vì số tiền người làm đường
lấy từ công quỹ thường lớn gấp ba lần số tiền thực chi cho đường. Những
mặt đường ngày càng co hẹp lại, để tiền vào túi cá nhân qua các cử chỉ
thụt két và hối lộ để được nhận dự án. Những công trình xây dựng, những
bệnh viện, những hàng rởm. Những khoản tiền cứu trợ, những chương trình
vì người nghèo bị xà xẻo.... Những nhà máy gian dối để thải chất độc ra
sông giết cộng đồng và môi trường. Những người làm hoa quả, làm nước
mắm, làm sữa... dùng độc chất để tăng sự bóng bẩy và chỉ số giả về chất
dinh dưỡng, không cần biết đến việc mình đang hãm hại mọi người.
Những
huân huy chương thật được trao cho những thành tích giả sau những cuộc
chạy chọt... Những lời nói giả ngày ngày được phóng đại trên loa truyền
thanh và các phương tiện thông tin đại chúng.
Và
trên các giảng đường, những kiến thức lạc hậu, cũng chính là nững kiến
thức giả được tung ra, làm mất thì giờ và thui chột nhiều thế hệ trẻ.
Những giáo trình giả rồi những điểm số giả... không thể kể hết.
Những sự giả ấy, còn tiếp tục làm mục ruỗng nhân cách người Việt Nam.
Chúng
ta có thể tiếp tục tồn tại khoẻ mạnh với một cái nền nhân cách đã mục
ruỗng không? Tương lai nào đang chờ đợi? Khi mà không một người nào
trên đất Việt Nam này, nếu trung thực với chính mình có thể nói rằng
tôi đã không từng một lần giả trá.
Người
viết bài này cũng từng giả trá, khi trên chiếc băng ca là bố mình, và
nhiều lần trước kia là mẹ mình, đang đợi chờ trước phòng cấp cứu của
bệnh viện. Khi những nhân viên của bệnh viện thờ ơ trước cái chết cận
kề của người thân, nếu không có tiền được dúi vào tay họ. Khi những y
tá sẽ đâm mũi kim rất thô bạo vào cánh tay gầy của mẹ mình. Khi đến một
người quét dọn của bệnh viện cũng có thể kiếm cớ xẵng giọng và quát
nạt, nếu ta không biết ý mà dúi tiền lót tay cho họ!
Và
như thế, tôi đã giả trá, không chỉ một lần, khi tôi dúi tiền lót tay
cho họ, dù biết rằng thế là không tốt. Tôi đã và sẽ còn phải đưa. Bất
cứ ai cũng vậy, nếu tôi không muốn người thân của mình chết tức tưởi vì
sự bỏ mặc đến trở thành độc ác của những người đang được trả lương bằng
những đồng tiền thuế của chúng ta và họ có trách nhiệm phải làm tròn
nhiệm vụ.
Nhưng rất nhiều người đã, đang và còn sẽ tiếp tục độc ác, vì họ nắm vận mệnh của những người rơi vào hoàn cảnh phải lệ thuộc họ.
Ai đã “đầu têu” giả trá?
Sẽ chẳng có ai nhận đâu. Rồi ai cũng sẽ nói rằng tôi rất thật thà, lương thiện.
Nhưng
nói dối phải có nguồn gốc. Chỉ có những người đi trước mới có thể dạy
cho trẻ con và kẻ đi sau biết nói dối. Bản thân trẻ con mới sinh ra và
chưa một ngày gia nhập cộng đồng và bắt chước tập tính của cộng đồng
thì không biết nói dối.
Có ngôi nhà nào có thể xây được trên nền móng là một đầm lầy?
Sự
giả trá trở thành thường nhật, thành đương nhiên. Sự chính trực trở
thành lạc lõng. Người chính trực khó sống. Cộng đồng trở nên hư hoại
nếu không dám phản đối cái xấu và ủng hộ sự lương thiện. Đó chính là
thảm họa khủng khiếp, lâu dài, chính là cái đầm lầy khổng lồ sẽ chôn
vùi chúng ta.
Để
tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có rất nhiều nhưng một
trong những điều thấy nhỡn tiền, chính là ở nhiều người có trách nhiệm.
Rất nhiều quan chức đã nói một đằng làm một nẻo. Của cải tài sản của họ
do tham nhũng mà có. Họ lên chức không phải do tài năng mà do mối quan
hệ và chạy chọt và chiều lòng cấp trên. Họ không chịu bất cứ trách
nhiệm nào khi địa bàn hoặc lĩnh vực họ phụ trách trì trệ, để xẩy ra
những hậu quả nghiêm trọng.
Và
ngành giáo dục, trong khung cảnh đó, không thể không bị ảnh hưởng, đã
góp phần không nhỏ trong việc chiều lòng một số ngưười có vị trí trong
xã hội, vén tay áo tô đậm thêm cái đại tự “giả trá” trên những tờ giấy
trắng đầu đời.
Ngành giáo dục có thể bắt đầu, nhhưng... ?
Vì
căn bệnh “thành thích”, vì sự giả dối – mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thịên
Nhân đã nói trong Thư gửi ngành giáo dục vào ngày 20/11/2008.
Thực
ra, bệnh thành tích vẫn là một mỹ từ. Chỉ có một từ để gọi cái được gọi
là bệnh thành tích - đó là sự giả trá, trong tất cả các ngành, không
chỉ trong ngành giáo dục. Nói chỉ riêng ngành giáo dục là oan. Nhưng,
để bắt đầu xây dựng lại nhân cách Việt, lại phải bắt đầu từ nhiều thứ,
trong đó ngành giáo dục có thể làm được nhiều điều.
Đi
tiên phong trong việc chối bỏ thói quen viết đại tự “giả trá” trên tâm
hồn những trẻ em bắt đầu gia nhập cộng đồng. Tự nhiên cho ra lò những
công dân chính trực và hồn nhiên, thấy nóng thì biết bảo rằng nóng và
ngược lại - đó là trách nhiệm và những điều mà ngành giáo dục có thể
làm mà không tốn kém và không phải chờ đợi ai.
Vì
Việt Nam, hơn bao giờ hết, đang cần những công dân không cam chịu cái
xấu. Nhhững công dân cần những kiến thức cập nhật chứ không phải kiến
thức từ những giáo trình giả trá chỉ để thầy cô giáo và một số cá nhân
có quyền lực trong ngàng tính điểm với cấp trên để được yên thân hoặc
để được thăng tiến.
Cần
tạo ra một phong trào và tạo thành lề thói sâu rộng trong xã hội rằng
con người cần nhìn lại mình và chống sự giả trá trên mọi lĩnh vực,
trong toàn xã hội. Cần thức tỉnh con người lấy lại bản ngã đầu tiên mà
tạo hoá đã ban cho muôn loài.
Để thoát khỏi những đầm lầy.
Võ Thị Hảo
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5507/index.aspx