§ JB Nguyễn Hữu Vinh Ai
cũng biết, với mọi Kitô hữu, lễ Giáng sinh là một lễ quan trọng trong
năm. Trước đó người ta vui mừng, đón đợi và mong ngóng. Đêm lễ Giáng
sinh, tất cả mọi người già, trẻ gái trai nô nức niềm vui mừng Chúa
giáng trần. Trên mọi nẻo đường, người dân không phân biệt lương, giáo
lũ lượt kéo nhau đến nhà thờ. Những bài Thánh ca giáng sinh vang lên
trên mọi nẻo đường và mọi nhà, vui mừng, sung sướng, hân hoan… Nhưng,
năm nay Hà Nội có một Noel buồn.
Noel buồn ở “Thành phố Hoà bình”
Nhà thờ lớn Hà Nội chiều 21-12 - Noel 2008
Những ngày đầu tháng 12, không chỉ trẻ con mà cả người lớn nô nức
chờ đón ngày lễ Giáng sinh với muôn vàn lời chúc tụng tốt đẹp, mọi lời
cầu mong an bình cho trần thế được chuẩn bị bằng những cánh thiếp Noel
đủ màu khoe sắc. Những bài hát mới, rộn ràng, phấn khởi được tung ra.
Các cửa hàng, cửa hiệu trang hoàng lộng lẫy với những băng rôn, ông già
tuyết, cỗ xe tuần lộc, cây thông Noel…
Noel đã đi vào văn hóa người Việt một cách tự nhiên từ bao giờ chẳng rõ.
Đó là Noel xưa.
Năm nay, khi nhân loại đã bước vào thế kỷ thứ 21 được gần một thập
kỷ, tại thủ đô Hà Nội, một “Thành phố vì Hòa bình”, người công giáo
chuẩn bị đón Noel trong sự ngập ngừng và cảnh giác. Khi những người làm
chương trình đêm Noel bắt tay vào chuẩn bị, thì đâu đó có tiếng thì
thầm: Hãy cảnh giác, ban đêm là khi mà tử khí, tà thần hay hoạt động và
gây hại cho con người.
Những tiếng nói đó đã đem đến cho người Công giáo Hà Nội một cảm
giác không yên bình khi buộc phải tiến hành nghi lễ ban đêm, mà lễ
Giáng Sinh thì không thể không làm ban đêm.
Nhà thờ lớn Hà Nội Noel 2007
Giáo dân Hà Nội hẳn còn nhớ khi màn đêm bắt đầu buông xuống, họ đã
được nếm mùi của dùi cui, roi điện trên phố Thái Hà vào đêm 28/8.
Họ vẫn nhớ cảm giác của hơi cay xịt vào đám đông thiếu nhi và phụ nữ
đang cầu nguyện trong đêm 31/8, mùi của những bãi nước bọt được nhổ lên
mặt từ những cái miệng thối tha khi họ đang đọc kinh cầu nguyện cũng
như những cú thụi vào cạnh hông khi từ nơi cầu nguyện trở về.
Người công giáo Hà Nội chưa thể quên được những trận đòn hội chợ của
đám quần chúng “tự phát” khi có mặt của cán bộ công an và chính quyền
đã gào thét, đập phá cổng Đền Giêrađô và gào thét “giết, giết Kiệt, giết Phụng”.
Người công giáo Hà Nội cũng chưa thể quên được những ngày đám quần
chúng “tự phát”, đám thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh gào thét, chửi bới
cũng như những ngày công an dày đặc cùng với chó nghiệp vụ từng đàn để
chính quyền mang tượng Đức Mẹ sầu bi ra khỏi nơi Ngài đã ngự.
Giáo dân càng không thể quên được hình ảnh đám mắm tôm và dầu mỡ bẩn thỉu đổ lên tượng đài Đức Mẹ nơi linh địa.
Những kẻ đã có dã tâm làm được điều đó, thì thử hỏi có điều gì mà
chúng không thể không làm cho sự ác được thể hiện trọn vẹn hơn?
Toà Tổng Giám mục Hà Nội, dù có nhắm mắt lại vẫn thấy được sự hung
dữ, lởm chởm của hàng rào sắt nhọn và đám cảnh sát, cán bộ đủ loại bên
dây kẽm gai bao vây luôn đường ra lối vào…
Với những gì đã diễn ra, thì ngay cả người có “gan lim” cũng phải sợ
hãi huống chi là giáo dân bình thường, hiền lành và nhẫn nhục. Bởi họ
không phải là thành phần xã hội đen hay đỏ, họ không phải là con
nghiện, không có vũ khí, và đặc biệt là họ thiếu bản lĩnh của những kẻ
vô đạo.
Cũng vì vậy mà tinh thần cảnh giác của giáo dân được nâng lên hơn
bao giờ hết, họ sẵn sàng hi sinh không chỉ niềm vui, mà còn là cả những
nghi lễ hết sức cần thiết trong tín ngưỡng của mình. Điều đó cũng như
sự hi sinh máu thịt của bản thân họ.
Bởi chưa có ai đảm bảo cho họ rằng, những chuyện tương tự sẽ không
bao giờ xảy ra lần thứ năm, thứ sáu và ai dám nói rằng mức độ chỉ có
thế khi lòng hận thù đã được thể hiện rõ nét.
Một Noel không thể vui
Nhưng những điều nói trên chưa phải là quan trọng nhất để giáo dân
chấp nhận tự tước bỏ niềm vui Giáng sinh. Khi giáo dân đã chấp nhận
bước lên, thì những trò hèn hạ, bẩn thỉu kia chẳng có ý nghĩa gì, thậm
chí lấy mất mạng sống của họ, họ cũng sẵn sàng. Những hành động và lòng
người qua việc xử các giáo dân Thái Hà trong vụ án “mấy cục gạch” vừa
qua đã nói lên điều đó rất rõ ràng.
Điều căn bản mà giáo dân Hà Nội không thể vui Noel, không thể hân
hoan vui mừng Giáng Sinh là bức tượng Đức Mẹ sầu bi hiện đang còn lưu
lạc trong tay những người ngoại đạo chưa biết nơi nào. Với giáo dân, đó
là tất cả những âu lo, những đau đớn, những tủi nhục mà họ đang phải
chịu đựng gần như quá sức của họ.
Vui mừng đón Chúa Hài đồng sao được, khi Mẹ Ngài, xác Ngài và Thánh
giá – Chiếc giường khổ nạn của Ngài – đã bị mang đi một cách vội vã
trước sự thị uy của chó và cảnh sát cùng hàng ngàn những khuôn mặt hằm
hè dữ tợn. Hiện nay, Mẹ vẫn chưa được “hưởng chính sách khoan hồng của
đảng, nhà nước và pháp luật” để về đoàn tụ với giáo dân trong ngày
Noel, vẫn còn lưu lạc đâu đó trong cảnh bị giam giữ, tù đày.
Vui mừng đón Chúa Hài đồng sao được, khi những oan khuất trong cơn
điên loạn tập thể gây nên trận đòn hội chợ của giới truyền thông và
nhiều quan chức nhà nước đang đổ lên đầu Đức Tổng Giám mục Ngô Quang
Kiệt, người thay mặt Chúa nơi trần gian để đến với các giáo dân mà họ
không thể nào đủ sức để bảo vệ, đành để Chúa phải bị đóng đinh lần thứ
2.
Vui mừng sao được, khi những vị chủ chăn yêu quý của họ đang bị
chính quyền bằng cách này cách khác, lần này rồi lần khác, lộ rõ ý định
đuổi bằng được ra khỏi trọng trách mà Chúa đã giao cho các vị là dẫn
dắt đàn chiên của mình nơi đây. Họ đang đứng trước viễn cảnh của một
đàn chiên lạc mà thú dữ có thể ăn thịt họ bất cứ lúc nào khi mất chủ
chăn.
Tất cả những điều đó, làm nên một Noel buồn trong Tổng Giáo phận Hà Nội, là điều rất dễ hiểu.
Chiều 21-12-2008, tôi dạo một vòng quanh các giáo xứ, các nhà thờ ở
nội thành Hà Nội, tất cả vẫn im lìm. Đâu đó các đoàn giáo dân đến chúc
mừng linh mục nhân ngày Giáng sinh. Tất cả đều âm thầm và lặng lẽ.
Không có những chùm đèn màu rực rỡ, không có những bản nhạc giáng sinh
rộn rã, không hang đá, máng cỏ như mọi năm.
Toà TGM Hà Nội vẫn như mọi ngày, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt
tiếp từng đoàn sinh viên, giáo dân, linh mục… từ nhiều nơi đến chúc
mừng Giáng sinh. Trong các buổi nói chuyện, Ngài luôn nhắc nhở mọi
người cần quan tâm đến những người nghèo. Trong xã hội còn quá nhiều
những người nghèo, họ nghèo không chỉ về vật chất, mà còn là nghèo về
tinh thần, về công lý và sự thật. Tất cả đều đáng được thương yêu và
giúp đỡ.
Thời gian qua, kể từ sau nạn lụt lội ở Hà Nội và các tỉnh, Đức TGM
hầu như không tuần nào không có vài chuyến đi đến với những người nghèo
khổ, đau ốm và cần sự cứu trợ, nâng đỡ, giúp đỡ của Ngài từ miền Vinh
đến các tỉnh phía Bắc.
Trước Nhà thờ Chính toà, không một dây đèn, một cây nến, một chùm
hoa. Không gian trước nhà thờ vài chiếc xe đậu với hai người là bảo vệ
của phường Hàng Trống đứng canh gì đó không rõ.
Tại Nhà thờ Hàm Long, linh mục Giacobe Nguyễn Văn Lý tiếp các chủng
sinh. Không gian nhà thờ vắng lặng, hang đá không trang hoàng, chưa có
tượng Chúa Hài đồng. Tất cả trong không khí có phần lạnh lẽo của chiều
mùa đông.
Tại xứ Kẻ Sét, nhà thờ vẫn im lìm, không hoa, đèn như mọi năm. Phía
ngoài, chắc thấy cô quạnh quá nên phường cho chăng một băng rôn qua
đường nội dung nói về hạn chế dân số, sinh đẻ kế hoạch gì đó… Trong sân
nhà thờ, những chùm chân nến đêm cầu nguyện cho Công lý, Hoà bình đang
cháy dở.
Trong câu chuyện với các vị chủ chăn, tôi được biết các Ngài đang
hướng cộng đồng đi tới tìm niềm vui trong việc thực hiện ơn cứu độ qua
việc chăm sóc những người nghèo khó, thay cho những niềm vui rộn rã
trần thế đời thường. Đặc biệt là trong Noel năm nay.
“Đàn két công giáo” - Vui là vui gượng kẻo mà…
Mấy hôm nay, Nhà nước cũng tổ chức cho cái gọi là “Uỷ ban Đoàn kết Công giáo”
mừng Giáng Sinh tại Hà Nội để các lãnh đạo đến chúc mừng và vui cười
hoan hỉ, rằng như là “chúng tớ vẫn tôn trọng người Công giáo lắm đấy
nhé”. Báo nhà nước đưa tin rầm rộ, vẫn có một vị linh mục già nua hớn
hở, tươi cười cứ như là đợt này sau khi trục xuất được Tổng Giám mục
Kiệt thì nhà nước sẽ phong cho mình được lên chức Tổng Giám mục đến nơi.
Ngoài đường, đoàn xe ô tô chở cây thông giáng sinh và nhạc nhẽo ầm ĩ chạy trên các phố.
Đó là những động thái lạ mà các cơ quan nhà nước làm trong Noel năm nay.
Tại các ngã tư đường phố, từng đoàn người tụ tập quanh những đoàn tuần lộc, ông già Noel… dưới cờ đỏ sao vàng sặc sỡ…
Nhưng, với không khí Noel, những điều đó chưa đủ. Với cả Hà Nội, Noel năm nay là một Noel đặc biệt và khác thường.
Nhiều người dân không công giáo ở Hà Nội ngơ ngác hỏi nhau: “Hình như chưa tới Noel, hay năm nay bên Công giáo hoãn Noel sang ngày khác”?
Đúng là họ chưa hiểu, họ cứ nghĩ chuyện chuyển ngày Noel cứ như Quận
Đống Đa xử dân Thái Hà dễ dàng vậy. Nhưng khi hiểu ra, họ ngán ngẩm lắc
đầu rồi lại gật đầu: “Chắc cũng cần phải như thế, phòng hơn là tránh, bệnh dịch biết khi nào vào nhà”.
Lệ thường hàng năm, người được chúc mừng Noel sớm nhất là các vị
đứng đầu giáo phận, các linh mục quản xứ, quản hạt… và báo đài nhà nước
tung hô việc này ầm ĩ. Với các đấng bậc, việc các chức sắc nhà nước đến
chúc mừng Noel hàng năm, chẳng có mấy ý nghĩa ngoài việc các chức sắc
đó muốn quảng cáo cho chính sách của nhà nước và bản thân họ.
Nhưng nay ở Hà Nội, người được chúc mừng, thay vì các giáo chức,
giáo sỹ đứng đầu tổ chức Công giáo là Toà Tổng Giám mục, thì đó lại là
cái mà giáo dân gọi là “uỷ ban đàn két công giáo”.
Qua đây người ta thấy được một việc khác, đó là mục đích chính của
tổ chức này đã lộ rõ: Nó đã được cất nhắc lên thay thế giáo quyền.
Hài hước thay cho những người đã tổ chức nên việc đó, vì mọi người
đều hiểu những đại biểu, kể cả những linh mục và tu sĩ trong cái “uỷ
ban đàn két” đó đang đại diện cho ai ở đây? Thực chất, họ chỉ đại diện
cho cá nhân họ, tính cách họ và những bổng lộc, danh hão mà họ nhận
đươc mà thôi.
Nhưng qua đó, cũng đáng thương hại thay cho những người được “trọng
dụng” để thay thế chủ mình mà lại lấy làm phấn khởi và hãnh diện? Họ là
ai, nhân dân và giáo dân đã biết. Tài ở họ đã không, mà đức lại càng
kém. Tài ở họ không có, biểu hiện ở chỗ ngay nơi mình ở, những bất
công, chèn ép, những tệ nạn đầy rẫy nhưng họ vẫn ngậm tăm. Cái đức kém
rõ ràng nhất ở đây là lòng trung tín, đức vâng lời. Thường thấy, với
một con người mà không có lòng hiếu thảo với cha mẹ, thì xin đừng nói
đến chuyện họ có thể tốt với bất cứ ai, trong khi họ đang là con cái
Giáo hội, hoăc đã từng là con cái Giáo hội.
Linh mục Nguyễn Công Danh, “con cò đầu đàn” của uỷ ban này đã giải
thích rằng tổ chức này không phải là một tổ chức của Giáo hội, không
phải là của nhà nước. Tổ chức này là của “giới công giáo” nhưng bầu nó
lên không ở nhà thờ, không ở giáo hội mà do uỷ ban địa phương? Uỷ ban
thuộc mặt trận, còn mặt trận là của ai thì… không biết. Chỉ biết nó
được nuôi dưỡng bằng tiền của mặt trận và ở… trên.
Thật ra, ông thừa biết điều lệ của tổ chức này đã ghi rõ: Người đứng
đầu uỷ ban này phải là người được “đảng và nhà nước tín nhiệm” – Nghĩa
là phải là của quốc doanh chính hiệu.
Thực tế cho thấy nơi nào có hàng giáo phẩm kiên vững và mạnh mẽ, thì
nơi đó cái “uỷ ban” này không có đất sống, hoặc dần dần nó sẽ chết mòn.
Nơi nào hàng giáo phẩm thực hiện sách lược theo kiểu phật giáo quốc
doanh “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” thì nơi đó, hàng ngũ này
được dịp thi thố và phát triển.
Linh mục Dương Phú Oanh, chủ tịch cái uỷ ban này của Hà Nội, hiện
đang là linh mục thuộc giáo phận Hưng Hoá, nơi có một “nhà nước tự trị
về tôn giáo Sơn La” nhưng chưa khi nào ông lên tiếng cho giáo dân của
mình nơi đó? Đó cũng là những ví dụ điển hình.
Nhìn những động thái của cái uỷ ban này mấy ngày qua, tôi chợt nhớ đến câu Kiều của Nguyễn Du mấy trăm năm trước: “Vui là vui gượng kẻo mà/ Ai tri âm đó, mặn mà với ai”.(Kiều – Nguyễn Du).
“Bài Thánh ca buồn” của nhạc sĩ nào đó không chỉ vang trên các
phương tiện nghe nhìn, mà thẳm sâu trong tâm hồn người Hà Nội, đặc biệt
là giáo dân nói riêng còn có cả những tiếng thầm thì uất nghẹn: “Mùa
Giáng sinh buồn” – Giáng sinh 2008.
Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2008.
JB Nguyễn Hữu Vinh
|