Thứ Sáu, 2024-04-19, 4:28 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 19 » Phù phép nhà dân
10:26 AM
Phù phép nhà dân

Văn Quang

Chuyện nhà cửa, đất đai tại TP. Sài Gòn từ sau ngày 30-4-75 vốn là thứ chuyện

linh tinh, rắc rối đến nỗi ngay nhà của mình đang ở cũng chẳng biết nó thuộc
"diện" nào. Nhà mình mà phải đi thuê lại của nhà nước hoặc chờ hoá giá, chờ đủ
thứ thủ tục nhiêu khê, bán chẳng được, sửa cũng chẳng xong. Xin hợp thức hoá chủ
quyền bị hành đủ kiểu, đành để liều rồi tới đâu thì tới. Mấy chục năm qua, nó
cũng chẳng tới đâu, cứ ấm a ấm ớ như thế. Đấy là chưa nói đến những vùng quy
hoạch treo, những khu dân cư được đền bù còn đang tranh chấp, những vùng dự trù
"giải phóng mặt bằng" để xây dựng những công trình lớn… Không thể kể hết những
trường hợp cười ra nước mắt. Tất nhiên, nước mắt đây là nước mắt của người dân;
còn tiếng cười của ai thì khỏi cần phải hỏi, ai cũng biết.

Rất nhiều trường hợp không ai giống ai, nhưng thật ra nó giống nhau ở một điểm
duy nhất. Đó là sự xoay xở phù phép của những tay có chức có quyền. Nếu không có
sự xoay sở ấy thì hầu như mọi trường hợp nhà đất đều có thể giải quyết dễ dàng.
Anh cấp thấp thì kiếm tí tiền làm giấy tờ sang tên, mua bán, sang nhượng. Anh
cấp cao thì mưu đồ lớn hơn, chiếm được thì chiếm, không chiếm được thì cũng phải
có "một cái gì đó lót tay". Vì vậy từ dưới lên trên phải vẽ ra đủ thứ luật lệ
làm khó dễ hạch sách "khổ chủ".

Không một người dân nào ở TP. Sài Gòn không biết những chuyện nham nhở trở nên
rất "bình thường" này. Đụng đến nhà đất là phải có chuyện "có đi có lại". Chính
quyền không lẽ không biết? Họ biết hết nhưng đôi khi há miệng mắc quai vì "anh
nhà đất" cũng đã "đấm mõm" cho người có trách nhiệm vài ba cái "ưu tiên" lẻ tẻ
rồi. Kiếm một căn phố cho quan ông, quan bà mở quán nhậu, tìm một biệt thự thuộc
sở hữu nhà nước cho "sếp" lập công ty… Nói cho rõ là bất cứ ai cũng biết tệ nạn
này, một thứ tệ nạn trở thành "thông lệ" nên bao lâu nay, người ta vẫn cứ để nó
mặc nhiên tồn tại. Chính quyền trở nên bất lực trước làn sóng ngầm, đục khoét
trắng trợn vào quyền lợi riêng tư của người dân.

Cũng đã từng có những trường hợp quá lộ liễu, bị dư luận lên án nặng nề. Nhưng
rồi mọi việc lại chìm xuồng vì sự điều đình khéo léo hoặc vì một áp lức nào đó,
khổ chủ trở nên ngoan ngoãn ngậm đắng nuốt cay.

Nhưng trong tuần vừa qua, một "nghi án" làm xôn xao dư luận từ Hội Đồng Nhân Dân
đến người dân thành phố Sài Gòn. Có người đã gọi đây là "vụ kỳ án đẫm nước mắt
kéo dài 26 năm".
Tuy nhiên, theo dõi những tình tiết trong "kỳ án" này, một số người cho rằng nó
chỉ là một vụ "kiếm ăn" điển hình, tượng trưng cho rất nhiều những vụ "kiếm ăn"
khác. Vụ "kiếm chác" nào cũng có những tình tiết riêng, những đường đi nước bước
tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ thuộc vào quyền và thế đến đâu. Điều tôi muốn nói ở đây
là đã có hàng trăm, hàng ngàn "kỳ án" như thế rồi. Nhưng nó quanh quẩn trong
bóng tối hậu trường nên người dân chưa nhìn rõ. Vụ "kỳ án" này, chẳng qua chỉ
làm cho người dân thấy rõ hơn những "cao thủ" đã phù phép như thế nào để hô biến
nhà dân thành nhà quan. Một chuyện lạ đối với thế giới nhưng không lạ đối với
người Sài Gòn.

Xin tóm tắt câu chuyện 26 năm gian khổ đi đòi nhà.

Mưu toan chiếm nhà


Căn nhà mặt tiền số 309 Hai Bà Trưng (phường 8, quận 3) được vợ chồng ông Hướng
Đào Viên – bà Chung Minh Châu bán cho ông Giáo Sính từ tháng 8-1975. Nếu ở TP.
Sài Gòn, hẳn các bạn biết nhà mặt tiền giữa đường Hai Bà Trưng, trung tâm thành
phố là "núi của", ai thấy cũng phải thèm.

Trong lá đơn khiếu nại thứ 209, ông Giáo Sính cho biết sau khi mua nhà xong, vì
lòng nhân đạo ông đã cho gia đình ông Hướng Đào Viên lưu cư lại chờ kiếm được
nhà thì dọn đi.
Nhưng gia đình ông Hướng Đào Viên gồm hơn 20 người đã chiếm dụng toàn bộ căn
nhà, đẩy gia đình ông Giáo Sính vào một phòng nhỏ. Ngang ngược hơn, họ tìm cách
gây sự, thậm chí hành hung ân nhân gây thương tích.

Ông Giáo Sính đã nhiều lần báo với công an địa phương nhưng không được bảo vệ.
Việc ở chung đụng phức tạp, ông lại bị bệnh tim nên năm 1980, ông Giáo Sính cùng
gia đình đã về An Giang nương nhờ người bác ruột để dưỡng bệnh và chờ cơ quan
chức năng trục xuất gia đình ông Hướng Đào Viên ra khỏi nhà. Song chờ đợi mỏi
mòn, gia đình ông Viên vẫn không chịu đi và chính quyền cũng chẳng có biện pháp
nào cưỡng chế. Dường như mọi mưu toan của những kẻ muốn chiếm đoạt đã bắt đầu
hình thành từ đây.

Nhà riêng thành nhà quan mấy hồi


Năm 1983, trước khi xuất cảnh, vợ ông Viên đã xin giao căn nhà này cho Nhà nước
quản lý và đề nghị cho con trai bà là Chung A Ngươn được cư ngụ. Sở Nhà đất TP.
Sài Gòn kiểm kê và cho nhà ông Ngươn gồm 4 người được ở lại.

Năm 1988, ông Nguyễn Quốc Trị, cán bộ Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP. Sài
Gòn, cùng ông Ngươn được đổi nhà cho nhau theo quyết định của Sở Nhà đất TP, ông
Ngươn dời về nhà cũ của ông Trị ở quận 5.

Cho đến lúc này, căn nhà vẫn là nhà của tư nhân, đứng tên ông Sính. Tuy nhiên,
ông Trị đã khai báo rằng căn nhà 309 là công sản của chế độ cũ. Khi đã là nhà
của"chế độ cũ" thì chính quyền đương thời có quyền coi như của chế độ mới và có
quyền phân phát hoặc mua bán.

Từ thông tin này, UBND TP. Sài Gòn ra quyết định xác lập sở hữu Nhà nước và ông
Trị được hóa giá nhà này vào năm 1998. (Xin nói rõ "hoá giá" có nghĩa là được
mua nhà của nhà nước theo giá cả nhà nước ấn định).

Thế là nhà ông Giáo Sính biến thành nhà ông cán bộ Nguyễn Quốc Trị!

Sau đó, mặc dù nguồn gốc căn nhà đã được xác minh thuộc sở hữu của ông Sính,
hành vi khai báo không trung thực của ông Trị đã được làm sáng tỏ nhưng cơ quan
chức năng vẫn để ông Trị sở hữu căn nhà này. Thế mới là chuyện lạ.

Trước sự việc vô lý cùng cực này, ông Sính đành phải đi kiện. Không thể kể hết
nỗi đoạn trường của gia đình ông Sính theo đuổi vụ kiện dài đàng đẵng suốt 26
năm. Tính đến nay ông đã làm hơn 200 lá đơn.

Sau nhiều năm ông Giáo Sính kiên trì khiếu nại, ngày 28-12-2007, Thứ trưởng Bộ
Xây dựng đã có văn bản số 2769 gửi Sở Xây dựng TP. Sài Gòn, xác định căn nhà 309
HBT thuộc quyền sở hữu của ông Giáo Sính, không thuộc diện phải xử lý theo các
chính sách quản lý và cải tạo liên quan đến nhà đất trước đây.

Tuy thừa nhận đã sai và việc khiếu nại là có cơ sở nhưng công tác sửa sai của cơ
quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân thì lại hết sức
khó hiểu.

Giải quyết nhùng nhằng


Sai phạm của ông Nguyễn Quốc Trị đã được cơ quan chức năng kết luận nhưng đến
nay vẫn chưa được xét xử đến nơi đến chốn. Trong khi đó, ông Sính phải dài cổ
chờ UBND thành phố… hỏi Bộ Xây dựng về chính sách giải quyết dù rằng trong các
văn bản phúc đáp, Bộ Xây dựng khẳng định quan điểm nhà đó là nhà của ông Sính.

Giải pháp được đặt ra là UBND thành phố phải tìm một căn nhà khác phù hợp với
điều kiện của thành phố để “đền” cho nạn nhân. Gần đây nhất, tháng 8-2008, UBND
thành phố mới có văn bản cho Sở Xây dựng phối hợp Cty Quản lý kinh doanh nhà tìm
một căn nhà khác có diện tích phù hợp bố trí cho ông Sính … thuê và mua theo
Nghị định 61.

Cách giải quyết nhùng nhằng trên đã khiến một số kẻ lợi dụng “đục nước béo cò”
mà bằng chứng quan trọng nằm trong cuốn băng ghi âm đã được ông Đặng Văn Khoa
mang ra trước cuộc họp của UBND thành phố vào ngày 8-12- 2008.

Ông Đặng Văn Khoa cho rằng những khiếu nại của ông Giáo Sính trong tờ đơn thứ
210 là có cơ sở, nhất là trách nhiệm của vợ chồng ông Nguyễn Quốc Trị, nguyên
quan chức Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà thuộc Sở Xây dựng TP. Sài Gòn.

"Có 600 triệu việc này mới xong"

Hơn hai mươi năm gian khổ đòi nhà bất thành, hồi tháng 9 năm 2008, gia đình ông
Giáo Sính được một nhân vật tìm đến môi giới, "vẽ" hướng giải quyết tối ưu là
chi 600 triệu đồng sẽ được đổi căn nhà có giá trị tương đương nhà 309 Hai Bà
Trưng.

Đoạn băng ghi âm dài 32 phút, ghi lại cuộc "mặc cả", ngã giá tiền bạc để giải
quyết căn nhà 309 Hai Bà Trưng giữa một người đại diện cho gia đình ông Giáo
Sính (gọi tắt là người đại diện) và một người tự xưng tên là Nguyễn Thế Tạo, cán
bộ ngành nhà đất. Theo thông tin ban đầu, Tạo cho biết có thể giải quyết vụ
khiếu nại, trong đó nhấn mạnh việc cấp nhà mới thay vì hoàn trả lại nhà 309.

Tạo vận động gia đình Giáo Sính "quên" đi việc tự đòi lại căn nhà 309 Hai Bà
Trưng, phường 8, quận 3, TP. Sài Gòn, mà hãy chấp nhận dịch vụ "hỗ trợ" bằng
cách chung chi tiền mặt. Tạo nói rõ 600 triệu đồng chỉ là tiền lo thủ tục, giấy
tờ hợp thức hóa để chọn nhà. Sau đó, để được hóa giá nhà phía gia đình ông Sính
phải chuẩn bị thêm khoản tiền khác để mua nhà, tùy thuộc theo khung giá của nhà
nước.

Tạo cả quyết rằng, chỉ cần chung chi 600 triệu đồng và làm theo chỉ dẫn thì
trong vòng 1,5-2 tháng sẽ đầu xuôi đuôi lọt.

"Ăn chia nhiều lắm"


Gia đình ông Giáo Sính Cho rằng 600 triệu đồng quá cao, xin giảm giá, nhưng
người môi giới cho hay ông không có quyền quyết định. Người này giải thích: "600
triệu đồng này còn chi cho Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, Nhà đất, Công
ty quản lý nhà, quận 3, các phòng... mỗi anh em chỉ được chia chừng mấy chục
triệu".

Người môi giới cũng đề nghị cách thanh toán tiền cụ thể. Theo đó khi vay ngân
hàng 600 triệu đồng, người nhà ông Sính phải lập tức mở một tài khoản có hai bên
đứng tên, số tiền này chỉ lấy được khi có chữ ký của 2 người đồng sở hữu.

Theo lời ông Tạo, khách hàng sẽ được bộ phận khác ở UBND thành phố tiếp đón và
cung cấp địa chỉ các căn nhà thuộc sở hữu nhà nước để chọn, đến khi nào chấp
thuận thì làm hợp đồng thuê và hóa giá. "Cò" Tạo còn cho gia đình ông Sính địa
chỉ e mail để tiện việc liên lạc.

Chi 200 cây vàng được chọn nhà đẹp


Thay vì chung chi 600 triệu đồng và làm theo hướng dẫn để được bố trí căn nhà
khác đền bù cho ngôi nhà 309 Hai Bà Trưng bị lấy oan trước đây, gia đình ông
Giáo Sính tiếp tục gửi đơn khiếu nại và cung cấp toàn bộ cuốn băng ghi âm này
cho đại biểu HĐND TP. Sài Gòn Đặng Văn Khoa.

Năm ngoái, gia đình Giáo Sính cũng từng nhận được một "đề nghị thân thiện" là
chung chi 200 cây vàng sẽ lo xong chuyện nhà cửa và được chọn nhà đẹp. Nếu không
đáp ứng thì ông Sính được bố trí 2 căn nhà ở khu chung cư, một ở lầu 4 và một ở
lầu 14.

Theo ông Khoa, chỉ nghe giọng nói trong băng ghi âm không thể xác định được đây
là cò mồi hay cán bộ và cũng khó xác minh được liệu đây có phải là một kịch bản
được dựng sẵn hay không.

Nhưng dù là "cò" hay cán bộ hay một nhân viên của một ban ngành nào khác, thì
người môi giới cũng không thể là người không có liên quan gì đến chuyện nhà cửa
giữa 2 ông Nguyễn Quốc Trị và ông Sính. Nó cũng là một hình ảnh tượng trưng rõ
nét nhất trong những cuộc "mua bán, o ép" ngầm đã và đang diễn ra hết sức nhức
nhối trong lòng thành phố mà nhiều người dân đã phải cam chịu từ bao lâu nay. Có
phải chính quyền ở hầu hết mọi địa phương đành bất lực trước tệ nạn này rồi cho
nó là chuyện hàng ngày ở huyện?

Lòng tham không đáy


Việc một quan chức có nhiều nhà đất ở Sài Gòn hay những thành phố lớn là chuyện
chẳng có gì lạ. Vợ chồng ông Trị mua căn nhà 309 Hai Bà Trưng được vài năm, ông
Trị và vợ ly hôn. Sau đó, hai bên tranh chấp tài sản và đưa nhau ra tòa giải
quyết. Nhờ vậy người ta mới biết được phần tài sản của ông cán bộ nhà đất này.

Theo bản án phúc thẩm ngày 27-2-2006 của toà án TP. Sài Gòn, vợ ông Trị đã trình
bày về phần tài sản chung gồm 4 căn nhà và một số lô đất.

Ngoài căn nhà 309 Hai Bà Trưng, quận 3, do vợ chồng ông Trị đứng tên sở hữu trên
giấy chủ quyền. Ông Trị còn có nhà số 24 Nguyễn Thượng Hiền, quận 10, do cha vợ
ông Trị đứng tên hộ. Nhà số 321/9 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, do vợ chồng
ông Trị mua vào năm 1980, chưa có chủ quyền. Nhà số 368/848 Cách Mạng Tháng Tám,
quận Tân Bình. Lô đất ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Đất khuôn viên nhà
129/2 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Đất ở xã Tam Phước, huyện Long Thành -
Đồng Nai. Nhà số 59/6F Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp.

Rất có thể còn những tài sản đứng tên người khác mà ngay cả người vợ ly hôn của
ông cũng không biết nên không khai ra.

Đã có nhiều nhà đất như vậy nhưng ông Trị còn muốn thu gom bất cứ cái gì có thể
thu gom được. Quả là một đại diện… có thẩm quyền của những lòng tham không đáy.

Thật ra để giải quyết gọn gàng vụ "kỳ án" này, không có gì phức tạp. Nếu ông
Nguyễn Quốc Trị đã có hành vi gian dối, khai báo không đúng sự thật để thuê và
mua nhà 309 Hai Bà Trưng, cũng như đã có nhiều nhà thì trả lại căn nhà trên cho
ông Giáo Sính. Đây là giải pháp phù hợp pháp luật và UBND TP cũng không phải tốn
công sức, không phải mất một căn nhà khác để "đền" lại cho gia đình ông Giáo
Sính.

Chưa biết vụ này sẽ đi về đâu thì cũng trong tuần này, một chuyện ầm ĩ khác về
đất đai lại xảy ra tại Bình Dương.

8 quan toà và lô đất của người thắng kiện

Kể từ ngày Bình Dương trở thành một thành phố công nghiệp, đất đai vườn ruộng
trở thành tấc đất tấc vàng. Và cũng vì thế mà có khối chuyện oái oăm và bi hài
kịch liên tiếp xảy ra. Nào là từ anh nông dân trở thành tỷ phú xài sang hơn công
tử Bạc Liêu, để rồi khi tiền hết tật mang, trở thành thất nghiệp.

Gần đây nhất là chuyện một ông chánh án xử cho một người thắng kiện, để rồi 8
ông quan toà được mua đất… như cho không. Câu chuyện hết sức lẩm cẩm cứ như
chuyện bịa.
Bà Huỳnh Kim Vân - con bà Nguyễn Thị Te - đã có đơn tố cáo từ hơn 10 năm nay đối
với ông Nguyễn Thanh Tùng - Chánh án toà án tỉnh Bình Dương (BD) - đã không
khách quan trong xem xét vụ án tranh chấp nhà đất giữa bà Te với ông Huỳnh Công
Nhẫn. Ông Nhẫn được xử cho thắng kiện; để rồi sau đó, ông Tùng và 7 cán bộ khác
(hầu hết thuộc toà án thị xã Thủ Dầu Một và toà án tỉnh Bình Dương) đã được
nguyên đơn thắng kiện... bán đất cho, với các hợp đồng mua bán đất... không ghi
giá(?!).

Theo kết quả xác minh của Thanh tra tỉnh Bình Dương: Phía nguyên đơn thắng kiện
là ông Nhẫn và con trai là Huỳnh Minh Hiếu đã có hành vi sử dụng tài liệu, hồ sơ
giả mạo, với sự tiếp tay của một số quan chức trong chính quyền địa phương, để
có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên lô đất 5.493m2 ở phường Phú
Cường, thị xã Thủ Dầu Một.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Dương, trong 8 cá nhân được nguyên đơn bán
đất, có 7 viên chức toà án: Nguyễn Thanh Danh ,Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thanh
Tùng (ông Danh và ông Nhàn là anh em ruột của ông Tùng), Bùi Văn Tâm, Đoàn Thị
Phượng. Đỗ Hữu Phước, Đoàn Thanh Việt. Và, bà Nguyễn Thị Tín - vợ ông Lê Hoàng
Minh (nguyên Phó Chủ tịch xã Phú Cường).

Cái vòng Kim Cô xiết chặt


Bà Nguyễn Thị Hoa - Trưởng Phòng Thi hành án dân sự - tích cực cưỡng chế, thi
hành bản án hết hiệu lực, sai luật đối với bà Te, nhằm giao đất, giao nhà cho
cha con ông Nhẫn - lại là chị em bạn dì ruột với ông Tùng (chánh án). Vợ ông Bùi
Văn Tâm là bà Nguyễn Thị Tám - chủ toạ phiên toà phúc thẩm ngày 28-9-1987 tuyên
xử thắng kiện cho ông Nhẫn thì không bao lâu, chồng bà Tám là ông Bùi Văn Tâm có
tên trong danh sách mua đất của nguyên đơn thắng kiện.

Tất cả những quan chức đó đều có liên quan mật thiết với nhau, hợp thành một
vòng vây xiết chặt lên cổ nạn nhân, không có đường giãy dụa.

Ở toà án, có luật có lệ, các quan còn xoay xở trắng trợn như thế thì những việc
khác người dân sẽ phải chịu đựng những gì?

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 875 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0