Thứ Năm, 2024-11-21, 6:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 18 » Bãi Tục Lãm: Lại Mất Thêm Đất!
3:45 PM
Bãi Tục Lãm: Lại Mất Thêm Đất!

Trần Hùng

Từ một địa danh hẻo lánh ít người biết đến, chỉ trong vòng vài ngày, Tục Lãm đã trở thành tâm điểm của những mối quan tâm đến vấn đề bảo toàn lãnh thổ. Hầu hết các cơ quan truyền thông của người Việt hải ngoại đều đưa tin về việc thêm một phần lãnh thổ của Việt Nam đang là mục tiêu cho một đòi hỏi rất ngang ngược của Trung cộng, và với những tin tức hạn chế mà người ta có được ngày hôm nay thì có nhiều nguy cơ là lãnh đạo CSVN lại một lần nữa nhượng bộ trước tham vọng bành trướng này, mặc dù có khuynh hướng chống đối trong nội bộ, đặc biệt là từ phiá quân đội.


Cửa sông Ka Long (Móng Cái)
    
Nằm ngay cửa sông Ka Long đổ ra vịnh Bắc Việt, bãi Tục Lãm thuộc phường Hải Hoá, thị xã Móng Cáy, tỉnh Quảng Ninh, phần lớn là đất sình lầy, nhưng đây lại là vị trí rất quan trọng vì nó nằm sát ngay biên giới Trung Hoa, là điểm khởi đầu của bờ biển hình chữ S dài hơn 3 ngàn cây số của nước Việt Nam. Trong chương trình phát thanh vào trong nước ngày 11-12, đài Chân Trời Mới loan tin "Bắc Kinh đang buộc CSVN phải nhượng thêm bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh trước khi dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước." Bản tin của đài Chân Trời Mới cho biết thêm rằng "các thành viên Bộ Chính Trị đảng CSVN nghiêng về giải pháp giao nhượng bãi Tục Lãm bất kể sự phản đối từ phía quân đội".

Việc cắm các cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa đã được thực hiện sau khi CS Việt Nam và Trung cộng ký kết hiệp ước phân định biên giới trên đất liền vào ngày 30-12-1999. Cột mốc đầu tiên được dựng lên tại cửa khẩu Mống Cái - Đông Hưng vào cuối năm 2001. Hai bên dự trù hoàn tất việc đặt khoảng 1800 cột mốc trên đường biên giới giữa 2 nước dài trên 1350 cây số trong thời gian 3 năm, tức là vào cuối năm 2004, nhưng thời điểm này đã bị dời nhiều lần. Cho đến cuối năm 2007, tức là 6 năm sau khi khởi sự, khi Lào Cai hoàn tất việc cắm mốc trong tỉnh của mình, thứ trưởng ngoại giao CSVN Vũ Dũng cho biết, việc cắm mốc mới hoàn tất tại 4 trong 7 tỉnh biên giới phía Bắc là Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang, tổng cộng khoảng 85% khối lượng công việc. Vũ Dũng dự trù sẽ hoàn tất toàn bộ việc cắm mốc vào cuối năm 2008. Vào đầu tháng 12 năm nay, bên lề hội nghị ngoại giao lần thứ 26 diễn ra tại Hà Nội, Vũ Dũng nhắc lại một lần nữa thời điểm này một cách rõ rệt hơn rằng "cột mốc cuối cùng sẽ được dựng lên vào ngày 10-12". Thời điểm 10-12 cũng được thứ trưởng ngoại giao CSVN Hồ Xuân Sơn đề cập đến trong hội nghị tổng kết công tác phân giới, cắm mốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang một tuần trước đó. Rõ ràng CSVN rất mong hoàn tất việc cắm mốc thật sớm cho yên chuyện!

Họ mong như vậy vì trong tiến trình cắm mốc, dư luận trong và ngoài nước đã có nhiều phản ứng chống đối việc ký kết hiệp định biên giới gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam. Dù lãnh đạo cộng sản vẫn quả quyết là không có chuyện mất đất, nhưng sự thật đã chứng mình điều trái ngược. Cả 2 chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Hoa đều dấu diếm những chi tiết liên quan đến bản hiệp ước, đặc biệt không phổ biến những họa đồ đính kèm, nên người ta không rõ sự thiệt hại này lớn lao như thế nào, nhưng những địa danh đặc biệt như ải Nam Quan hay thác Bản Giốc… ngày nay không còn là của Việt Nam nữa. Người ta đã chụp được những tấm hình cửa ải Nam Quan và vùng đất phiá nam của nó nay hoàn toàn do Trung cộng kiểm soát.
    
Còn về thác Bản Giốc, có rất nhiều tài liệu hình ảnh từ thời Pháp thuộc cũng như của CSVN khi xẩy ra cuộc chiến biên giới với Trung cộng năm 1979, đều nói rằng thuộc về Việt Nam. Nhưng bây giờ 2/3 thác lại là của Trung cộng. Mặc dù nhà nước chạy tội, nói rằng việc phân định này đã có từ nguyên thủy, nhưng không ai tin vào lập luận này. Người Việt đau đớn nhìn các công ty du lịch Trung Hoa khai thác thắng cảnh du lịch nổi tiếng này dưới cái tên thác Đức Thiên. Một sự kiện mới nhất vừa xẩy ra, tạo nhiều xúc động cho dư luận trong nước là vào cuối tháng 10 vừa qua, tòa đại sứ Trung cộng tại Hà Nội đã tổ chức đưa một đoàn báo chí Việt Nam đi thăm thác Bản Giốc, mà nhà cầm quyền địa phương gọi là Đệ nhất Hùng quan Nam Trung Hoa. Chuyến đi có cả Cục trưởng cục Báo chí và Vụ trưởng Vụ Du lịch của Cộng sản Việt Nam. Cả đoàn được đưa lên cửa khẩu Hữu Nghị, làm thủ tục qua biên giới, đi đến Bản Giốc. Những nguời có mặt đã chứng kiến cảnh đẹp tuyệt vời của khu vực này chính là thác Bản Giốc của Việt Nam, bên kia sông chính là tỉnh Cao Bằng. Mọi người lặng câm tủi nhục khi biết rằng Trung cộng đã cướp đất của Việt Nam, xây khách sạn sang trọng rồi lại còn mời phái đoàn Việt Nam sang ăn mừng. Trong đoàn có nhiều người cúi mặt, tủi hổ, không thể phản ứng được gì, nhưng sau đó đã phổ biến những tấm hình này trên Internet để người Việt khắp nơi thấy rõ thêm về việc bán nước của cộng sản Việt Nam.

Thái độ khiếp nhược của CSVN trước chính sách xâm lấn của Trung cộng đã là điều hiển nhiên mà dư luận trong và ngoài nước không còn hồ nghi. Hồ sơ này không chỉ bao gồm Nam Quan hay Bản Giốc, mà còn phải kể thêm vùng vịnh Bắc Việt, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông… hay những vụ giết hại ngư dân Việt, đàn áp thanh niên sinh viên và những người yêu nước tranh đấu bảo vệ đất tổ. Nó không chỉ khiến cộng đồng hải ngoại thêm phẫn uất hay dư luận trong nước thêm căm hận, mà còn tạo sự bất mãn ngay trong thành phần cán bộ, đảng viên đảng cộng sản.

Giòng máu Việt trong huyết quản cũng làm cho họ thấy xót xa khi chứng kiến đất đai bị mất, và hơn thế nữa, họ còn mang tâm trạng bị lãnh đạo đảng phản bội khi nhớ lại 60.000 đồng đội của họ đã bị thương vong trong trận chiến biên giới với Trung cộng năm 1979, hoặc 64 bộ đội hải quân cộng sản bị Trung cộng giết hại trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Họ đã hy sinh xương máu để rồi ngày nay lãnh đạo đảng lại cam tâm bán, nhượng đất đai cho Trung cộng. Đó cũng là chi tiết khiến nhiều người quan tâm trong bản tin của đài Chân Trời Mới, nói rằng phía quân đội cộng sản phản đối trong khi nhiều thành viên bộ chính trị muốn giao nhượng bãi Tục Lãm cho Trung cộng.

Dù không phải là thắng cảnh như Bản Giốc hay chứng tích lịch sử như Nam Quan, nhưng Tục Lãm cũng là một phần xương thịt của tổ quốc, đặc biệt trong những năm gần đây có nhiều người đã phải hy sinh để bảo vệ nó. Nhiều bản tin trên báo "Quân Đội Nhân Dân" đã loan tải về những nỗ lực này, như bài "Câu chuyện về dân quân Móng Cái" ngày 30-4-2007 nói về việc dân quân và bộ đội biên phòng ngăn chặn những tầu thuyền Trung cộng xâm nhập, hay bản tin ngày 09-09-2008 nói về việc lực lượng dân quân Hải Hoà thường xuyên tuần tra để bảo vệ Tục Lãm. Đối với những người này, những luận điệu của lãnh đạo đảng cộng sản như "cần có thái độ khôn khéo với nước lớn", hay "học theo kinh nghiệm của cha ông sống bên cạnh nước lớn" chỉ là những lời ngụy biện, nó chỉ là những mỹ từ nhằm che đậy cho việc dâng đất để bảo vệ cho ngôi vị cầm quyền của lãnh đạo CSVN.

Cho đến nay, thời điểm mà CSVN dự trù hoàn tất việc cắm mốc biên giới là ngày 10-12-2008 đã đi qua một cách im lặng. Hà Nội mong muốn nhanh chóng kết thúc công tác này để tránh những đòi hỏi ngang ngược khác mà Trung cộng có thể đưa ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, dù cho họ có thể hoàn tất việc cắm mốc sau đó, thì ai có thể bảo đảm rằng bãi Tục Lãm sẽ là đòi hỏi cuối cùng của Trung cộng?

Không phải đến trường hợp Tục Lãm người ta mới nhận thức được rằng chỉ có một thể chế dân chủ mới có thể huy động được sức mạnh của dân tộc để chống trả với ngoại xâm, nhưng qua trường hợp này, người ta thấy rõ thêm một điều là trong guồng máy công an hay bộ đội cộng sản, nhiều người cũng có nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ tổ quốc chứ không bảo vệ đảng, chống trả ngoại xâm chứ không đàn áp nhân dân. Nhận thức đó sẽ là động lực thúc đẩy họ đứng vào hàng ngũ dân tộc để cùng chấm dứt chế độ độc tài, và sự chọn lựa đúng đắn đó sẽ là đóng góp quan trọng cho công cuộc thực hiện dân chủ cho Việt Nam.

Trần Hùng

Nguồn: Việt Tân

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 902 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 62
Khách: 62
Thành Viên: 0