Thứ Sáu, 2024-04-26, 1:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 19 » CSVN muốn nhượng bãi Tục Lãm cho Trung Quốc
6:13 PM
CSVN muốn nhượng bãi Tục Lãm cho Trung Quốc


    Từ cuối tuần qua (14.12.08) các mạng lưới truyền thông trên mạng Internet rộ lên tin tức cho thấy giới lãnh đạo  tại Hà Nội có ý muốn quy phục ngoại bang, muốn nhượng bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh theo đòi hỏi của Bắc Kinh. Tin này xì ra là do các phe nhóm bất mãn trong quân đội và Bộ ngoại giao, cho biết nguồn tin lấy từ “giới chỉ huy quân sự của Việt Nam có sự phối kiểm của số viên chức ngoại giao”.

Tục Lãm là một trong ba điểm nóng gây tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh khu Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Đây là ba khu vực mà Bắc Kinh đòi Hà Nội phải đồng ý nhượng hẳn chủ quyền cho mình trước khi hoàn tất kế hoạch cắm mốc biên giới. Theo tin này thì Bắc Kinh đòi hỏi Hà Nội phải “trả lời dứt khoát” cho đòi hỏi của mình trong cuộc họp vào ngày 12.12 tại vùng Hữu Nghị-Lạng Sơn. Trước đòi hỏi này, Bộ chính trị Đảng Cộng sản muốn nhượng bộ cho xong trong khi phía quân đội ấm ức, phản đối hành động cắt đất quá trắng trợn cho ngoại bang.

Tháng 8 vừa qua ông Nông Đức Mạnh đã hứa hẹn với nhà lãnh đạo Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào là sẽ kết thúc việc “phân giới, cắm mốc trên đất liền, cùng thông qua quy chế quản lý biên giới trong năm 2008”. Trong khi đó thì tin trên tờ Tuổi Trẻ vừa cho biết trong buổi “Sơ kết công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2008” diễn ra ngày 11.12.2008, Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Sài Gòn đã đặt nặng công tác tuyên truyền về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Tại đây phó ban Huỳnh Thanh Hải đã tuyên bố: “Phổ biến sâu rộng hơn nữa những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo và thông tin kịp thời tình hình biển Ðông, về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường thực hiện và đẩy mạnh các hoạt động, phong trào của thành phố hướng về biển, đảo”.

Theo giới quan sát thì yêu cầu mới nhất của Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Sài Gòn có vẻ bất thường, ít ra là trái ngược với thái độ của trung ương. Cho đến nay, bất kể thái độ ngang ngược và đàn anh của Trung Quốc, hiện tại toàn bộ ban lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn ra rả khẳng định sẽ cố gắng thực hiện quan hệ ngoại giao “bốn tốt” và“16 chữ vàng”. Bốn “tốt” là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Phương châm “16 chữ vàng” là: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Ngày 24.11.2008 hãng tin Bloomberg tiết lộ dự án thăm dò và khai thác dầu lửa tại Biển Đông trị giá 29 tỷ Mỹ kim, ở khu vực mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Indonesia tuyên bố chủ quyền. Ngay lập tức tin này đã sôi sục trên các trang mạng và trong các cuộc thảo luận của giới sinh viên học sinh trong nước cũng như ở hải ngoại, tuy nhiên tới bốn ngày sau, 28.11.2008 phát ngôn viên ngoại giao Lê Dũng mới nhỏ nhẹ tuyên bố: “Việt Nam quan tâm và theo dõi chặt chẽ thông tin do hãng tin Bloomberg loan báo về việc công ty Cnooc (một thành viên của Tập Ðoàn Dầu Khí Trung Quốc), đầu tư 29 tỉ USD để thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng nước sâu ở biển Ðông”.

Cho đến nay Hà Nội đã đưa ra hàng trăm “tuyên bố phản đối” Trung Quốc xâm phạm chủ quyền” như vậy. Ngoài nội dung giống nhau, chúng còn giống nhau ở thời điểm: Hà Nội chỉ lên gân phản đối Bắc Kinh sau khi dư luận và tất cả các “tuyên bố phản đối” này chỉ ngừng ở mức... “tuyên bố”.

Các “tuyên bố phản đối” chỉ được đưa ra sau khi dư luận về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã khiến thế giới chú ý và làm dư luận của người Việt trong và ngoài nước sôi sục. Nhục nhã hơn, ngoài việc đưa ra các “tuyên bố” suông Hà Nội còn tìm nhiều cách ve vãn phía đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của mình bằng các thuật ngữ “bốn tốt” và “16 chữ vàng”.Thái độ hèn hạ này đã dẫn tới hàng loạt các cuộc biểu tình tự phát, suốt từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Dù chỉ nhằm phản đối Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ song tất cả các cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh tại Sài Gòn, Hà Nội đều bị ngăn chặn, đàn áp.

Hiện tại sự bất bình đối với chính quyền đang lan rộng trong nhiều giới. Tại Hội Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam diễn ra cuối tháng 11, Giáo sư Tương Lai, nguyên là Viện trưởng Viện Xã Hội Học thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, đã thẳng thừng phê phán: “Hôm nay, trên diễn đàn rộng lớn và hợp pháp này, tôi muốn nói to thắc mắc, băn khoăn mong được giải đáp. Tại sao Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam không có bất cứ tiếng nói, động thái nào trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa?”

Và ông Tương Lai than: “Thật là lạ. Một chuyện xảy ra tận Cuba, bên kia bán cầu, mặt trận có ngay lời tuyên bố đanh thép. Thế mà, Hoàng Sa, Trường Sa, máu thịt của Tổ quốc bị người ta mưu toan lấn chiếm, biến thành quận huyện của của họ thì Mặt trận lại im thin thít... Từ thế kỷ XIII, rồi thế kỷ XV, thế kỷ XVII, đơn thương độc mã, ông cha ta đã đánh tan tác các thế lực ngoại xâm, không để mất một thước núi, một tấc sông, để lại giang sơn gấm vóc cho chúng ta hôm nay. Lẽ nào, trong thế giới của thế kỷ XXI này, chúng ta lại không biết tận dụng sức mạnh của thời đại để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu ông cha. Máu Việt Nam đã đổ ở Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi người Việt Nam hôm nay không thể quên điều đó”.

Và ông Tương Lai nói thêm: “Trong một bài báo, tôi dẫn ra chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông nhắn nhủ ‘bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy’: ‘Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại có thể vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di’, chép rõ ràng trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ Thực Lục, Kỷ Nhà Lê nhưng tòa soạn cắt mất. Tôi hỏi, tòa soạn trả lời là có sự chỉ đạo buộc họ phải làm như vậy mặc dầu họ không muốn. Ai mà chỉ đạo lạ vậy. Họ có còn là con cháu của Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung nữa không? Sao lại ngăn chặn tinh thần yêu nước của nhân dân, của thanh niên, sinh viên? Liệu Mặt trận có tham gia vào sự chỉ đạo này không? Người của tờ báo nọ giải thích với tôi, đây là sự tế nhị ngoại giao. Có thể có chuyện đó. Hoạt động ngoại giao đòi hỏi sự tế nhị, chuyện đó tôi không dám bàn. Song để cho nhà ngoại giao tế nhị thì nhân dân lại phải biểu tỏ ý chí của mình để làm hậu thuẫn cho nhà ngoại giao. Từng tấc đất của tổ quốc thấm đẫm máu Việt Nam không thể nào để bị cướp mất, trong đó có những tấc đất Hoàng Sa, Trường Sa”.

 trangdenonline/TBL

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 805 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0