Thứ Ba, 2024-11-05, 8:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 23 » Phác thảo bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009
9:09 PM
Phác thảo bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phác hoạ bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 với nguy cơ "đà rơi tự do" của xuất khẩu, xu hướng tụt dốc của chứng khoán, những khó khăn của cán cân thanh toán quốc tế, và khả năng của một cuộc khủng hoảng nhà đất... Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là cần thiết để đáp ứng nhu cầu việc làm, dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện.

Ngân hàng, DN và bài toán lãi suất

Giảm lãi suất để DN tồn tại

Lãi suất cơ bản giảm, lãi suất cho vay có lúc đã lập đáy 8,5% như vậy vẫn còn quá cao cho DN có thể phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là một mức lãi suất để kìm chế đầu tư và tiêu dùng.

Hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, khó tránh khỏi thua lỗ. Ảnh VNN

Trên thế giới chưa từng có một nền kinh tế nào phát triển ổn định bền vững với lãi suất ở mức ấy. Hiện nay trên thế giới lãi suất chiết khấu và lãi suất cấp vốn từ ngân hàng trung ương cho ngân hàng thuơng mại là 0,30% bên Nhật, 1.00% bên Mỹ, và từ 1 đến 3% bên châu Âu. Hiện nay Fed đang xem xét rút lãi suất chiết khấu xuống còn 0,50%.

Với các mức lãi suất chiết khấu và cung cấp vốn ở mức này các ngân hàng thương mại có thể cho DN vay với lãi suất từ 1-2% (Nhật) đến 6-7% (Mỹ và châu Âu). Trong tình hình kinh tế hội nhập, DN Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với lãi suất khoảng 15% thời gian qua.

Vấn đề là trong những tháng vừa qua các ngân hàng thương mại Việt Nam đã huy động vốn với lãi suất từ 17 đến 19%, nay đang ôm một số vốn huy động với lãi suất cao mà không tìm được người để cho vay với lãi suất đã giảm mạnh. Do đó các ngân hàng sẽ gặp khó khăn, bị lỗ nặng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhiều ngân hàng. Lãi suất sẽ còn giảm xuống nữa và xí nghiệp không vội vàng gì để đi vay với lãi suất cao. 

Trong năm 2009 lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm, các xí nghiệp sẽ tìm vay với lãi suất thấp để trả nợ sớm và huỷ những hợp đồng vay với lãi suất cao. Hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, khó tránh khỏi thua lỗ.

Ngân hàng làm gì để tránh phá sản?

Một mặt DN cần vay vốn với lãi suất ở mức cạnh tranh với quốc tế, khoảng từ 5 đến 7%, mặt khác ngân hàng đã lỡ huy động vốn với lãi suất 17-19%, vậy thì có giải pháp nào để cung ứng đầy đủ tín dụng cho DN phát triển, đồng thời không đẩy ngân hàng đến phá sản?

Một phương án khả thi là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp vốn cho ngân hàng thương mại (NHTM) với lãi suất 1-2% để NHTM cho DN vay với lãi suất 5-7%, và đem hợp đồng vay chiết khấu lại cho NHNN. Như vậy NHTM không phải huy động vốn trong nhân dân, mà chỉ thực hiện chức năng giám định các dự án khả thi, lựa chọn các DN có sản phẩm tốt, có thị trường ổn định và phát triển, có ban quản lý tốt, có khả năng hoạt động kinh doanh có lãi, bảo đảm được việc hoàn trả vốn và trả lãi cho ngân hàng.

Tuy chiết khấu hợp đồng cho vay cho NHNN nhưng NHTM vẫn chịu trách nhiệm quản lý hợp đồng cho vay, và thu hồi vốn. Việc này đòi hỏi NHTM phải có đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Về phần NHNN, là một thể chế quốc gia có quyền phát hành tiền tệ và tín dụng, NHNN không phải huy động vốn trong nhân dân và không phải trả lãi suất, vì thế NHNN có thể cung cấp vốn cho NHTM với lãi suất 0,30% như bên Nhật hay 1,00% như bên Mỹ.

Vai trò và chức năng của NHNN là cung cấp tiền tệ, tín dụng, và điều tiết lưu lượng để nền kinh tế có đủ dung lượng tiền và tín dụng để phát triển ổn định bền vững, đồng thời không để xảy ra lạm phát hay thiểu phát. NHNN không có mục đích làm ra lợi nhuận. Việc kinh doanh dịch vụ ngân hàng là vai trò và chức năng của NHTM được NHNN cấp vốn để cho DN vay. 

Cần tính giải pháp để hỗ trợ DN tồn tại. Ảnh VNN

Mức lãi suất cấp vốn và chiết khấu tuỳ nơi chính sách cần nới rộng tín dụng hay thu hẹp tín dụng, tuỳ từng thời kỳ cần phải hỗ trợ phát triển hay cần phải làm cho “hạ nhiệt”, giảm tiến độ sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát.

Sử dụng vốn tồn đọng của các ngân hàng và nước Mỹ

Trở lại với tình trạng các NHTM đang ôm một lượng vốn khả dụng lớn với lãi suất huy động cao, thì làm thế nào để sử dụng lượng vốn đó?

Đối với DN, lãi suất tín dụng cao là không thể hoạt động phát triển kinh doanh và không thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, nhưng đối với người tiêu thụ thì lãi suất cao không có tác động như thế. Bên Mỹ hơn 60% GDP là thuộc về lĩnh vực tiêu dùng, phần lớn là được tài trợ bằng “tín dụng tiêu dùng” (Consumer Credit).  

Bên Mỹ “tín dụng tiêu dùng” chiếm từ 4.000 đến 5.000 tỷ USD trên tổng dư nợ ngân hàng. Người Mỹ mua xe ôtô phần lớn là vay với thời hạn 36 tháng, mua tủ lạnh thường vay với thời hạn 24 tháng… Ít có ai mua trả tiền mặt.  

Người Mỹ thường không đem theo tìền mặt trong túi để mua sắm mà cầm theo 5 -10 thẻ tín dụng (Credit Card) và thanh toán mọi thứ mua bán bằng thẻ. Đến cuối tháng các nhà hàng, tiệm bách hoá v.v… gửi hoá đơn đến ngân hàng phát hành thẻ để chuyển đến ngân hàng của khách hàng có tài khoản để thanh toán. Như vậy là người tiêu dùng được hưởng “tín dụng” không lãi suất trong suốt thời gian từ ngày mua hàng đến ngày phải thanh toán hoá đơn.

Lãi suất trong giai đoạn này là do các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, mỹ viện v.v…) hoặc các của hàng bách hoá (bán quần áo, mỹ phẩm), các siêu thị (bán thức ăn v.v…) thanh toán bằng một chi phí (thông thường là từ 1% đến 3% trên hoá đơn) phải trả cho tổ chức phát hành thẻ. Như vậy nếu quy ra lãi suất hàng năm thì rất là cao. Còn người tiêu dùng, nếu không thanh toán hoá đơn đúng hạn thì phải trả lãi suất có khi lên đến 30%. Tuy nhiên người tiêu dùng không mấy phàn nàn, vì đã thành thông lệ.

Có thể nói là nền kinh tế Mỹ đã phát triển mạnh nhờ có hệ thống “tín dụng tiêu dùng” phát triển mạnh. Hiện nay, trước tình hình kinh tế suy thoái, “tín dụng tiêu dùng” bị co lại đáng kể, nhà nước Mỹ và Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed đang tìm cách khuyến khích hệ thống ngân hàng kích cầu và mở rộng lưu lượng “tín dụng tiêu dùng”. Các NHTM Việt Nam cần nghiên cứu để phát triển lĩnh vực này, đây là cơ hội để tạo lợi nhuận, mặc dù lãi suất huy động có thể ở mức rất cao.

Một đặc thù khác của nền tài chính Mỹ là hệ thống cho vay ngắn hạn “Money Market Fund – MMF”. DN Mỹ thường cần vay vốn ngắn hạn, từ 15 ngày đến 3-6 tháng, để trang trải các chi phí như trả tìên lương nhân viên, mua nguyên liệu sản xuất để thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Các công ty như General Motors, General Electric với số nhân viên lên đến 300.000 hay hơn nữa, thường vay ngắn hạn qua hệ thống MMF để trả lương nhân viên.

Bình quân trong năm 2008 tổng số dư nợ của hệ thống MMF này lên đến trên dưới 3.000 tỷ USD. Lãi suất vay thường thấp hơn lãi suất ngân hàng bình thường. Các quỹ MMF huy động vốn từ các nguồn vốn ngắn hạn trong nhân dân và xí nghiệp tạm thời có vốn nhàn rỗi. Đây cũng là một dịch vụ tài chính cần được nghiên cứu và phát triển. Nếu các định chế tài chính Việt Nam không nhanh chóng thực hiện, các ngân hàng vốn nước ngoài sẽ nhân cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Cuối cùng là hệ thống cho vay bất động sản. Nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh, một phần không nhỏ là từ lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là căn hộ chung cư và biệt thự. Mỗi năm, bình quân người Mỹ đưa ra thị trường khoảng từ 2 đến 3 triệu căn nhà mới, và trùng tu sửa chửa trên một triệu căn nhà cũ. Đa số người Mỹ vay vốn ngân hàng để mua nhà hoặc sửa chữa nhà (Home Loan và Home Equity Loan). Đây là nói về lĩnh vực bất động sản gia đình, không bàn đến bất động sản thương mại, tức là lĩnh vực văn phòng, khu thương mại v.v... (Commercial Real Estate).

Bình thường mỗi khi người Mỹ mua nhà chỉ trả từ 10% đến 20% bằng vốn tự có, còn lại là vốn vay từ 10 năm đến 30 năm, chia ra mỗi tháng phải trả một số cố định hay lũy tiến tùy theo điều kiện của hợp đồng. Từ những năm đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 Quốc Hội Mỹ cho phép nhà nước Mỹ lập ra các tổ chức cho vay bất động sản gia đình (Federal Housing Loans Banks, Fannie Mae và Freddie Mac v.v…) với lãi suất thấp; vốn cho vay được ngân sách của nhà nước cấp hoặc huy động trong nhân dân qua trái phiếu. Ngoài ra luật về thuế khóa Mỹ cho phép người vay được trừ tiền lãi trên vốn vay mua nhà vào thu nhập cá nhân trước thuế. Như vậy để tạo điêu kiện cho mọi người, nhất là tập thể người có thu nhập tương đối thấp được có cơ hội mua nhà để ở.

Hàng xuất khẩu của VN sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ảnh: VnEconomy

Nhà nước Việt Nam nên nhanh chóng nghiên cứu và phát triển lĩnh vực cho vay bất động sản này, một là để phổ biến việc mua nhà ở trong nhân dân, và hai là hỗ trợ phát triển lĩnh vực xây dựng bất động sản cung ứng cho nhu cầu nhà ở của đa số người dân.

Xuất khẩu 2009: Ngăn chặn đà rơi tự do

Việt Nam xuất khẩu đến tỷ lệ 60% GDP, vì vậy khi nền kinh tế thế giới suy thoái, nhập khẩu co rút lại, tất nhiên là tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng đấy là tác động từ bên ngoài. Phần khác là tác động từ bên trong do một chính sách kìm chế lạm phát dựa trên phân tích lạm phát là do “cầu kéo”, nên đã ban hành một chính sách tiền tệ siết chặt tín dụng, với một mức lãi suất quá cao, khiến cho DN không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng loạt DN lớn nhỏ đã phải ngừng hoạt động, giải thể, sa thải nhân công. 

Theo tài liệu thống kê vừa được công bố, kim ngạch xuất khẩu đã bắt đầu giảm từ tháng 08 và còn tiếp tục giảm; sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng trên đà rơi “tự do”.

Nhận định rằng nền kinh tế đang lâm vào tình trạng giảm phát chứ không còn là nguy cơ nữa, nên chính phủ vừa mới ban hành 5 gói biện pháp cứu nguy, trong đó có 1 tỷ USD (nay mới vừa tăng lên 6 tỷ) để kích cầu qua các dự án cơ sở hạ tầng, cấp tín dụng cho nông thôn tiêu thụ, cấp vốn cho hai Công ty Lương thực Miền Bắc và Miền Nam (“với lãi suất được nhà nước tài trợ” có thể hiểu là với lãi suất ở mức 0%), tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất “thoả thuận” và định hướng là huỷ bỏ lãi suất cơ bản.

Đây là những biện pháp tích cực những chưa thể nói là đủ để cứu vãn nền kinh tế bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cấu và đang bị suy kiệt vì chính sách tiền tệ tín dụng của những tháng qua.

Một cơn địa chấn toàn cầu kèm theo một trận bão lớn với sức gió chưa từng có trong lịch sử đang tiến đến, và một phần nào đã đổ bộ lên nước ta. Vậy mà chúng ta vẫn chưa có một cơ quan dự báo nào để ước tính mức tàn phá và đề ra các chiến lược phòng chống. Khả năng là hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của năm 2009 sẽ còn tăng tốc suy giảm, nếu nhà nước không nhanh chóng lập dự báo chính xác và ban hành những biện pháp thích ứng kịp thời.

Cán cân thanh toán quốc tế: Khó khăn

Với kim ngạch xuất khẩu bị co lại, nếu nhà nước không có biện pháp điều tiết cắt giảm nhập khẩu, thì cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong năm 2009 sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Lượng FDI năm 2008 tuy được đăng ký rất cao, nhưng mức độ giải ngân còn tuỳ thuộc nơi khả năng dàn xếp vốn vay của các nhà đầu tư. Với thị trường tài chính thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng, chưa thấy tia ánh sáng của phục hồi, thì khó kỳ vọng vào một tốc độ giải ngân bình thường hay nhanh chóng.

Về lượng đầu tư gián tiếp cũng khó có thể hy vọng sẽ tăng vì các tổ chức đầu tư và các quỹ đầu tư nước ngoài có nhu cầu thu hồi vốn về để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách. Lượng cổ phần hay trái phiếu bán ra sẽ nhiều hơn mua vào. Số vốn thu hồi sẽ được chuyển về nguyên xứ, tạo sức ép trên cán cân thanh toán.

Lượng kiều hối phụ thuộc vào khả năng tích luỹ tiết kiệm của kiều bào, và xuất khẩu lao động. Cả hai nguồn kiều hối này đều không có tín hiệu tăng mà còn phải chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu lao động nước ngoài co giảm và thu nhập của Việt Kiều suy yếu do nền kinh tế các nước sở tại bị suy thoái.

Tăng trưởng 6,5%: cần nhưng có khả thi?

Mỗi năm nền kinh tế Việt Nam phải tạo việc làm cho tối thiểu là 1,3 triệu người lao động mới nhập vào thị trường và khoảng 1,2 triệu người chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị và lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Chỉ tiêu 6,5% tăng trưởng GDP là cần thiết để đáp ứng cho nhu cầu tạo việc làm này. (Bên Trung Quốc chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn, lý do là Trung Quốc cần phải tạo việc làm cho hơn 25 triệu lao động mới).
 
Nếu Việt Nam không đạt được chỉ tiêu này, để xảy ra 1 đến 2 triệu người thất nghiệp thì tình hình an sinh xã hội sẽ trở nên vô cùng trầm trọng, an ninh xã hội chính trị có khả năng bị đe dọa.

Kinh tế VN liệu có thể leo ngược trở lại đà tăng trưởng. Ảnh minh hoạ: vietbao.vn

Tuy vậy, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì Việt Nam khó có thể thực hiện được chỉ tiêu trên 5%. Đây là dựa trên dữ kiện tình hình quản lý hành chính trì trệ, quan liêu, tham nhũng còn tiếp tục hoành hành, và chưa có chủ trương chính sách gì mới. 

Theo tôi nghĩ thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện chỉ tiêu 6,5% với điều kiện:

- Mạnh tay thực thi một chính sách tín dụng tiền tệ thích hợp với nhu cầu phát triển. Không để cho một dự án khả thi nào thiếu vốn. Thậm chí có thể cho vay vốn với tỷ lệ 100% vốn đầu tư cần thiết, quan trọng là khâu giám định dự án. Trong những năm 1960-1970 Hàn Quốc đã thực thi chính sách này, và đã nhanh chóng xây dựng lên nền công nghiệp hiện đại trong thời gian rất ngắn.

- Nghiên cứu và thực thi những biện pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, dựa trên hiệu quả kinh tế, thay vì chạy theo các mục đích thành tích, phi kinh tế.

- Quyết liệt cải cách quản lý nhân sự, bài trừ quan liêu tham nhũng. Việc này đòi hỏi một quyết tâm cao nơi cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước, trong công tác quy hoạch cán bộ và quản lý cán bộ. Chấm dứt chế độ đề bạt theo tiêu chuẩn chính trị, thành tích đảng viên, và áp dụng triệt để chế độ đề bạt, bổ nhiệm theo kiến thức, khả năng và tâm đức.

- Mở rộng thành phần tham gia quản lý nhà nước, thực thi Nghị Quyết Đại hội X, huy động mọi lực lượng trong Đảng cũng như ngoài Đảng, trong nước cũng như ngoài nước, để cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước.

TTCK: khó tránh đà tụt dốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ hai phía. Một là từ bên ngoài, kinh tế của thế giới sẽ được phục hồi đến đâu? Và từ bên trong, kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ phát triển ra sao?

Về phần thứ nhất, hiện nay chưa có tín hiệu nào cho thấy kinh tế thế giới sẽ có khả năng ra khỏi đà suy thoái. Theo các viện dự báo của các quốc gia cũng như của các tổ chức quốc tế, như  Quỹ tiền tệ quốc tế, hay Ngân hàng Thế giới, thì tổng quan các nền kinh tế phát triển, từ Mỹ đến châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc v.v... đều sẽ bị suy thoái với chỉ tiêu phát triển GDP hướng về âm. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn tuột dốc, kéo theo hầu hết các thị trường chứng khoán khác. 

Theo một tuyên bố mới đây của Tổng thống đắc cử Obama, thì tình hình kinh tế Mỹ sẽ còn tiếp tục tuột dốc trước khi có khả năng gượng dậy. Mọi chi tiêu kinh tế Mỹ đều chớp màu đỏ.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng sẽ tụt dốc.
Ảnh: Businessweek

Về phần thứ hai, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Guồng máy sản xuất đã bắt đầu giảm tốc. Hàng loạt DN đang gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động hay giải thể. Ngoại trừ một số “ốc đảo” còn có một số DN vẫn phát triển tốt, phần lớn là đang tìm đường cơ cấu lại tổ chức, xốc lại đội hình, để chuẩn bị đối mặt với trận cuồng phong đang ập tới.

Vì vậy thị trường chứng khoán trong năm 2009 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong nửa năm đầu không tránh khỏi tiếp tục bị tuột dốc, chưa có chuyên gia nào có thể khẳng định đáy cuối cùng là ở mức nào. Nửa năm sau, hướng đi lên hay đi xuống còn tùy thuộc tác dụng của các biện pháp giải nguy và hỗ trợ phát triển, và tình hình kinh tế thế giới.

Thị trường BĐS: xử lý khéo, tránh khủng hoảng nhà đất khó lường

Thị trường bất động sản hiện nay đang bị đóng băng vì nhiều lý do:

Phần lớn các dự án bất động sản đang được triển khai hay đã hoàn thành, là những sản phẩm “thương phẩm” chủ yếu là để mua đi bán lại, lấy lời trên giá cách biệt từ khi mua của công ty chủ dự án, hoặc từ các lái buôn có quan hệ đặc biệt với chủ dự án, để đầu cơ. Những dự án này sẽ khó có thể tồn tại, lượng người lái buôn đã giảm rất nhiều qua những pha lỗ nặng trong năm vừa qua, vốn tự có phần nào đã cạn kiệt, tín dụng của ngân hàng cũng không còn dễ dãi như trước nữa.

Những căn hộ hay biệt thự đã mua vào trong thời gian qua nay không tìm được người mua, hợp đồng vay nay đến hạn, lái buôn phải trả vốn và lãi cho ngân hàng, buộc phải bán đổ bán tháo, giá bất động sản sẽ phải tuột dốc.

Chẳng những thế mà vì bất động sản không bán được mà nợ ngân hàng thì không thể trì hoãn, lái buôn phải bán những tài sản khác, kể cả cố phiếu, cổ phần để trả nợ. Tóm lại, lái buôn đã kiệt sức, thị trường bất động sản đầu cơ phải bị xì xệp, hoặc bong bóng sẽ phải vỡ.
 
Mặt khác, ngân hàng đang lâm vào tình trạng khó khăn vì lượng nợ khó đòi đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của NHNN thì tổng dư nợ cho vay bất động sản là 115,500 tỷ đồng, thể hiện cho khoảng 9,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra còn có từ 400.000 đến 500.000 tỷ đồng cho vay cầm cố sổ đỏ nhà đất.

Như vậy tổng dư nợ về nhà đất là khoảng 500.000 đến  600.000 tỷ đồng tương đương với gần 50% tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng. Nếu 5% đến 10% số lượng này biến thành nợ xấu thì hệ thống ngân hàng sẽ ra sao? Bao nhiêu ngân hàng sẽ mất thanh khoản, bao nhiêu sẽ mất khả năng thanh toán? Bao nhiêu sẽ phá sản?

Tình hình này tương tự đã xảy ra bên Nhật trong những năm 1991-1992. Giá bất động sản lên ngất ngưởng, rồi tuột không phanh, kéo theo sự đổ vỡ của cả hệ thống ngân hàng. Nhà nước Nhật phải can thiệp để cứu nguy cho các ngân hàng và nền kinh tế bị suy sụp. Cho đến nay gần 30 năm, tình hình tài chính kinh tế Nhật cũng chưa hoàn toàn phục hồi, thì lại lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có.

Nếu Việt Nam không khéo kịp thời xử lý cuộc khủng hoảng nhà đất, hậu quả sẽ khó lường. Tài sản cầm cố không còn giá trị như ban đầu thẩm định, lại không có thị trường thứ cấp, tức là không có người mua mặc dù giá đã xuống đến sàn. Ngân hàng xiết nợ, nhưng không bán được thì sẽ mất thanh khoản, và mất cả khả năng thanh toán, đưa đến đổ vỡ hàng loạt, như đã xảy ra với trái phiếu phái sinh bất động sản ở Mỹ hay các nước châu Âu.

Giải pháp là nên sớm cắt lỗ, bán nhanh khi còn cơ hội. Đối với các dự án đang đình trệ thì nên chuyển nhượng sớm, hoặc cắt lỗ chuyển qua các dự án xây nhà cho thị trường người dân thật sự có nhu cầu mua nhà để ở. Giá bán sẽ sát với giá thành sản phẩm, hoặc theo tiêu chuẩn được quy định bởi các quỹ cho vay mua nhà, hoặc theo giá bán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Những “chi phí quan hệ” để lập các dự án sai lầm, không có thị trường, đành phải xoá bỏ.

  • Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế độc lập
Category: Kinh tế | Views: 1267 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 262
Khách: 262
Thành Viên: 0