Cách đây, đúng 60 năm, ngày 10, tháng 12, năm 1948 là
ngày mà Liên Hiệp Quốc đã chính thức tuyên bố 30 điều căn bản về các
quyền của con người, đồng thời kêu gọi thế giới tôn trọng, bảo vệ, và
thực hiện những quyền sống này. Trong 30 điều này, có lẽ điều 1 là điều
căn bản nhất làm nền tảng cho việc hành xử giữa người và người:
Điều 1:
“Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân
phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm. Sự
đối xử giữa con người với nhau phải được trên tinh thần bác ái.”
Trong đó, điều thực tế nhất cho đại đa số gia đình nghèo ở nước ta là:
Điều 25:
(1) Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù
hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực
phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, quyền an
sinh trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tình trạng bất khiển dụng, góa bụa,
tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do các hoàn cảnh ngoài khả
năng kiểm soát của mình.
(2) Sinh sản và trẻ con có quyền được chăm sóc và trợ giúp đặc biệt.
Tất cả mọi trẻ con, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ
một cách bình đẳng như nhau.
Và Điều 26:
(1) Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải
được miễn phí, ít nhất là trong trường hợp cưỡng bách giáo dục ở bậc
tiểu học. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo
dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài
năng xứng đáng. (2) Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ
nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn
bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình
hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ
việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình.
(3) Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục dành cho con
cái mình.
Những điều này thực tế vì nói lên được quyền được đáp
ứng những nhu cầu sinh tồn rất căn bản mà nhiều gia đình nghèo nước ta
chưa có được. Quyền có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, y tế, các dịch vụ hỗ trợ
xã hội, trẻ em và người gìa được chăm sóc tử tế, quyền đi học, và quyền
phát triển khả năng và nhân cách của mỗi con người.
Ngày 29 tháng 10 năm nay, báo Tuổi Trẻ Online đã đăng về cái đói quay
quất giữa miền U Minh Hạ. Nơi đây 10 nhà thì có 2, 3 nhà ăn cháo cầm
hơi, lây lất qua ngày. Thương cảm nhất khi anh Nguyễn Thanh Toàn phải
thố lộ : “Làm cha mà để con phải ăn cháo trừ cơm, tôi thiệt nhục !” -
rồi oà khóc....
Cha mẹ nào cũng muốn hoàn thành trách nhiệm thiêng
liêng để nuôi dưỡng con cái, thế hệ sau của mình, không làm được điều
này mà phải sống bần cùng thì thật là một sự bất lực không cùng. Lãnh
đạo khiến cho dân sống nhục là lãnh đạo bất lương tâm. Nghèo thì quốc
gia nào cũng có người nghèo, nhưng có lẽ người nghèo ở nước ta là bần
cùng và nhục nhã nhất vì không những nghèo mà nhân phẩm của họ còn bị
khinh rẻ và quyền con người của họ bị chà đạp. Gần đây tại xã Hải Lộc,
huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, công an và chân tay của quan lại địa
phương dưới chiêu bài “quy trữ tài sản” đã lột sách đồ đạt còn lại của
các hộ nghèo. Họ viện lý do là các hộ nghèo này thiếu những khoản đóng
góp hay khoán phạt. Ngậm ngùi trong mất mát cùng cực, vào buổi trưa ăn
cháo trắng với mấy con cá vụn cùng với các con, chị Ngô Thị Sáng đã
nước măt ngắn, mắt dài kể lại cho nhà báo Đào Thanh Tuy chuyện cái ti
vi cũ, tài sản đáng gía nhất của nhà chị đã bị công an viện lấy mất.
Một năm sau mới có đủ tiền chuộc về thì lúc ấy ti vi không dùng được
nữa. Thế mà công an viên đi theo dõi nhà báo đang tìm hiểu sự việc lại
quát tháo và nói rằng : “nhà chị là...vớ vẩn, không nên nghe....” Chị
Liệu ở xã này cũng đã không cầm được nước mắt, chị nói trong thâm tâm
chị chắc chắn một điều là: “chẳng có nơi đâu người dân lại khổ như ở
đất này.”
Người nghèo nước ta có quyền không ? Cũng như bất cứ ai
là con người, người nghèo có quyền đòi hỏi một cuộc sống mưu sinh căn
bản. Nguời nghèo có quyền đòi hỏi để những nhu cầu của của mình được
quan tâm tôn trọng bởi lãnh đạo nhà nước và các định chế chính trị xã
hội. Người nghèo có quyền yêu cầu nhân phẩm của mình được tôn trọng và
có quyền đòi tranh đấu cho một cuộc sống tự do ra khỏi khổ đau nhục
nhằn.
Quyền thì có đó, cả thế giới cũng công nhận những quyền con người rất
căn bản, việc còn lại là chúng ta có nhận ra quyền này và tranh đấu cho
quyền này để đời sau con cháu không còn nhọc nhằn nữa không?
Thật ra, không có sự tự do ra khỏi đau khổ và sợ hãi
nào mà không cần sự góp sức tranh đấu của chính những người bị mất
quyền sống. Quyền sống còn của nhân dân Việt Nam nằm chính trong tay
của mỗi người dân. Nhà nước và đảng CS đã không làm điều này cho dân
qua hàng chục năm nay. Hiện nay, từ cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho
đến đương kim chủ tịch nước Trần Đức Lương và tất cả trong hàng lãnh
đạo đảng cấp trung ương đến địa phương, con số tài sản của họ lên đến
hàng trăm hàng tỷ đô la trong sự lầm than của đại đa số nhân dân. Như
vậy, chúng ta cần nhìn ra rằng: “đừng nghe những gì họ nói mà nhìn kỹ
những gì họ làm” để tự cứu mình.
Từ xưa đến nay, sự tồn tại và phát triển của đất nước
luôn do sự đóng góp của mỗi người dân từ sức lực, tim óc, đến tiền
thuế, và tài sản tâm huyết của chính mình. Lịch sử thế giới luôn cho
thấy sự thay đổi lịch sử của một đất nước dân tộc thường chỉ do một số
người công dân quan tâm, nhìn ra mâu thuẫn của xã hội và quyết tâm dấn
thân cho công lý. Ngày nào nhân dân ta còn chấp nhận và thuần phục sự
lãnh đạo của đảng CS, còn tin vào tâm lý định mệnh, và để sư dọa nạt
tuyên truyền khủng bổ của những người cầm quyền làm mình khiếp sợ, ngày
đó chúng ta vẫn chưa có lối ra. Xin hãy sống với trái tim đồng cảm với
đau thương của gia đình, đồng bào mình và của chính mình. Xin hãy sống
bằng sự kêu gọi của lương tâm, của gía trị nhân bản, và những răn dạy
của ông bà cha mẹ chúng ta. Xin hãy làm một điều gí đó dù nhỏ để góp
phần thay đổi môi trường dung dưỡng nhiều bất công và bất nhân. Mỗi
quyết tâm này trong mỗi chúng ta sẽ giúp tạo nên bước ngoặt lịch sử cho
đất nước. Như cô Phạm Thanh Nghiên, người yêu nước trẻ tuổi có nói:
“Một người, chúng ta sẽ không thành công. Một ngày, một tháng, một năm
là quá ngắn để đạt được mục đích. Nhưng với nhiều công dân Việt Nam,
bằng trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nước, bằng chiều dài cuộc sống
của chúng ta, chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp nối sự nghiệp cứu
nước và giữ nước của tiền nhân.”
Hòa Bình
|