Thứ Ba, 2024-12-24, 8:56 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 15 » Hy vọng nào cho Việt Nam?
2:31 PM
Hy vọng nào cho Việt Nam?

Nguyễn Văn Huy

 
Năm 2008 chấm dứt trong hoang mang và lo sợ. Cuộc khủng hoảng tiền tệ và tài chính quốc tế, kéo theo suy thoái kinh tế trên qui mô toàn cầu, ảnh hưởng đến sự tồn tại của mọi quốc gia và đe doạ cuộc sống của từng gia đình. Không ai tiên đoán được những gì sẽ xảy ra trong năm tới, tất cả mọi chỉ số kinh tế, tài chính đưa ra đều bi quan: tỉ lệ tăng trưởng của các quốc gia phát triển phương Tây nếu không là âm thì cũng là số không. Tỉ lệ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển không lạc quan gì hơn: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam không những không còn cơ sở dể duy trì tăng trưởng cao mà còn có thể bị kéo xuống số âm, vì mất nguồn lợi chính do xuất khẩu mang lại.

Trước viễn ảnh đen tội này, phản ứng của thế giới đã ra sao? Những biện pháp đưa ra có hy vọng mang lại ổn định không ? Đó còn là những dấu hỏi lớn.

Khác biệt giàu nghèo

Theo dõi những hành động và tuyên bố gần đây của những nhà lãnh đạo các quốc gia phát triển, những số tiền dự trù chi ra để cứu nguy sinh hoạt tài chính và kinh tế thật là chóng mặt. Người ta không nói tới hàng trăm triệu, hàng tỉ, hàng chục tỉ mà là hàng trăm, hàng ngàn tỉ USD.

Chỉ riêng lãnh vực tài chính không thôi, tổng số tiền bị mất trong các thị trường chứng khoán quốc tế lên đến 36 000 tỉ USD. Để cứu vãn, Kế hoạch Paulson của Hoa Kỳ dự trù chi ra 700 tỉ USD, Liên Hiệp Châu Âu hơn 900 tỉ USD. Để khắc phục suy thoái kinh tế, tổng thống Hoa Kỳ, George Bush, dự trù chi ra 168 tỉ USD trong khi tổng thống vừa đắc cử Barack Obama đưa ra con số 700 tỉ USD để phục hồi sinh hoạt kinh tế Hoa Kỳ. Trung Quốc dự chi 586 tỉ USD để thúc đẩy mãi lực trong nước. Nhật Bản dự trù 207 tỉ USD để nâng đỡ các xí nghiệp trong nước. Liên Hiệp Châu Âu đưa ra con số 360 tỉ USD để phục hồi bộ máy sản xuất, v.v. Đó là chưa kể những số tiền mà từng bộ, từng ngành, từng địa phương dự trù chi ra để tài trợ những sinh hoạt kinh tế cục bộ của từng ngành, từng vùng; mỗi kế hoạch cũng phải vài tỉ đến vài chục tỉ USD.

Không biết những quốc gia giàu có này lấy tiền ở đâu ra để tài trợ nền kinh tế đang lâm nguy. Có thể họ sẽ vay mượn các định chế tài chính và tiền tệ quốc tế, hoặc lấy từ kho dự trữ, hoặc đánh thuế cao hơn. Nhưng cho dù có thế nào, các quốc gia giàu có này cũng sẽ có những số tiền đó chỉ vì một lý do giản dị : tích sản và tổng sản lượng quốc gia của họ còn quá cao để thế chấp khi đi vay. Ngược lại, trong bối cảnh đó, các quốc gia nghèo yếu thuộc thế giới thứ ba khó có hy vọng vượt qua, vì quá kiệt quệ.

Cứ biết một tỉ USD là một ngàn triệu USD, chỉ riêng với một triệu USD không thôi người ta có thể xây dựng một nhà máy chế biến hay sản xuất nông nghiệp hiện đại có khả năng thu dụng cả ngàn nhân công tại châu Phi hay châu Á; với một tỉ USD thì số người được tuyển dụng sẽ lên tới hàng trăm ngàn người và mức sống của quốc gia đó cũng sẽ được nâng lên theo nhờ lợi tức do số tiền đầu tư canh tác nông nghiệp này mang lại. Nhưng đó chỉ là ước mơ, ngân sách của nhiều quốc gia nghèo khó không có nổi một tỉ USD để mua lương thực, thực phẩm.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới này rất là trầm trọng. Chính vì quá trầm trọng nên những số tiền từ những quốc gia phát triển dự trù tung ra rất là đồ sộ, thứ nhất là để trấn an dư luận nước họ, thứ hai là để tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo kinh tế thế giới, ít nhất trong vài thập niên nữa. Lãnh đạo ở đây phải hiểu là các quốc gia nghèo khó sẽ tiếp tục phục vụ các quốc gia giàu có, nhưng lần này không do những quốc gia giàu có trực tiếp vào khai thác mà qua trung gian các quốc gia đang phát triển thay mặt họ vào đầu tư để sau đó xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các quốc gia giàu có để tiêu thụ. Bù lại, các quốc gia nghèo khó này sẽ thu vào ngoại tệ do xuất khẩu mang lại. Nhưng đó là trường hợp của những quốc gia may mắn tại Đông Nam Á và Bắc Phi.

Đối với phần còn lại của thế giới, nhất là các quốc gia châu Phi da đen và Đông Nam Á chậm tiến, ngoài việc vơ vét tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động rẻ tiền trong nước xuất khẩu, sự tồn tại của các chính quyền này phần lớn nhờ vào viện trợ. Với nguồn viện trợ này, các chính quyền độc tài châu Phi và châu Á thường lấy làm của riêng để làm giàu cho mình hoặc phe nhóm mình, bất chấp sự nghèo khó của dân chúng.

Nếu tình trạng này không thay đổi, các quốc gia nghèo sẽ cứ tiếp tục nghèo, các quốc gia giàu cứ giàu thêm và các quốc gia trung gian sẽ vẫn là trung gian phục vụ sự ăn trên ngồi trước các quốc gia nghèo.

Cái gì đã làm các quốc gia phát triển trở nên giàu có? Thật ra ít ai biết rằng sự cách biệt giữa giàu và nghèo này chỉ là sáng kiến và ý kiến. Nhờ luôn luôn tôn trọng và khuyến khích sáng kiến và ý kiến, các quốc gia phát triển thường vượt qua khó khăn một cách dễ dàng. Trong cuộc khủng hoảng năng lượng và suy thoái kinh tế lần này, những nhà nghiên cứu phương Tây đang thiết kế những xưởng chế tạo xe hơi dùng năng lượng tái sinh ngoài dầu hỏa. Trong khi đó, vì thiếu sáng kiến và sợ ý kiến, các quốc gia nghèo khó chỉ quanh quẩn tìm miếng ăn hoặc chìm đắm trong căm thù và tranh chấp, càng tranh chấp họ lại càng lệ thuộc nhiều hơn vào những quốc gia đỡ đầu để rồi cuối cùng bị khai thác một cách không thương tiếc, khi đã biết thì quá muộn màng.

Tương lai nào cho Đông Á?

Từ một vài năm trở lại đây, Tổ nghiên cứu Đông Á của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tại Nhật Bản, đã thường xuyên cung cấp những bài bình luận cũng như tin tức về các quốc gia Đông A trên nguyệt san Thông Luận. Mục đích của loạt bài này trước hết là để thông tin và bình luận, kế là rút kinh nghiệm từ những chính sách đã thi hành để học hỏi. Đối tượng loạt bài viết này là những người còn quan tâm đến tương lai đất nước.

Về Trung Quốc, các bài viết đã lần lượt phân tích và bình luận sức mạnh kinh tế lẫn quân sự, có khi còn so sánh với các quốc gia khác trong vùng. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế lẫn quân sự. Nhưng sức mạnh này dùng để làm gì ?

Khác với các quốc gia phương Tây và Nhật Bản, sức mạnh của Trung Quốc chỉ nhằm hiếp đáp hay khai thác những quốc gia nhỏ bé và yếu kém hơn. Bắc Kinh đã không ngần ngại tuyên bố chủ quyền trên những vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản trên Biển Đông và sẵn sàng dùng vũ lực để chiếm giữ những hải đảo ngoài khơi và bắn phá các tàu thuyền dân sự đi lại trên những vùng đang có tranh chấp.

Để truy lùng tài nguyên, Bắc Kinh đang thúc đẩy phong trào "thảo du", nghĩa là xuất khẩu người đi du học hay đi làm việc tại nước ngoài, khi thành tài thì mang những kiến thức hay nguồn tài chính dành dụm đó về nước phục vụ. Hiện nay số nhân công Trung Quốc làm việc tại các quốc gia dầu lửa rất đông, nhiều nhất là tại châu Phi, một lục địa mà các quốc gia châu Âu đang bỏ rơi vì không còn gì để khai thác. Chính vì bị châu Âu bỏ rơi, các quốc gia châu Phi đã dễ dàng ngả vào vòng tay của Trung Quốc một cách dễ dàng. Một khi đã làm việc với người Trung Quốc, lãnh đạo các quốc gia nghèo kém hơn mới thấy rằng mình đã bị khai thác một cách quá đáng và không hưởng một phúc lợi nào từ nguồn đầu tư của Trung Quốc mang lại. Cũng nên biết khi đầu tư tại các quốc gia nghèo khó, các công ty Trung Quốc chỉ sử dụng người Trung Quốc.

Tuy nhiên nếu quan sát kỹ, sức mạnh kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc không thể tồn tại lâu vì không có nền tảng xây dựng vững chắc. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc dựa vào xuất khẩu, nếu không xuất khẩu được nữa thì... khánh tận. Hiện nay, mỗi tháng có hàng ngàn công ty, xí nghiệp cỡ nhỏ và trung bình đóng cửa, sa thải công nhân. Tổng số người mất việc hiện nay lên đến 200 triệu người cộng với số «lưu dân» - từng ước lượng là 200 triệu - từ nông thôn ra các đô thị kiếm việc. Lấy gì để nuôi khối người thất nghiệp khổng lồ này?

Bắc Kinh dự trù chi 586 tỉ USD để phục hưng sức mua của dân chúng. Sự thành công của biện pháp này rất đáng nghi ngờ vì người Trung Quốc chưa quen tiêu thụ, nếu dư tiền thì họ để dành phòng khi đau yếu.

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng không hù doạ được ai. Tất cả các bằng sáng chế vũ khí hiện đại mà Trung Quốc đang sản xuất đều mua từ nước ngoài. Nếu xảy ra chiến tranh, các nhà máy sản xuất, kho vũ khí và căn cứ quân sự (này) chắc chắn sẽ bị phá huỷ bởi hoà tiẽn do vệ tinh thám thính hướng dẫn. Thêm vào đó, sự trang bị của binh sĩ Trung Quốc còn rất kém so với các quốc gia khác trong vùng. Lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc còn rất yếu, tỉ dụ nếu có tranh chấp quân sự với Đài Loan ngay lúc này, các lực lượng quân sự trên không và dưới biển của Trung Quốc sẽ bị loại ra khỏi vòng chiến một cách dễ dàng vì trang bị dưới cấp đối thủ.

Nếu Việt Nam cứ tiếp tục xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc sẽ không dám tấn công Việt Nam. Trước hết vì sợ dư luận quốc tế, thứ hai vì sợ bị thiệt hại, quân đội Trung Quốc rất e ngại binh chủng đặc công của Việt Nam. Sở dĩ phải lý luận dài dòng như vậy vì muốn chính quyền cộng sản Việt Nam nhận định cho xác thực: không nên lo sợ Trung Quốc một cách quá đáng như hiện nay.

Có thể ví Trung Quốc hiện nay như Lưu Tường, vận động viên chạy vượt rào, đoạt huy chương vàng tại Thế Vận Hội Athens năm 2004. Lưu Tường được báo chí và dư luận tâng bốc thành anh hùng dân tộc. Huy chương vàng mà Lưu Tường đoạt được xứng đáng với cố gắng của anh thời đó, nhưng Lưu Tường không phải là nhà vô địch vĩnh cửu. Trong Thế Vận Hội Bắc Kinh năm nay Lưu Tường đã phải bỏ cuộc vì không thực tài và không đủ sức. Nền kinh tế của Trung Quốc giống trường hợp Lưu Tường, được dư luận bơm lên quá đáng trong khi khả năng có giới hạn. Cái hay của Lưu Tường là không khoe khoang, hiếp đáp ai mà chỉ im lặng đi vào bóng tối. Trong khi Trung Quốc thì phô trương ồn ào và hù doạ tất cả mọi người, khi va chạm với thực tế, tức là do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, người ta chợt phát hiện Trung Quốc không giàu và mạnh như mọi người lầm tưởng. Nguy cơ tan vỡ và loạn lạc đang chực chờ nổi dậy.

Còn hy vọng nào không?

Trước bối cảnh đen tối vào dịp cuối năm, tương lai Việt Nam sẽ như thế nào? Không ai dám tiên đoán. Có thể xấu và cũng có thể tốt. Tất cả tùy thuộc vào quyết tâm có muốn thay đổi để Việt Nam vươn lên hay không.

Nếu không làm gì cả tình hình sẽ rất báo động. Những chỉ số kinh tế, tài chính trong những tháng cuối năm rất là bi quan : tăng trưởng kinh tế không thể ở mức 6-7%, vì thâm hụt thương mại đã lên tới 24 tỉ USD (tuy không dám nhập khẩu thêm từ tháng 7 đến tháng 12-2008 và xuất khẩu chẳng gia tăng), tỉ lệ lạm phát vẫn ở mức 30%, v.v.

Nếu chính quyền Việt Nam muốn thay đổi để vượt qua bế tắc, điều phải làm đầu tiên là trả tự do thật sự cho dân chúng. Hãy để dân chúng tự do phát huy sáng kiến và ý kiến, người ta sẽ thấy đất nước này sẽ thay da đổi thịt. Chính người dân sẽ cứu nguy chế độ chứ không phải ngược lại. Chính quyền có thể bị phê bình hay chỉ trích trong nội bộ đảng, nhưng đây là một phong thái sinh hoạt bình thường của mọi xã hội tự do. Phải có phê bình và chỉ trích, cũng như phải có cạnh tranh trong thi đua, mua bán mới có tiến bộ. Chỉ những thành phần xấu mới sợ bị phê bình và chỉ trích.

Điều phải làm thứ hai là trả lại quyền tư hữu cho người dân. Người ta chỉ yêu thương và bảo vệ cái gì của chính mình, do chính mình làm ra. Điều kiện này chỉ có lợi cho chính đảng cộng sản, vì theo luật pháp tất cả bất động sản mà các cấp lãnh đạo cộng sản đang nắm giữ không thực sự là của họ. Nếu chưa có đạo luật tôn trọng quyền tư hữu, tranh chấp và thù oán không bao giờ chấm dứt, chính các cấp đảng viên cộng sản là đối tượng của ganh ghét và oán thù. Khi trả lại quyền tư hữu cho người dân, chính quyền không cần làm một có gắng nào mà đất nước cũng tự nhiên có phát triển chỉ vì một lý do giản dị : ai cũng muốn tài sản của mình có thêm giá trị để trao đổi hay để tự hào. Chính những hành động giản dị và vô cùng tự nhiên này mới là động cơ thúc đẩy sáng kiến và ý kiến.

Cần nhắc lại một lần nữa: phải có tự do thực sự đất nước mới đi lên.

Nguyễn Văn Huy

Nguồn: Thông Luận
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 936 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0