“… đảng cộng sản Việt Nam sau khi nắm được quyền lực, họ đã thực hiện
nền chuyên chính của mình, thực hiện chế độ độc đảng cầm quyền, hạn chế
và tước bỏ đi những quyền căn bản nhất con người …”
Ngày
nay những gì được gọi là tư tưởng của Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng
lý luận, và là chỗ dựa tinh thần cũng như để che đậy sự cai trị độc
đoán, chuyên quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Gần đây bộ chính trị
cộng sản đã ra chỉ thị 06-CT/TW để yêu cầu toàn dân học tập tư tưởng,
đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp theo ngày 16-1-2007 ra quyết định số 35-QĐ/TW
thành ban chỉ đạo trung ương cuộc vân động toàn dân học tập tư tưởng,
đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh có tư tưởng gì mà những người cộng
sản phải tiêu tốn nhiều tiền của của nhân dân để nghiên cứu rồi bắt học
sinh, sinh viên, nay là là toàn dân học tập?
Sau khi tôi
đã đọc quyển giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh do nhà xuất bản chính trị
quốc gia phát hành tháng 8 năm 2006, và đọc một số cuốn sách viết về tư
tưởng Hồ Chí Minh, tôi chỉ thấy trong con người của Hồ Chí Minh có hai
nhận thức quan trọng nhất và mang tính nền tảng trong cả cuộc đời hoạt
động chính trị của ông, nhưng trong suốt 60 năm qua đảng cộng sản Việt
Nam đã cố tình quên lãng, không áp dụng trong đường lối của họ. Hai
nhận thức quan trọng đó là: Nhận thức về tư tưởng dân chủ, tự do, bình
đẳng của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Đại cách mạng
Pháp; Nhận thức thứ hai là về tư tưởng dân chủ, về giá trị quyền sống,
quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập năm
1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh không có những tư tưởng của
riêng mình, mà ông chỉ tiếp thu và làm theo tư tưởng của những người đi
trước như Mác, Lê Nin, Mao.
Nhận thức về tư tưởng dân
chủ của cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ đã được Hồ Chí Minh thể hiện
trong Tuyên ngôn Độc lập được đọc tại quảng trường Ba Đình ngày
2-9-1945 khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và trong Hiến
pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946.
Mở đầu Tuyên
ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng
quốc Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cộng hoà
Pháp năm 1789. Điều này cho thấy Hồ Chí Minh mong muốn xác lập vững
chắc những nguyên tắc bảo vệ quyền cá nhân con người trước quyền lực,
khẳng định các quyền tự nhiên không thể bị tước đoạt của mỗi người. Hồ
Chí Minh còn mong muốn xây dựng nhà nước dựa trên nguyên tắc quyền lực
thuộc về nhân dân và có nghĩa là: “Để đảm bảo cho các quyền này, con
người thiết lập ra các chính phủ và chính sức mạnh của các chính phủ
này là xuất phát từ sự ưng thuận của nhân dân. Và khi một hình thức
chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên thì nhân dân
có quyền thay đổi, hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập nên một chính
phủ mới, dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy và tổ chức các
quyền lực của mình theo hình thức nào đó để cho các quyền lực ấy có khả
năng đảm bảo an ninh và hạnh phúc cho họ nhiều nhất.”
Trong
Hiến pháp Việt Nam năm 1946, thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh trong
việc xây dựng xã hội Việt Nam trên nền tảng dân chủ, tôn trọng và bảo
vệ quyền con người. Hiến pháp năm 1946 xây dựng trên ba nguyên tắc:
“ - Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. - Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. - Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân và do nhân quyết định”.
Hiến
pháp 1946 khẳng định ngay trong điều đầu tiên là: “Tất cả quyền bính
trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi
giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”
Điều
đó có nghĩa mọi người dân Việt Nam đều có quyền tham gia chính trị
thông qua các đảng phái chính trị mà họ là thành viên hoặc với tư cách
độc lập. Và việc đảng phái chính trị nào lãnh đạo đất nước phải do toàn
dân lựa chọn và quyết định thông qua cuộc bầu cử tự do dân chủ.
Tóm
lại trong cả cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh, ông ấy đã
tiếp thu hai tư tưởng về nhân quyền và dân chủ có giá trị kinh điển từ
Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân
quyền của Cộng Hoà Pháp năm 1789 để áp dụng vào việc xây dựng đất nước
Việt Nam dân chủ với thể chế chính trị đa đảng, tôn trọng phẩm giá của
con người tức là tôn trọng những quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm và
thiêng liêng của mỗi con người. Và xây dựng chính quyền của dân, do dân
và vì dân. Đáng tiếc, đảng cộng sản Việt Nam sau khi nắm được quyền
lực, họ đã thực hiện nền chuyên chính của mình, thực hiện chế độ độc
đảng cầm quyền, hạn chế và tước bỏ đi những quyền căn bản nhất con
người như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do tín
ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, tự do biểu
tình….
Nay, để duy trì sự lãnh đạo độc đảng của mình,
đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi, vận động toàn dân học tập đạo đức, tư
tưởng Hồ Chí Minh, điều nay không thực tế, bởi chính đảng viên đảng
cộng sản phải là những người phải học, và phải thấm nhuần những giá trị
về dân chủ và nhân quyền mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu và để lại cho họ.
Khi mà ngày nay vấn đề nhân quyền đã mang ý nghĩa toàn cầu và tôn trọng
nhân quyền đã trở thành hòn đá thử vàng và là biểu tượng của công lý
trong công việc đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia. Chỉ khi công lý
được thực thi thì đảng cộng sản mới có thể tồn tại được, còn không thì
sẽ tự huỷ diệt chính bản thân họ. Hồ Chí Minh đã có một câu nói khá nổi
tiếng đó là: “ Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự
do, thì độc lập chẳng có nghĩa gì”(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật
1984, Tập 4, tr 35)
Những tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp
thu mà nay đảng cộng sản Việt Nam phải thực thi ngay đó là: Tôn trọng
tuyệt đối tất cả các quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm
của nhân dân Việt Nam. Từ bỏ chế độ độc đảng cộng sản lãnh đạo, chấp
nhận xây dựng chế độ dân chủ đa đảng. Cùng với đại diện của các đảng
phái, tổ chức chính trị, đại diện các tôn giáo, các tổ chức chính trị
xã hội thành Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp và tiến hành soạn thảo Hiến
pháp mới, luật bầu cử mới, tiến hành trưng cầu dân ý và bầu cử tự do,
dân chủ có sự giám sát của cộng đồng quốc tế.
Hà Nội, ngày 31-1-2007 Luật sư Nguyễn Văn Đài
|