Hoàng Cúc
Cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu từng nói một câu mà
hầu như người Việt Nam nào quan tâm đến thế sự đều thuộc nằm lòng: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.
Tại sao câu nói này lại có sức sống lâu như thế trong lòng người Việt?
Phải chăng vì uy tín, đức độ, tài năng của người nói? Tất cả những điều
đó tôi không dám chắc. Để phần nào hiểu được lý do khiến câu nói này có
sức sống bền bỉ như thế, thiết tưởng ta cần phải cùng nhau có vài quan
sát nho nhỏ.
Những vòng kim cô
Ai từng theo dõi những vụ án lớn tại Việt Nam hẳn không xa lạ với những
thông tin “rò rỉ”. Chẳng hạn trong vụ án “Bố Già” Năm Cam, cũng như
nhiều vụ án lớn khác, đã có chỉ thị “khoanh vùng” điều tra, vì có những
khu vực và cấp bậc bất khả đụng chạm.
Đối với những “vụ án nhạy cảm” như vụ Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân,
hay như vụ Điếu Cày và gần đây hơn là vụ xét xử 8 giáo dân Thái Hà,
luật sư bào chữa muốn nói gì thì nói, chánh án có cứng họng không trả
lời được những chất vấn, thì án vẫn được tuyên bố, không dựa vào việc
tranh luận thực tế tại toà nhằm xem xét chuyện có tội hay vô tội, mức
độ nặng nhẹ ra sao, mà dựa vào những chỉ thị.
Như thế cũng có nghĩa một phiên toà mở ra chỉ để ông nói gà bà nói vịt,
vì ngay cả ông chánh án toà án nhân dân tối cao cũng đã nói trước quốc
hội rằng: “ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được, xử thua cũng được…”.
Người có óc hài hước sau khi dự vài phiên xử như thế hẳn phải chua chát
nhận định rằng: Ô, hoá ra không phải là xử án, mà là diễn kịch!
Rồi mỗi khi có bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, dân ta lại “phấn khởi
hồ hởi” tham gia vào “ngày hội lớn của toàn dân” bằng cách đi gạch một
vài cái tên trong một bản danh sách. Còn những ứng cử viên bị gạch tên
hay được để lại mồm ngang mũi dọc thế nào người ta cũng chẳng mấy bận
tâm.
Nếu có ai đó thực sự bận tâm nêu ra vài thắc mắc về nhân thân những ứng
cử viên đó thì “thôi rồi Lượm ơi”, chú mày lập tức bị nghi ngờ, theo
dõi, vì “đã bị các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục”. Hoặc có ai dám
từ chối cái “quyền thiêng liêng” này thì hãy nhớ một điều đơn giản
không hề đơn giản: tên chú mày đã bị ghi vào sổ đen thuộc “thành phần
chống đối”. Người đi bầu cũng chậc lưỡi rằng “ôi giời, họ sắp xếp hết
rồi ấy mà!”. Tất cả cũng vẫn chỉ là trò diễn kịch!
Vậy nên nếu ai đó không chịu hiểu rằng xử án hay bầu cử hay chuyện gì
gì ở cái xứ sở Việt Nam cũng đơn giản chỉ là diễn kịch, rồi bày trò bào
chữa hay thắc mắc rồi tự vận động ứng cử, lập tức sẽ bị “khoanh vùng”
và xếp vào hạng “thế lực thù địch”.
Cũng vì thế mà khi có chuyện “đáo tụng đình” hay muốn thăng tiến trên
đường hoạn lộ, việc thông thường mà người Việt Nam phải làm sẽ không là
tìm luật sư giỏi để bào chữa, hay hoạch định ra chiến dịch tranh cử
hiệu quả, mà là tìm cách dấm dúi với đám “đạo diễn”.
Hoá ra chính quyền Việt Nam cũng quan tâm đến người dân lắm đấy chứ, họ
biết đa số dân Việt Nam không dư giả tới mức có đủ tiền mua vé xem
kịch, nên thỉnh thoảng bày trò diễn kịch. Dĩ nhiên tiền chi phí cũng
lấy từ thuế của dân, của thiên trả địa, như vậy kể ra cũng là sòng
phẳng.
Một dân tộc ham mê kịch nghệ?
Độc giả sẽ hỏi tôi là chẳng lẽ người Việt mình lại ham mê cái món kịch
nghệ đến thế? Chẳng lẽ cái trò kịch nghệ lại diễn ra ở khắp mọi cơ cấu
xã hội hay sao?
Dĩ nhiên chuyện máu mê kịch nghệ không nằm trong bản tính người Việt.
Nhưng sau bao nhiêu lần cứ diễn đi diễn lại cái trò đơn giản là tất cả
mọi chuyện đều đã có “chỉ đạo”, mọi chuyện đều đã có trung ương nghĩ
hộ, người ngu si đến mấy cũng nhận ra rằng cái món hàng xa xỉ phẩm suy
tư hay ý kiến cá nhân đã thành hàng quốc cấm, rằng món hàng đó là thứ
chất độc giết người, để có thể tiếp tục tồn tại, họ buộc phải giã từ
mọi suy nghĩ. Thôi thì đã không thành được triết gia, ít ra ta cũng
thành diễn viên. Mà đã là diễn viên thì buộc phải múa may theo ý đạo
diễn.
Trong một xã hội chỉ biết răm rắp cúi đầu đi theo “định hướng”, một
ngày đẹp trời nào đó bỗng có vài gã lãng tử muốn khuỳnh khoàng bước
lệch ra đôi chút, họ sẽ bị coi là lũ quái gở, lũ dở người. Các người
muốn chống tham nhũng, chống bá quyền, chống độc tài hả? Đừng có mơ
nhé! Thứ hàng ngoại lai đó dân Việt ta không quen dùng đâu, không dùng
nổi đâu. Các người muốn chống thói tham lam, ti tiện, ích kỉ, tự tư tự
lợi hả? Làm người ai chả vậy, làm quan ai chả thế, đời nào chả thế!
Vậy nên ở quán chè hàng nước, ở bờ ruộng luỹ tre, chỗ nào ta cũng nghe
thấy nói tới nạn hà hiếp, tham nhũng, biển thủ, làm giầu nhanh chóng
của đám quan tham, à quên, của đám đầy tớ bất lương. Diễn giả có thể đỏ
mặt tía tai, vung tay múa chân, nhưng nếu nói tới chuyện mời họ công
khai bày tỏ ý kiến về những vụ việc như thế ở những nơi hội họp, nhất
là đứng ra làm chứng ở các phiên toà, thật khó chẳng khác việc đốt đuốc
giữa ban ngày tìm người công chính. Diễn giả sẽ biến sắc thất thần thưa
lại rằng: ấy chết, em còn phải sống chứ.
Vô tình một cách rất tự nhiên, người Việt đã chấp nhận sự tồn tại nhởn
nhơ của cái cơ cấu quái quỉ, tệ hại, thối nát và không hề có ý định
thay đổi hay xô đổ nó. Họ chấp nhận giữ những vai diễn mờ nhạt, đôi khi
là những con vật tế thần chỉ kịp kêu lên vài tiếng rú thê thảm lúc bị
chọc tiết. Rồi vở kịch lại tiếp diễn với những màn vô hồn uể oải, mệt
mỏi rã rời.
Sự thật bị cắt xén tráo đổi
Dù sao, là con người, hẳn người Việt mình cũng phải còn chút xíu lương
tri, dù là rất nhỏ chứ. Cái mặt kẻ cướp rành rành, đang rình rập nuốt
đất nuốt biển của mình thì ít ra mình phải còn có ít nhất một chút lòng
tự trọng nhỏ xíu là nổi giận và phản ứng chứ.
Nhưng ngay cả chuyện này cũng đừng có mơ nhé! Ai ăn cướp? Cướp chỗ nào?
Bằng chứng đâu? Kẻ đặt câu hỏi chỉ cần mạnh miệng chút xíu là con thỏ
nhút nhát đã co chân chạy biến ngay, đừng hòng còn chút tăm hơi. Hay ai
đó còn có chút gan dạ chường cái mặt xanh lét ra thì cái kẻ ba trợn kia
sẽ chơi bài cáo già đóng giả nai tơ rằng thì là ai chẳng yêu tổ quốc
quê hương, rằng thì là nào có ai muốn đất nước mình bị kẻ khác cấu xé,
nhưng mình yếu mà nó mạnh lắm, rằng chính phủ sáng suốt lắm, khôn ngoan
lắm đã có đường đi nước bước cả rồi, đâu sẽ có đó hết. Lời lẽ sao mà cứ
như mật rót vào tai. Rồi cứ rót mãi, cái tai sẽ điếc đặc chẳng còn phân
biệt được đâu là tiếng chó đâu là tiếng người!
Ngay cái lẽ đơn giản đảo này đảo kia của nước mình, bây giờ kẻ cướp nó
chiếm nó đặt làm quận huyện, phải lên tiếng chớ. Người lên tiếng bị
công an quân đội của chính nước mình hằm hè chăng dây thép gai ngăn
chặn, quá nữa thì bị bắt giam hành hạ bỏ tù, người đi đường vẫn bàng
quan coi những chuyện đó chẳng liên quan gì tới mình. Thậm chí có kẻ
còn lên mặt hiểu biết chê bai rằng: rõ hâm, đi làm cái chuyện ăn cơm
nhà vác tù và hàng tổng!
Thử nghĩ lại xem, mình chống ngoại xâm mà công an quân đội nước mình
lại cương quyết tìm mọi cách chống lại mình thì bọn đó là quân bán nước
rõ ràng rồi. Người nước mình thấy quốc gia bị xâm hại mà vẫn làm ngơ
thì thành người ngoại quốc mất rồi!
Trong lịch sử của cái băng đảng được công an quân đội bảo vệ đó, có thứ
gì của quốc gia dân tộc có thể bán được mà họ lại không tìm đủ cách bán
tống bán tháo? Vấn đề nằm ở chỗ đa số người dân vẫn cho đó là chuyện
bình thường, lại còn tự nhủ rằng: họ chưa bỏ tù hay giết chết mình là
may lắm rồi!
Đôi tai bị rót mật đã quen, kẻ nào lại đòi móc thứ mật đó ra, kẻ đó cứ liệu thần hồn.
Toà án không bao giờ dám để truy nguyên nên luôn có khoanh vùng. Hiện
trạng biên giới và hải đảo của Tổ quốc cũng không ai được truy nguyên,
nên luôn có những khu vực nhạy cảm bất khả đụng chạm. Ai cả gan làm
những chuyện dại dột đó là bị “thế lực thù địch lôi kéo xúi giục”.
Toà án không cho truy nguyên, nên cái sự thật được ngài chánh án đưa ra
cũng có vẻ giống sự thật. Hiện trạng biên giới và hải đảo thì rằng là
đã có nhà nước lo, đừng tò mò, đừng nghe kẻ xấu xúi giục, chính quyền
nhà mình sáng suốt và đang bàn bạc với phía bên họ theo công pháp và
thông lệ quốc tế. Cứ yên tâm, mình không bị thiệt đâu.
Nhưng không được truy nguyên, nghĩa là sự thật nếu có được phơi ra cũng
chỉ là một khúc. Một khúc sự thật, sự thật bị che chắn, sự thật bị
khoanh vùng, bị cắt xén, bị gọt đẽo là gì nếu không phải là sự thật
kiểu thầy bói xem voi.
| Sự thật của Cộng sản Nguồn: blogs.zdnet.com
| Kéo
tay cái lũ dân tai đầy mật ngọt giết người, rồi bịt mắt nó lại dí tay
nó vào tai voi, rồi lại dùng lời mật ngọt rót tiếp vào tai nó rằng thì
là con voi đó, đảng và chính phủ sáng suốt đã xem kĩ lắm rồi, nó giống
như cái quạt mo mà. Kẻ kia sẽ tấm tắc phụ hoạ: đúng rồi đúng rồi! Thế
mà thằng ấy thằng nọ lại đi bảo con voi có bốn chân, có vòi, bụng như
cái trống. Sai bét sai bét, đúng là kẻ xấu! Thật trăm nghe chẳng bằng
một thấy, à quên sờ. Ơn đảng và chính phủ quá. Nhờ đảng và chính phủ
quan tâm hướng dẫn giáo dục tôi mới biết con voi giống cái quạt mo nhà
tôi. Chứ cứ để tự tôi mày mò thì tới đời thủa nào mới biết được sự thật
này!
Ai đó sẽ nói rằng dân Việt mình nào đến nỗi ngu si khờ khạo đến mức ấy.
Nhưng cái ngón bưng bít để đổi trắng thay đen được ra rả rót vào tai
dân Việt từ vài chục năm rồi, kết quả của trò đó tai hại lắm. Đến lúc
kẻ kia lấy tờ giấy đen chìa ra rồi rêu rao lên rằng: trắng đấy. Mọi
người sẽ nhất loạt hưởng ứng rằng: ừ, trắng nhỉ. Cái tội bưng bít, che
chắn, khoanh vùng và cắt xén sự thật mới khủng khiếp biết chừng nào!
Người viết bài này từng có nhiều dịp tranh cãi với nhiều cán bộ nhà
nước về vấn đề sự thật. Lời họ nói lúc nào cũng là sự thật, nhưng phiền
ở chỗ đó là sự thật kiểu “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”, sự
thật kiểu chân lí là cái lí có chân có thể chạy từ bên phải qua bên
trái. Nói một cách màu mè thì sự thật mà họ trình bày luôn phiến diện,
lí luận của họ luôn quanh quẩn lòng vòng, nên đó là sự thật đã bị bóp
vụn và nháo nhào bằng bài đánh tráo khái niệm của trò lật lọng đổi
trắng thay đen. Đa số người dân đã bị món lãnh đạo tài tình và sáng
suốt của đảng quang vinh mê hoặc mất rồi, làm sao còn có thể tìm ra
chút ít manh mối của SỰ THẬT trong mớ hổ lốn hỗn độn đó!
Những bài tỉ tê ra rả suốt ngày nào là công lao giành độc lập tự do,
nào là phải ổn định chính trị mới làm cho đất nước phát triển được, nào
là quan niệm về nhân quyền ở ta khác với Âu Mỹ, nào là bọn cha cố và
nhà thờ luôn cấu kết với thực dân đế quốc, nào là bọn đó là gián điệp
đội lốt tu hành vân vân và vân vân chính là những thứ mật vẫn đang tràn
ra lênh láng, có thể nhấn chìm cả vận mạng dân tộc Việt Nam!
Vậy nên, những kẻ nhắc lại lời ông Nguyễn Văn Thiệu xưa hẳn không phải
vì uy tín cá nhân ông ta, nhưng vì với đôi chút am hiểu thế sự, với ít
nhiều trải nghiệm cá nhân, họ nhận ra rằng có đám người nói thật hay mà
tâm địa đen xì, cái đám cứ ra rả chuyện nhân nghĩa, nhưng lại hết sức
độc ác gian manh. Nhiều người bị lừa phỉnh chỉ vì đã nghiện thứ mật
ngọt rót vào tai mất rồi.
Người có chút chữ nghĩa gọi đám nói láo là giả hình, dân gian bảo rằng
nó nói một đàng làm một nẻo, còn ông Nguyễn Văn Thiệu lại nói: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Nhưng giờ đây, ngay cả chuyện phơi ra sự thật những việc họ làm cũng đã là một chuyện thiên nan vạn nan với đa số người Việt!
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ
|