Một
nhóm các dân biểu liên bang Hoa Kỳ gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng kêu gọi nhà nước Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện những cam kết
về tôn trọng nhân quyền với thế giới.
Lời kêu gọi đợc các nhà lập pháp Hoa Kỳ đưa ra nhân kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời, ngày 10-12.
Đồng ký tên và cũng là tác
giả của bức thư ngỏ là dân biểu Loretta Sanchez, Chủ tịch Ủy ban Quân Vụ Hạ
Viện, đồng Chủ tịch Nhóm Việt Nam Caucus trong Quốc hội Mỹ. Trong cuộc trao đổi với Trà
Mi, bà Sanchez cho biết thêm về nội dung bức thư:
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi cùng với 7 bạn đồng viện gửi thư đến Thủ tướng
Việt Nam để kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền của mọi công dân, và đặc biệt là
yêu cầu họ phóng thích hai nhân vật cổ võ dân chủ là cô Phạm Thanh Nghiên và
anh Nguyễn Hoàng Hải đang bị giam cầm vì đã thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến
và tập họp.
Lá thư cũng đề nghị nhà nước Việt Nam xem xét lại những cam kết của
họ trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và công nhận rằng mọi người sinh ra
đều phải được hửơng những nhân quyền căn bản, và nhiệm vụ chung của tất cả
chúng ta là phải bảo vệ những quyền ấy.
Nhân quyền tại VN
Trà Mi: Vì sao những người đồng ký tên trong bức thư này lại
đặc biệt quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, thưa bà?
Dân biểu Loretta Sanchez: Đa số chúng tôi, những người đồng ký tên trong thư
ngỏ này, tin rằng Việt Nam nên tái bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần
đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, CPC.
Chúng tôi nhận thấy tình hình
nhân quyền của Việt Nam tồi tệ và chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu đòi hỏi nhà
cầm quyền phải thay đổi trong các lĩnh vực như quyền tự do chính trị, tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do tập họp của người dân.
Thời gian qua, kể từ khi Việt
Nam bước vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, chúng ta đã thấy hàng loạt các vụ
đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến cũng như bất cứ ai lên tiếng đòi hỏi dân
chủ. Và chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Hà Nội cần phải thay đổi điều này.
Trà Mi: Hai trong số các trường hợp, là anh Nguyễn Hoàng Hải
và cô Phạm Thanh Nghiên, được nêu lên cụ thể trong bức thư gửi đến Thủ tướng
Việt Nam lần này. Bà có thể cho biết lý do?
Dân biểu Loretta Sanchez: Vì đây là hai trong số những trường hợp đáng chú ý nhất
mà chúng tôi ghi nhận trong năm qua. Cô Nghiên bị bắt ngày 11/9 chỉ bởi hành
động toạ kháng tại gia. Thật buồn cười là công an có thể sách nhiễu và bắt bớ
cô ấy chỉ vì cô đã có hành động biểu tình cho dù là ngay tại nhà riêng của cô
ấy.
Đó là quyền tự do bày tỏ quan
điểm của con người mà. Còn anh Hải thì vì bức xúc về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa
lọt vào tay Trung Quốc mà phổ biến quan điểm và thông tin liên quan đến việc
này, nhưng thật không thể tửơng tượng là điều ấy lại dẫn đến hậu quả là anh ta
bị chính quyền cầm tù với mức án 2 năm rưỡi. Chúng tôi cảm thấy nhất thiết phải
tranh đấu cho những người này.
Tiếp tục áp lực
Trà Mi: Trong khi giới bảo vệ quyền làm người xem họ là những nhân
vật cổ võ cho nhân quyền thì nhà nước Việt Nam lại xác định họ là những người
phạm pháp. Theo bà, có đáp án nào khả dĩ cho vấn đề tranh cãi lâu nay ấy không?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi nghĩ rằng một trong những điều mà nhà nước Việt
Nam phải làm là coi lại Hiến pháp của họ. Những người chỉ ngồi tại nhà biểu lộ
thái độ phản đối không thể bị xem là thành phần “khủng bố” nguy hiểm đối với
nhà nước được.
Hà Nội lạm dụng cái định
nghĩa bao quát ấy hầu ngăn chặn bất cứ ai có quan điểm bất đồng. Theo tôi, sự khác
biệt về quan điểm là một điều tốt, nó được gọi là dân chủ. Chúng tôi muốn thấy
sự cởi mở hơn nữa của chính phủ Việt Nam.
Trà Mi: Nhưng có cách nào có thể giúp thúc đẩy nhà nước Việt
Nam thực hiện điều đó hay không?
Dân biểu Loretta Sanchez: Chính là áp lực từ cộng đồng quốc tế. Mọi người quan
tâm đến các vấn đề nào là mậu dịch, kinh tế, hay khủng hoảng kinh tế. Theo tôi thì
chúng ta nên nhìn lại tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Trà Mi: Hiện có chỉ trích rằng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
của Liên Hiệp Quốc là văn kiện không có tính ràng buộc nên không mấy tác dụng
trong thực tế và cũng không được tôn trọng đúng mức. Vậy giải pháp nào cho vấn
đề để bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu, theo bà?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi nghĩ với Tổng thống tân cử Barrack Obama và Ngoại
trưởng Hillary Clinton, chúng ta sẽ thấy một sự thúc đẩy rất mạnh mẽ hầu củng
cố tác dụng của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và tôi nghĩ tình trạng nhân quyềnViệt
Nam sẽ bị nêu lên trước cả thế giới.
Trà Mi: Xin thành thật cảm ơn dân biểu Loretta Sanchez đã dành
cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.