Những
tín hiệu suy giảm, suy thoái kinh tế đã lấp ló ở Việt Nam qua tình
trạng mãi lực giảm nghiêm trọng, cũng như chỉ số giá tiêu dùng giảm 4
tháng liền.
AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
Một cụ ông làm thêm bằng nghề bơm bánh xe, đang ngồi chờ khách bên lề đường Hà Nội hôm 16-12-2008.
Liên tục suy giảm
Theo lời ông Võ Hồng Phúc, Bộ
trưởng Kế hoạch đầu tư xác định trong phiên họp ngày 16/12 ở Hà Nội, thì chỉ số
giá tiêu dùng tháng 12 so với tháng 11 giảm 0,7%.
Như vậy chỉ số giá tiêu dùng
toàn quốc đã ở mức âm bốn tháng liên tiếp và như nhận định của ông Bộ trưởng,
đây là dấu hiệu ngày càng rõ của suy thoái kinh tế.
Tuy rằng bóng ma suy
thoái đã lấp ló, nhưng trên thực tế lạm phát 2008 của Việt Nam vẫn ở mức
21% so với năm 2007. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng viện nghiên cứu
phát triển ở Hà Nội đưa ra nhận định:
“Kinh tế Việt Nam đang khó khăn thì chắc chắn rồi, tức là có
sự suy giảm tăng trưởng. Việt Nam chưa phải là suy thoái, bởi vì suy
thoái nghĩa là tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương chưa thể gọi
là suy thoái được.”
Trong khi đó một tờ báo
chuyên về kinh tế tiêu dùng ở TPHCM, tờ Saigon Tiếp Thị đã thực hiện
cuộc điều tra tiêu dùng thường xuyên kể từ tháng 10/2008. Kết quả cho thấy sức
mua của thị trường TP.HCM trong tháng 11 giảm 25% tức một phần tư so với tháng
10.
Các chuyên viên điều tra của
tờ báo ghi nhận rằng, dân chúng Saigon giảm số lần mua sắm khoảng 17%.
Tuy vậy số tiền mà người dân thành phố chi tiêu cho mỗi lần mua sắm chỉ giảm
không đáng kể, khoảng 1%.
Cuộc điều tra của Saigon Tiếp
Thị được cho biết là tiến hành theo phương pháp ghi nhận trực tiếp việc
tiêu dùng hàng ngày tại các hộ gia đình, được chọn theo phân tầng kinh tế xã hội.
Sức mua kém đi nhiều lắm,
những doanh nghiệp xôm tụ bây giờ làm ăn xiểng liểng vỡ nợ, những xí nghiệp
thu dụng nhiều nhân công, bây giờ đóng cửa hết trơn. Bất động sản đóng
băng. Tình hình ảm đạm lắm.
Nữ công chức về hưu
Các chuyên viên điều tra cho
biết họ tập trung vào nhóm các sản phẩm tiêu dùng thường xuyên gồm 23 ngành
hàng, bao gồm các nhóm nhu cầu như ăn uống, học hành, vui chơi, giải trí, y tế
và chăm sóc sức khỏe.
Thị trường trầm lắng
Đối với tình trạng thị trường
trầm lắng, một nữ công chức về hưu ở TP.HCM mô tả sự kiện sức
mua suy giảm bằng thực tế mắt thấy tai nghe. Bà nói:
“Đi đâu người ta cũng kêu
than, xăng giảm 4 lần nhưng tất cả các sinh hoạt thì không giảm mà còn lên.
Thành ra mãi lực rất là kém, rõ ràng năm nay Tết nhất người ta sẽ hạn chế đi
nhiều lắm.
Sức mua kém đi nhiều lắm,
những doanh nghiệp xôm tụ bây giờ làm ăn xiểng liểng vỡ nợ, những xí nghiệp
ngành may lớn thu dụng nhiều nhân công, bây giờ đóng cửa hết trơn. Người ta
không đủ trang trải, năm nay không có thưởng tết ngay cả ở ngân hàng và các
doanh nghiệp khác.
Buôn bán bất động sản đóng
băng, người ta quay vòng vốn vay ngân hàng, bây giờ không bán được thành ra bế
tắc. Tình hình ảm đạm lắm.”
Chúng tôi cũng trao đổi với
một tiểu thương bán lẻ ở TP.HCM, người này cho biết có sự cảm nhận rõ
ràng về tình trạng sức mua giảm sút trên thị trường:
Bây giờ mọi người đã cảm
nhận được khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam. Thành ra họ đã dè dặt, một số người lo sợ
mất việc mặc dù chưa thất nghiệp cũng không dám tiêu xài mạnh tay.
Một tiểu thương
“Bây giờ mọi người đã cảm
nhận được khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam. Thành ra họ đã dè dặt, một số người lo sợ
mất việc mặc dù chưa thất nghiệp cũng không dám tiêu xài mạnh tay. Những công
ty trực tiếp xuất khẩu thì bây giờ không còn đơn hàng rõ ràng bị ảnh hưởng.”
Chính phủ Việt Nam đã công bố
một kế hoạch kích thích nền kinh tế sử dụng 110.000 tỷ đồng tương
đương 6 tỷ đô la. Tuy rằng các bộ sở quan chưa có thông tin chi tiết
về việc kích cầu ở lãnh vực nào của nền kinh tế.
Cho đến nay chỉ có thông tin
về dự án 10 ngàn căn hộ cho người có thu nhập thấp, sử dụng vốn tài trợ
3.500 tỷ đồng là có vẻ rõ nét. Phần còn lại cho thấy đang có vận động hành
lang, vận động cho lợi ích nhóm đối với gói kích cầu trị giá hơn một phần ba tổng
dự trữ ngoại hối của Việt Nam.