Điều
tốt đẹp nhất, nếu có thể, Trung Quốc và Việt Nam sẽ sống chung hoà bình
bên nhau, cùng tôn trọng lãnh thổ và lãnh hải của nhau… Nhưng không mấy
ai tin là chuyện sẽ dễ dàng như thế. Bởi vì quá khứ đã có nhiều bài học
không thể quên được, không chỉ từ nhiều thế kỷ trước, mà vẫn còn đang
xảy ra trước mắt, sau lưng, bên phải và bên trái của đất và biển Việt
Nam. Từng tấc đất vẫn là nỗi lo lấn chiếm…
Thường thì nhà nước
CSVN tránh nói các chuyện có thể làm mất lòng đàn anh Phương Bắc và
chuyện gây nỗi lo bị lấn chiếm trong lòng dân Việt. Nhưng cũng có khi,
có vài nơi… báo nhà nước cũng nói tới, nhắc tới. Mấy tuần trước là
chuyện Trung Quốc bơm 30 tỉ đô để vào Trường Sa thăm dò và khai thác
dầu, bất kể các vùng này còn đang tranh chấp. Lúc đó người phát ngôn Bộ
Ngoại Giao CSVN có lên tiếng phản đối, và báo quốc nội nhắc tới, có chỗ
bàn thêm, nhưng không thấy khai thác sâu. Chưa rõ nhà nước Hà Nội sẽ
cứng rắn tới đâu trong việc giữ gìn vùng biển này, bởi vì nếu "nước
bạn" mà dàn các tàu chiến ra đậu nối dài ở Hoàng Sa, Trường Sa… thì
thấy rõ Việt Nam hở một mảng sườn ngay tại các bãi biển đẹp nhất vùng
Miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang… y hệt như khi một cô gái Việt Nam
mặc áo dài và sơ xuất đưa cao tay là hở cả thịt da bên hông… làm sao mà
anh Tàu ghìm giữ nổi kiểu nhìn "mắt trừng gửi mộng qua biên giới"…
Mới
tuần này là nỗi lo về Bãi Tục Lãm ở Quảng Ninh có thể bị nhà nước CSVN
cắt ra để "tặng quà Nô En" cho đàn anh Phương Bắc. Bản tin từ Đài Chân
Trời Mới hôm Thứ Năm 11-12-2008 ghi rằng:
"…một
nguồn tin từ giới quân sự cao cấp CSVN và được kiểm chứng qua một số
thành viên ngoại giao đoàn tại Hà Nội thì Bắc Kinh đang đòi buộc CSVN
phải nhượng thêm đất Bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh cho họ trước khi
dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước. Nguồn tin cho
biết thêm rằng, Trung Quốc đòi các lãnh tụ CSVN phải trả lời dứt khoát
tại cuộc họp giữa đôi bên ngày 12-12-2008 tại vùng Hữu Nghị - Lạng Sơn.
Tục
Lãm là một trong 3 điểm nóng nhất còn bàn cãi giữa đôi bên. Hai vùng
còn lại là khu Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Phía Trung Quốc đòi CSVN
Nam phải nhượng hẳn Tục Lãm và nhượng thêm đất ở 2 vùng kia.
Cũng
theo nguồn tin trên, các thành viên Bộ Chính Trị đảng CSVN đã nghiêng
về giải pháp giao nhượng Bãi Tục Lãm bất kể sự phản đối từ phía quân
đội."
Dân
gốc Miền Nam, và cả dân hải ngoại trước giờ ít nghe tới Bãi Tục Lãm.
Vùng này thỉnh thoảng vẫn được báo trong nước nhắc tới, khi kể chuyện
về tình hình phức tạp nơi biên giới. Nói "phức tạp" có nghĩa là cả
chuyện "lấn chiếm". Thường nghe nói là thác Bản Giốc, bởi vì đây là
danh lam thắng cảnh, và đã ghi vào sách sử ở cả Miền Nam trước kia.
Điều
chúng ta quan ngại là thái độ nhà nước đang bưng bít rất nhiều thông
tin về tình hình biên giới. Điều đó cực kỳ bất lợi cho ổn định lòng
dân. Nếu thực sự đã mất tới đâu, thì cứ nói là mất tới đó. Nếu được
"lời đất" như ông Lê Công Phụng, người phụ trách thương thuyết các hiệp
định biên giới đất và biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì cứ mời các
phóng viên quốc nội, và cả hải ngoại, và mời cả các nhà hoạt động đòi
giữ vững lãnh thổ (như anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người đang bị tù ở
VN vì phản đối TQ lấn chiếm) ra xem thác Bản Giốc, ải Nam Quan, và bãi
Tục Lãm…. . Thế là lòng dân sẽ muôn người như một, sẽ không hoang mang
chuyện Đảng CSVN bán đất, bán biển nữa…
Nhưng than ôi, sự thực
là nhà nước CSVN đã từng có lúc yếu lòng (có thể vì các quan lãnh đạo
Bộ Chính Trị đã bị hù d oạ hay mua chuộc?), cắt bớt đi vài phần lãnh
thổ (để cầu hoà cho cả nước, hay để xin bảo kê cho sự an toàn của chế
độ độc đảng CSVN?)…
Nhà báo lão thành Bùi Tín trong một bài viết hồi tháng 1-2008, nhan đề "Về việc mất đất, mất biển: Tôi thách ông Vũ Dũng!" đã nêu vấn đề rằng có những phần đất đã bị cắt cho TQ. Bài này Bùi Tín có chất vấn như sau:
"…Ông Vũ Dũng trong trả lời phỏng vấn trên báo Nhân Dân ngày 6/1/2008 khẳng định: không có chuyện chúng ta mất đất mất biển. Báo Nhân Dân
khi mớm câu hỏi cho ông Vũ Dũng đã gợi trước câu trả lời ấy: ''một số
người đưa tin có ý đồ xấu là phía ta đã mất đất. ..''. Tôi từng làm
việc ở báo Nhân Dân, biết rõ cung cách phỏng vấn kiểu ''mớm lời'' như thế, theo lập trường vâng lệnh đảng, lừa bạn đọc, bịp người dân. Trơ trẽn!
Tôi
thách ông thứ trưởng Vũ Dũng trả lời thêm những câu hỏi của tôi. Và xin
lấy công luận làm trọng tài, lấy sự thật làm trọng tài.
Tôi dám
thách ông Vũ Dũng, mà tôi từng quen biết từ khá lâu; đã từng ở New
York, tại trụ sở Liên Hợp Quốc với nhau. Tôi dám đánh cá cược với ông,
1 ăn 10 cũng được.
Trước hết tôi tin là ta mất đất. Mất cả ở vùng Ải Nam Quan, cả ở vùng Bản Giốc.(... .)
...
.Cũng lại xin hỏi ông Dũng năm 1979 Bộ ngoại giao đã ra Sách Trắng về
sự thật trong quan hệ Việt-Trung và sự thật về biên giới 2 nước, có
nhiều đoạn tố cáo phía Trung quốc: ''đã lợi dụng việc phía Việt Nam nhờ
in giúp bản đồ cỡ 1/100.000, vẽ vùng có thác Bản Giốc của Việt Nam sang
phía Trung Quốc; đã lợi dụng việc nối đường sắt giữa 2 nước để lấn sang
biên giới Việt Nam đến hơn 300 mét; đã nhân việc làm ống dẫn dầu qua
biên giới mà lấn một dải đất dài 3.100 mét, rộng 500 mét của lãnh thổ
Việt nam''. Tôi biết hồi ấy chính ông đã cùng Trưởng ban biên giới Lê
Minh Nghĩa tham gia viết Sách Trắng ấy của Bộ ngoại giao, vậy nay ông
có dám nói rằng tất cả những tố cáo ấy là không đúng, là sai, là vu cáo
phía Trung Quốc và nay ông xin sám hối hay không?"
Trong
khi người Việt quan tâm chờ hoài không thấy ông Vũ Dũng trả lời thách
thức của ông Bùi Tín (tới giờ là gần tròn 1 năm rồi, từ lúc có bài
thách thức trên), thì lại nghe tin về cơ nguy mất Bãi Tục Lãm.
Không
thể nói rằng vùng này trước giờ bình an. Phải dặn trước như thế, vì ông
Vũ Dũng có thể sẽ lại nói rằng bãi này vẫn là nơi hai nước giao hảo an
bình...
Bản tin của thông tấn nhà nước VOV News, nhan đề "Làng
Biên Giới," đăng trong ngày 5-1-2007, có ghi vài hình ảnh về Bãi Tục
Lãm như sau:
"...Đó
là cảnh thanh bình ở xã biên giới Hải Hoà, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng
Ninh. Khó có thể ngờ rằng, cách đây không lâu, cả một vùng rộng lớn
mênh mông cửa biển, mũi sông này - nơi khởi điểm của 3200km bờ biển
nước ta theo chiều từ Bắc vào Nam - chỉ có sú, vẹt, cỏ dại và những
người lính biên phòng ngày ngày đối chọi với thiên nhiên và những áp
lực lấn chiếm. (... .)
...Anh Hải giải thích, ở đây là toàn bộ
dân mới, kết hợp cùng với Đoàn kinh tế 327 ra đây bám biên, làm ăn sản
xuất; nếu không có dân thì dù có bao nhiêu bộ đội biên phòng, cũng
không đủ sức mà tuần tra kiểm soát được đường biên. "Chính nhờ nhân dân
mà chúng tôi đã đấu tranh thắng lợi với tội phạm, buôn lậu và cả chống
lấn chiếm nữa." - Anh Hải nhấn mạnh….. ."
Lấn chiếm Bãi Tục Lãm? Đúng vậy. Một tờ báo khác của nhà nước vài tháng sau lại viết tương tự. Báo Quân Đội Nhân Dân
ngày 30-4-2007, với bài nhan đề "Câu chuyện về dân quân Móng Cái" đã
nói về xã biên giới Hải Hoà, nơi có điểm nóng là Bãi Tục Lãm:
"...Kể
từ khi thành lập đến nay, lực lượng dân quân tập trung xã Hải Hoà đã
phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng ngăn chặn, xua đuổi hàng nghìn
lượt tàu, thuyền nước ngoài xâm nhập, hút cát trên sông, đánh bắt hải
sản và khai thác lâm sản trái phép. Chiều 30 Tết Nhâm Ngọ, lực lượng
dân quân trực chiến của xã Hải Hoà cùng dân quân phường Trần Phú, Hoà
Lạc phát hiện hai tàu lượn của nước ngoài xâm phạm không phận nước ta.
Sau khi xin ý kiến cấp trên, anh em dân quân đã phát tín hiệu và bắn
cảnh cáo, ép hạ một chiếc, sau đó xử lý bằng con đường ngoại giao, bảo
đảm đúng luật pháp quốc tế...."
Đoạn trích trên lại cho thấy một âm mưu lớn: hai phi cơ do thám lảng vảng vào không phận Việt Nam, tại xã biên giới này…
Nhà
nước CSVN hãy cho toàn dân biết đầy đủ các thông tin về tình hình biên
giới, và hãy trả tự do cho tất cả những người hoạt động chỉ vì đòi giữ
đất, giữ đảo. Bởi vì chính nhà nước viết rằng có tàu lượn do thám, có
nước bạn lấn chiếm... . và rồi lại bảo là hai nước vẫn giao hảo, và
không có chuyện lấn chiếm nào... Hãy cho biết sự thật. Đó là cách duy
nhất để mời gọi toàn dân, cả trong và ngoài nước, cùng tham gia để giữ
gìn cõi bờ. Để cho nhiều đời sau biết rằng và mang ơn rằng, một thời,
còn có một Bãi Tục Lãm gìn giữ được như thế...
Trần Khải