Thứ Hai, 22/12/2008, 10:15
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=147394&ChannelID=2
TP - Không chỉ người
thu nhập thấp mà cả giới kinh doanh bất động sản cũng đang nghi hoặc về tính khả
thi của dự án xây 10.000 căn hộ nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng vừa đưa ra.
|
Nhiều khu chung cư dành cho người
thu nhập thấp đang “vắng dần” người thu nhập thấp |
Không nên vừa đá
bóng vừa thổi còi
Đầu năm 2006, Bộ Xây
dựng tổ chức xây dựng thí điểm nhà ở xã hội (NoXH- nhà cho thuê, nhà cho người
thu nhập thấp) tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương.
Tuy nhiên như thừa
nhận của Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà thì tiến độ rất
chậm. Và đó cũng chỉ là thí điểm.
Một số cơ quan góp ý
quá chậm, chính phủ cũng chưa duyệt.
Cho đến nay, chỉ có Hà
Nội xây được NoXH cho công nhân thuê còn TPHCM và Bình Dương vẫn đang “nghiên
cứu, xem xét”.
Giữa năm 2007, Bộ Xây
dựng yêu cầu các địa phương báo cáo về việc thí điểm trên nhưng mọi việc vẫn
“chìm vào im lặng”.
Tháng 2/2008, ông
Nguyễn Mạnh Hà tiếp tục cho biết đến năm 2012 sẽ xây 500.000 căn NoXH trên cả
nước, tuy nhiên mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Và đến đầu tháng
12/2008 thì Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị Chính phủ dành 2.500 tỷ để xây 10.000
căn hộ NoXH chủ yếu tại TP HCM và Hà Nội không những để giải quyết nơi ở cho
người thu nhập thấp mà còn kích cầu đầu tư, xây dựng.
Khác với các lần trước
mà nguyên nhân xây NoXH ì ạch được cho là do địa phương thiếu quỹ đất, thiếu
quyết tâm, không có kinh phí… lần này Bộ Xây dựng đề nghị được trực tiếp xây
dựng một số dự án trong gói 10.000 căn hộ.
Tuy nhiên TS kinh tế
Nguyễn Quang Hưng cho rằng: “Bộ Xây dựng nên xem đây là một chính sách lâu dài
và thay mặt Chính phủ để đưa ra những chính sách phù hợp như một nhạc trưởng chứ
không nên trực tiếp xây nhà”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ
tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA) cũng đề xuất nên xã hội hóa chương
trình này vừa để công khai minh bạch vừa tăng tính cạnh tranh nhằm đảm bảo chất
lượng, không nên tạo ra cơ chế “ban phát” cho một vài doanh nghiệp (DN).
Thực tế cũng đã cho
thấy khá nhiều khu chung cư tái định cư tại TPHCM được chỉ định cho một vài DN
xây nhưng chất lượng thấp.
Tổng GĐ một DN địa ốc
lớn ví von: “Bộ vừa ban hành chính sách, vừa đề xuất và nay lại muốn đứng ra
trực tiếp làm thì khác nào vừa tổ chức vừa đá bóng và làm trọng tài luôn”.
Nhà ở xã hội thiếu
không chỉ vì tiền
Một trong những nguyên
nhân lớn nhất khiến các dự án xây NOXH thời gian qua ngưng trệ là thủ tục và
vướng luật. Những dự án nhà ở nếu suôn sẻ phải mất ít nhất 2 năm cho khâu thủ
tục giấy tờ, trong khi đó với những chương trình mới như NoXH thì chưa ai dám
chắc sẽ mất bao nhiêu năm để giao được nhà cho người có nhu cầu. Ý nghĩa kích
cầu của đề án 10.000 căn hộ liệu sẽ còn nhiều hay không khi 2,3 năm nữa những
khu NoXH đầu tiên mới được khởi công?
Luật Nhà ở có mục
“phát triển nhà ở xã hội” nhưng đến nay vẫn chưa có được căn NoXH nào mọc lên.
Luật này còn quy định NoXH không dưới 45m2, cao không quá 6 tầng, nhà mua trả
góp là nhà thương mại… Liệu mình Bộ Xây dựng có vượt qua được những rào cản
trên?
Ông Nguyễn Văn Đực,
Phó GĐ Cty địa ốc Đất Lành nói: “Muốn có căn hộ khoảng 300 triệu đồng thì cần
cho xây những căn hộ 30 - 40m2”.
TPHCM cũng từng ban
hành chỉ thị 07 từ năm 2003 để xây nhà cho người thu nhập thấp, trong đó buộc DN
kinh doanh nhà phải bán lại theo hình thức không lãi cho nhà nước từ 10% quỹ đất
hoặc 20% nhà đã xây nhưng cho đến nay rất hiếm chủ đầu tư nào chấp hành mà vẫn
chẳng bị chế tài gì.
TS Trần Du Lịch, Ủy
viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nên xây dựng một chính sách tín dụng
về nhà ở dài hơi, hợp lý. Nhiều chuyên gia đề nghị cần có một dự án mang tầm
quốc gia với nguồn vốn lớn mà những người thu nhập thấp có nhu cầu bức thiết về
nhà có thể vay với lãi suất thấp trong thời gian trên 20 năm và họ có thể trả
bằng nhiều hình thức linh hoạt.
Ông Nguyễn Xuân Châu,
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Nova e ngại nếu những khu NoXH vẫn là những
dự án riêng lẻ, diện tích nhỏ thì khó tập trung được những tiện ích, công trình
công cộng hay hạ giá thành.
Riêng việc tập trung
xây NoXH tại Hà Nội và TP HCM là điều mà nhiều ý kiến phản đối vì không chỉ như
“muối bỏ biển” mà còn khó giãn dân, giá thành ở đây sẽ cao hơn các tỉnh, thành
lân cận.
Có lẽ Bộ Xây dựng nên
xem xét đề xuất xây nhiều khu NoXH tại các đô thị vệ tinh, tỉnh thành lân cận TP
HCM như Củ Chi (TP HCM) Bình Dương, Nhơn Trạch, Biên Hòa (Đồng Nai), Long An hay
gần Hà Nội như Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh…
Người thu nhập thấp đã
không ít lần thất vọng vì những dự án NoXH dành cho họ bàn xong để đấy nên rất
kỳ vọng đây là lần đầu không “đánh trống bỏ dùi”.
Hà Phan
|