§ Thuý Dung Đất
đai của Giáo Hội bị cướp, nhà thờ bị tấn công, Tổng Giám Mục của thủ đô
bị truyền thông nhà nước xúm lại bôi nhọ và vu cáo, linh mục bị du đảng
dọa giết, giáo dân bị cảnh sát đánh đập, giam cầm rồi lại bị lôi ra
tòa. Tất cả những tin tức xấu đó được các cơ quan thông tấn Công Giáo
quốc tế loan tải với đầy những mối âu lo cho một Giáo Hội đang bị công
khai đàn áp.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi của chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế
Thảo muốn trục xuất các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ra khỏi địa bàn Hà
Nội càng làm cho các cơ quan truyền thông Công Giáo ngỡ ngàng hơn trước
những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo trắng trợn và ngang ngược
của nhà cầm quyền Hà Nội.
“Ngày 15/10, ông ta [Nguyễn Thế Thảo] mời các nhà ngoại giao đến để
nghe ông ta chỉ trích Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, các linh mục
Dòng Chúa Cứu Thế và anh chị em giáo dân Hà Nội. Chỉ một tuần sau với
479 phiếu thuận, 21 phiếu chống, và 4 phiếu vắng mặt, Nghị Viện Âu Châu
đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc ký kết các thỏa ước hợp tác với Việt
Nam cho tới khi nào những vi phạm về nhân quyền vẫn chưa chấm dứt. Tôi
thiết tưởng điều đó đã là một bài học cho ông ta và nhà cầm quyền Việt
Nam rồi chứ. Thư ông ta vừa gởi cho Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục
Việt Nam và cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế hôm 12/12 cho thấy ông ta
và cái chính quyền tại Việt Nam có lẽ chưa sáng mắt ra. Chúng tôi theo
dõi sát sao vụ này và chờ đợi phản ứng của các Giám Mục và của cha Giám
Tỉnh.”
Chị Josephine Siedlecka, biên tập viên Independent Catholic News nhận định như trên.
Phản ứng trước những lời phát biểu của cha Giám Tỉnh trong cuộc
phỏng vấn dành cho RFA, Asia-News, Catholic World News và Catholic News
Agency đều ghi nhận lập trường rất rõ ràng, sáng suốt và đầy thiện chí
của cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành.
“Cha Giám Tỉnh nói với Radio Free Asia rằng ngài không nghĩ rằng
quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước có thể được cải thiện bởi việc tùng
phục các đòi hỏi của các quan chức nhà nước. Ngài chủ trương rằng căng
thẳng giữa hai bên chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại chân
thành.” (Catholic World News – bản tin đánh đi hôm 18/12).
Cũng cùng một quan điểm như trên theo thông tấn xã Asia-News, quan
hệ giữa nhà nước và Giáo Hội hệ tại ở nhiều yếu tố trong đó đáng kể
nhất là “cách ứng xử của nhà nước với dân chúng của họ, những chính
sách về tôn giáo và đất đai, và hàng loạt những yếu tố khác”. Giáo Hội
không chọn con đường đối đầu với nhà nước nhưng cũng không thể phục
tùng mù quáng để hòng đổi lấy một thứ quan hệ “tốt đẹp” được tô son
trét phấn trên những bài báo của nhà nước nhưng hữu danh vô thực.
Theo Catholic News Agency, Giáo Hội tại Việt Nam phải can đảm nói tiếng KHÔNG và sẵn sàng cho mọi thứ bách hại.
“Nếu đọc kỹ lá thư của Nguyễn Thế Thảo gởi cho các Giám Mục và cha
Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế người ta có thể nhận ra Thảo không thực sự
muốn việc thuyên chuyển các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Ông ta thực sự lại
muốn các nhà lãnh đạo Công Giáo từ chối chuyện đó.”
“Giọng điệu của lá thư rất hằn học và mệnh lệnh. Nó cũng làm người
đọc tức giận với những ‘chúa’ không viết hoa. Nó thực sự không hài hòa
(in tune) với ý định được nêu ra”.
Thông tấn xã này cảnh cáo: “Thảo thực sự mong muốn có một cái cớ để
thi hành các biện pháp cưỡng chế hành chánh,” trong đó y có thể thực
thi một kế hoạch đầy đủ và chi tiết hơn là chuyện thuyên chuyển các
linh mục.
Trong bối cảnh đó cơ quan thông tấn Công Giáo Hoa Kỳ này đưa ra lời
mời gọi anh chị em giáo dân trên toàn thế giới hãy cầu nguyện cho một
Giáo Hội đau khổ.
“Khi Mùa Giáng Sinh đang đến trên toàn thế giới, tại Việt Nam Giáo
Hội đang trên đồi Golgôtha của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta hãy
cầu nguyện cho họ.”
Nhiều vị tại Việt Nam có lẽ vẫn chưa chia sẻ quan điểm của cha Giám
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế và vẫn tiếp tục con đường nhắm mắt phục tùng hầu
mưu tìm những dễ dãi cho riêng bản thân và cộng đoàn của mình. Họ nhắm
mắt lại trước những bất công, bịt tai lại trước những tiếng kêu đòi
công lý từ Tòa Khâm Sứ, từ Thái Hà, An Bằng, Vĩnh Long và Sàigòn. Họ có
miệng nhưng không dám nói nói theo chủ trương “ngậm miệng ăn tiền”,
“sống chết mặc bây”.
Hãy nghe lời cảnh cáo của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám Mục Vĩnh Long.
"Có thể tiếng nói của tôi hôm nay cũng sẽ là ‘tiếng kêu trong sa mạc’ (Matthêu 3,3).
Xem ra tiếng nói của quyền lực đã lấn át tiếng nói của công lý, của
lương tâm, nhất là trong thời đại mà người ta coi trọng vật chất hơn
đạo đức, hơn nhân nghĩa. Nhưng tôi cần phải nói lên, để các thế hệ mai
sau được biết và không cười nhạo chúng tôi là hạng người có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói."
Thuý Dung
|