Thứ Ba, 2024-11-05, 8:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 13 » Cam Kết Với Dân (ODA)
5:14 AM
Cam Kết Với Dân (ODA)
 


Trong khi, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc quan tâm tới các con số: “Nếu không có vụ PCI, cam kết ODA có thể vượt qua 6 tỷ”. Thì, Đại sứ Nhật, ông Mitsuo Sakaba, nêu lên một sự thật đau lòng: “Sẽ khó lấy lại sự ủng hộ từ công chúng Nhật Bản để thúc đẩy viện trợ thêm cho Việt Nam”. Nhật là nhà tài trợ ODA lớn nhất, tuy nhiên, theo ông Sakaba: “Tất cả các thủ tục liên quan đã bị tạm ngưng kể từ sau khi vụ tham nhũng PCI được lôi ra ánh sáng”. Xử lý dứt điểm vụ PCI giờ đây cũng có thể như là một cam kết, nhưng sẽ là sai lầm khi coi đó là cam kết với “công chúng Nhật” hay với các nhà tài trợ thay vì cam kết với nhân dân và với tương lai đất nước.

Không mấy ai bất ngờ về quyết định nói trên của người Nhật. Năm tháng sau khi các quan chức PCI của Nhật khai là họ phải hối lộ 2,6 triệu USD cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý dự án xa lộ Đông Tây, ông Sĩ mới bị đình chỉ chức vụ. Sử dụng cán bộ thì phải tin (như lý lẽ của ông Nguyễn Thành Tài, PCT UBND TP), nhưng niềm tin ấy không chỉ đến từ cấp trên (của ông Sĩ) mà còn phải đến từ nhân dân. Năm tháng qua, ông Sĩ đã không còn giữ được niềm tin của người dân cũng như không còn niềm tin của những nhà tài trợ. Dù rằng, những “chứng cứ mà phía Nhật cung cấp” là còn “sơ sài”. Nhưng, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động thu thập các chứng cứ này bởi chống tham nhũng không phải vì người Nhật. (Cho đến khi các quan chức Nhật ra tòa nhận tội, một quan chức chống tham nhũng thừa nhận trên báo Tuổi Trẻ là vẫn đang “chờ chỉ đạo” và cảnh sát chưa hề lấy cung ông Sĩ).

Có thể vụ PCI đã không gây hậu quả về uy tín tới mức như vậy nếu như nó không xảy ra đồng thời với các diễn biến “hậu PMU” trong đó có sự kiện bắt hai nhà báo. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, hai nhà báo ra tòa là bởi họ vi phạm pháp luật Việt Nam chứ không phải vì họ đưa tin chống tham nhũng. Nhưng, vấn đề không phụ thuộc vào cách giải thích của Bộ trưởng ta mà là ở cách hiểu của các nhà tài trợ. Trong cuộc đối thoại về chống tham nhũng với Chính phủ, Đại sứ Phần Lan đã ví von việc bắt nhà báo như là một cách “nhằm bắn người đưa tin”, cho dù những người đưa tin cũng “có phần nào sai sót”.

Ba năm trước, Bùi Tiến Dũng, Tổng Giám đốc PMU 18, bị bắt giam vì đánh bạc. Cho dù số tiền mà Bùi Tiến Dũng dùng để cá độ mà cơ quan điều tra chứng minh được là 760 nghìn chứ không phải 2,6 triệu USD như nguồn tin ban đầu thì đó vẫn là một tài sản mà không có quan chức chân chính nào có thể mong có được. Nhưng Bùi Tiến Dũng vẫn chưa bị xét xử bởi các tội danh tham nhũng. Đành rằng, không thể buộc Bùi Tiến Dũng tham nhũng nếu tòa không có chứng cứ. Nhưng, nếu như một nhà nước không có các thiết chế kiểm soát thu nhập của các quan chức, bó tay trong khi những kẻ tham nhũng có thể giàu thêm hàng triệu đô la, thì các nhà tài trợ và người dân làm sao có thể tin là tiền bạc của mình sẽ không bị xà xẻo khi đặt vào tay quan chức.

Cho đến nay, tài sản của ông Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn đang là một bí mật với người dân dù theo quy định thì ông Sĩ thuộc vào hàng cán bộ phải kê khai tài sản. Không thể chống tham nhũng nếu thiếu sự minh bạch, nếu ai muốn giữ “quyền được bí mật về tài sản” thì cứ làm dân. Nếu như một thường dân mua nhà mua xe là chuyện riêng tư thì một người đang có chức, có quyền, mua hạt xoàn cho vợ, sắm xe hơi cho con phải trở thành những sự kiện được công khai trên báo chí. Rất khó để có được “biên nhận” của những khoản tiền hối lộ trong khi dân vẫn có thể xác định những bất động sản mà các quan chức có được trong thời gian nắm quyền, kể cả những tài sản chuyển sang tên người khác.

Không phải tự nhiên mà sau khi khảo sát tình hình chống tham nhũng ở các địa phương, các nhà tài trợ nói trong cuộc đối thoại với Chính phủ về chống tham nhũng hôm 28-11 rằng, để các chủ tịch ủy ban đứng đầu ban chỉ đạo chống tham nhũng là “mâu thuẫn về lợi ích”. Nhưng, cho dù các ban chỉ đạo chống tham nhũng không đứng trước những “mâu thuẫn về lợi ích”, quyết tâm chống tham nhũng cũng rất khó thực hiện nếu như những mắt xích trong bộ máy không được tôn trọng và không làm tốt vai trò của mình. Những người như ông Huỳnh Ngọc Sĩ chắc chắn sẽ không thể trở thành Giám đốc Ban quản lý Dự án xa lộ Đông Tây nếu việc bổ nhiệm ông được đưa ra phê chuẩn tại Hội đồng Nhân dân. Các đại biểu của dân, nếu có quyền lực thật sự, chắc chắn sẽ không chấp nhận ông Sĩ, một người mà khi làm giám đốc công ty Thanh niên Xung phong đã xây dựng những công trình tai tiếng như Trạm thu phí xa lộ Hà Nội và đường Nguyễn Hữu Cảnh, trở thành Giám đốc quản lý Dự án xa lộ Đông Tây, một công trình quan trọng.

Cũng trong cuộc đối thoại hôm 28-11, Tổng Thanh tra Chính Phủ Trần Văn Truyền kêu gọi các nhà báo “phải dám đương đầu”. Ông Tổng Thanh tra nói như vậy có thể vì ông ý thức được rằng không thể chống tham nhũng nếu không có sự công khai, minh bạch. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà báo đều có thể dũng cảm chỉ sau một lời động viên. Chính ông Truyền cũng đã phải thừa nhận là đã xuất hiện “một số phóng viên ngán ngại” sau vụ xử hai nhà báo. Một chính quyền thực sự muốn chống tham nhũng sẽ coi báo chí và những phương tiện có thể giúp tạo ra sự minh bạch như internet, blog… như là những đồng minh. Muốn nhân dân và báo chí trở thành đồng minh thì phải có những cam kết cải cách để một xã hội dân sự có thể hình thành và mọi người đều có được sự an toàn khi “đương đầu” với tham nhũng.

Huy Đức
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 714 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 210
Khách: 210
Thành Viên: 0