Thứ Ba, 2024-12-03, 11:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 12 » Kiến giải của một người Nhật về ông Hồ
9:12 PM
Kiến giải của một người Nhật về ông Hồ

 

 
 
Cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh trên một tấm panô
Tiếp tục có những đánh giá mới về Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một chuyên gia người Nhật đã thu hút chú ý của người tham dự Hội thảo Việt Nam học ở Hà Nội, với bài thuyết trình nhận định ông Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa cộng hòa chứ không phải cộng sản.

Tại hội thảo quy tụ hàng trăm nhà nghiên cứu trong ngoài nước vừa kết thúc cuối tuần qua, GS. Yoshiharu Tsuboi , Đại học Waseda, giới thiệu bài viết "Khảo cứu lại về Hồ Chí Minh".

Nhà nghiên cứu này giải thích ông muốn thoát khỏi quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà thay vào là xem xét tư tưởng ông Hồ "trên một lập trường giá trị tự do hơn".

Nghiên cứu Việt Nam từ năm 1973, GS. Tsuboi đã đi thăm những nơi ông Hồ Chí Minh từng đặt chân đến, từ tỉnh Nghệ An, đến Hong Kong, Quảng Đông, Moscow, Paris, London.

Ông viết trong bài tiểu luận rằng "có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời của mình là những giá trị của nền cộng hòa" và cơ sở lý luận của ông là "Tự do, Bình đẳng, Bác ái".

Tinh thần cộng hòa Pháp

Tác giả giải thích tiếp: "Tinh thần nền cộng hòa Pháp mang tính lý tưởng cao...Lấy ví dụ, nó không quan tâm tới người đó là người Nhật hay người Việt Nam, sinh ra ở tỉnh nào, xuất thân trong gia đình hay dòng họ nào, bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ."

"Vấn đề quan trọng là con người đó với tư cách là một cá nhân có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính hay không. Nền cộng hòa được xây dựng bởi những cá nhân là nhân dân Pháp, bất kể giai cấp, màu da hay người đó có sinh ra ở Pháp hay không."

Tinh thần này khác hẳn với quan niệm sống của thế giới Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Ông Tsuboi kể rằng ông rất lúng túng mỗi khi gặp người Việt và được hỏi những câu hỏi liên quan cá nhân (học ở đâu, vùng nào, gia đình ra sao).

"Để xây dựng được quan hệ tốt đẹp cho hai bên và ứng xử đúng với những qui tắc xã hội vô hình, trước tiên người Việt phải tìm hiểu những thuộc tính của đối phương. Đây không chỉ là truyền thống của riêng Việt Nam mà là truyền thống của cả khu vực theo văn hóa Nho giáo."

"Người ta đã không đạt tới được nhận thức rằng: điều kiện tiền đề của nền cộng hòa là những "cá nhân" theo quan điểm giá trị mới về con người."

Học giả người Nhật cho rằng Hồ Chí Minh là "lãnh đạo chính trị duy nhất ở Đông Á nhận thức được một cách đúng đắn nhất tinh thần nền cộng hòa và ông đã cố gắng đưa nó vào Việt Nam".

 Tôi xin hứa với anh một lời hứa đặc biệt: trong vòng 50 năm tới sẽ không thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam
 
Hồ Chí Minh, dẫn theo Furuta Motoo

Để chứng minh, tác giả nhắc lại việc khi là thành viên Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh vẫn cho rằng cần ưu tiên "đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập cho Việt Nam chứ không phải là vấn đề giai cấp. Về mặt này, Hồ Chí Minh không phải là một người cộng sản 'chính thống' theo chủ nghĩa Marx-Lenin".

Trong bài, ông Tsuboi nhắc lại một câu chuyện từng được một chuyên gia khác người Nhật Furuta Motoo công bố năm 1996.

Tháng Tám 1944, khi được Quốc dân đảng thả và chuẩn bị quay về Việt Nam, ông Hồ nói với Tướng Trương Phát Khuê của Quốc dân đảng:

"Tuy tôi là một người cộng sản nhưng bây giờ vấn đề mà tôi quan tâm không phải là chủ nghĩa cộng sản mà là độc lập tự do của Việt Nam. Tôi xin hứa với anh một lời hứa đặc biệt: trong vòng 50 năm tới sẽ không thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam".

Ước mơ Độc lập

Tác giả biện luận: "Độc lập mà Hồ Chí Minh muốn xây dựng là một nước độc lập, một nhà nước chủ quyền theo kiểu Cận đại. Từ Độc lập của ông bao hàm ý nghĩa xây dựng một quốc gia chủ quyền có lực lượng sánh vai được với các cường quốc trên thế giới. Ý tưởng của ông là không chỉ xây dựng một chế độ Dân chủ cộng hòa mà còn xây dựng nên hình ảnh những Con người mới đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập."

Khái niệm Tự do, với Hồ Chí Minh, là "không chỉ đơn thuần là đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền và có quyền tự do phát ngôn, hoạt động trên trường quốc tế, mà phải là thứ tự do được từng người dân ca ngợi."

"Nó cũng yêu cầu mỗi người dân ca ngợi quyền tự do đó phải trở thành chủ thể xây dựng từ dưới lên trật tự của nền cộng hòa, yêu cầu từng cá nhân phải có khả năng suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao".

Hạnh phúc của Hồ Chí Minh là "mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phải chủ động, tích cực tranh đấu để giành được hạnh phúc đó".

Tác giả cho rằng từ mấy chục năm qua, "thông điệp của Hồ Chí Minh hầu như không được truyền bá và lý giải một cách đầy đủ và đúng đắn".

 Cùng với việc thần tượng hóa Hồ Chí Minh, người ta đang đánh mất đi khả năng lý giải nội tại Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường
 
Yoshiharu Tsuboi

"Người ta đã coi ông như một người lãnh đạo của phong trào cộng sản quốc tế, một người theo chủ nghĩa Marx-Lenin... Ai cũng lấy ý thức hệ làm chủ thể để lý giải ông Hồ, và ngay bản thân ông Hồ, để nhận được viện trợ tiếp tục công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình, không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát ngôn và hành động như một thành viên của liên minh những người cộng sản."

"Thế hệ kém ông Hồ 10 tuổi như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay ông Trần Văn Giàu, do chịu sự giám thị gay gắt của nhà đương cục Thực dân, đã phải hoạt động tại nước ngoài một thời gian."

"Chính vì vậy, họ đã hiểu được tình hình bên ngoài và lý giải được một phần tinh thần nền cộng hòa của Hồ Chí Minh. Sự lý giải của họ là nhờ vào kinh nghiệm sống ở các nước Âu Mỹ, chủ yếu là nước Pháp."

Trong khi đó, GS. Tsuboi nói, thế hệ cách mạng sau này không mấy người từng sống ở nước ngoài.

"Họ thiếu đi nền tảng tư tưởng để có thể lý giải được đầy đủ "Tinh thần nền cộng hòa" mà Hồ Chí Minh đã đúc kết được sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại."

"Càng đến những thế hệ trẻ hơn, người ta càng có xu hướng lý giải Hồ Chí Minh chỉ theo góc độ là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. Cùng với việc thần tượng hóa Hồ Chí Minh, người ta đang đánh mất đi khả năng lý giải nội tại Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường."

Thời gian gần đây vẫn có các sách nghiên cứu, thậm chí tiểu thuyết về Hồ Chí Minh ở Phương Tây và châu Á, gần nhất là ở Đài Loan, đưa ra các quan điểm, thậm chí các giả thuyết khác nhau về thân nhân và suy tư của ông Hồ.

Nhà văn Dương Thu Hương vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Đỉnh Cao Chói Lọi ở Pháp với nhân vật Chủ tịch gợi lại nhiều nét về ông Hồ.

Riêng tại Việt Nam, các quan điểm chính thống về ông có vẻ như vẫn bị đóng khung trong cách nhìn giai cấp và đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đời tư của Hồ Chí Minh hiện vẫn là đề tài cấm kỵ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu và phát biểu của GS Tsuboi có cơ hội mở ra một cuộc tranh luận mới.

Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 859 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 36
Khách: 36
Thành Viên: 0