Thứ Năm, 2024-03-28, 11:19 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 19 » Bịt Miệng Dân Chưa Đủ, Bây Giờ Lại Bóp Cổ Người Làm Báo
10:37 AM
Bịt Miệng Dân Chưa Đủ, Bây Giờ Lại Bóp Cổ Người Làm Báo
VIỆT NAM: BẢO NHAU NGỒI LÊN LUẬT PHÁP
 
Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.- Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam có thói quen dùng Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định và Nghị quyết để xóa đi các Luật đã ban hành và làm mờ nhạt Luật cao nhất của Quốc gia là Hiến Pháp nên chuyện Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ra thêm Quy chế  để  trói tay người làm báo và vô hiệu hóa Luật Báo chí không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.

Nhưng việc làm vừa công bố trên Báo Điện tử  của Chính phủ cho thấy Nhà nước  CSVN không còn biết xấu hổ khi  nói  có tự do Báo chí  ở Việt Nam.

Báo chí nhà nước nói những ràng buộc  mới có 9 Điều, nhưng nguyên văn “Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí”, được ban hành kèm theo quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT ngày 2 tháng 12 năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ có 8 Điều.

Nội dung của Quy chế không những xóa bỏ nhiều quyền của người làm báo mà còn tước mất quyền được thông tin của người dân đã được Hiến pháp và Luật Báo chí nhìn nhận.

Điều 1 viết : “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức, các cá nhân có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp cho báo chí theo quy định tại Điều 7 Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.”

Nhưng Điều 7 của Luật Báo chí nói gì?

Điều này viết trong Luật được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1989 : “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.”


 Quyết định 7 Điều về  quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2007 viết:

“1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước (sau đây gọi là Người phát ngôn) là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Họ tên và chức vụ người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước phải được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

      2. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

      3. Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

      a) Là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức và đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước;

      b) Có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan;

      c) Có am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà mình đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định về báo chí.

      d) Có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí.

      4. Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật, không trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí.”


QUYỀN CỦA NHÀ BÁO

Về quyền của Báo chí, ngày 12 tháng 6 năm 1999, Nhà nước CSVN ban hành Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 1989, để nói về những quyền này, nhưng  quan trọng nhất là 2 Điều 6 và 15.

"Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Báo chí có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;

2- Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

3- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;

4- Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;

5- Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam;

6- Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".

Điều 15 mới của Luật sửa đổi quy định minh bạch nhà báo có quyền và nghĩa vụ như sau:
          

            a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

            b) Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;

            c) Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí;

            d) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ;

            đ) Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

            2- Nhà báo có những nghĩa vụ sau đây:

            a) Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;

            b) Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;

            c) Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ báo chí; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;

            d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

            đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí".

NHỮNG ĐIỀU QUÁI GỞ


Căn cứ theo những điều  Luật trích dẫn thì  Nhà báo không bao giờ  phải thi hành những điều  quái gở như Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin và Tuyền Thông viết trong “Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí”.

Bẩy (7) Điều  còn lại  trong Quy chế  viết  :

Điều 2. “Cơ quan báo chí, tác gỉa bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin do cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin.”

Điều 3.- “Đối với các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử vá các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thong tin theo nguồn tài liệu của mình nhưng phảI việcn dẫn nguồn tin theo đúng quy định tại Điều 2 cùa Quy chế này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đăng, phát.”

 “Cơ quan báo chí phải đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác của thông tin được cung cấp; không được đăng, phát những thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng, những than nhân và các mốI quan hệ đó lien quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến đờI tư của công dân.”


Điều 4.- Cơ quan báo chí khai thác các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khỏan 6 Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điếu của Luật Báo chí, phải nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng và phảI chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đã đăng, phát.

Điều 5.- Khi sử dụng tin, bài để đăng phát trên báo chí, các cơ quan báo chí phải ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác gỉa, nhóm tác gỉa. Trường hợpo tác gỉa ghi bút danh thì cơ quan báo chí phảI biết rõ tên thật, địa chỉ của tác gỉa.

Điều 6.- Đối với loại thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mơiI mà chưa được kết luận thì chỉ đăng trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành và phải chú dẫn xuất xứ tư liệu.

Điều 7.- Người đứng đấu cơ quan báo chí là ngườI chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và trước pháp luật về tính chính xác của các thong tin đăng, phát trên báo chí.

Điều 8.- Cơ quan báo chí, nhà báo, tác gỉa bài báo, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện đúng các quy định cung cấp thông tin và xác định nguồn tin tr6en báo chí quy định tạI Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

NGỒI LÊN LUẬT

Hành nghề báo chí trong điều kiện  của Quy chế 8 Điều này,  người làm báo trong chế độ Cộng sản Việt Nam đã bị “thể chế hóa” thành công chức của nhà nước và bị tước mất quyền thông tin đã được Luật Báo chí năm 1989, và Luật sửa đổi  năm 1999 công nhận.

Nghiêm trọng hơn, người hành nghề Báo chí, dù là cán bộ và đảng viên đảng CSVN như điều kiện hiện nay ở Việt Nam, đã mất quyền “bảo vệ  nguồn tin” là đặc tính thiêng liêng và cao cả nhất của nghề làm báo.

Như vậy cách  hành nghề an toàn nhất cho một nhà báo ở Việt Nam là nếu không muốn bị làm khó khăn thì  không nên loan tin khi chưa được nhà nước cho phép , hay tốt hơn nên đợi thông cáo  chính thức của nhà nước.

Vụ án hai Nhà báo Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ;  thiếu tá công an Đinh Văn Huynh và Thiếu  tướng Công an Phạm Xuân Quắc bị liên lụy vào việc đưa tin và đăng báo vụ án tham nhũng PMU 18 (Bộ Giao thông-Vận tải)  trước khi được phép của nhà nước là một bài học đắt gía cho những ai còn muốn chống tham nhũng ở Việt Nam.

Nhưng khi đưa ra  “8 Điều Răn” mới, Bộ TT & TT có vi phạm Luật Báo chí không ?
Hãy đọc những quy định buộc người lám báo “không được thông tin trên báo chí” cho độc giả ghi trong Điều 10  của Luật Báo chí năm 1989 :

“Để quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng đúng đắn, báo chí phải tuân theo những điều sau đây :

1- Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân ;

2- Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác ;

3- Không được tiết lộ bí mật Nhà nước : bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định ;

4- Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.”


Như vậy có phải 8 Điều ghi trong Quy chế mới ban hành ngày 2-12 (2008) đã  trắng trợn xâm phạm quyền của công dân được thông tin?

Quyền này  được minh thị trong Điều 4 của Luật Báo chí năm 1989  viết về “Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân” gồm có:

 “1- Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới;

2- Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;

3- Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới;

4- Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương,

Chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

5- Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.”


Nhưng với những ràng buộc mới của Quy chế 52/2008/QĐ-BTTTT ngày 2-12-2008, từ nay không người dân Việt Nam nào  dám tiếp xúc với Báo chí để tố cáo kẻ xâm phạm quyền lợi của mình và của người khác, nhất là những kẻ có chức, có quyền tham nhũng. Theo Quy chế mới, báo chí  phải tiết lộ người cung cấp  tin khi phải đối diện với các Cuộc điều tra của nhà nước.  Nhưng  trong chế độ “dân sợ kẻ tham nhũng  hơn sợ cọp” như hiện nay thì ai là người bảo đảm an tòan cho người tố cáo ?

Bằng chứng này  đã được loan báo ở Hà Nội ngày 12/12 (2008), theo Báo Điện tử ViệtNamNet.

Báo này viết : “Theo điều tra tại 9 tỉnh do Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc LH các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và ĐSQ Phần Lan thực hiện, nhiều người dân nhận biết được các hành vi tham nhũng của những người có chức, có quyền nhưng hầu hết không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc không thấy "lợi lộc" gì.”

Theo Báo cáo thì : “Nhóm thực hiện dự án nhận định đến nay, vẫn còn thiếu chế tài bảo vệ người tố cáo tham nhũng hoặc các nhân chứng. Đa số người dân cho rằng có hiện tượng đối xử không đúng với những người chống tham nhũng, trong đó có cả "đe dọa" và "trù dập".  Hai lĩnh vực bị coi có tham nhũng nhiều nhất là quản lý đất đai (85,87%) và dự án công trình xây dựng (84,81%).”

 “Điều này, theo Chủ nhiệm dự án, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Ngọc Dinh, phù hợp với kết quả một nghiên cứu khảo sát của Ban Nội chính Trung Ương  Đảng.  Tham nhũng trong lĩnh vực thực hiện các dự án, công trình xây dựng được các địa phương cho là rất phổ biến.”

 “Người dân cũng đánh giá thấp các hoạt động công khai của chính quyền: Báo cáo hàng năm về phòng, chống tham nhũng, quản lý sử dụng nhà ở, kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.  Mức độ khẳng định có tham nhũng ở phạm vi tỉnh, huyện cao hơn so với xã, phường. Theo nhóm thực hiện khảo sát, điều này được lý giải bởi cấp tỉnh, huyện có nhiều "quyền lực" hơn, đặc biệt trong lĩnh vực cấp đất cho các dự án.”


Đó là “ván bài lật ngửa” trong trận đồ  thi hành Luật phòng, chống tham nhũng hiện nay ở  Việt Nam. Vũ khí chống tham nhũng đắc lực nhất là báo chí và người dân  đã bị Quy chế 52/2008/QĐ-BTTTT của Lê Dõan Hợp chận ngang cổ họng thì Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa  Việt Nam  có còn can đảm để tiếp tục  rêu rao là “Nhà nước Pháp quyền” không? -/-

Phạm Trần
(12/08)




Nguồn: Ðối Thoại
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 887 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0