Thứ Năm, 2024-11-21, 7:29 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 22 » Mô hình nào cho Việt Nam?
5:02 PM
Mô hình nào cho Việt Nam?
 
 

 
 
Giáo sư Tô Duy Hợp
Giáo sư Hợp tin rằng khuynh hướng chung hiện nay là đa mô hình
Việt Nam lâu nay đang đi trên con đường nào? Con đường đó có đúng không? Liệu Việt Nam có cần xem xét lại con đường của mình và định hướng lại theo một mô hình nào đó được cho là hợp lý hơn không?

Trong khi Nhà nước Việt Nam đang chủ trương 'xây dựng nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa', Giáo sư Tô Duy Hợp, chuyên gia nghiên cứu về mô hình từng làm việc nhiều năm tại Viện Triết học và Viện Xã hội học tại Hà Nội, qua cuộc trao đổi với BBC Việt ngữ, cho rằng cần phải có những xem xét lại về cách đặt vấn đề 'mô hình' cho tới nay của Việt Nam

GS. Tô Duy Hợp: Thời kỳ bao cấp trước đây, vì chỉ có một 'mô hình' nên người ta không được bàn tới mô hình. Sau đó Việt Nam đi vào thời kỳ đổi mới, nay là hội nhập, nên người ta đi vào quan điểm 'thống nhất trong đa dạng'. Phát triển là càng ngày phải càng đa dạng, chứ không thể phát triển càng ngày càng đơn nhất. Do đó mới có câu chuyện 'đa mô hình'.

 Vấn đề của Việt Nam hiện nay là vẫn chưa tìm được mô hình
 
GS. Tô Duy Hợp

Đa mô hình có nghĩa là để cho các nhóm xã hội, thậm chí các cá nhân lựa chọn được cái mà người ta cho là hợp lý. Và lúc bấy giờ phải đối thoại với nhau. Không thể còn tình trạng có một quan điểm độc quyền tiêu diệt các quan điểm khác nữa.

'Dò đá qua sông'

Hơn nữa, trong khoa học hiện nay, người ta cũng chấp nhận việc 'đa mô hình' với tư duy khoa học hiện đại là tư duy 'đa hệ thống'. Thực ra hai khái niệm mô hình và hệ thống liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Theo quan điểm của tôi mô hình là cái người ta tạo ra để thao tác, còn vấn đề rút cục quan trọng nhất là phải biết lựa chọn mô hình nào là đúng đắn, hợp lý và phải thử nghiệm. Thử nghiệm nhiều lần. Ngay như ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình rất giỏi, nhưng ông vẫn phải dùng một câu của dân gian là 'dò đá qua sông'. Cần lưu ý rằng khi thử mô hình thì tính 'thử và sai' là nhiều lắm.

Cựu lãnh tụ Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình
Ông Đặng Tiểu Bình coi việc xây dựng mô hình là 'dò đá qua sông'

BBC: Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên đi theo mô hình phát triển của các quốc gia phát triển phương Tây, nhưng năm nay qua cuộc suy thoái toàn cầu với các hệ luỵ kinh tế - xã hội đang diễn ra, ông thấy việc tham khảo mô hình phát triển này với Việt Nam còn nên không?

GS. Tô Duy Hợp: Vừa rồi tôi có đọc một công trình của chuyên gia nông nghiệp, nông thôn, nông dân Đặng Kim Sơn. Trong đó, ông dự báo rằng Việt Nam sắp tới có thể đi theo hai hướng. Nếu cứ để tiếp tục phát triển như hiện nay mà không có điều chỉnh gì, thì nông thôn Việt Nam sẽ rất ảm đạm. Nhưng nếu học các mô hình của các nước, có lẽ sẽ có sự sáng sủa hơn. Ông đề xuất nhiều điều mà tôi cho là tốt, tức là không chỉ học phương Tây, mà cần học nhiều mô hình khác nhau. Ví dụ như học các mô hình các nước Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan hay mô hình một số nước tại Đông Nam Á; thậm chí như mô hình một số nước châu Mỹ La-tinh. Như vậy tức là phải mở rộng diện ra.

Hơn nữa, phương Tây rất xa với phương Đông về truyền thống văn hoá cũng như về định hướng tư duy. Trong khi đó có các nước cũng học phương Tây, nhưng đã chế tạo được mô hình thích hợp như trường hợp của Nhật Bản. Đây là hướng mà tôi cho là tốt với tinh thần học tập nhưng không nô lệ với mô hình nào cả. Cái khó là phải biết tích hợp các hạt nhân hợp lý. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là vẫn chưa tìm được mô hình.

 Tôi tin rằng quá trình nhận thức trên thực tế, nếu muốn hiệu quả, không thể cố chấp được, cố chấp là chỉ có thất bại thôi
 
GS. Tô Duy Hợp

BBC: Hiện nay Việt Nam nói đang theo mô hình nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải chăng đây cũng đã là một dạng mô hình tích hợp rồi?

Lý thuyết 'khinh trọng'

GS. Tô Duy Hợp: Trong quan điểm lý thuyết 'khinh trọng' mà tôi nghiên cứu và đặc biệt là trong mô hình 'xã hội lành mạnh' (good society), tôi cho rằng 'định hướng xã hội chủ nghĩa' chỉ là một mô hình mà không phải là duy nhất. Nhất là trong hội nhập quốc tế đa mô hình thì không còn duy nhất và độc quyền nữa. Cho nên không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa xã hội (CNXH), cũng như không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa tư bản (CNTB).

Bởi vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đích thực đã tìm rất nhiều mô hình để có thể tổng tích hợp vào nhau. Hiện có thể có những mô hình coi trọng những đặc trưng XHCN hơn. Trường hợp của Venezuale thì đồng nghĩa CNXH với quốc hữu hoá cũng đang là một vấn đề. Trong khi đó Việt Nam và Trung Quốc đang đề cao tư nhân hoá. Nhưng tư nhân hoá ở đây đang bị kìm chế vì chủ yếu vẫn do nhà nước quản lý.

BBC: Ông là người chủ trương và sáng lập 'thuyết khinh trọng', xin ông cho biết vắn tắt về thuyết này và tại sao lại phải quan tâm tới quan điểm 'khinh trọng'?

Chủ tịch VN Nguyễn Minh Triết và tổng thống Venezuela Hugo Chavez
CNXH ở Venezuela được cho là phép cộng của dầu khí và quốc hữu hoá

GS. Tô Duy Hợp: Ở đây khái niệm 'khinh trọng' vốn tồn tại trong thực tế, trong dân gian, được nâng lên thành một phạm trù triết học ở tầm ý nghĩa phổ quát, phổ dụng. Khi được lý thuyết hoá, nó trở thành một phạm trù 'giả thuyết' hơn là lý thuyết vì cần được kiểm nghiệm liên tục khi vận dụng vào trong các khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, kinh tế... Tinh thần của quan điểm 'khinh trọng' là tổng tích hợp các hạt nhân hợp lý của các lý thuyết khác nhau. Không có lý thuyết nào tuyệt đối đúng, cũng như tuyệt đối sai.

Kể cả các học thuyết tôn giáo cũng không có gì 'sai tuyệt đối' như người ta từng có thời nghĩ, vì đều có lý và có bằng chứng của người ta ở trong đó. Đó là các bằng chứng lịch sử, thực tế và có niềm tin. Và khi tổng tích hợp các hạt nhân hợp lý sẽ ra nhiều mô hình mà người ta có quyền lựa chọn. Lựa chọn cái nào thích hơn, hợp hơn và có thể bao gồm cả quá trình thay đổi trong đó. Không có gì bất biến cả. Tôi tin rằng quá trình nhận thức trên thực tế, nếu muốn hiệu quả, không thể cố chấp được. Cố chấp là chỉ có thất bại thôi. Không cố chấp tức là thay đổi quan điểm, tức là thay đổi 'khinh trọng'.

BBC: Từ quan điểm thuyết 'khinh trọng' có thể đánh giá gì về việc ở Việt Nam, Nhà nước vẫn nói vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được quy định trong hiến pháp là một lựa chọn lịch sử và con đường đi lên CNXH của Việt Nam là con đường đúng đắn và tất yếu?

 Nhưng việc tuyên truyền rằng hệ tư tưởng này là lựa chọn duy nhất và ưu việt là không đúng. Và cũng không thuyết phục được ai nữa
 
Tô Duy Hợp

'Bằng chứng cụ thể'

GS. Tô Duy Hợp: Khi Đảng cộng sản chưa ra đời, người dân chưa ai biết cộng sản là gì. Nhưng khi ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản lãnh đạo có nhiều thành tựu thì người dân càng ngày càng tin. Như vậy mọi niềm tin phải được dựa trên bằng chứng cụ thể. Đối với người dân, cái gì đem lại giá trị, quyền lợi cơ bản nhất cho người ta, thì người ta sẽ tin.

Nhưng sau này, vấn đề cơ bản nhất là bất cứ một đảng phái hay tập đoàn lãnh đạo nào cũng phải giữ chữ tín và phải làm tiếp tục. Còn nếu sau đó không đáp ứng thì người ta sẽ giảm sút niềm tin và thậm chí thay đổi niềm tin. Đó là câu chuyện tất yếu đang diễn ra và dẫn đến việc anh phải lấy lại niềm tin, phải nâng cao năng lực. Còn nếu không làm được như vậy thì nhân dân sẽ giải tán. Vua người ta cũng giải tán được.

BBC: Vẫn từ góc nhìn 'thuyết khinh trọng', liệu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà những người cộng sản tại Việt Nam vẫn tuyên bố là 'ưu việt', có ưu việt thực sự hay không?

GS. Tô Duy Hợp: Tôi quan niệm rằng bất cứ học thuyết nào cũng có ưu điểm của nó và chủ nghĩa cộng sản, CNXH cũng có ưu điểm. Nhưng việc tuyên truyền rằng hệ tư tưởng này là lựa chọn duy nhất và là ưu việt là không đúng. Và cũng không thuyết phục được ai nữa, vì nó đã đem lại rất nhiều những sai lầm và rất nhiều tai hoạ cho một số nước rồi. Cho nên không có câu chuyện là duy nhất đúng đắn, duy nhất tuyệt vời. Không có điều đó.

Giáo sư, Tiến sĩ Tô Duy Hợp từng phụ trách các phòng Lôgíc học, Viện Triết học và phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học tại Hà Nội trong nhiều năm. Ông có nhiều công trình về ứng dụng lý thuyết hệ thống, mô hình và phát triển trong xã hội và hiện đang chủ trương một lý thuyết mới có tên gọi 'khinh trọng'.


Bình, Việt Nam
Cách đây 15 năm tôi đã nghe đến việc lựa chọn mô hình. Vậy mà đến bây giờ vẫn 'dò đá qua sông'? Liệu 200 năm nữa có bằng người Thái không? Người ta vẫn mang "mô hình" của Thái Lan qua mấy vụ biểu tình vừa rồi để doạ dân ta đấy.

Vũ Duệ, Quảng Trị
Đảng cần dân chủ hơn nữa, nhất là dân chủ ngay trong Đảng, dân chủ với đội ngũ trí thức, nhằm tích hợp được tối đa trí tuệ của cả dân tộc để cùng chèo lái con tàu dân tộc vượt lên. Chúng ta cũng không cần phải "nhập khẩu tại chỗ" lãnh đạo, mà đội ngũ lãnh đạo đất nước cũng lanh quanh đâu đó trong 80 triệu người Việt này thôi! Hãy mạnh dạn tìm tòi, chọn lựa. Mà việc này xem ra càng do nhiều người tìm tòi, chọn lựa thì độ chính xác ắt sẽ cao hơn bởi chỉ do một nhóm người?

Bàn thảo về mô hình cho đất nước cũng vậy, càng nhiều ý kiến, càng nhiều đối chứng so sánh ắt tốt hơn. Ngaỳ xưa cụ Nguyễn Du cũng đã viết "Rằng trong chân lý có người, có ta", vậy mọi người hãy tôn trọng nhau, tôn trọng quá trình tồn tại của nhau. Bởi cái gì đã tồn tại, mà tồn tại hàng chục, hàng trăm năm, thì ắt có "cái lý" của nó. Cảm ơn giáo sư Tô Duy Hợp. Tôi mong được có dịp tiếp xúc trực tiếp để nghe ông.

Kick, Bà Rịa - Vũng Tàu
Sau hơn 30 năm được độc lập, thống nhất mà nay lại còn phải dò dẫm để tìm một mô hình cho sự phát triển của đất nước liệu có quá cay đắng không? "Dò đá qua sông" một cách nghĩ vẫn mang tính may rủi. Sao không làm 'cầu' để qua sông hoặc đóng 'thuyền'... để qua sông? Người VN thật sự rất cần một mô hình hay nói cách khác là một con đường mạch lạc và phải đi đến thành công chứ không mong đợi sẽ là một "dã tràng se cát ".

KO, Hà Nội
Theo tôi CNXH là đúng, là tất yếu. Tuy nhiên, sứ mệnh của Đảng CSVN là dẫn dắt, là đưa ra định hướng thì đang bị một bộ phận quan liêu, tham nhũng nằm trong đó, thao túng, làm cho người dân mất lòng tin vào XHCN mà các cụ Mác - Lênin đề xướng.Có thể chính quyền đang đi sai đường.

Trung, Toronto
Những ngày nghỉ cuối năm,mà được nghe những nhận định và ý kiến đưa ra phản ánh đúng sự thật về hiện tình chính trị và nhu cầu của đất nước, tôi ngưỡng mộ sự can đảm của GS Hợp, một sĩ phu Bắc Hà đúng nghĩa... Thật là phản cảm và trống rỗng khi nghe những từ ngữ trong các khẩu hiệu như 'sáng tạo, ưu việt, linh hoạt, năng động'.. .mà Đảng ra sức nhồi nhét vào đầu người Dân. Nhất là khi những cựu đồng chí của họ ở Nga,Đông Âu,Đức đã gần 20 năm thẳng thừng dứt bỏ vào sọt rác cái chủ nghĩa lỗi thời, không tưởng, thiếu nhân bản mà các 'đồng chí' VN mình hiện nay vẫn còn bám víu.

Lê Thức
Theo tôi sai lầm chính là ở suy nghĩ của đa số chúng ta. Đừng hỏi nhà nước con đường nào họ dẫn chúng ta đi, chính chúng ta phải quyết định con đường nào cần khai phá để hồi sinh tổ quốc mình.

Nhất
Muốn đất nước phát triển, cần thay đổi tận gốc của vấn đề, đó chính là hệ tư tưởng. Liệu những ai đang lãnh đạo đất nước có đủ dũng khí để từ bỏ quyền lực và sự giàu sang mà họ đang thụ hưởng. Hơn lúc nào hết, cả dân tộc cùng góp chung sức lực mới hy vọng có sự thay đổi.

Hung, SaiGon
Bài viết và ý kiến của giáo sư Hợp rất hay. Sáng tạo là rất hay và rất cần tuy nhiên không phải lúc nào cũng tốt. Thực tế đã chứng minh mô hình chúng ta hiện nay là rất không tốt và cần phải thay đổi. Tuy nhiên để sửa và sai mãi thì VN sẽ về đâu? Theo tôi nên học tập mô hình tư bản, rồi phong đảng cộng sản thành chức danh bất khả xâm phạm nào đó nhưng không có quyền lực (như vua của Thailand). Rồi biến đất nước ta thành đất nước tự do dân chủ (nền cộng hoà thật sự mà cha ông mong ước). Đảng cộng sản hiện nay như đang ngồi lên lưng cọp; xuống thì cọp ăn thịt, còn ngồi mãi sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Đảng cộng sản nên có biện pháp rút lui trong danh dự để còn chút hình ảnh và giữ an toàn.

Nguyên, Sài Gòn
Mô hình nào thì cũng phải theo 'định hướng XHCN'! Thế là chúng ta tự giới hạn khả năng của mình rồi. Chúng ta không thể làm bánh pizza bằng nguyên liệu của bánh chưng được!

Ba Thái, Long An
Cảm ơn GS.TS. Tô Duy Hợp có một câu kết rất có ý nghĩa." Không có một câu chuyện là duy nhất đúng đắn, duy nhất tuyệt vời, không có điều đó. Rất thiết thực, chân lý luôn luôn lúc nào cũng hướng về lẽ phải mà thôi.

T.T.Nam
Tôi cho rằng Việt Nam sẽ không chọn được mô hình kinh tế vì ba nguyên nhân chính sau. Thứ nhất, xưa nay chưa bao giờ trong lịch sử VN lại ở trong tình trạng hòa bình và đang phát triển kinh tế như hiện nay. Cho nên người VN không hiểu mình trong hòa bình. Người VN vốn hiểu rõ mình trong chiến tranh và loạn lạc thôi. Vì không hiểu mình nên không biết mình muốn gì và hợp với cai gì, mô hình nào, thì lam sao tìm được cái mình không biết?

Thứ hai, VN vốn là một dân tộc mạnh về hành động xử lý tình thế trước, rồi tìm hiểu hay áp đặt lý thuyết sau. VN chưa bao giờ có các tư tưởng gia cho phát triển trong thời bình, mà chỉ có một số ít tư tưởng gia cho thời loạn mà Nguyễn Trãi hay Hồ Chí Minh là ví dụ xuất sắc. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật hay Hàn Quốc đều có các tư tưởng gia trong thời bình.

Thứ ba, VN hiện nay nói là muốn tìm mô hình thành công để học theo nhưng trong đầu Nhà nước lại chỉ muốn tìm thấy mô hình theo định hướng XHCN, mà mô hình loại đó chưa có ở đâu thành công, kể cả ở Trung Quốc. Mô hình XHCN mà lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn cho VN trước đây thực ra là muốn dùng kế "ve sầu lột xác" để mang lại nền dân chủ dân tộc cho VN. Tiếc rằng Chủ tịch HCM lại bị các đồng chí của mình dùng chính kế đó đáp lại: họ dùng chính tên tuổi, uy tín, đạo đức của ông như bình phong nhằm che đậy cho mô hình XHCN mà ông không thực muốn. Nói tóm lại, theo tôi, trong 5 năm tới VN sẽ không tìm được mô hình mình mong muốn.

Trinh, Sài Gòn
Hãy cứ ưu tiên phát triển giáo dục mở, kinh tế mở, ngoại giao trung lập. Xã hội sẽ tự thải loại nhanh trì trệ, lực cản và tiến tới thực sự dân chủ.

Vô danh
Các nguyên lý cơ bản kinh tế thế giới đã được thực nghiệm và cũng chưa thể gọi là hoàn chỉnh vì thỉnh thoảng vẫn còn có những lỗ hổng. Bằng cớ là đôi khi những cuộc khủng hoảng KT vẫn xảy ra và những học thuyết KT này vẫn còn phải vất vả để vá những lỗ hổng đó ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình theo các nguyên lý này đã mang lại nhiều thành quả cho đất nước và người dân được hưởng. Đó là nói về các nước đã và đang dùng mô hình TBCN.

Còn ở ta , cái mô hình CNTB đang dãy chết không lẽ lại được dùng để áp dụng cho một đất nước sặc giáo điều XHCN vì thế cho nên mới có cái quái thai "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN" để nhằm độc tôn vai trò lãnh đạo của Đảng. Đau đớn thay, mô hình thử nghiệm này đã dẫn dắt đất nước tụt hậu thậm chí chỉ so sánh với Indonesia là 51 năm, Thái Lan gần thế kỷ và Singapore một thế kỷ rưỡi! Chẳng còn con đường thử nghiệm nào nữa ngoài việc từ bỏ CNCS, vai trò toàn trị của Đảng và hòa nhập vào các mô hình tiên tiến đã có sẵn từ các nước tiến bộ.

Ben, Sài Gòn
Mỗi cá nhân chúng ta chưa thể nói rằng mô hình nào cho Việt Nam là đúng nhưng hãy để "lá phiếu tự do" của người dân lựa chọn. Chỉ khi nào tiếng nói của dân chúng được tôn trọng thì đất nước này, dân tộc này mới có hy vọng "so vai" với cộng đồng quốc tế.

Mai Viết Tư
Nước Việt Nam không may mắn ở chỗ có những khúc sông bao nhiêu người qua ngon lành thì lại không qua, song lại đi kiếm mấy chỗ hiểm vừa dò đá vừa đi qua. Mấy chục năm rồi vẫn dò mãi mà chưa tìm được con đường qua sông sao? Xin đừng mị dân.

Tự do ngôn luận là bước đầu tiên để cho mỗi người VN được đóng góp vào sự thảo luận thật sự cho tương lai của đất nước. Cần một hội nghị Diên Hồng thật sự mà toàn dân tham gia ý kiến và quyết định qua trưng cầu dân ý một cách tự do về vận nước VN mến yêu của họ. Đấy mới là sức mạnh để đưa quốc gia đi lên đấy. Tại sao ông cha ta đã làm được trong quá khứ mà bây giờ đời con đời cháu không làm được?

Quang
Cảm ơn Giáo sư đã có những câu trả lời chân thực và thẳng thắng. Hy vọng giáo sư sẽ không bị phiền hà gì sau bài phỏng vấn nầy.

SAKURA, Nhật Bản
Tại sao thế? Qua hàng thế kỷ chiến tranh tàn khốc, giành độc lập dân tộc bằng mọi giá. Hòa bình mấy chục năm rồi, đến bây giờ mới đua ra được kết luận "Hiện nay,Việt Nam vẫn chưa có mô hình". Tội của ai đây? Ai đã kéo lùi lịch sử Việt Nam đến mức nhầm lẫn cả mô hình phát triển?

Lan Nguyễn, Pháp
Qua bài phỏng vấn này, rõ ràng Giáo sư đã có cái nhìn rất thực tế qua đoạn cuối: "Tôi quan niệm rằng bất cứ học thuyết nào cũng có ưu điểm của nó và chủ nghĩa cộng sản, CNXH cũng có ưu điểm. Nhưng việc tuyên truyền rằng hệ tư tưởng này là lựa chọn duy nhất và là ưu việt là không đúng. Và cũng không thuyết phục được ai nữa...." Điều đó có nghĩa là ĐCS Việt Nam nên dừng lại và cần tìm mô hình khác để đưa đất nước đi lên mà nhân dân vẫn ủng hộ như thường.

SAKURA, Nhật Bản
Thật ra, Nhà nước và chính phủ Việt Nam biết rất rõ kết cục các chính sách của họ. Nhưng làm khác đi có nghĩa là họ "phải chết ngay tức khắc". Kèm theo là mất quyền lực và sự giàu có.Thảm họa, cũng chỉ vì tham quyền cố vị, ích kỉ. Không ai khác, theo tôi, họ là kẻ thù của sự phồn vinh của dân tộc.

PPT, Việt Nam
Ý kiến của GS Tô Duy Hợp là tâm huyết của các nhà trí thức có trình độ và thực lòng yêu nước ở Việt Nam. Cốt lõi của quan điểm này là đảng CS, nhà cầm quyền XHCN đừng tự tôn mình là duy nhất nữa để quảng đại dân chúng có quyền góp ý vào sách lược liên quan đến vận mệnh của họ, đến đất nước của họ. Người ta phản đối Đảng hay nhà cầm quyền chính vì hệ tư tưởng Cộng sản triệt tiêu mọi quyền dân chủ, sự tự do và cả nhân quyền. Việc lựa chọn một mô hình nào đó tốt hơn cũng bị cản trở bởi ba giới hạn nặng tính ý thức hệ này.

Nhưng vấn đề bây giờ không phải là chọn mô hình, và càng không phải là "thử nghiệm mô hình" của Trung Quốc vốn đã làm mất nhiều thời gian, đầy thất bại và những hi sinh mất mát nhất là cho dân nghèo. Mà vấn đề là đối sánh các mô hình, chọn phần hay, bỏ phần dở, và cuối cùng loại đi những rào cản định đặt ra bởi một hiến pháp lỗi thời khả dĩ vô hiệu hóa mọi mô hình phát triển có thể chọn lựa.

Mặt khác, nên bắt đầu bằng việc học hỏi thực tế. Hãy cử người tới tận nơi để học với tinh thần khiêm tốn, không coi mình là lí thuyết duy nhất. Hãy cử những con người thực hành chứ không chỉ lí luận xuông kẻo họ lại kéo lùi đất nước theo những lí thuyết chắp vá mông lung. Về nông nghiệp hãy bắt đầu bằng Thái Lan, về công nghiệp bằng Hàn Quốc nơi chịu cùng cảnh ngộ nam bắc như chúng ta, và về dịch vụ qua Singapore nơi mọi công dân đều biết khai thác ưu thế "kinh tế địa lí" (geo-economics)

Thắng, Hà Nội
Nền kinh tế Việt Nam có thể được ví như một người tàn tật mà vừa trải qua một cuộc đại phẫu để cấy ghép vậy. Nó quá yếu so với chính đồng loại của mình và lại cũng tự ti nữa, không dám tự đi trên đôi chân từng được ban tặng của ông anh Nga sau cuộc cải tổ. Nhưng nó vẫn mang tư tưởng tàn tật mà không dám bước trên đôi chân của chính mình. Sẽ chẳng có con đường nào giống con đường nào và cũng sẽ chẳng có lối mòn nào nếu không có người mạnh dạn bước trên đó. Đừng ngồi một chỗ mà dò đường, Việt Nam đã tụt hậu so với khu vực cả trăm năm rồi. Hãy mạnh dạn bước đi dù có vấp ngã, với chân lý "Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome".

Mimoza, Sài Gòn
Tôi nghiên cứu về triết học rất nhiều năm nay, tôi rất đồng ý với tham luận của giáo sư Hợp. Trong hướng dẫn dắt cả một dân tộc đi lên tự do dân chủ , độc lập hạnh phúc, ấm no và giàu có , không nên khinh trọng bên nào, mà phải nhìn thoáng mọi vấn đề. Không bao giờ đặt ở chủ quan mà làm, mới thấy được cái hay cái dỡ ,diều tốt điều hay.

Hiện nay mà nói đảng cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa xã hội trước đây thì có phần thích hợp, nhân dân còn hoan nghêng và đón nhận. Nhưng nay điều đó hết rồi và qua rồi. Dân chúng đang chán ngán. Ổ nơi đó chỉ chứa đựng sự độc quyền và độc đảng. Ở đó tự thân chỉ sản sinh ra sự tham nhũng , sự bất công và những thứ xấu khác nữa.

Đó là thực tế, mà cũng là lý do tại sao những nước trước đây đã theo thứ chủ nghĩa này mà phải bỏ và nó đã sụp đổ. Tóm lại dân chúng mà đã chán rồi thì dù muốn dù không, có bám víu, có tô son trét phấn cũng chẳng được đâu. Thức thời là tốt nhất và khôn ngoan nhất trong thời đaì hiên nay.

Teo,
Dưới chế độ đảng cống sản, không ai có quyền phát biểu khác với Đảng. Chỉ có Đảng mới cho phép đổi thay, chứ không phải là nhân dân. Quyền lực thuộc về Đảng cộng sản và không thuộc về nhân dân. Vậy xin đừng ảo tưởng. Nếu muốn thay đổi, nhân dân Việt Nam cần làm một cuộc cách mạng kiểu như hoa hồng hay cách mạng nhung gì đó, may ra mới được.

Quốc Bảo, Alaska
Tôi nghĩ, mô hình cho Việt Nam hôm nay là hoà đồng vào quốc tế, như mô hình Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan. Việt Nam phải mở rộng tự do tôn giáo, báo chí, đa đảng và những gì đã ký kết với quốc tế về nhân quyền. Cũng phải chấm dứt lệ thuộc vào ảnh hưởng của cộng sản Trung Quốc, đồng thời bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

Humbleman
Thuyết "khinh, trọng" của GS Hợp, qua sơ lược trình bày quan điểm của ông, ta nhận thấy đó chỉ là một thuyết lý "nhìn tương đối mọi vấn đề". Không có một mô hình chủ nghĩa nào hoàn toàn đúng và cũng không một mô hình nào hoàn toàn sai. CNTB cũng thế, CNXH cũng thế, có đúng và có sai- nghĩa là phải thay đổi để hoàn thiện hơn và thực tế đã có nhiều thay đổi ở hai thuyết lý này qua nhiều năm kinh nghiệm thực hiện.

GS Hợp đã dám nói sự thực hiện trạng CNXH ở VN và vai trò lãnh đạo của đảng CS trong xã hội, theo đó không thể nói mãi là "ưu việt", là "lựa chọn duy nhất", là "lựa chọn lịch sử", mà theo thời gian phải là "sự lựa chọn một cách khách quan, tự do" của toàn dân. Những phê phán, nhận xét của GS liên quan đến tình hình chính trị xã hội của VN và các quốc gia khác trên thế giới hết sức thuyết phục người đọc. Quan điểm của GS đáng để mọi người suy ngẫm. Thiển nghĩ, chắc cũng có các học giả, những nhà trí thức lớn nhỏ trong nước có những suy nghĩ không khác GS Hợp, chỉ có điều họ có can đảm để nói lên điều chân thật của lòng mình hay không?

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 825 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 74
Khách: 74
Thành Viên: 0