Thứ Bảy, 2024-11-23, 2:07 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 22 » Cải cách giáo dục?
3:28 PM
Cải cách giáo dục?



Trần Khải


Đúng là Việt Nam cần phải cải cách hệ thống giáo dục. Không chỉ một lần, mà phải nhiều lần hơn. Không chỉ thời điểm này, mà phải thật dài hạn và liên tục. Bởi vì thế giới đã vượt xa Việt Nam và như thế, hễ ai chậm chân hay chờ đợi là sẽ tuột dốc thêm. Thậm chí tới như Trung Quốc cũng đã có một vài đại học nổi tiếng quốc tế, và đã có nhiều phát minh khoa học… nhưng các tiến sĩ của Việt Nam khi về nước chỉ có ngồi bàn giấy để đọc văn thư và ký giấy tờ, và rồi hết giờ là đi dạy thêm kiếm tiền. Vậy thì cải cách như thế nào? Đó là một nan đề.

Không chỉ là học trình cần cải cách, và cả trình độ giáo viên cần cải cách, mà cũng cần thay đổi cả về cơ chế. Không chỉ cần nâng cao trình độ và kỹ năng truyền đạt cho người thầy, mà cũng cần đổi hẳn cách ứng xử của các ban giám hiệu và guồng máy vận hành ở các trường.

Thí dụ như chuyện đáng ghi nhận gần đây nhất và vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa sau khi được vinh danh là "Người đương thời" năm 2006, vì đã can đảm tố giác những tiêu cực trong thi cử ở ngành giáo dục Hà Tây (cũ), nơi bây giờ đã sáp nhập vào Hà Nội. Ngay sau được vinh danh, là bộ máy hành chánh giáo dục ở Hà Tây bắt đầu trù dập thầy. Nhưng chuyện trù dập được kể bởi báo Người Cao Tuổi, số ngày Thứ Ba 9/12/2008, trong bài "Cần thanh tra lại kết quả thanh tra liên quan tới thầy Đỗ Việt Khoa" là:

 
“… Nhưng thật “trớ trêu” sau “sự kiện” nổi tiếng đó thầy Khoa lại gặp biết bao “sóng gió”, “trắc trở”, bị “trù dập”, “tẩy chay”. “hành hung”, “cướp tài sản”, “đe doạ về tinh thần”... Thầy đã viết đơn tố cáo và mong các cơ quan vào cuộc bảo vệ “sự công bằng cho xã hội” và “an toàn cho người tố cáo”…”
(hết trích)

Bài này cũng kể về,

 
“…Lá đơn gần đây ngày 16-11-2008, sau khi thầy Khoa bị hai bảo vệ Đông và Xường cùng 2 kẻ lạ mặt “ở ga” Thường Tín (đêm 14-11-2008) vào nhà đe doạ rồi cướp máy ảnh... Được biết “Xường” và “2 kẻ lạ mặt” đã khai với công an là do ai chỉ đạo rồi (nhưng Xường chỉ cướp máy ảnh mang về trường còn người vứt máy xuống ao lại là Nam (Thư kí Hội đồng nhà trường)... Vậy cần là rõ ai chỉ đạo, ai đứng đằng sau... ? Sự việc rõ như thế mà thanh tra vẫn kết luận được là “Thầy Khoa tố cáo sai...?”…”
(hết trích)

Chỉ thấy như thế là biết, nhu cầu cải cách giáo dục thúc bách tới như thế nào. Tại sao cả một cơ chế giáo dục lại biến thành nơi tụ tập các hung đồ như thế?

Thông tấn nhà nước Vietnamnet hôm 16-12-2008 đã có bản tin đặc biệt về giáo dục, nhan đề “Sẽ xóa bỏ biên chế hàng triệu nhà giáo,” trong đó nêu lên quyết định cải cách giáo dục 11 điểm, sẽ áp dụng từ quý 1/2009. Bản tin mở đầu như sau, trích:

 
“… “Ban hành vấn đề cải cách hệ thống GD quốc dân trong quý 1/2009; xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng trong đội ngũ giáo viên, tạo nên sự cạnh tranh phấn đấu của mỗi cá nhân”.

Đây là 2 giải pháp được Bộ GD-ĐT xác định là mang tính quyết định, đột phá nhằm đổi mới giáo dục Việt Nam. Viện trưởng Viện Khoa học GD (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Hữu Châu thông tin về những nội dung cơ bản của dự thảo lần thứ 12 của Chiến lược Phát triển Giáo dục giai đoạn 2009 – 2020…”
(hết trích)

Nhìn xa được tới năm 2020 thực là đáng quý. Nhưng cải cách này có thực sự là cải cách, hay chỉ là để điều hướng nền giáo dục theo ý muốn của Đảng CSVN? Đó là câu hỏi cần quan tâm. Nơi đây, chúng ta trích xem 2 giải pháp lớn trong cái gọi là “11 giải pháp chiến lược,” trong bản văn:

 
“…Dự thảo nêu 11 giải pháp, trong đó, có 2 giải pháp ngành GD muốn đệ trình Chính phủ và coi đây là 2 giải pháp mang tính quyết định, đột phá.

1. Đổi mới quản lý GD: Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành vấn đề cải cách hệ thống GD quốc dân trong quý 1/2009 để xóa đi tất cả những yếu kém, bất cập trong hệ thống. Sẽ tiến hành cải cách hành chính trong toàn bộ hệ thống GD, đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa quản lý.

2. Xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng đối với đội ngũ nhà giáo, tạo nên sự cạnh tranh phấn đấu của mỗi cá nhân. Sẽ miễn giảm học phí và cung cấp học bổng để thu hút HS vào các trường sư phạm…Thu hút giảng viên nước ngoài có uy tín về dạy học; tăng cường đẩy mạnh các khóa bồi dưỡng giáo viên bằng các chương trình tiên tiến. Đặc biệt là chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ để nâng trình độ giảng viên ĐH ở tầm tốt hơn…”
(hết trích)

Thi đua dạy tốt, học tốt.
Nguồn: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Đọc hết bản tin và xem tới xem lui “11 giải pháp chiến lược,” chúng ta không thấy các chữ “Đảng,” và chữ “lương.” Có phải cải cách giáo dục lần này là xua đuổi hết các đảng ủy ra ngoài phố cho kiếm việc khác? Còn lương không bàn tới, mà cứ đòi cải cách thì thầy giáo, cô giáo phải về nhà dạy kèm thêm chớ… Hiển nhiên, Đảng CSVN sẽ không bước ra khỏi nhà trường, bởi vì bản chất chế độ độc tài lúc nào cũng muốn xiết chặt. Nhưng bây giờ sẽ xiết chặt rất là tinh vi. Trong bản văn chỉ nói tới các giáo viên, nhưng không nói gì về việc bổ nhiệm Hiệu Trưởng, vì chức này luôn luôn là do phía Đảng CSVN quyết định. Còn lương thì trước giờ đã có bậc thang lương rồi, nếu bản văn về cải cách chưa nói, thì có thể là sẽ nói sau hoặc sẽ không nói gì cả.

Thế nên, có một “giải pháp chiến lược” được xếp vào hàng thứ tư, cho thấy một áp lực mới sẽ đè nặng lên các giáo viên, trích:

 
“4. Định kỳ 3 năm một lần, tổ chức đánh giá chất lượng học tập toàn quốc và công bố công khai để xã hội biết chất lượng GD Việt Nam đang ở mức nào. ..”
(hết trích)

Có nghĩa là cứ mỗi 3 năm một lần, các giáo viên sẽ bị xét duyệt lại hợp đồng, nếu thấy “dạy dở, dạy kém” hoặc là “lợi dụng dân chủ tự do để nói những nhận xét ngoài lề phải” thì cần phải hiểu là sẽ bị sa thải. Thầy giáo, cô giáo sẽ bị sa thải không phải vì đòi hỏi dân chủ đa nguyên, mà đơn giản là vì “hết hợp đồng rồi, sa thải nhé, vì dạy không đủ chất lượng…” thì cứ ra ngoài phố mà kiếm việc đi.

Có phải thâm ý này khởi lên là vì Đảng CSVN đã thấy có nhiều thầy giáo tham gia phong trào dân chủ?

Vậy rồi độc giả góp ý ra sao về bản tin này? Dưới bản tin, thông tấn VietnamNet đã cho đăng một số góp ý từ độc giả. Chúng ta nơi đây sẽ trích vài ý thôi:

 
“Ho ten: Trương Nho Dũng

Dia chi: Tây Hồ – Hà Nội

...Tôi là 1 GV và tôi biết rõ rằng trong số những GV trẻ tầm tuổi như tôi (1978-1986) tôi chưa thấy ai yên tâm công tác, cống hiến. Họ luôn muốn có cuốc sống mà thu nhập ít nhất phải đủ sống trên mức tối thiều và điều kiện làm việc tốt hơn,những gì họ thu được chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

*

Họ tên: Hồ Nghĩa

Địa chỉ: Nghệ An

Trường tôi có một cô giáo, trình độ chỉ là tại chức toán tin. Nhưng vì là cháu của một cán bộ trên tỉnh (nay đã ra một bộ). Nên ra trường được vào thẳng biên chế khác với những người khác trình đọ có, lại học chính quy sư phạm nhưng chỉ được hơp đồng ngắn hạn từng năm một thôi. Mỗi lần có thanh tra chuyên môn từ sở giáo dục đào tạo về thì đã có người thì thầm vào tai thanh tra là cháu của ông H. Thế là xong, kết quả là tốt, xuất sắc. Vậy các quan làm giáo dục thử nghĩ xem biên chế hay hợp đồng có phát triển được giáo dục nước nhà hay không? Hay đó là cách để các quan xét năng lực của giáo viên để chạy tiền.

*

Họ tên: ThomNguyen

Địa chỉ: Hải Phòng

Bỏ biên chế trong giáo dục, nhìn bề ngoài là tốt, nhưng bên trong là cơ hội kiếm tiền có một không hai cho những kẻ chỉ ngồi để xét tuyển giáo viên có đủ điều kiện được ký hợp đồng tiếp hay không. Đương nhiên, người giáo viên đã hương lương bèo bọt lại phải còng lưng chạy chọt để được ký tiếp hợp đồng. Chỉ là cơ hội tăng thêm tham nhũng, tiêu cực, người hưởng lợi thấp nhất cũng là ban giám hiệu trường.

*

Họ tên: Khuong Nguyễn

Địa chỉ: 18 Hoàng Quốc Việt

Nếu chuyển sang hợp đồng thì hợp đồng sẽ như thế nào? Lương giáo viên sẽ là bao nhiêu? Bộ có tính đến là cả nước sẽ chẳng còn một giáo viên nào không?

*

Họ tên: Trần Hiếu

Địa chỉ: Đà Nẵng

Theo tôi cần xem xét lại việc “Phát triển tài liệu chương trình GD”.Tôi thấy trong mấy năm qua nươc ta đã từng thay SGK (sách giáo khoa) 1 lần,việc này gây không ít tốn kém cho ngân sách nhà nước và cũng gây khó khăn cho rất nhiều em học sinh còn khó khăn.Các bộ SGK vừa mới cải cách nay lại thành phế thải rất lãng phí. Cũng cần để ý hơn đến cuộc sống người giáo viên, hiện nay chúng ta có thể thấy lương GV rất thấp so với đa số các ngành khác trong xã hội.Vì vậy cần phải tăng mức lương và thưởng của Gv lên.Có như vậy người Gv mới có thể chú tâm đến công việc giảng dạy của mình, mới có thể cống hiến toàn bộ tâm huyết của mình cho nền GD nước nhà…”
(hết trích)

Điều hiển nhiên phải thấy rằng nếu không cải cách giáo dục, đất nước sẽ không thể vươn lên bằng với thế giới. Nhưng nếu cải cách mà không hề nhắc tới hai chữ “đảng, lương” thì thực tế chỉ là một hình thức kềm kẹp mới, để sẽ sa thải tất cả các thầy giáo, cô giáo có chớm suy nghĩ về dân chủ tự do. Nơi đó, đảng bộ sẽ đánh giá từng thầy, từng cô mỗi ba năm và sẽ tự do sa thải tùy ý, mà không hề sợ các giáo viên này khiếu kiện. Trong khi đó, lại không bàn gì về chuyện cải cách bậc thang lương, mà chỉ đe dọa cắt bỏ hợp đồng mỗi ba năm, thì chỉ là một hình thức khủng bố tâm lý.

Thế mới biết, cải cách giáo dục của Việt Nam cũng độc đáo. Không cần theo bất kỳ mô hình thế giới nào hết. Dưới mắt đảng CSVN, thì nào có xem nền giáo dục thế giới là đáng mô phỏng theo. Chỉ cần phóng ra 11 chiêu cầm nã thủ mới này, tất cả các khuôn viên trường học đều sẽ sạch bóng những người có suy nghĩ về dân chủ, tự do, và nhân quyền. Bởi vì lúc đó, các giáo viên chỉ còn suy nghĩ về hạn kỳ 3 năm ký tiếp hợp đồng thôi.



DCVOnline biên tập và minh hoạ.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 907 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 23
Khách: 23
Thành Viên: 0