Khưu Bình
Trước thềm một năm mới sắp đến báo hiệu nhiều điềm xấu với những dịp kỷ
niệm lịch sử ở Trung Quốc, một hiến chương mới kêu gọi cho tự do dân
chủ ở đất nước đông dân nhất thế giới này đang có chiều hướng đi tới
trong giới trí thức lẫn dân chúng hiện đang chán nản với tình trạng
tham nhũng và đàn áp người dân cứ kéo dài mãi.
Năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 60 ngày Ðảng Cộng sản Trung Quốc
chiếm được toàn bộ quyền kiểm soát lục địa Trung Hoa, nhưng đó không
phải là tin vui duy nhất cho chế độ. Năm tới cũng đánh dấu lần thứ 20
dịp kỷ niệm ngày các học sinh tranh đấu cho dân chủ bị thảm sát ở Quảng
trường Thiên An Môn, và là lần thứ 10 ngày chế độ bắt đầu sự bách hại
tổ chức Pháp Luân Công, kỷ niệm lần thứ 50 ngày Ðức Ðạt Lai Lạt Ma phải
rời Tây Tạng đi lưu vong sang Ấn Ðộ, và kỷ niệm lần thứ 90 phong trào
dân chủ 4 Tháng 5 chống lại triều đình phong kiến.
Ðộng đất và bão tuyết ở Trung Quốc
Năm 2008 là một năm đầy thảm họa cho Trung
Quốc, nhân tai và thiên tai liên tiếp theo nhau xảy ra. Trên 100 triệu
người bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống và nhân mạng khi cơn bão
tuyết lớn đổ ập xuống miền nam Trung Hoa hồi tháng Giêng; chiến dịch
đàn áp đẫm máu người Tây Tạng gây nhiều cuộc biểu tình phản đối khắp
thế giới xảy ra hồi tháng Ba; 80 ngàn người thiệt mạng trong trận động
đất ở tỉnh Tứ Xuyên hồi tháng Tám; và vụ xì-căng-đan nhiễm độc sữa bột
trẻ em xuất hiện hồi tháng Chín.
Cộng thêm vào các xáo trộn đang chồng chất ở Trung Quốc là nền kinh tế
khổng lồ đang lê lết vì ảnh hưởng suy sụp của kinh tế thế giới cùng với
nạn thất nghiệp gia tăng, và Hiến chương 08 có thể là luồng gió mạnh
trong một cơn bão tố chính trị đang dồn dập đổ về phía Ðảng Cộng sản
Trung Quốc.
Bạo loạn ở tây nam Trung Quốc vì một nữ sinh bị hãm hiếp và giết chết
Sau nhiều năm đè nén của nhà nước trên các xung đột xã hội, sự căng
thẳng giữa người dân và chế độ giống như một thùng thuốc súng đang chờ
một tia lửa để bùng nổ. Hồi tháng Sáu, trên 30 ngàn thường dân xuống
đường tấn công vào các đồn công an và cơ quan nhà nước ở tây nam Trung
Quốc khi một nữ sinh bị con trai của một quan chức nhà nước hãm hiếp và
giết chết; vào tháng Chín, hàng chục ngàn người biểu tình và đập nát
các bảng khẩu hiệu tuyên truyền để phản đối nhà nước dính dáng vào vụ
xì-căng-đan tài chánh ở tỉnh Hồ Nam; hơn 50 ngàn người biểu tình đánh
nhau với công an ở thành phố Lũng Nam, tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung
Quốc hồi tháng Mười Một. Mức độ và số lượng các cuộc biểu tình ở Trung
Quốc gia tăng theo từng tháng.
Ðiều chắc chắn là có dấu hiệu muốn thay đổi, khi đa số người dân trong
lục địa Trung Hoa bày tỏ sự thông cảm đối với Yang Jia, người bị nhà
cầm quyền Trung Quốc buộc tội là đã giết chết 6 viên công an thuộc đồn
công an quận Áp Bắc ở Thượng Hải ngày 1/7/08, do nỗi uất ức bị bức hiếp
đánh đập liên tục. Yang Jia bị tuyên án và tử hình một cách vội vã vào
ngày 26/11/08, chỉ 5 ngày sau khi đơn kháng án bị Tòa án Nhân dân Tối
cao bác bỏ. Lời nói đầy uất hận của Yang Jia với công an, “Chúng mày
không cho tao một câu trả lời, thì tao sẽ dạy cho chúng mày một bài
học” đã trở thành một câu châm ngôn cho tất cả mọi người dân khốn khổ
trong bước đường cùng, hiện đang sống dưới lớp bùn đen trong xã hội
Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, người dân Trung Quốc hiện đang có xu hướng
công khai lên án đảng cộng sản đang cầm quyền, thậm chí hô các khẩu
hiệu chống cộng sản hoặc đốt cháy, phá huỷ các lá cờ đảng để trút bỏ
nỗi tức giận.
Vào ngày 9/12, chỉ một ngày trước dịp kỷ niệm ngày công bố bản Tuyên
ngôn Quốc tế Nhân quyền, một nhóm gồm 303 công dân Trung Quốc từ nhiều
thành phần khác nhau trong xã hội, đã đưa ra một lá thư ngỏ gọi là
“Hiến chương 08” nhằm kêu gọi cải cách chính trị. Lá thư đã thu hút sự
chú ý rộng rãi từ khắp nơi. Ðến ngày 17/12 thì có hơn 5000 người ký tên
vào ủng hộ bản Hiến chương. Hiến chương 08 là hình ảnh trung thực của
Hiến chương 77, do hơn 200 nhà trí thức khoa bảng Tiệp Khắc ký vào
tháng Giêng năm 1977, khi Tiệp Khắc vẫn còn nằm dưới sự cai trị của
cộng sản.
|
Vì bị bức hiếp đánh đập, Yang Jia đã giết chết 6 công an Trung Quốc
|
So sánh với các cuộc bạo động vì bất mãn nhà cầm quyền như đề cập ở
trên, thì Hiến chương 08 là một lời kêu gọi ôn hoà, nhằm cải cách hệ
thống luật pháp, thực hiện dân chủ và bảo vệ nhân quyền, cũng như lập
ra một chế độ tam quyền phân lập, và quân đội phải tuyên thệ trung
thành với tổ quốc chứ không với đảng…, tất cả các ý kiến trong bản Hiến
chương đều được giới trí thức khoa bảng rộng rãi tán thành.
Trong tinh thần hoàn toàn ôn hoà và bất bạo động, Hiến chương 08 cho
rằng một sự thay đổi lớn ở Trung Quốc rất cần thiết và cấp bách. Không
có gì là trùng hợp ngẫu nhiên, lời kêu gọi cho sự thay đổi ở Trung Quốc
cũng tương tự như những hô hào thay đổi đã giúp đưa ông Barack Obama
trở thành ứng cử viên và đắc cử vào chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng
Mười Một vừa qua.
Bản Hiến chương viết, “Sự tàn tạ của hệ thống hiện thời đã tiến đến lúc
thay đổi không còn là một sự lựa chọn. Chúng ta nhìn thấy thành phần
không có quyền thế trong xã hội… đang trở nên hung hãn hơn và có khả
năng phát động ra một cuộc xung đột dữ dội với một thảm hoạ khôn lường”.
Nhà văn Liu Xiaobo và học giả Zhang Zuhua, hai nhân vật chính đề thảo ra Hiến chương 08
Lời nói đầu trong bản dịch Anh ngữ của Hiến chương viết, “Người dân
Trung Quốc, là những người đã cam chịu các thảm họa về nhân quyền và vô
số sự vất vả trong suốt những năm tháng này, bây giờ gồm cả nhiều người
đang nhìn thấy rõ rằng tự do, bình đẳng, và nhân quyền là những giá trị
phổ quát của nhân loại, và nền dân chủ với một chính phủ hợp hiến là
khuôn khổ cơ bản để bảo vệ những giá trị này”. Toàn bộ văn kiện này, do
giáo sư Perry Link thuộc Đại học California chuyển dịch sang Anh ngữ, có sẵn ở nybooks.com. Bạn đọc có thể xem bản phỏng dịch sang tiếng Việt của Khánh Ðăng.
Hiến chương 08 tiếp tục: “Bằng cách tách rời khỏi những gía trị này,
việc tiến hành công cuộc “hiện đại hóa” của chính phủ Trung Quốc đã
chứng minh là một thảm bại. Chính phủ Trung Quốc đã tước đoạt khỏi
người dân quyền làm người của họ, phá huỷ nhân cách, và làm hư hỏng mối
quan hệ bình thường giữa con người với nhau. Cho nên chúng tôi thắc mắc
rằng: Ðất nước Trung Quốc đang đi về đâu trong thế kỷ thứ 21? ”
|
Cựu tuyển thủ quốc gia Kai Chen
|
Vận động viên Kai Chen, một cựu đấu thủ của đội tuyển bóng rổ quốc gia
Trung Quốc đã trở thành một nhà hoạt động chính trị, cho biết rằng ông
ta hy vọng về một quyết tâm mới mà người dân Trung Quốc đang biểu lộ
sau thời gian Thế Vận Hội—khi chế độ thất hứa không chịu cải thiện vấn
đề tự do nhân quyền.
Theo ông Kai Chen thì, “Ðây là một diễn biến tích cực cho những người
đang sống ở Trung Quốc. Mọi người đang thúc đẩy cho tự do; thường thì
họ không có can đảm để làm chuyện đó. Mọi người đều nhận thức rằng có
một nghĩa vụ nào đó về phần họ là phải thúc đẩy để thay đổi, chứ thay
đổi không tự nó xảy ra”.
Trong khi phần lớn có những phát biểu rất tích cực, thì một quan tâm
của ông Kai Chen là bản Hiến chương không đi xa hơn nữa trong việc lên
án Ðảng Cộng sản Trung Quốc và các cán bộ quan chức tham nhũng.
Ông Chen nói, “Phải chắc chắn là tất cả các tội ác phải được đưa ra xử
bởi một tân chính phủ hợp pháp. Chúng ta không thể cộng tác với một lũ
tội phạm, nhưng tôi hiểu sự khó khăn khi nêu ra điều ấy ở Trung Quốc
bây giờ”
Nhà bình luận chính trị Cheng Pokong nói rằng Hiến chương 08 đúng ra là
một hành động phỏng theo Hiến chương 77 của Tiệp Khắc năm 1977. Các nhà
trí thức Trung Quốc qua Hiến chương 08 đã thể hiện tinh thần đoàn kết
tất cả như một trong tiếng nói ôn hoà trung thực, hy vọng rằng dân chủ
có thể trở thành hiện thực trong thời điểm lịch sử nghiêm trọng này của
Trung Quốc.
Nhưng chế độ cộng sản Trung Quốc không thể nào để yên cho những đề nghị
ôn hòa như vậy; một ngày trước khi Hiến chương 08 được công bố, theo
tin tức của hãng thông tấn Reuters thì Bắc Kinh đã bắt giam ngay nhà
văn Liu Xiaobo, một người hoạt động nhân quyền kiêm chủ tịch Hội nhà
văn độc lập Trung Quốc, và học giả Zhang Zuhua là hai nhân vật chính đề
thảo ra bản Hiến chương. Ông Zhang Zuhua được phóng thích không lâu sau
đó, nhưng nhà văn Liu Xiaobo hiện vẫn còn mất tích. Ðồng thời, chế độ
phát động ngay một chiến dịch đàn áp, hạch hỏi và điều tra trên toàn
quốc về những người ký tên vào bản Hiến chương. Nhiều người bị theo dõi
và quản thúc tại gia.
Cũng vẫn theo tin của Reuters thì học giả Zhang Zuahua đã nói sau khi
được trả tự do rằng, “Ðây là một nỗ lực có tính cách lâu dài, giống như
Hiến chương 77. Khi tôi bị công an hạch hỏi, tôi nói với họ rằng tôi
không muốn bị bắt giữ, nhưng nếu họ muốn bỏ tù tôi, thì tôi sẵn sàng
ngồi tù, dù là một năm hay hàng chục năm hay lâu hơn nữa”.
Bà Sheng Xue, phó chủ tịch Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc, cho biết bà hy
vọng rằng các chính phủ tự do trên thế giới có thể giúp đỡ bằng cách
bày tỏ sự ủng hộ cho Hiến chương 08 và những người ký tên vào. Bà Sheng
đang ở Toronto, Canada nói rằng, “Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế
và các nhà lãnh đạo thế giới có thể lên tiếng lên án và yêu cầu nhà
nước Trung Quốc hãy ngưng ngay việc ngược đãi và đàn áp những cá nhân
có liên quan đến Hiến chương 08". (theo Epoch Times)
|