Ngô Nhân Dụng
Ngày
hôm qua đại diện Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã công bố những nhận xét về nền
kinh tế Việt Nam, sau ba ngày họp bàn giữa phái đoàn của IMF với chính
quyền Hà Nội. Phái đoàn IMF có vẻ bi quan hơn về hy vọng phát triển của
Việt Nam, so với dự tính của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Kế hoạch
“kích thích kinh tế” mà đảng Cộng Sản mới đưa ra đã giảm tiêu chí về tỷ
lệ tăng trưởng. Trước đây chỉ tiêu được ấn định là kinh tế sẽ tăng thêm
6.7% trong năm 2009, nay chỉ hy vọng là 6.5%. Nhưng các chuyên gia của
IMF thấy ngay mức gia tăng đó cũng khó đạt được.
Trong năm 2007,
khi Việt Nam nhận được nhiều tiền đầu tư nước ngoài và doanh nhân trong
nước cũng hăng hái trước kỳ vọng việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế
Giới, Tổng Sản Lượng Nội Ðịa Việt Nam đã tăng thêm được 8.5%. Một quốc
gia như nước ta, vì dân số trẻ, mỗi năm số người bắt đầu đi làm rất
đông, cho nên phải gia tăng sản xuất với tỷ lệ cao như vậy mới tạo đủ
công việc làm cho lớp thanh niên lần đầu tiên bước vào thị trường nhân
dụng.
Một quốc gia ở trình độ phát triển còn thấp thì rất dễ đạt
tỷ lệ tăng trưởng cao như vậy, nếu người cầm quyền không phạm những sai
lầm gây trở ngại. Thứ nhất vì số người làm việc tăng lên thì sức sản
xuất tăng theo khi tiền đầu tư cũng tăng thêm để sử dụng khối lao động
mới đó. Thứ hai vì sản năng của người lao động còn ở trình độ thấp thì
rất dễ tăng cao hơn, khi dùng thêm máy móc, thiết bị mới. Thí dụ số
người làm việc tăng 3% mà hiệu năng sản xuất lại tăng thêm 5% thì tổng
số sản xuất phải tăng được hơn 8%. Những nước nghèo hiệu năng sản xuất
tăng rất nhanh vì có nhiều thứ máy móc thiết bị lần đầu tiên được đem
dùng. Ðó là chưa kể những yếu tố khác giúp vào việc phát triển như gia
tăng đầu tư, gia tăng tiêu thụ. Trong mươi năm qua Trung Quốc đạt được
tỷ lệ tăng trưởng trên dưới 10% chính nhờ vào các yếu tố thuận lợi tự
nhiên đó. Trong thập niên 1970, nền kinh tế những nước Ðại Hàn, Ðài
Loan, Hồng Kông đã gia tăng theo tốc độ đó cho nên mới trở thành những
con rồng.
Nhưng sức phát triển của kinh tế nước ta đã giảm, từ
8.5% năm trước xuống chỉ còn khoảng 6.25% năm nay, theo ước tính của
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Và cơ quan tài chính quốc tế này tiên đoán sang
năm 2009 GDP của Việt Nam sẽ chỉ tăng chừng 5%, không tăng 6.5% như
chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ước tính.
Tình hình bi quan ở Việt Nam
trong năm 2009 có thể thấy trước được. Một là số hàng xuất cảng sẽ
xuống, khi kinh tế thế giới trì trệ hoặc suy thoái khiến người ta bớt
mua hàng và cũng bớt đầu tư ở Việt Nam. Hai là số tiền do người Việt ở
nước ngoài gửi về cũng giảm. Vì người Việt Nam sống ở Nga, ở Úc, ở Mỹ
hay Ðài Loan đều phải “thắt lưng buộc bụng” không thể gửi tiền về nước
nhiều như trước. Nếu số tiền “viện trợ nhân đạo” của người Việt hải
ngoại giảm đi vài tỷ Mỹ kim, con số đó cũng khá lớn đối với kinh tế
nước ta. Theo nhận xét của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì kinh tế năm 2007 đã
tăng trưởng mạnh là nhờ hai dòng tiền tệ vào Việt Nam: Tiền đầu tư trực
tiếp của nước ngoài, và tiền do người Việt ở ngoại quốc gửi về. Cả hai
nguồn đó thế nào cũng giảm trong năm tới. Bữa rồi công nhân Việt Nam
làm việc ở Ðài Bắc biểu tình yêu cầu chính phủ Ðài Loan đừng mướn thêm
người ngoại quốc nữa, để họ khỏi bị bớt việc làm. Một cô than rằng cô
tốn tiền mới được đi Ðài Loan mà sang đây lại ít việc quá, không kiếm
được bao nhiêu. Cô thổ lộ trong 10 tháng vừa rồi mới gửi được một ngàn
đô la về cho gia đình. Với số 80,000 lao động Việt Nam ở Ðài Loan không
thôi, vì bị bớt công việc mỗi người gửi về nước ít hơn trước một ngàn
đô la, thì tổng cộng cũng giảm mất 80 triệu. Nhân con số đó lên cho
hàng triệu người Việt vẫn gửi tiền về, có thể thấy ngân khoản “viện trợ
không bồi hoàn” này lên tới hàng tỷ.
Những người cầm quyền trong
nước cũng biết tình huống đó, cho nên chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã mở
kế hoạch “kích cầu,” tức là kích thích số tiêu thụ ở trong nước. Ở bên
Mỹ, Tổng thống tân cử Obama dự tính sẽ dùng gần một ngàn tỷ mỹ kim cho
kế hoạch kích cầu (stimulus) kinh tế Mỹ. Kinh tế Việt Nam nhỏ gần bằng
một phần mười của Mỹ, dân số Việt Nam chỉ bằng trên một phần ba dân số
Mỹ, cho nên trước đây đảng Cộng Sản Việt Nam tính kế hoạch “kích cầu” ở
nước ta chỉ có một tỷ! Nay, thấy viện trợ Nhật Bản cũng giảm, tiền Việt
kiều gửi về cũng giảm, xuất cảng xuống mà mà đầu tư nước ngoài cũng
xuống, ngày Thứ Ba vừa rồi đảng Cộng Sản cho phép tăng ngân khoản kích
cầu lên 6 tỷ Mỹ kim.
Số tiền này được bơm vào nền kinh tế theo
nhiều ngả. Chẳng hạn nhiều mặt hàng xuất cảng sẽ được bớt thuế để bán
ra ngoài rẻ hơn, dễ hơn. Hàng nhập cảng được bớt thuế để kích thích cho
dân tiêu thụ nhiều hơn và giúp các nhà sản xuất trong nước dễ mua được
các đồ từ bên ngoài. Các xí nghiệp cỡ trung và nhỏ sẽ được bớt thuế 30%
trong năm 2009. Nhiều công ty sẽ được đóng thuế chậm lại, trong 9 tháng
đầu năm 2009 chưa phải đóng thuế. Tất cả các biện pháp đó sẽ cho phép
các xí nghiệp giữ được nhiều tiền trong két, với hy vọng họ sẽ sản xuất
thêm, không tăng giá hàng, do đó kích thích người dân tiêu thụ nhiều
hơn. Còn về phần chính phủ, họ sẽ thu được ít tiền, ước tính sẽ giảm
bớt số thu tới 6 tỷ. Cái giá phải trả để kích thích kinh tế!
Kế
hoạch trên đã được nhiều xí nghiệp và nhà đầu tư ở Việt Nam hoan
nghênh. Ông Dominic Scriven, người sáng lập Quỹ đầu tư Dragon Capital
từ nhiều năm trước, nói rằng, “Ðây là lần đầu tiên tôi thấy họ đưa ra
một kế hoạch có chi tiết như vậy!”
Nhưng ông Scriven lại đặt một câu hỏi: Nhà nước cộng sản sẽ lấy tiền đâu ra?
Bên
Trung Quốc, họ cũng có một kế hoạch kích cầu với mấy ngàn tỷ nhân dân
tệ, cỡ gần 600 tỷ đô la. Nhưng chính phủ Bắc Kinh khôn lắm, họ đẩy cho
các tỉnh, các thành phố phải chi tiền, dễ nhà nước trung ương chi rất
ít. Mà có chi nhiều họ cũng không lo vì Bắc Kinh có vài ngàn tỷ đô la
dự trữ, tích lũy từ hàng chục năm nay. Số tiền đó vẫn tiếp tục tăng
lên, vì cán cân thương mại của họ lúc nào cũng thặng dư. Cộng Sản Trung
Quốc có tiền, muốn kích thích tha hồ kích thích. Những nước Á Châu khác
cũng vậy, nước nào cũng đang gặp cảnh khó khăn vì hàng xuất cảng xuống,
nước nào cũng tính phải kích cầu. Nhưng cán cân mậu dịch của họ vững
chắc, ngoại tệ dự trữ đầy đủ, không lo thiếu tiền. Nếu sợ thiếu, cần đi
vay tiền bên ngoài, chính phủ các nước Á Ðông vẫn có thể đi vay được vì
nền kinh tế của họ đủ bảo đảm cho việc vay nợ.
Còn những chính
sách kinh tế của đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa tình hình tài chánh nước
ta vào một cảnh ngộ khác hẳn. Cán cân thương mại khiếm hụt, và mức
khiếm hụt vẫn tăng. Ði vay bây giờ rất khó vì kinh tế bất ổn. Lấy tiền
đâu để “kích cầu?”
Có một cách là in thêm tiền.
Trong kế
hoạch cứu nguy kinh tế của ông Nguyễn Tấn Dũng, có mục tăng thêm số
tiền lưu hành trong nước. Họ sẽ cho phép các ngân hàng được cho vay
nhiều hơn, bằng cách giảm số dự trữ bắt buộc. Họ sẽ tăng ngân khoản cho
các dự án và công trình lớn của nhà nước. Và nhà nước sẽ đứng ra bảo
đảm nợ cho các xí nghiệp trung và nhỏ khi họ đi vay. Khi chọn những xí
nghiệp nào sẽ được bảo đảm, chắc sẽ ưu tiên cho các xí nghiệp quốc
doanh!
Tất cả những biện pháp trên đều là những kế hoạch trao
thêm tiền cho các ngân hàng của đảng, cho các đơn vị quản lý dự án kiểu
PMU, cho các doanh nghiệp nhà nước. Tức là trao thêm tiền cho các đảng
viên cốt cán để các đồng chí này được chi tiêu thoải mái hơn!
Vậy
thì “Lấy tiền ở đâu ra?” ngân hàng nhà nước nằm trong tay Ðảng Cộng
Sản, họ có quyền in thêm tiền! Ðảng in thêm tiền cho các đảng viên chi.
Hậu
quả là khi số tiền lưu hành tăng lên như vậy thì tỷ lệ lạm phát sẽ tăng
theo. Lạm phát năm nay đã lên đến mức chóng mặt. Dân còn chịu đựng được
là nhờ ai cũng biết “chui.” Nhưng sức chui của con người cũng có giới
hạn, dù là con người Việt Nam đã chui quen suốt mấy chục năm sống dưới
chế độ cộng sản. Lạm phát sẽ tăng, giá cả lên thì người dân nghèo với
lợi tức cố định sẽ bị thiệt thòi nhất, còn những ông Huỳnh Ngọc Sỹ
không lo. Khi lạm phát là 20%, giá sinh hoạt tăng khiến đồng tiền giảm
giá trị 20%, thì coi như người dân bị đánh thuế 20% trên lợi tức của
mình.
Có một cách để giảm bớt gánh nặng cho dân. Là giảm bớt
những khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước, trong đó có khoản chi cho
đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ trước đến nay không ai biết đảng Cộng Sản
Việt Nam sống bằng cách nào cả. Ở nước Mỹ, một đảng chính trị như Dân
Chủ hay Cộng Hòa đều phải công bố cho mọi người biết họ thu được bao
nhiêu tiền, do ai góp. Mà họ thường thu được nhiều nhất vào những mùa
tranh cử. Người ta biết ông Barack Obama đã được bao nhiêu người đóng
góp tổng cộng bao nhiêu. Người ta cũng biết Ủy Ban Trung Ương của mỗi
đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa mỗi năm, mỗi tháng thu được bao nhiêu và chi
cho những mục nào. Khi báo chí bới ra là bà Palin mua hàng trăm ngàn đô
la tiền “trang bị” thì họ giải thích rõ với dân là món tiền đó do đảng
Cộng Hòa chi chứ không phải quỹ tranh cử của Nghị Sĩ John McCain chi.
Ai muốn coi sổ sách cũng được, và các nhà báo đã coi!
Còn đảng
Cộng Sản Việt Nam thì không ai biết họ lấy tiền đâu ra mà ở mỗi địa
phương trụ sở của đảng lớn ngang với trụ sở cơ quan hành chánh, có khi
còn lớn hơn! Ai góp tiền cho đảng? Ðảng lấy tiền đâu để trả lương các
vị lãnh đạo trong nội bộ đảng, từ cao đến thấp?
Số tiền chi cho
đảng Cộng Sản phải lớn ngang với ngân sách quốc gia dành cho guồng máy
hành chánh, mà chắc phải lớn hơn! Không ai được quyền ngó vào những món
chi thu đó! Ðây là một niềm bí mật. Tính chất bí mật đó là đầu mối của
bao nhiêu vụ tham nhũng mà các lãnh tụ cộng sản không ai dám đụng vào.
Vì họ phải đặt quyền lợi của đảng lên trên tất cả các quyền lợi khác,
đúng như ông Hồ Chí Minh vẫn dậy họ. Muốn biết ông Hồ dậy thế nào, xin
đọc lại những bài ông viết về “Ðạo Ðức Cách Mạng” (Trong cuốn Vì Ðộc
Lập Tự Do, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội). Rất giản dị: Người có đạo đức là người
đặt quyền lợi của đảng lên trên hết!
Bây giờ nếu các ông trong
Bộ Chính Trị muốn thực hiện được kế hoạch kích cầu 6 tỷ đô la, các ông
phải cắt bớt món ngân sách mà 84 triệu dân Việt Nam đang góp vào quỹ
của đảng Cộng Sản! Nếu không thì cả nước sẽ ngay ngáy lo lạm phát vì
không ai biết ông Nguyễn Tấn Dũng lấy tiền đâu ra mà kích cầu - ngoài
cách in thêm giấy bạc?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt Online
|