Thứ Năm, 2024-03-28, 4:28 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 15 » Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong những năm qua: Những tiến bộ và khó khăn
2:32 PM
Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong những năm qua: Những tiến bộ và khó khăn

Đỗ Văn Phúc




Sự suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ kéo theo một loạt những khủng hoảng tại hầu hết các nước trên thế giới, dù là nước giàu mạnh phát triển hay là nước nghèo khó, chậm tiến. Việt Nam cũng không thoát ra ngoài ảnh hưởng đó, mà còn sâu nặng hơn. Họ đang đối diện với muôn vàn khó khăn cả về kinh tế lẫn xã hội. Và điều không thể tránh được là ảnh hưởng sâu sắc của chúng đè lên hệ thống chính trị Cộng Sản mà sự tồn tại hay tiêu vong sẽ tùy vào khả năng đáp ứng khôn ngoan của những người lãnh đạo. Điều này có lẽ rất đáng nghi ngờ đối với một tập đoàn mà khả năng và kiến thức kinh tế rất hạn hẹp trong khi tham vọng quyền lực thì quá to lớn.

Trong năm qua, Việt Nam đã lâm vào tình trạng phá sản của hàng loạt doanh nghiệp. Theo Liên Ðoàn Lao Ðộng Sài Gòn, từ đầu năm đến nay, có khoảng 17 doanh nghiệp bị giải thể, làm hàng ngàn công nhân thất nghiệp. Thêm 16 doanh nghiệp ngất ngư. Tính theo tỷ lệ thì toàn quốc có khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, 60% khác đang thoi thóp. Hơn 50% doanh nghiệp trong nước báo cáo đang thua lỗ và khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài có báo cáo tương tự.

Đa số doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng hết sức bi đát và tương lai của công nhân là bóng tối ở cuối con đường.

Nhân dịp cuối năm, chúng ta thử tính sổ xem Việt Nam đã đạt được những bước tiến nào, và còn tồn tại những khó khăn nào.

Khách quan mà nói, thì từ hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có một sự tăng trưởng kinh tế khá cao (trung bình 6% mỗi năm từ 2003 đến 2007), tuy nhiên những cải cách vẫn còn rất  dưới mức khả hữu để đưa Việt Nam lên ngang hàng những nước có lợi tức trung bình, tức là những nước kém mở mang. Sự tăng trưởng cao không có gì đáng ngạc nhiên cả. Vì những nước kém phát triển so với các nước phát triển, như các em bé sơ sinh so với người đã trưởng thành. Trẻ thơ lớn lên thấy rõ từng ngày; trong khi người lớn thì gần mức bảo hoà, chẳng thấy mấy lớn thêm. Do đó, người ta không lấy mức tăng trưởng để lượng giá, mà phải so sánh với những nước trong cùng một nhóm với nhau. Lấy tổng sản lượng quốc gia chia cho đầu người (GDP per Capita), thì Việt Nam ở mức dưới 1000 đô la, chỉ cao hơn Cambodia và Nigeria; so với Malaysia và Mexico (thuộc nhóm trung bình) là 12000 đô la, Mỹ là $45000 (thuộc nhóm phát triển).

Lực lượng công nhân được tận dụng chỉ ở mức 54%. Nếu chia Tổng sản lượng cho số nhân công, (GDP per employee) thì nhân công Việt nam làm ra được 5000 đô la mỗi năm. Tuy nhiên, mức lương trung bình hàng tháng dưới US$50, thấp hơn cả Kampuchea. Nói chung, so với các nước có lợi tức thấp, VN vẫn ở dưới mức trung bình.

Đầu tư của tư bản nội địa chiếm 33% của GDP, có khuynh hướng giảm dần so với các năm trước. Đầu tư ngoại quốc chiếm 62%, có gia tăng. Tuy nhiên gần đây, nhiều nước đã biểu lộ sự thất vọng và sẽ rút đầu tư. Nhật sau vụ quan chức Việt Nam nhận hối lộ bị đổ bể là một thí dụ.

Về xuất cảng, Việt Nam có gia tăng, chiếm 80% GDP. Nhưng mức nhập cũng tăng lên đáng kể. Việt Nam vẫn quanh quẩn xuất cảng nguyên vật liệu là chính. Kế đó là bán thành phẩm. Sản phẩm biến chế và dịch vụ thì rất thấp (chỉ chiếm 0.25% của tổng số xuất cảng dịch vụ thế giới (world export share).

Do đâu mà có tình trạng kém cỏi như trên? Chúng ta thử nhìn sâu vào các vấn đề quản lý và sách lược kinh tế của Cộng Sản Việt Nam trong thời gian vừa qua:

1.- Đánh giá khả năng cạnh tranh trong kinh tế Việt Nam:

Khả năng cạnh tranh kinh tế của một nước lệ thuộc vào tính sản xuất (productivity) trong đó có sự xử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhân lực, và tài nguyên. Tính sản xuất dẫn đến mức sống khả hữu như mức lương, lợi nhuận từ nguồn vốn và tài nguyên. Nó phát xuất từ sự phối hợp của doanh nghiệp bản địa và ngoại quốc, trong đó công nghiệp bản địa là căn bản cho sự cạnh tranh. Các khu vực tư nhân và quốc doanh phải đóng các vai trò khác nhau nhưng phải liên đới nhau.

Sự cạnh tranh trong kinh tế đại tượng hay còn gọi là vĩ mô (Macroeconomic competitiveness ) là điều kiện cần nhưng chưa đủ tạo ra khả năng sản xuất tính cao.

Tính sản xuất lệ thuộc vào sự cải thiện năng lực của kinh tế tiểu tượng hay vi mô (microeconomic capability) và sự tế nhị trong cạnh tranh địa phương.

Cạnh tranh trong kinh tế vĩ mô (Macroeconomic Competitiveness) có liên quan đến hạ tầng kiến trúc xã hội và định chế chính trị.  Chúng ta cũng phải kể đến tiềm năng căn bản về nhân lực. Đó là nền giáo dục, hệ thống y tế.

Một nước phải có đủ tư do chính trị, bảo đảm nhân quyền, sự ổn định khả tín, hệ thống luật pháp độc lập, hữu hiệu, hành chánh trong sạch.

Các chính sách về kinh tế vĩ mô gồm chính sách về tài chánh (thâm thủng hay thặng dư của chính phủ, các món nợ của nhà nước, mức tiết kiệm và mức độ đầu tư, sự lạm phát, mức tiền lời, sự hữu hiệu của chính phủ, sự tập trung trong việc hoạch định chính sách kinh tế)

Dựa vào những tiêu chuẩn trên, chúng ta có thể đánh giá:

Việt Nam nói rất nhiều về các dịch vụ công cộng căn bản, nhưng phẩm chất thì rất tồi tệ. Nhờ vào chế độ độc tài và nền pháp luật khắt khe, Việt Nam có sự ổn định chính trị cao hơn nhiều nước dân chủ thực sự. Tuy nhiên, sự ổn định không bù được khó khăn tham nhũng, và thiếu hữu hiệu trong việc thi hành pháp luật, thiếu hẳn sự đối thoại kinh tế và chính trị. Việt Nam bị liệt vào nhóm của khoàng 10 nước tham nhũng nhất thế giới nhưng lại có khuynh hướng cải thiện rất thấp trong những năm qua (2%).

Từ đó, Việt Nam không được sự tín nhiệm của quốc tế. Ngoài tham nhũng, còn điểm xấu là thiếu phẩm chất trong sự điều hành và tuân thủ pháp luật.

Cạnh tranh trong kinh tế vĩ mô (hay Đại tượng) liên quan đến môi trường doanh nghiệp, Sách lược cho các hãng xưởng và đối thủ cạnh tranh. Không thể thiếu các luật lệ địa phương, sự khen thưởng để khuyến khích đầu tư, và sản xuất. (vốn, sáng chế…), Cạnh tranh mức địa phương, cởi mở cho sự cạnh tranh ngoại quốc và nội địa. Về các tiêu chuẩn này, Việt Nam còn rất kém.

Việt Nam cũng kém về các điều kiện tiên khởi là nhân lực, vốn có sẵn, hạ tầng cơ sở, hành chánh hạ tầng (đăng bộ, giấy phép…), thông tin và sự rành mạch, rõ ràng, hạ tầng về kỹ thuật và khoa học, cùng các kỹ nghệ yểm trợ và cung cấp. Những nhà lãnh đạo kinh tế Việt Nam thiếu hiểu biết tính phức tạp của nhu cầu và khách hàng (phẩm chất, an toàn, tiêu chuẩn về môi sinh). Do đó, hàng hoá Việt Nam thường bị chê tại nhiều nước và ngay trong quốc nội.

Sự can thiệp của chính phủ do quái thai chính sách kinh tế Tư bản nhưng theo định hướng Xã hội chủ nghĩa đẩy Việt Nam xuống hàng 119 trong các quốc gia thiếu cởi mở về kinh tế. và là trở ngại ngăn cản ngoại thương (thuế nhập khẩu quá cao) (hàng thứ 113). Đó cũng là yếu tố làm chậm sự cạnh tranh.

2.- Về môi trường doanh nghiệp:

Những năm sau này, Việt Nam phát triển hệ thống thông tin, điện thoại (đứng thứ 72). Có sự gia tăng trong cạnh tranh giữa các địa phương (hàng thứ 75)

Nhưng như vừa dẫn trên, Việt Nam có các bất lợi lớn như sự can thiệp của chính phủ cao, hàng rào thuế quan khắt khe (113), thiếu năng lượng (109), thiếu tài trợ, sự phức tạp của cơ cấu thị trường tài chánh (109),  thiếu sự sáng tạo (99), hệ thống tiếp vận, giao thông, đường sá kém cỏi (96)

Người ta cũng phê bình mức tốn kém trong việc doanh thương tại Việt Nam: kém nhất về bảo vệ đầu tư, thuế cao. Trong những năm qua, sự tranh chấp đất đai tại các thành phố, vấn đề sở hữu đất đai vùng quê cũng gay gắt, không nhìn thấy khả năng giải quyết mà còn có thể dẫn đến xung đột trầm trọng. Nói rõ hơn, có thể đưa đến cách mạng lật đổ.

Việt Nam hiện nay là một nước mà công nghiệp quốc doanh (State-Owned Enterprises -SOEs)  còn đóng vai trò then chốt dù rằng đã có sự hưá hẹn sẽ tư hữu hoá vài lãnh vực. Tiếng là quốc doanh, nhưng các cấp điều hành lạm quyền mà chính phủ lại thiếu sự kiểm soát. Cho nên, hậu quả tất yếu là chỉ đem lại sự thất bại. Các công ty tư nhân thì ngần ngại khi nhảy vào nền kinh tế. Nạn tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng. Sự ổn định kinh tế bị xấu đi do tiền đầu tư  quá lớn mà lại dựa vào nợ hơn là tiền có sẵn. Dù rằng ngân sách và các món nợ ở mức tạm chấp nhận, ngân sách Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào viện trợ của ngoại quốc hơn là tự túc, và tình trạng lạm phát ở múc phi mã..

3.- Một kế sách lâu dài, hợp lý và hợp thời?

3.1.- Một sách lược và chương trình tư hữu hoá phải dựa vào sự thay đổi cấu trúc hơn là sự thay đổi quyền làm chủ. Nó phải song hành với sự mở cửa thị trường tự do và chính sách để kích thích sự cạnh tranh, phát huy những tài năng mới.

Trong những năm qua, CSVN từng liên tiếp hứa hẹn sẽ trừ nạn tham nhũng để làm an tâm những nhà đầu tư ngọai quốc. Nhưng thực tế, việc này bất khả thi vì chính các lãnh đạo chóp bu lại là những tay tham nhũng gộc. Do đâu mà họ có hàng tỷ đô la gửi ngân hàng ngoại quốc, cuộc sống của họ xa hoa ngang hàng với các vua Ả Rập và tỷ phú Hoa Kỳ. Họ chỉ đưa ra xử vài vụ đã bị phát giác và ở cấp thừa hành hay trung cấp mà thôi. Có khi cho chìm xuồng luôn. Vì thế, giới quan sát ngoại quốc đã rộng lượng lắm mới phê rằng có những tiến bộ rất nhỏ. Việc bài trừ tham nhũng phải được nâng lên hàng quốc sách. Nhưng ai là người thi hành và kiểm soát việc thi hành khi các cấp đảng từ Bộ Chính Trị trở xuống đều là tội phạm?
Viêt Cộng cố tình duy trì sự phức tạp về quy luật điều hành, hạn chế các kỹ thuật thông tin để dễ bề thao túng và kiếm chác.

Nạn tham nhũng, một trong những nguyên nhân của sự chậm phát triển sẽ không dứt nếu họ không soạn ra những quy luật rõ ràng, minh bạch; cải thiện hạ tầng, cải tổ sâu sắc thị trường tài chánh, hạ giá thành trong các thủ tục để bắt đầu một doanh nghiệp. Cho báo chí hoàn toàn tự do.

3.2.- Khuyến khích tài năng qua sự tưởng thưởng những phát minh, hiệu quả sản xuất.
VN đã có những đầu tư ở cấp hạ tầng, nhưng chưa có sức tác động và đồng bộ với sức phát triển kinh tế chung. Có nhiều nỗ lực bị chồng chéo nhau và dẫn đến bế tắc nghiêm trọng.
Nhờ sự gia nhập vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), VN đã có những tiến bộ nhất định về thị trường tài chánh. Nhưng ngay trước khi có sự khủng hoảng tài chánh thế giới, thì VN đã biểu lộ sự suy yếu và đã có những mâu thuẫn (constraints) nội tại của các công ty tư nhân. Đó là thách thức lớn nhất mà sẽ còn ảnh hưởng về lâu.

Dù đã đề ra mục tiêu cải tổ về quy chế, nhưng thiếu những khảo hướng từ gốc rể, doanh nhân và công dân VN khó thoát khỏi những rắc rối chồng chất khi cần lo các thủ tục và tiếp xúc với nhà cầm quyền mọi cấp.

3.3.- Về đào tạo nhân tài: Tuy có sự gia tăng về sĩ số sinh viên, nhưng chất lượng giáo dục quá kém và không theo kịp tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Ngoài ra, VN cũng thiếu hẳn một hệ thống huấn nghệ và tu nghiệp thích ứng. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các công ty.

VN tuy nói rằng phát triển khu vực công nghiệp tư doanh, nhưng họ vẫn bám chặt vào khu vực quốc doanh vì đó là nơi mà các quan chức thiếu khả năng nhưng lại có nhiều quyền thế để bòn rút tài sản nhà nước và nhận hối lộ. Để bảo vệ khu vực quốc doanh, Viêt Cộng tạo ra nhiều khó khăn cho tư nhân đầu tư, giao thương những nghành sinh lợi. Mà chúng ta đã biết qua câu “cha chung không ai khóc”, các công ty quốc doanh càng ngày càng lún sâu vào thất bại, lỗ lã.

Ngay cả giữa các công ty, nhà cung cấp, và những định chế kinh tế khác cũng không có sự hợp tác chặt chẽ. Nhiều tổ hợp công ty có khuynh hướng chú trọng vào những sản phẩm cá nhân, mà không tạo ra được các mặt hàng liên đới (line of products). Line of Products khác với sản phẩm chính và phó sản (products, by-products); đó là sự đa dạng của các sản phẩm khác nhau. Ví dụ như tại Hoa Kỳ, công ty 3M sản xuất hàng trăm mặt hàng cho văn phòng, từ băng keo dán, đến giấy bút, đến cả dụng cụ điện tử, y tế…

3.4.- Do thiếu trình độ và ý chí, chính phủ Việt Cộng đối phó với các khủng hoảng kinh tế với tính cách giai đoạn, chứ không có một tầm nhìn xa và sách lược lâu dài. Cải cách ở Việt Nam có tính cách chắp vá và tùy hứng nên mang tính chất phản động hơn là thúc đẩy tiến bộ.
Các tài khoản do ngoại quốc giúp đỡ thì manh múm và bị đặt những điều kiện do quyền lợi ưu tiên của người cho hơn là để cho người nhận thoải mái xử dụng theo ý mình. Có lẽ đây là hậu quả của việc VC đã dùng tiền viện trợ vào nhưng mục đích không hay hoặc bị tham nhũng gậm nhấm. Theo Reuter (ngày 9/12/2008), Viet Nam có thể sẽ phá giá đồng bạc do hậu quả xấu về cán cân chi phó và nợ nước ngoài càng chồng chất.

VN cần có những chiến lược về kinh tế dài hạn mới mong cải thiện được mức sống người dân. Những chiến lược đó phải bao gồm sự cải tổ chinh trị, cơ cấu, và những vận hành (mechanism) cương quyết thực tâm để thi hành.

Những chuyên viên kinh tế như Lê Đăng Doanh từng lên tiếng cảnh giác và đề nghị nhiều biện pháp sửa sai, nhưng do thói quen ngạo mạn, kiêu căng, nhà cầm quyền Việt Nam gạt bỏ ngoài tai những lời hay lẽ phải.

Những năm tới đây, để xem VN có khả năng học hỏi và làm theo những kinh nghiệm của các nước Korea và Philippines không.

Kỹ sư Đỗ Văn Phúc

Những số liệu thống kê trong bài dựa trên bản nghiên cứu công phu của Giáo sư Michael E. Porter thuộc khoa Quản trị trường Đại Học Harvard, (Dec.1, 2008)
Michael Do (Do Van Phuc)
webpage: www.michaelpdo.com
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 780 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0