Hồ Chí Minh: Thần Tượng hay Huyễn Tượng
• Ngô Đức Diễm
Hồ Chí Minh, một nhân vật được Đảng Cộng Sản Việt Nam tôn thờ như một
lãnh tụ thần thánh, và cũng thường được thế giới nhắc tới như một nhà
cách mạng Việt Nam đáng kính. Nhiều tác giả từ Đông sang Tây đã từng
viết về nhân vật lịch sử này, khen cũng có mà chê cũng không ít. Mới
đây, hai sự kiện khá lý thú vừa xảy ra đang làm dư luận chú ý. Hội Đồng
Thành Phố Acapulco của Mễ Tây Cơ đã thông qua quyết nghị vinh danh Hồ
Chí Minh như một anh hùng Việt Nam và dựng tượng họ Hồ bên cạnh tượng
Gandhi tại thành phố du lịch này.
Trong khi đó, Giáo Sư Hồ Xuân Hùng tại Đài Loan mới đây vừa tung ra quả
bom làm chấn động dư luận, cho rằng Hồ Chí Minh không phải là người
Việt Nam mà là người Trung Hoa, thuộc sắc tộc He (Hakka). Trước những
cái nhìn trái ngược đó, thiết tưởng đặt lại vấn đề "Hồ Chí Minh là thần
tượng hay huyễn tượng" là điều hợp lý và hợp tình.
Hồ Chí Minh là ai? Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy câu trả lời
dứt khoát. Thực vậy, tên tuổi, ngày tháng, năm sinh cũng như quãng đời
hoạt động của họ Hồ đã được ghi lại một cách khác nhau, biến nhân vật
lịch sử này thành một dấu hỏi lớn, nếu không nói là một huyền thoại!
Theo nhiều tài liệu được viết ra, Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh
Cung. Con ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy có tên sổ bộ là Nguyễn Tất Sắc.
Bước vào con đường hoạt động chính trị, Nguyễn Sinh Cung đổi tên là
Nguyễn Tất Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc và chính thức là Hồ Chí Minh.
Khuynh hướng đề cao Hồ Chí Minh không hẳn là thiếu phổ biến. Với Đảng
Cộng Sản Việt Nam, Hồ Chí Minh là vị "cha già dân tộc" khả kính, soi
đường dẫn lối đưa dân Việt tới đài vinh quang. Theo người cộng sản, tư
tưởng Hồ Chí Minh cũng được sánh ví ngang hàng với tư tưởng Mác-Lê
trong vai trò chỉ đạo, nên Điều 4 Hiến Pháp cộng sản Việt Nam đã ghi rõ
"Đảng cộng sản Việt Nam...theo chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí
Minh..là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội." Bên cạnh tư tưởng chỉ
đạo, người cộng sản còn đề cao đạo đức cánh mạng của Bác Hồ như một ông
thánh, hy sinh hạnh phúc cá nhân để phục vụ dân nước. Nào là Bác sống
độc thân không vợ không con. Nào là Bác sống một đời thanh đạm, ở nhà
sàn, chân đi dép lốp, mặc áo Khaki..Nhất là Bác luôn luôn đề cao những
giá trị độc lập tự do thống nhất, và còn chú trọng đến chính sách "thụ
nhân" chủ trương "mười năm trồng cây, trăm năm trồng người.." Chính vì
những công lao đáng nhớ đó, nên Đảng cộng sản Việt Nam mới cố gắng duy
trì hình ảnh "Bác sống mãi trong quần chúng" với xác ướp và lăng Hồ Chí
Minh tại Ba Đình, giống như xác ướp Lê Nin tại Quãng Trường Đỏ Cẩm
Linh. Nhất là Đảng cộng sản Việt Nam còn lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho
thủ đô Sài Gòn ngày 1 tháng 5 năm 1975 để nhớ công ơn "giải phóng miền
Nam" theo di chúc của Bác.
Không phải chỉ có cộng sản Việt Nam tôn vinh Hồ Chí Minh làm cha già
dân tộc, mà chính cơ quan Unesco thuộc Liên Hiệp Quốc trong phiên họp
khoáng đại ngày 20 tháng 10 năm 1987, đã thông qua quyết nghị vinh danh
Hồ Chí Minh như một anh hùng văn hóa (great man of culture) trong ngày
sinh nhật thứ 100 của họ Hồ. Nhưng quyết định đó không được thực hiện
vì bị cộng đồng người Việt chống đối mạnh mẽ, đưa ra ánh sáng những sự
thật tiêu cực đàng sau những huyền thoại được tô son điểm phấn đầy tính
cách lừa phỉnh.
Mới đây nhất là sự kiện thành phố Acapulco của Mễ Tây Cơ quyết định
vinh danh Hồ Chí Minh như một anh hùng dân tộc và dựng tượng họ Hồ bên
cạnh tượng Gandhi tại thành phố tươi đẹp trên bờ Thái Bình Dương này.
Quyết nghị này đã làm dân Việt khắp nơi bất bình phẫn nộ. Trước sự vận
động mạnh mẽ của Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, 20 cộng đồng người Việt từ
Úc Châu, Canada, Pháp, Hòa Lan, Bỉ và đặc biệt là Hoa Kỳ đã ký tên
trong một thư ngỏ đăng trên nhật báo El Sur ngày 7 tháng 12 năm 2008,
đòi hỏi Hội Đồng Thành Phố Acapulco hủy bỏ quyết định gây sóng gió nói
trên, đồng thời phô bày bộ mặt thật của họ Hồ cho thế giới. Theo thư
ngỏ, Hồ Chí Minh không xứng đáng được tôn vinh, vì họ Hồ không phải là
nhà đại cách mạng hay anh hùng dân tộc, mà chỉ lả một tên cộng sản quốc
tế, đã đem chủ thuyết Mác Lê bất nhân lỗi thời phản tiến hóa về đày đọa
dân tộc Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua.
Đối lại với cái nhìn của Đảng cộng sản Việt Nam, của Unesco và thành
phố Acapulco, nhiều tác giả khác đã đưa ra những cái nhìn mới về Hồ Chí
Minh. Dưới ngòi bút của Minh Võ, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hữu Thống, Đỗ
Thông Minh, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, và mới đây là Trần Khải Thanh Thủy và
Hồ Tuấn Hùng, Hồ Chí Minh đã xuất hiện như một con người tầm thường, và
huyền thoại Hồ Chí Minh phải được phế bỏ để trả lại sự thật cho lịch sử.
Theo tài liệu và luận chứng của các tác giả nêu trên, Hồ Chí Minh không
phải là một nhà ái quốc chân chính, một cha già dân tộc hay hơn nữa một
anh hùng văn hóa. Trái lại, họ Hồ chỉ là con người tầm thường như muôn
người khác với những sai lầm, khiếm khuyết cũng như những yếu đuối
thường tình của một con người. Hơn nữa, Hồ Chí Minh còn tiêu biểu là
con người giả dối, ác độc và thiếu đạo đức cách mạng.
Thứ nhất, người ta đã khám phá thấy nhiều điểm không thật trong tiểu sử
của họ Hồ liên hệ đến tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ cũng như đời tư của
ông đàng sau những nét son phấn tô điểm để thần thánh hóa lãnh tụ.
Về tên thì ngoài những tên quen thuộc như Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Ái
Quốc, Hồ Chí Minh, họ Hồ còn xuất hiện với nhiều tên khác mà Trần Khải
Thanh Thủy trong tác phẩm "Hồ Chí Minh nhân vật trăm tên nghìn mặt" đã
đếm được 167 bút danh bút hiệu, như Nguyễn Tất Thành, Paul Thành, Lê
Văn Ba, Lý Thụy, Tống Văn Sơ, Vương Chí Sơn, Chang Vang, Già Thu, Lin,
Trần Dân Tiên...
Về ngày sinh và năm sinh, cho đến nay, người ta vẫn chưa có thể xác
quyết Hồ Chí Minh thật sự sinh ngày nào, tháng nào năm nào! Theo báo
chí tuyên truyền của Đảng cộng sản, Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5
năm 1890. Thế mà trong đơn xin vào học trường thuộc địa Pháp với cái
tên Paul Thành, họ Hồ lại khai là sinh năm 1892 tại thành phố Vinh. Thề
rồi tại sở cảnh sát Paris, dưới tên Nguyễn Ái Quốc, họ Hồ lại khai là
sinh ngày 15 tháng 1 năm 1894! Ba năm sau, taị Bá Linh, họ Hồ đã đổi
tên là Chang Vang và đổi ngày và năm của mình, khai là sinh ngày 15
tháng 2 năm 1895. Trong cuốn"những mẩu chuyện về đời hoạt độngt của Hồ
Chủ Tịch" họ Hồ đã giả danh Trần Dân Tiên, khai là sinh ngày 19 tháng 5
năm 1895!
Về tư cách thì ôi thôi, hình ảnh vị cha già dân tộc, hình ảnh Bác với
"mắt như sao râu dài, nước da nâu người sương gió" đã hy sinh trọn vẹn
đời mình cho tổ quốc dân tộc, nay xuất hiện dưới ngòi bút của Trần Khải
Thanh Thủy cũng như nhiều tác giả khác như một con người vô đạo đức,
thiếu tư cách, nếu không nói là vô liêm sỉ. Thật vậy, hình ảnh Bác độc
thân không vợ không con, chỉ có "hàng triệu con cháu, những thanh niên,
trẻ em Việt Nam" đã biến thành con hùm râu xanh có nhiều vợ nhiều con
như văn chương dân gian đã mô tả:
Bác sinh Bác vốn đa tình
Cho nên Bác lấy Tuyết Minh vợ Tàu
Tuyết Minh đâu phải vợ đầu
Lạc Xuân Trưng nữa ngõ hầu năm cô!
Thế là Bác có năm thê bảy thiếp. Tại Hồng Kông, Bác dan díu với cô gái
Trung Hoa tên Li Sam. Tại hang Pắc Bó, Bác cũng có ôm ấp cô gái thượng
tên là Nông Thị Ngát (Trưng). Tại Cao Bằng, Bác đã có con với Đỗ Thị
Lạc. Tiêu biểu nhất là Bác đã có con với Nguyễn Thị Xuân, mà nhân chứng
sống của mối tình oan nghiệt đó là cậu Nguyễn Tất Trung hiện nay còn
sống tại Hà Nội. Văn chương dân gian cũng đã nhại thơ Lưu Trọng Lư để
kể lại mối tình giữa Bác và cô Xuân, cùng với cái chết oan nghiệt của
cô Xuân như sau:
Em có nghe Đảng kể
Về một vụ hoang thai
Xác nai vàng ngơ ngác
Bọc trong lá cờ ta..
Vũ Thư Hiên, trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày, đã trích dẫn lá thư của
cô Nguyễn Thị Vàng, em Nguyễn Thi Xuân, tiết lộ về cái chết oan ức của
cô Xuân như sau: " Bác sĩ tuyên bố, đây có thể bị trùm chăn lên đầu rồi
dùng búa đánh vào giữa đầu. Đây là phương pháp giết người của bọn lưu
manh chuyên nghiệp." Theo tài liệu, thì đây là luỡi búa của Bộ Trưởng
công an Trần Quốc Hoàn hạ xuống theo lệnh Bác để phi tang..
Thế đó! Không phải Bác chỉ đa tình, mà Bác còn xuất hiện như một con người nham hiểm ác độc:
Bác sống như một gã hoang dâm
Chơi hoa rồi lại phái người đâm
Làm cha như Bác khổ non nước
Nghĩa hận lòng căm những sớm chiều
Trở lại câu hỏi Hồ Chí Minh có phải là nhà ái quốc chân chính không,
nhiều tác giả đã khẳng định là không. Luật Sư Nguyễn Hữu Thống, trong
cuốc Giải Thể Chế Độ Cộng Sản, đã quả quyết "Hồ Chí Minh không phải
người yêu nước. Nguyễn Ái Quốc không phải là nhà ái quốc, nên ông ta
vẫn tiếp tục đẩy tới chiến tranh võ trang để phá vỡ mọi giải pháp độc
lập quốc gia." Theo LS Thống, độc lập thống nhất chỉ là chiêu bài Hồ
Chí Minh dùng để áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên đầu dân Việt, vì thực sự
Việt Nam đã có độc lập thống nhất từ năm 1949, khi Tổng Thống Pháp
Vincent Auriol ký Hiệp Định Elysee với Quốc Trưởng Bảo Đại, công nhận
Việt Nam độc lập thống nhất trong Liên Hiệp Pháp.
Sở dĩ Hồ Chí Minh dùng độc lập thống nhất làm chiêu bài nhuộm đỏ Đông
Nam Á, vì trước sau, họ Hồ chỉ là một con người cộng sản quốc tế. Đỗ
Thông Minh trong cuốn Con Đường Dân Chủ Hóa Việt Nam đã xác nhận: "Lý
Thụy là một đảng viên quốc tế cộng sản, cán bộ được đào tạo dể bành
trướng chủ nghĩa cộng sản vùng Đông Nam Á. Các tài liệu trong văn khố
Nga và Bộ Văn Khố Đảng Toàn Tập của Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy ông
hoàn toàn lãnh lương và làm theo chỉ thị của quốc tế cộng sản." Chính
Búi Tín, trong cuốn Về Ba Ông Thánh, cũng thú nhận; " Trước đây, tôi đã
nhận định ông Hồ là người yêu nước, nhân vật có công lao với đất nước,
đồng thời ông có trách nhiệm trong những lỗi lầm, trong những lầm lẫn,
để cho đất nước nghèo khổ, không có dân chủ, không có luật pháp nghiêm
minh.."
Điều đáng nói và hẳn lịch sử không bao giờ quên, là Hồ Chí Minh đã dựa
vào chủ thuyết cộng sản sai lầm và bất nhân, gieo bao thảm họa lên đầu
dân Việt, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tố cường hào ác bá tại Liên Khu IV
năm 1953 và cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc năm 1956, với chủ
trương "trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ" đã giết hại bao dân
lành vô tội. Hàng trăm ngàn người dân đã bị hành quyết một cách dã man
duới bàn tay đao phủ của Đảng: "Giết giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ,
cho ruộng đống lúa tốt tốt thuế mau xong." Nếu Milosovich của Nam Tư và
Sadam Hussein của Irap bị kết án diệt chủng, thì Hồ Chí Minh, với cái
chết của gần nửa triệu người trong các đợt đấu tố và cải cách ruộng
đất, cũng đáng được liệt vào hàng ngũ những tên tội phạm phi nhân bản
đó.
Viết đến đây, tôi cảm nhận rằng, lịch sử còn diễn biến, và giòng lịch
sử quả phức tạp và uyển chuyển. Nhưng rồi, trước sau, mọi sự thật lịch
sử cũng sẽ được phơi bày. Mọi phê phán vội vàng có thể thiếu khách quan
và chuẩn xác. Nhưng người viết có thể cảm nhận rằng, Hồ Chí Minh không
phải là thần tượng, mà chỉ là một huyền thoại hay đúng hơn, một huyễn
tượng. Cảm nhận như thế, tôi liên tưởng ngay tới Phong Trào Quốc Dân
Đòi Trả Tên Sài Gòn, trong nỗ lực phế bỏ huyền thoại Hồ Chí Minh. Trong
lúc chờ xem cuốn phim tài liệu "Sự Thật Về Hồ Chí Minh" do Phong Trào
thực hiện và phổ biến, người viết xin mượn lời Bùi Tín trong cuốn Về Ba
Ông Thánh để kết bài nhận định này: "Xin chớ coi ông là một ông thánh,
vì ông không phải là thánh."
(Ngô Đức Diễm, Ba Lan 17-12-2008).
Nguồn :Vietvungvinh .