Tăng trưởng GDP hàng năm luôn ở mức cao, thậm chí trong thời điểm kinh
tế khó khăn, luôn làm nức lòng người dân. Thế nhưng, tính toán mới đây
của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm,
thậm chí là cả trăm năm mới có thể đuổi kịp các nước láng giềng.
Việt Nam đang nỗ lực chờ cất cánh. Ảnh: Hoàng Hà
Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố
đầu tháng này đưa ra những thống kê gây sốc cho những ai đang kỳ vọng
lớn vào “con hổ Việt Nam”. Theo đó, Việt Nam có thể mất tới 51 năm mới
đuổi kịp Indonesia và thậm chí 158 năm nữa mới bằng được Singapore về
thu nhập trên đầu người.
Mặc dù đã mào đầu rằng công việc dự báo xu hướng tăng trưởng lâu dài là
một nhiệm vụ vô cùng khó khăn ngay cả với các nhà kinh tế giỏi, nhưng
WB cũng đưa ra những căn cứ rõ ràng để chứng minh cho phán đoán của
mình.
Theo số liệu của WB, năm 2007, thu nhập trên đầu người của Việt Nam là
836 đôla, Indonesia là 1.918, Thái Lan là 3.850 và Singapore là 35.163.
Trong giai đoạn 2001-2007, tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người
(tính theo giá cố định, tức là sau khi đã trừ đi yếu tố lạm phát) tuơng
ứng là 6,5%, 4,8%, 4,8% và 4,0% một năm. Với tốc độ này, Việt Nam sẽ
cần 51 năm để thu nhập bình quân của người dân theo kịp Indonesia, 95
năm để theo kịp Thái Lan, 158 năm đối với Singapore.
WB còn đưa ra một cách tính toán nữa là tính bằng đồng đôla. Theo đó,
tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính bằng đôla của các nước
Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Singapore tương ứng là 12,5%, 6,4%,
4,9% và 6,0%. Nếu sử dụng các con số này thì thời gian để Việt Nam theo
kịp các nước trên sẽ là 15 năm với Indonesia, 22 năm bằng Thái Lan và
63 năm thì ngang với Singapore. Tuy nhiên, những con số tính bằng đồng
đôla dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn của tỷ giá hối đoái.
Nếu tính bằng đồng đôla, GDP trên đầu người của Việt Nam hầu như chắc
chắn sẽ vượt qua mốc 1.000 đôla trong năm 2008, về đích sớm hơn 2 năm
so với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội
2006-2010. Tuy nhiên, GDP đầu người đáng mừng như trên không có gì ngạc
nhiên trong thời điểm đồng đôla bị mất giá.
Trong thập niên vừa qua, đặc biệt là sau khi
đẩy nhanh cải cách kinh tế sau Đại hội Đảng IX năm 2001, Việt Nam đã
đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao. GDP trên đầu người
của Việt Nam tính theo giá cố định đã tăng trung bình 6,5% một năm.
Việt Nam xếp thứ 24 trên 139 quốc gia về tăng trưởng GDP trên đầu người
tính theo giá cố định (xếp hạng này không tính đến các quốc gia và vùng
lãnh thổ có GDP dưới 2 tỷ đôla trong năm 2007).
Dù tính theo cách nào thì thực tế vẫn cho thấy rằng Việt Nam đang tăng
trưởng rất nhanh. Sự tăng trưởng nhanh chóng này là một trong những
động lực chính dẫn đến giảm nghèo, một lĩnh vực mà Việt Nam đat được
nhiều thành tựu có ý nghĩa.
Tăng trưởng kinh tế nhanh một phần được duy trì nhờ vào tích lũy vốn
lớn. Tính đến năm 2007, mỗi năm Việt Nam đã đầu tư đến 521,7 nghìn tỷ
đồng, gần gấp ba lần so với năm 2001, khi các cải cách kinh tế bắt đầu
tăng tốc. Chỉ một phẩn con số gia tăng này do giá cả tư liệu sản xuất
cao hơn. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ đầu tư cao nhất
trên thế giới. Tính theo tích lũy vốn gộp thì trong năm 2007 chỉ có
trên 12 trên 139 quốc gia là có tỷ suất cao hơn so với Việt Nam.
Với những yếu tố đáng lạc quan như vậy, WB không quên cảnh báo vấn đề
hiệu quả đầu tư của khối lượng nguồn lực này: Số vốn tăng thêm có được
phân bổ cho đúng ngành, đúng hoạt động và đúng dự án hay không.
Thanh Bình
|