|
|
Báo Asia Times cho rằng việc thực thi luật quản lý blog ở VN không dễ |
Bình luận về các quy định pháp lý của Việt Nam nhằm quản lý hoạt động của các blogs, báo Asia Times có bài nói việc thực thi
luật này sẽ không dễ.
Bài 'Vietnam confronts a blogging boom' của Helen Clark trên Asia Times hôm 20/12 trích lời giới quan sát và cả những dân
blogger tại Việt Nam nói chính quyền muốn ngăn các blog có nội dung chính trị.
Cho dù băng video phim sex của Hoàng Thùy Linh hồi tháng 10/2007 đánh động về mặt tiêu cực của các trang mạng, luật mới dự
tính nhằm ngăn nhưng nội dung web có tác động chính trị trong dân chúng.
Bài
báo trích lời chuyên gia Stephen Denney, đại học Berkeley, Hoa Kỳ cho
rằng: "Các blog tạo ra một mối đe dọa cho chế độ bằng cách họ có khả
năng lớn mạnh thành một phong trào dư luận tự phát, điều mà chính quyền
không kiểm soát được như vẫn làm với truyền thông nhà nước."
Tác giả Helen Clark cũng cho rằng chính quyền Việt Nam yêu cầu cả hai nhà cung cấp dịch vụ Internet nổi tiếng là Yahoo và
Google trợ giúp họ trong việc lọc tin và bài.
Các blog trên mạng Yahoo 360 rất nổi tiếng ở Việt Nam trong khi Google chưa xuất hiện nhiều.
Nhưng hiện còn khó biết phản ứng của các trang nước ngoài này dù tại Trung Quốc Yahoo đã đồng ý theo luật sở tại vì quyền
lợi kinh tế.
Lọc cả triệu người?
Bản thân dân mạng của Việt Nam được trích lời trong bài cũng cho rằng việc kiểm soát 1,5 triệu bloggers trong số 20 triệu
người dùng Internet là rất khó.
Chính nhà nước cũng rất muốn công nghệ thông tin được phát triển và đặt mục tiêu tăng số người dùng web lên 30 triệu năm 2010.
Chiến lược phát triển mạng của chính phủ được khen ngợi và bài báo cũng nhắc đến ví dụ chính thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn
Tấn Dũng đã trả lời trực tuyến trên Internet, thu hút sự chú ý quốc tế rất lớn.
|
|
'Việc kiểm soát 1,5 triệu bloggers trong số 20 triệu người dùng Internet là rất khó' |
Bài báo trích lời chuyên gia IT, ông Chris Harvey nói Việt Nam có tốc độ nối mạng vào loại "cao nhất thế giới". Mặt khác,
hệ thống an ninh, toà án xử nặng những nhà báo và bloggers có bài viết tạo tác động mạnh.
Tác giả Helen Clark nhắc đến vụ xử blogger Điếu Cày tức Nguyễn Hoàng Hải và hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải
trong vụ báo chí điều tra PMU18.
Tuy thế, luật mới về blog sắp có hiệu lực còn hà khắc hơn, với án tù tới 12 năm cho người vi phạm.
Dù vậy, bài báo nói có cả những quan chức chính quyền không nêu tên nhận định rằng luật này, do Bộ Thông tin và Truyền thông
đưa ra, khó mà thực hiện được (unworkable).
Trong số các blogger Việt Nam, không ít người hoàn toàn ủng hộ luật này và cho rằng các nhật ký mạng chỉ nên đề cập đến các
việc riêng tư, tránh khỏi chính trị và sex.
Nhưng chính họ cũng không tin rằng luật có thể ngăn dòng chảy của thông tin mạng, nhất là với các trang dùng server bên ngoài
Việt Nam.
Trên các trang đó, nếu một địa chỉ bị chặn hay xóa đi, người dùng có thể lập ra ngay một cái mới.
Một blogger là 'Zero' được trích lời nói rằng anh ta tuy ủng hộ việc dùng luật để 'bảo vệ Việt Nam khỏi sex và chính trị'
nhưng cũng cho hay là vẫn thích đọc trang tin chuyên về tin tham nhũng như tackle.com có trụ sở ở bên ngoài.
Blogger này kết luận rằng ở Việt Nam vẫn có những thứ hoặc là "không được nhắc đến", hoặc "khi nói phải giảm tông".
Theo
lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn được trích
dẫn hôm 27/11/2008 Thông tư về quản lý blog có hiệu lực từ cuối
năm sẽ thắt chặt hơn hoạt động của những người viết nhật ký trên mạng
(blogger), và văn bản mới chỉ "định hướng, tạo hành lang pháp lý cơ
bản".
|