Hôm
qua, 17-12, khi được anh chị em báo tin rằng người ta ‘chiếm nhà’ của
các Nữ Tử Bác Ái (NTBA), số 32 bis Nguyễn Thị Diệu, tôi vào trang web
DCCT và thấy xuất hiện hình ảnh các chị đang có mặt giữa những đống xà
bần. Vấn đề nhập nhằng về ngôi nhà này đã xảy ra từ bốn năm rồi, và hôm
nay vẫn còn đó. Dĩ nhiên chính quyền luôn luôn có lý lẽ, có luật lệ và
có sức mạnh! Nhưng các NTBA, vốn không bao giờ tranh chấp gì với ai, mà
vẫn phải lộ diện để đối mặt, thì quả là có vấn đề! Nhưng vấn đề này
thực chất như thế nào?
Muốn nắm rõ tiến trình sự việc, tôi đến
xin gặp các chị phụ trách Tỉnh dòng NTBA Việt Nam, để nghe chính các
chị trình bày. Tôi cố gắng ghi lại một cách trung thực nhất những gì
tôi được chia sẻ, nhưng vì không thu âm, nên những lời sau đây không
phải là nguyên văn lời nói của các chị.
Câu chuyện về ngôi nhà
này tương đối đơn giản. Sau 1975, các cơ sở giáo dục của tôn giáo đều
trở thành trường công do chính quyền quản lý, để tiếp tục công việc
giáo dục con em. Trường Măng Non, 32 bis Nguyễn Thị Diệu, thuộc quyền
sở hữu của Tu hội NTBA, trở thành một cơ sở giáo dục dưới sự quản lý
của Phòng Giáo Dục Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cũng nhắc lại
rằng, theo Thông cáo chung ngày 15/10/1975 của Sở Giáo dục và Uỷ ban
Liên lạc Giáo dục Công giáo, “quyền sở hữu của các trường sở giao
cho Nhà nước sử dụng vẫn thuộc Giáo hội Công giáo và phải được sử dụng
đúng mục đích giáo dục”.
Năm 1991, khi chính sách Nhà nước
cho phép cảc nhà dòng mở trường Mầm Non thì các NTBA khai trương trường
tư thục Mẫu Giáo Mai Anh, ngay trong khuôn viện tu viện, 42 Tú Xương.
Dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chật hẹp và bất tiện, các chị
vẫn cố gắng phục vụ theo ước mong của cha mẹ các cháu bé. Năm 2005, các
chị phát hiện cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu đã biến thành một vũ trường
karaôkê, ‘nhằm mục đích kinh doanh’ thay vì ‘sử dụng đúng mục đích giáo
dục’ - và đối tượng phục vụ là thành viên Câu Lạc Bộ Những Nhân Vật Rất
Quan Trọng - với một cái tên rất hoành tráng là: VIP CLUB.
Vì
những lý do trên, ngày 26-5-2005, Tu hội NTBA gửi đến các cấp chính
quyền thành phố ‘Đơn Khiếu Nại’ và yêu cầu trả lại tài sản, đính kèm
với các tài liệu chứng minh quyền sở hữu của Tu hội đối với căn nhà nói
trên. (Cũng xin lưu ý điều này: dù luật pháp hiện nay xác định rằng
‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’ nhưng ‘căn nhà thì thuộc quyền sở hữu
của tư nhân’; và tư nhân nào có chủ quyền hợp pháp đối với căn nhà của
mình, thì có thể xin cấp và phải được cấp ‘quyền sử dụng’ mảnh đất mà
ngôi nhà mình tọa lạc, nếu mảnh đất ấy không thuộc diện quy hoạch của
Nhà nước cho một công trình lợi ích chung)
Lá đơn này không
được cứu xét! Sau hơn hai năm, thay vì cứu xét đơn khiếu nại, thì tháng
9 năm 2007, Công ty Quản lý nhà Thành phố cho Ban Quản lý Đường sắt
thuê cơ sở này. Như thế, lá đơn khiếu nại liên quan đến vũ trường không
còn lý do để cứu xét. Ngày 15-12-2007, Ban Quản lý Đường sắt cho đập
phá cơ sở. Ngay lập tức trên dưới 70 chị kéo nhau về ‘nhà của mình’ mà
cầu nguyện. Ngay hôm ấy, một biên bản được lập giữa Ban Quản lý Đường
sắt và Tu hội, dưới sự hiện diện và bảo đảm của chủ tịch UBND Phường 6:
hai bên đồng ý giữ nguyên hình trạng theo ảnh chụp hiện trường, cho đến
khi có thỏa thuận giữa Tu hội và chính quyền.
Thế nhưng tháng
3-2008, Ban Quản lý Đường sắt cho đập phá một lần nữa. Thế là các NTBA
lại về ‘nhà của mình’ mà tổ chức cầu nguyện lần thứ hai; đồng thời yêu
cầu chính quyền làm rõ mọi việc. Vì không ai có thể giải quyết vấn đề
tại chỗ, đồng thời có sự trung gian hòa giải của Ban Tôn giáo của Thành
phố và của Quận 3, Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Công an Thành phố, nên
các chị yêu cầu lập biên bản hiện trường lần thứ hai, qua đó hai bên
đồng ý ngưng đập phá căn nhà, mà để nguyên trạng cho đến khi có thỏa
thuận giữa chính quyền và Tu hội NTBA. Biên bản này được ký kết vào
cuối ngày 17-03-2008 trước sự chứng kiến của khoảng 100 nữ tu và các
đại diện của Thành phố và của Quận 3.
Sau lần lên tiếng này,
chính quyền Thành phố lại chuyển cơ sở ấy cho UBND Quận 3, và người ta
treo lên một băng biểu ngữ (banderolle): Dự án xây dựng Trường Mẫu
Giáo. Tu hội vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi chính quyền cứu xét đơn
khiếu nại của mình, mặc dù hằng năm Tu hội vẫn gửi lại một đơn khiếu
nại mới (31/3/2006 - 29/11/2007).
Ngày 17-6-2008, Ban Tôn giáo
Thành phố mời đại diện Tu hội dự buổi họp để đi đến một cách giải quyết
hợp lý, hợp pháp. Buổi họp này có sự hiện diện của Mặt trận Thành phố.
Chính quyền khẳng định rằng mọi bất động sản mà Nhà nước sử dụng thì
không còn cơ sở pháp lý nào để ‘trả lại’, vì đất đai là ‘sở hữu toàn
dân’ do Nhà nước quản lý, và không tư nhân hay tổ chức nào là sở hữu
chủ cả. Tuy nhiên, theo chính sách tôn giáo, Nhà nước có thể xét ‘cấp’
một diện tích để sử dụng theo nhu cầu của một tổ chức tôn giáo. Vì thế,
nếu Tu hội muốn được xét cấp thì có thể làm đơn yêu cầu cấp đất, và nêu
rõ lý do. Mặc dù có thể nói chuyện dằng dai về pháp lý, căn cứ ngay
trên luật pháp và chính sách của CHXHCN Việt Nam, để ‘đòi’ lại bất
động sản của mình; nhưng để tránh đặt chính quyền vào vị thế phủ quyết,
bởi vì ‘trả lại’ là một hành động mà chắc chắn nhà cầm quyền sẽ không
bao giờ làm; mặt khác, Tu hội cũng không việc gì phải ‘xin cấp’ một bất
động sản thuộc sở hữu của mình, nên các chị đã chọn con đường dung hòa.
Ngày 26-10-2008, Tu hội gửi đến chính quyền TP Hồ Chí Minh ‘Đơn
Đề Nghị giao cơ sở số 32 bis Nguyễn Thị Diệu’. Lý do các chị yêu cầu
‘giao’ cơ sở, ấy là vì trường Mẫu giáo Mai Anh mà Nhà nước đã cấp phép
hoạt động thì tọa lạc trong khuôn viên nhỏ bé của tu viện, một nơi mà
hiện nay không còn đủ chỗ cho số nữ tu gia tăng.
Sở dĩ các chị
gửi ‘Đơn đề nghị giao cơ sở’, ấy là để cho chính quyền có thể giải
quyết theo đường lối của mình, bởi lẽ các chị không đặt ra vấn đề ‘đòi
đất’; tuy nhiên, đề nghị này cũng không phải là một đơn độc lập để ‘xin
cấp đất’, chẳng liên quan gì đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu. Chính
quyền từng ‘giao’ cho Tòa Giám Mục khu đất số 6 B Tôn Đức Thắng, vốn
thuộc sở hữu của tòa Giám Mục Sàigòn trước đây, để xây dựng Trung tâm
Mục vụ; thì bây giờ, chính quyền cũng có thể danh chánh ngôn thuận
‘giao’ cho NTBA cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu. Thậm chí, nếu vì nhu cầu
sử dụng chính đáng tại địa điểm này mà chính quyền muốn ‘giao’ cho các
chị một diện tích khác, thì các chị cũng sẽ xem đấy là một cơ sở thuận
lợi để đi đến một giải pháp tốt đẹp, đối với chính quyền cũng như đối
với Tu hội.
Thế nhưng sau hai tháng, dù ‘Đơn đề nghị’ này chưa
được phản hồi, thì ngày 17-12-2008, các chị được tin người ta đang đập
phá căn nhà để làm một cái gì đó. Như vậy, người ta đã bất chấp các
Biên bản ngày 25-12-2007 và 17-03-2008, đó là để nguyên hiện trạng cơ
sở cho đến khi đi đến một thỏa thuận giữa chính quyền và Tu hội. Thế là
một lần nữa, các NTBA đến hiện trường để chứng kiến những vi phạm và
khẳng định rằng cơ sở này là tài sản của Tu hội.
Trên đây là
nội dung diễn tiến của vụ việc theo như tôi nhận được từ các chị có
trách nhiệm. Thế nhưng, dù các chị vốn khiêm nhường và chịu đựng, thì
cũng đã thẳng thắn nói lên lời tâm sự:
“Từ nhiều năm qua, chúng
tôi đã nỗ lực sống bác ái và phục vụ người nghèo theo tinh thần của Tu
hội, nghĩa là luôn sẵn sàng đối thoại và cộng tác với chính quyền trong
các hoạt động từ thiện xã hội. Vì thế trong vụ việc này, chúng tôi
không bao giờ muốn làm ồn ào cả. Chúng tôi không hề chủ trương thông
báo cho những người không liên quan, hoặc đưa tin lên mạng internet.
Thậm chí, có những người ưu ái với chúng tôi đã điện thọai từ những nơi
thật xa để phỏng vấn, thì chúng tôi cũng cám ơn họ và xin họ hiểu giùm
là chúng tôi chỉ trao đổi với những người có liên quan trực tiếp với vụ
việc này.”
Nói cho cùng, chuyện này xuất phát từ nỗi ưu tư trải
dài qua nhiều năm tháng, có thể nói là hơn 30 năm qua. Từ ngày thay đổi
chế độ, các NTBA luôn mặc lấy tinh thần của Công đồng Vatican II, đặc
biệt trong Gaudium et Spes, để sống cho người nghèo. Và sau này, theo
tinh thần Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các chị lại càng
dấn thân hơn vào những công tác do chính quyền đề xuất nhằm phục vụ
người nghèo. Các chị ‘cố gắng hết sức’ để tin tưởng vào thiện ý của các
cấp chính quyền. Thậm chí các chị đã cử người tham gia Hội đồng Nhân
dân, Ủy ban Đoàn kết Công giáo, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ
nữ…. Ngoài việc phục vụ ‘nhân dân’ hết lòng hết sức, các chị còn lấy
một phần tài chánh mà ân nhân trao tặng người nghèo thông qua các chị,
để đóng góp vào các chương trình phục vụ người nghèo của chính quyền.
Sau
ba mươi năm nỗ lực phục vụ người dân theo lời kêu gọi của chính quyền,
thay vì niềm tin tưởng lẫn nhau gia tăng, thì cách giải quyết vụ việc
như thế này khiến các chị tự hỏi xem còn có nên kiên trì tin tưởng vào
sự chân thành của chính quyền nữa hay không. Vấn đề không chỉ đơn thuần
là cái cơ sở thật nhỏ bé đối với chính quyền thành phố, mà là vấn đề
niềm tin. Dù thế nào đi nữa, trước vụ việc dằng dai này, thái độ của
các chị luôn luôn là chờ đợi một thiện chí.
Và cho đến giờ phút này, các chị vẫn còn tiếp tục đợi chờ…
Trần Duy Nhiên