Thứ Năm, 2024-11-21, 6:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 19 » Nghiên cứu nước ngoài về Hồ Chí Minh
10:58 AM
Nghiên cứu nước ngoài về Hồ Chí Minh



PGS.TS Trịnh Đình Tùng & PGS.TS Nguyễn Đình Lễ, Đại học Sư phạm Hà Nội

Trong nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử Đảng nói riêng các nhà khoa học Việt Nam công khai nói rõ tính đảng cộng sản của mình.

Cần khẳng định rằng, thể hiện tính đảng cộng sản, đứng vững trên các nguyên tắc phương pháp luận mácxít- lêninnít và tư tưởng Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã tiếp cận chân lí lịch sử khách quan; tuy trong công tác khoa học còn có những thiếu sót về tư liệu, phương pháp … Đó là những thiếu sót do chưa có sự thống nhất tính đảng và tính khoa học trong nghiên cứu.

Song không vì vậy mà quy kết một cách thiếu thiện chí rằng, những tài liệu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh của những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam là tài liệu “bịa đặt”, “sai lạc”, “cục bộ”, “có dụng ý tuyên truyền, không chuyên nghiệp, ít trung thực và nhất là thiếu lương thiện, tri thức”.

Với nhận thức như vậy, chúng tôi điểm qua đôi nét về tinh hình nghiên cứu ở một số nước để từ đó rút ra những đóng góp của các nhà khoa học nước ngoài đối với việc tìm hiểu về Hồ Chí Minh.

Chúng tôi dùng “nghiên cứu ở nước ngoài” mà không dùng “các nhà nghiên cứu nước ngoài”; bởi vì trong số những người nghiên cứu Hồ Chí Minh ở nước ngoài có cả những nhà nghiên cứu các nước và không ít những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.

Nếu kể cả những ý kiến, câu nói hồi kí của các nhà chính trị và hoạt động xã hội trên thế giới, theo GS. Phan Ngọc Liên, có thể thấy rõ có các loại tác giả sau đây viết vê Hồ Chí Minh:

Thứ nhất- Những đồng chí, bạn bè của nhân dân Việt Nam và Hồ Chí Minh, đã có những đóng góp nhiều tài liệu quý báu, những nhận định đúng đắn về Hồ Chí Minh, ghi lại những mối quan hệ, trong hoạt động cách mạng, quen biết, gặp gỡ Hồ Chí Minh. Phần lớn các công trình này là những hồi ký, hồi ức. Loại tài liệu này thể hiện sự chân thực, tình cảm sâu đậm của bạn bè, đồng chí nên rất hấp dẫn, đáng tin cậy, không chỉ có giá trị khoa học (tuy có thể có sự nhầm lẫn, sai sót vì trí nhớ, vì thời gian quá lâu) mà có ý nghĩa tư tưởng, tình cảm cao đẹp.

Trong loại tài liệu này, chúng ta có thể kể tới những trang hồi ký đầy xúc động về Hồ Chí Minh của những người bạn quốc tế của Người, như Giắc Duyclô, Phrăngxoa Bi-u, Giannét Vecmêt Tôrê (Pháp), Tiêu Tam (Trung Quốc), Akimôva (Liên Xô)…

Thứ hai, những nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa…khá đông, rất đa dạng và phức tạp về quan điểm, khi viết về Việt Nam và Hồ Chí Minh. Trước hết chúng ta phải kể đến “Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) về kỉ niệm 100 năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vị anh hùng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn (1990)”. Đây là sự tôn vinh của thế giới đối với Hồ Chí Minh, hơn nữa đối với một người Cộng sản đầu tiên được tổ chức quốc tế này công nhận.

X. Aphônin và E. Côbêlép (Liên Xô) trong quyển “Đồng chí Hồ Chí Minh ”, một tiểu sử chính trị, đã xem Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất “trước hết là người con của dân tộc mình, người anh hùng dân tộc của đất nước mình. Bởi vì ý nghĩa quốc tế của những con người như vậy trong bất cứ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội nào cũng là thành tựu vô giá đối với phong trào cách mạng thế giới. Trong một mức độ đầy đủ, điều này rất đúng với Hồ Chí Minh”

X. Aphônin và E. Côbêlép sau khi trình bày cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Aí Quốc-Hồ Chí Minh, đã rút ra một số kết luận khái quát mà chúng tôi xem là những gợi ý để tiếp tục đi sâu hơn trong việc nghiên cứu Hồ Chí Minh. Đó là:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh nhận thức về vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản trong đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, về việc vận dụng một cách sáng tạo chủ ngiã Mác- Lênin vào Việt Nam cũng như các nước khác cùng hoàn cảnh để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với đặc điểm mỗi nước. Luận điểm này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay, nếu các nước được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc tiến tới xây dựng một xã hội giàu mạnh, văn minh và tiến bộ.

Thứ hai, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế tạo nên sức mạnh chiến thắng. Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc và nhân dân bị áp bức những kinh nghiệm quý về chiến lược đại đoàn kết, về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ lịch sử mà không chệnh mục tiêu chiến lược.

Thứ ba, Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh thần cách mạng triệt để, song lại là biểu tượng về chủ nghĩa nhân văn cách mạng – sự kết hợp giữa lòng thương người truyền thống của dân tộc với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.

Thứ tư, Hồ Chí Minh đã tiếp tục và phát huy mọi giá trị truyền thống của dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại, mà lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ bản, đã góp phần xây dựng nền văn hóa mới, CON NGƯỜI chân chính, được viết bằng chữ in hoa.

Hoàng Tranh (Trung Quốc) trong Hồ Chí Minh với Trung Quốc thông qua tài liệu về mối quan hệ của Hồ Chí Minh với nhân dân và những nhà cách mạng Trung Quốc nói lên sự đóng góp của Người đối với việc xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc Trung Quốc, Việt Nam, đối với thắng lợi của cách mạng hai nước.

Giáo sư Nhật Bản Singô Sibata đã mạnh mẽ bác bỏ những quan điểm, luận điểm cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là một nhà cách mạng thực tiễn, một người thực dụng lấy chủ nghĩa cộng sản làm phương tiện để “nắm quyền cai trị độc tài”. Ông chứng minh rằng, Hồ Chí Minh là nhà lý luận tài giỏi trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng … Lý luận của Người được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin, song là sự phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin trong thời đại ngày nay. Ví như, Singô Sibata đã đánh giá cao Đảng và Hồ Chí Minh đã “khai phá”, tìm kiếm con đường đi đến chủ nghĩa xã hội đích thực: “Một trong những cống hiến quan trọng của cụ Hồ Chí Minh và của Đảng Lao động Việt Nam là đã đề ra lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, chứ không phải như lâu nay nhiều người vẫn quan niệm là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi chiến tranh chấm dứt”.

Singô Sibata đã nêu một số luận điểm mà chúng ta cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu. Đó là: “Trước hết chúng ta phải thấy rằng những cống hiến của Hồ Chí Minh đã góp phần đào sâu và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin đối với các vấn đề dân tộc và thuộc địa”.

Tác giả Nhật Bản đã khẳng định “Những cống hiến của Hồ Chí Minh đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong những lý luận về dân tộc và thuộc địa”. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong quá khứ, mà vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Bởi vì, sau khi thoát khỏi ách đô hộ của bọn thực dân, tư bản, đế quốc, trong xây dựng và phát triển đất nước các dân tộc phát triển luôn đứng trước nguy cơ chủ nghĩa thực dân mới tìm mọi cách, với nhiều hình thức khác nhau, như thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, mượn danh nghĩa những vấn đề về “nhân quyền” để xâm phạm chủ quyền dân tộc các nước, tăng cường sức ép về kinh tế, chính trị, quân sự, thậm chí khoác áo “chống khủng bố quốc tế” để tiến hành chiến tranh xâm lược.

Furuta Motoo (Nhật Bản) trong cuốn “Hồ Chí Minh giải phóng dân tộc và đổi mới” do Nhà xuất bản I Wanami ấn hành tháng 2-1996, đã thông qua việc trình bày hoạt động của Hồ Chí Minh để làm nổi bật chân dung của Người trong đấu tranh giải phóng dân tộc và đặt cơ sở cho quá trình thực hiện công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Furuta Motoo qua tác phẩm của mình đã nêu một vấn đề mà ngày nay là nhiệm vụ trọng tâm của nước ta. Đó là: đấu tranh giải phóng dân tộc để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ bằng công cuộc đổi mới đất nước. Tác giả Nhật Bản này gợi cho chúng ta một chủ đề đi sâu nghiên cứu là giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước trong xây dựng chủ nghĩa xã hội đối với Hồ Chí Minh không phải là hai giai đoạn nối tiếp nhau, khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc mới tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội mà những nhiệm vụ và dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội phải đan xen nhau và ở mỗi giai đoạn mà có vị trí trọng tâm trong nhiệm vụ cách mạng. Đây là điều xuyên suốt trong hoạt động của Hồ Chí Minh, khi thống nhất về mục tiêu, phương hướng đấu tranh từ cách mạng giải phóng dân tộc lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn và kí luận này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà cả đối với các nước đang phát triển hiện nay.

Việc tìm hiểu về Hồ Chí Minh ở phương Tây đã có từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 nhằm tìm đáp số cho câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ “Hồ Chí Minh là ai?” đặc biệt từ năm 1970, sau khi Người qua đời việc nghiên cứu phát triển nhiều. Chúng ta đã làm quen với các tác giả và công trình về Hồ Chí Minh ở Pháp, Mỹ…; nổi bật là Jean Lacouture – Ho Chi Minh (Ed Seuil, Paris, 1967), C,P. Ragiơ - “Ho Chi Minh” (Ed. Presses universitaires, Paris, 1970), David Hamberstam – Ho (Randoom House, New York, 1971), Daniel Hémery – Ho Chi Minh de l’ Indochine au Vietnam (Decouvertes Gallimard, Histoire, 1990), Hypersion, New York, 2000; Sophie Quinn – Judge – Ho Chi Minh, The Missing Years (Horizon Books, Singapore, 2003)…

Nhìn chung, những nhà nghiên cứu này đều muốn tìm hiểu sự thật về cuộc đời và hoạt động của Hồ Chí Minh và theo họ, cố gắng tránh việc nhận thức lịch sử bị khúc xạ thông qua một lăng kính chính trị làm mất tính khách quan khoa học.

Một vài tài liệu được các nhà nghiên cứu nước ngoài phát hiện có giá trị khoa học chúng ta đã tiếp nhận, song cũng có những tài liệu “giả, rởm” luận điểm sai trái, cần bác bỏ những cách lí giải không đúng, thậm chí cố tình xuyên tạc
Trịnh Đình Tùng và Nguyễn Đình Lễ
 

Chúng ta hoan ngênh ý kiến này và sẽ hợp tác để nghiên cứu, nhất là việc trao đổi tài liệu. Một vài tài liệu được các nhà nghiên cứu nước ngoài phát hiện có giá trị khoa học chúng ta đã tiếp nhận, song cũng có những tài liệu “giả, rởm” luận điểm sai trái, cần bác bỏ những cách lí giải không đúng, thậm chí cố tình xuyên tạc. Xin dẫn một vài dẫn chứng: J. Duiker, nhà nghiên cứu Mỹ, đã thực hiện chủ đích của mình trong việc “thể hiện đặc điểm đầy kịch tính về cuộc đời Hồ Chí Minh và tầm quan trọng của những kịch tính đó trong việc hình thành lịch sử Việt Nam và của thế kỉ XX”. Sophie Quinn Judge đã bỏ nhiều công sức trong việc sưu tập tài liệu, đặc biệt ở kho Lưu trữ của Quốc tế Cộng sản. Công trình của bà tập trung vào những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) “từ 1919, khi anh lần đầu nổi lên ở Paris với bí danh Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn – người yêu nước) cho đến năm 1941 và chiến tranh thế giới thứ hai, khi mối quan hệ với Quốc tế Cộng sản thực tế đã chấm dứt”. Những tài liệu mà Sophie Quinn Judge sưu tầm được nó rất quý với chúng ta và cần trân trọng là vì “mục đích của việc nghiên cứu này không phải là phá hỏng uy tín của Hồ mà xác định càng thực tế càng tốt những gì anh đã làm trong những năm ở Quốc tế Cộng sản. Đây là những năm phải ngụy trang và bí mật; vì vậy cũng dễ hiểu khi họ tăng thêm phần huyền thoại về Hồ như kiểu Fhăng- tô- mát”.

Song không phải tài liệu nào cũng phản ánh đúng sự kiện, bởi vì giữa hiện thực khách quan với tài liệu bao giờ cũng có con người phản ánh hiện thực thông qua chủ quan của mình. Một số sự kiện được nêu có vẻ khách quan, nhưng khi giải thích, khái quát, kết luận lại bộc lộ tính chủ quan, phiến diện không phản ánh đúng sự thật.

Ví như, W. J. Duiker căn cứ vào một số tài liệu không xác thực, thậm chí bị xuyên tac để đưa ra những kết luận, nhận định không đúng về “quyền lực và uy tín ngày càng giảm sút của Hồ Chí Minh”, về “việc chia rẽ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam …”, về thái độ “quả lắc” của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam giữa hai thế lực mâu thuẫn, xung đột nhau Liên Xô- Trung Quốc”… Từ những nhận định sai lệch, ông đã dự báo rằng: “Rất khó duy trì sự sùng bái ông Hồ trong tương lai. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, dù hầu hết thanh nien Việt Nam tôn trọng Hồ Chí Minh vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp giành độc lập và thống nhất đất nước, nhiều người không còn coi ông là nhân vật trong tâm hồn đời sống của họ”. Những lý giải như vậy đã đi ngược lại sự thực buộc chúng ta phải làm sáng tỏ bằng những tài liệu- sự kiện chân thực.

Có nhiều vấn đề cần thảo luận, trao đổi để nhận thức đúng về Hồ Chí Minh mà các tác giả phương Tây đã đề cập đến, ở đây chúng ta chỉ dẫn ra một số chủ đề lớn sau đây, cần tiếp tục nghiên cứu đúng đắn.

Một là, động cơ Hồ Chí Minh sang phương Tây; Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa hay người cộng sản. Không ít tác giả phương Tây không phủ nhận Hồ Chí Minh là nhà yêu nước lớn, chiến đấu cho độc lập dân tộc, song lại cho rằng, Hồ Chí Minh sang phương Tây làm cách mạng vì “bất mãn” với việc Pháp cách chức cụ Nguyễn Sinh Sắc, vì “muốn làm quan”… Daniel Hémery khẳng định rằng: “Việc người cha bị cách chức, bị loại khỏi xã hội, chịu nhục nhã, phải tự nguyện lưu lạc vào Nam Kỳ đã thúc đẩy Nguyễn Tất Thành rời bỏ Tổ quốc ra đi năm 1911”(18). Về vấn đề này một số nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã trình bày và phân tích những nhận định không chính xác này.

Một số tác giả khẳng định Hồ Chí Minh dùng chủ nghĩa cộng sản làm phương tiện để nắm quyền lực, “tranh giành ảnh hưởng, thế lực với những nhà dân tộc chủ nghĩa”. Về vấn đề này nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã vạch rõ nhận định sai lầm này, có ý tưởng không tốt, song cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để bác bỏ các luận điệu phi khoa học này.

Cũng có người tiếc rằng Hồ Chí Minh đã chọn chủ nghiã cộng sản để làm phương tiện hành động.., nếu không “ông vẫn tập hợp được đông đảo nhân dân chống Pháp”.

Hai là, quan hệ của Nguyễn Ái Quốc đối với Quốc tế Cộng sản. Vấn đề này được nhiều tác giả phương Tây đề cập, tập trung nhất trong quyển “Hô Chi Minh – The Mising years” (Hồ Chí Minh – Những năm tháng lưu lạc) của Sophie Quinn Judge đặc biệt ở chương 2 “Sự tuyển dụng của Quốc tế Cộng sản (1923-1924)” và chương 3 “Chết ở Hồng Kông, chôn ở Mátxcơva? (1931-1938)”. Tác giả nêu trên đã diễn tả quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Quốc tế Cộng sản rất căng thẳng, đặc biệt những năm 1934-1938, “khó có thể tưởng tượng được việc người cộng sản lâu năm, như Hồ Chí Minh, có thể giữ được hoạt động của mình thế nào trong suốt thời kỳ điên loạn đó”. Như đã nói, chúng ta sử dụng có chọn lọc những tài liệu mà Sophie Quinn Judge sưu tầm và cung cấp để nghiên cứu, phải phân tích kỹ đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu khác nhau để tránh sự suy diễn chủ quan, nên ngộ nhận sai sự thật. Thời kỳ Hồ Chí Minh ở Liên Xô (1934-1938) vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ để nhận thức đúng quan điểm…, vững chắc, ý thức kỷ luật, tinh thần tổ chức cao.

Ba là, quan hệ giữa Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Vấn đề này, các tác giả phương Tây thường đi tìm tài liệu để suy đoán về “quyền lực và uy tín ngày càng giảm sút của Hồ Chí Minh”, về “cuộc xung đột giữa những người muốn giải phóng ngay miền Nam và những người chủ trương tập trung xây dựng mièn Bắc”… Đối với nhân dân Việt Nam thì điều này đã quá rõ ràng: Hồ Chí Minh là người thầy, người đồng chí thân yêu của tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Bốn là, Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc. Nhiều người thừa nhận Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước, có công to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, song lại “lên án” Hồ Chí Minh là “tay sai” của Quốc tế Cộng sản, của Mátxcơva, đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, làm “lệnh hướng phát triển của lịch sử Việt Nam”.

Tiêu biểu cho luận điệu này là ý kiến của Trương Vĩnh Kính trong quyển “Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” (Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả), nguyên tác tiếng Trung Quốc (Đài Bắc, Truyện kí văn học xuất bản, 1972), bản dịch tiếng Việt của Thượng Huyền (Văn nghệ xuất bản, California- USA, 1999). Trương Vĩnh Kính không thể phủ nhận công lao của Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến đánh thắng thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) song lại kết luận rằng: “Hồ Chí Minh đã dùng số nhân dân và vật lực có hạn của ông để trước sau tiến hành cuộc chiến tranh trường kỳ với hai quốc gia đại công nghiệp, coi thường tính mạng của nhân dân. Đó là ông đã chiến đấu cho nền độc lập chân chính của Việt Nam ư? Hay là ông đã chiến đấu cho bản thân chính quyền cộng sản ?. Câu hỏi này tự nó đã bộc lộ suy nghĩ sai lệch của Trương Vĩnh Kính mà nhiều tác giả chống cộng đã nêu lên từ lâu: “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã dùng chủ nghĩa cộng sản làm phương tiện nắm giữ chính quyền”.

W. J. Duiker cũng lúng túng trong việc giải thích mối quan hệ về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản trong con người Hồ Chí Minh, dù phải khẳng định rằng: “người ta không thể phủ nhận điều này, sự nghiệp mà ông Hồ thúc đẩy và lãnh đạo đã tạo nên những thời điểm chưa hề có trong thế kỷ XX, thể hiện đỉnh cao của kỷ nguyên giải phóng dân tộc ở thế giới thứ ba và lần đầu tiên Mỹ phải công nhận sự hạn chế trong chính sách ngăn chặn cộng sản của mình. Sau Việt Nam, thế giới không bao giờ như cũ nữa”.

Về mối quan hệ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản ở Hồ Chí Minh, về vấn đề Hồ Chí Minh vừa là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, vừa là chiến sĩ lỗi lạc quốc tế đã được nhiều nhà cách mạng, nhà khoa học, hoạt động chính trị, xã hội trong và ngoài nước Việt Nam đã chứng minh rõ. Song dù sao đây là vấn đề quan trọng, phức tạp trong tình hình hiện nay, khi chủ nghĩa tư bản dường như “thắng thế”, chủ nghĩa xã hội đang “khủng hoảng”, “suy yếu”. Chỉ nghiên cứu sâu sắc, đúng đắn về Hồ Chí Minh mới có thể lý giải xu thế “khuynh tả” đang diễn ra sôi nổi ở khu vực Mỹ Latinh hiện nay, về một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở các nước nắm chính quyền…

Năm là, sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam với các nhà khoa học nước ngoài để sưu tầm tài liệu về Hồ Chí Minh, vì Hồ Chí Minh hoạt động ở nhiều nước trong điều kiện bí mật, bất hợp pháp, viết nhiều tài liệu bằng các thứ tiếng khác nhau, hiện đang thất lạc. Sự hợp tác của các nhà khoa học với tinh thần vô tư, chân thực, thiện chí mới có thể tiếp tục phát hiện nhiều tài liệu của Hồ Chí Minh chưa được biết đến.
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 1223 | Added by: danchu | Rating: 4.0/1
Total comments: 1
1 michael Nix  
0
Where did Ho Chi Minh live while in Paris? Is there a facility such as a museum at that address in Paris? Are there any museums relating to Ho Chi Minh in Paris?

Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 84
Khách: 84
Thành Viên: 0