Thứ Năm, 2025-01-23, 10:58 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 27 » Suy nghĩ khác về quan hệ Việt - Trung
6:32 PM
Suy nghĩ khác về quan hệ Việt - Trung

 

 
 
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ở Bắc Kinh năm 2008
Trung Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Thời gian gần đây thái độ chống Trung Quốc dường như hiển hiện ngày càng nổi bật trong những câu chuyện của người Việt, thậm chí trên cả một số tờ báo chính thức (trước khi bài bị gỡ xuống).

Là một người Việt gốc Hoa, lớn lên và đang sống ở Sài Gòn, tôi cảm thấy cần có đôi lời nói lại với người Việt Nam, trong đó có không ít người là bạn của tôi.

Có một vài ý lớn tôi muốn đối thoại lại:

- Trung Quốc có phải là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam?
- Người Việt có quá dễ quên đóng góp của Trung Quốc cho Việt Nam?
- Mô hình phát triển của Trung Quốc là kém bền vững?

Kẻ thù truyền kiếp?

"Trung Quốc hăm he xâm lăng, Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ" hình như là mệnh đề chính trong nhiều đánh giá của người Việt về mối quan hệ mấy ngàn năm qua. Sử gia Hà Văn Tấn cho rằng Việt Nam là "dân tộc liên miên phải chống chiến tranh xâm lược".

Trong bài Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và Tư tưởng Việt Nam (1984), ông Tấn còn nói "chủ nghĩa yêu nước là một kết tinh quan trọng và chủ yếu của lịch sử Việt Nam và tư tưởng Việt Nam". Ông không diễn giải ra, nhưng người ta hiểu chủ nghĩa yêu nước này có được là nhờ tinh thần chống ngoại xâm - chống "giặc" phương Bắc trước khi người Việt biết chống Pháp, chống Mỹ.

Mới nhất trong một lá thư đăng trên mạng, ông nhà văn Nguyễn Khắc Phục phán Trung Quốc là kẻ "mua chuộc, giả vờ ngọt nhạt, hữu hảo với những nơi xa, gây cảm tình, tạo đà để mưu lợi trong tương lai khi có cơ hội bành trướng, sắm vai anh hùng hảo hán, cứu khốn phò nguy, ra vẻ hào hiệp và nhân nghĩa, nhưng trắng trợn, trịch thượng, cậy mạnh hiếp yếu với những nước nhỏ hơn cạnh mình". Một quốc gia, nếu quả thực "đểu cáng" như thế, thì thực không xứng tồn tại trên cõi đời này.

Nhưng có thực quan hệ truyền thống Việt - Trung là quan hệ đấu tranh chống xâm lược hay không?

Thực tế, từ thế kỷ 10 đến khi Việt Nam độc lập năm 1945, hai nước chỉ đánh nhau năm lần: chiến tranh Lý - Tống 1075, Trần - Nguyên (tuy gọi là ba lần, nhưng thời gian cách nhau không nhiều, những người tham chiến lần đầu hầu hết cũng đánh lần ba, xem như có thể gọi là một: 1258, 1285, 1288), Minh - Hồ 1406, Minh - Lê (1427), Thanh - Tây Sơn 1789. 1000 năm, tổng cộng những năm binh lửa giữa hai nước là bao nhiêu?

 Việt Nam không muốn nhận mình là phụ thuộc phương Bắc, nhưng chẳng phải Việt Nam đã bắt chước văn hóa, thể chể của các triều đại Trung Quốc?
 

Nó nói rằng mối quan hệ mang tính hữu hảo lớn hơn sự thừa nhận của nhiều người ngày nay.

Nếu gọi lịch sử Việt Nam là lịch sử của đấu tranh, thì nội chiến giữa người Việt mới kéo dài hơn nhiều, đặc biệt từ thế kỷ 16 với giao tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài cả hai thế kỷ.

Theo tôi, quan hệ truyền thống Việt - Trung 1000 năm qua là quan hệ của bằng hữu và thầy trò.

Việt Nam không muốn nhận mình là phụ thuộc phương Bắc (nên vẽ ra huyền thoại Hùng Vương 18 đời), nhưng chẳng phải Việt Nam đã bắt chước văn hóa, thể chể của các triều đại Trung Quốc đó sao?

Trung Quốc giúp đỡ

Khác với Tổng Bí thư Lê Duẩn, người phá vỡ quan hệ hữu nghị từ sau 1975, để lại hậu quả đến ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, đã luôn đề cao tình thân Trung Việt.

Không có Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã chắc gì Liên Xô và khối Cộng sản công nhận và giúp đỡ Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ - nghĩa là chắc gì có Việt Nam như hôm nay?

Không có tướng Trần Canh và đoàn cố vấn, đã chắc gì có chiến thắng biên giới, khai thông đường giao thông Trung - Việt năm 1950? Không có tài năng của Tướng Vi Quốc Thanh, đã chắc Việt Nam đánh thắng Điện Biên Phủ?

Mối quan hệ "hai nước anh em, đồng chí" còn thể hiện qua sự viện trợ khẳng khái, nhiệt tâm của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những ai lớn lên ở miền Bắc thời đánh Mỹ chắc đều thấu hiểu ý nghĩa Trung Quốc là "người bạn chiến đấu kiên cường và anh em ruột thịt". Thời đó, nói môi hở răng lạnh là tình cảm thật, chứ không phải tuyên truyền đâu.

Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với Trung Quốc

Nếu giới trẻ ngày hôm nay không biết những điều đó, không nghe tới "khai quốc công thần" của miền Bắc là Vi Quốc Thanh, thì đó là vì bộ máy tuyên truyền của Việt Nam từ sau 1975 đã lờ tịt mối quan hệ đồng cam cộng khổ ngày nào, thậm chí đưa cả Trung Quốc vào Hiến pháp, gọi là kẻ thù số một. Cư xử với người có ơn như thế, chắc người Việt không thiếu từ ngữ để diễn đạt, phải không?

Điều đáng buồn là hình như nhiều người Việt thiếu sự tự vấn, nhìn thẳng sự thật. Thậm chí chống Trung Quốc hình như đang là mốt với nhiều người hiện nay. Nhưng thái độ đó có khác gì thái độ của tập đoàn Lê Duẩn - Lê Đức Thọ, những người mà cũng bị Việt Nam hôm nay phê phán hoặc không muốn nhắc tới nhiều.

Trung Quốc và Mỹ

Người Việt thực dụng, nếu là thế cũng chả sao nếu như sự thực dụng ấy dẫn tới lợi ích quốc gia.

Nhiều người Việt đang lớn tiếng kêu gọi tránh xa Trung Quốc, bắt tay với Mỹ. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe nói đã đưa quan hệ hai nước lên tầm chiến lược.

Nhà "dân chủ" Nguyễn Thanh Giang, người hình như rất ghét Trung Quốc, thậm chí còn kêu gọi Trung Quốc xâm lược Việt Nam sớm. Vì sao? "Trung Quốc khởi binh đánh Việt Nam sẽ trao cho Hoa Kỳ cơ hội ngàn năm có một để ra tay hủy diệt tiềm năng quân sự và kinh tế của Trung Quốc, đẩy lùi một đại hiểm họa đang treo trước mắt nhân loại."

Nhiều người cũng thích dẫn ra các nghiên cứu, bình luận cho rằng sự phát triển của Trung Quốc là không bền vững, là sớm muộn cũng suy sụp.

Nhưng có thực Hoa Kỳ là cứu cánh cho sự phát triển của Việt Nam, và mô hình Trung Quốc là bất ổn tiềm tàng? Vậy mời bạn hãy đọc bài viết mới đây, The Great Unraveling, của Thomas Friedman (tác giả của Thế giới là phẳng, mà người Việt cũng rất thích trích dẫn).

Sàn chứng khoán Thượng Hải
 Quá sớm nếu ai đó bĩu môi, coi chẳng ra gì hệ thống hài hòa mà Trung Quốc đang theo đuổi
 

Ông viết: "Thật đau lòng vì Trung Quốc, theo nhiều cách, có vẻ lại ổn định hơn Hoa Kỳ ngày nay, với chiến lược rõ ràng hơn để vượt khủng hoảng. Và mặc dù hai nước trông có vẻ giống nhau hơn, hai nước đang đi theo lộ trình lịch sử khác nhau. Trung Quốc điên rồ trong thập kỷ 1970 vì Cách mạng Văn hóa, và chỉ sau cái chết của Mao và sự thăng tiến của Đặng nước này mới sửa mình, dần tiến tới kinh tế thị trường."

"Nhưng trong khi chủ nghĩa tư bản đã cứu Trung Quốc, sự chấm dứt của chủ nghĩa cộng sản làm Mỹ mất thăng bằng. Chúng ta để mất hai đối thủ ý thức hệ lớn nhất - Bắc Kinh và Moscow. Ai nấy đều cần có đối thủ để giữ kỷ luật. Nhưng một khi chủ nghĩa tư bản Mỹ không còn phải lo chủ nghĩa cộng sản, có vẻ nó đã trở nên điên loạn."

Khủng hoảng kinh tế thế giới hiện thời xảy ra chính vì lòng tham không đáy của các ông chủ tư bản, trong đó dĩ nhiên có tư bản Mỹ. Thật bi hài khi Friedman, người cổ súy cho toàn cầu hóa (Mỹ hóa), nay phải thừa nhận Trung Quốc "có vẻ lại ổn định hơn" Hoa Kỳ.

Như thế, có buồn cười không khi bắt chước Mỹ lại được người Việt xem là tốt, quên khuấy máu lửa quê hương 30 năm trước, quên khuấy nghịch cảnh châu Mỹ Latin, sân sau của Washington?

Có thể còn quá sớm để nói về sự kết liễu của mô hình tự do kinh tế - dân chủ chính trị của Mỹ. Nhưng chắc chắc cũng quá sớm nếu ai đó bĩu môi, coi chẳng ra gì hệ thống hài hòa mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Tóm lại, điều tôi muốn nói là quan hệ Trung - Việt là quan hệ của những người bạn, tuy đôi khi xích mích nhưng gắn bó bởi nền văn hóa và lịch sử giao hảo lâu đời.

Tranh cãi ở Biển Đông là trở ngại ngoại giao lớn nhất, nhưng không nên vì thế mà vẽ ra "mối đe dọa Trung Quốc" của Việt Nam. Mô hình phát triển của Trung Quốc đã được Việt Nam học hỏi và Trung Quốc còn có thể đem lại nhiều lợi ích cho công cuộc phát triển của Việt Nam.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có đóng góp hay bình luận, xin gửi thư về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.


Sa
Mấy câu chân tình dành cho đồng chí Trường Giang bị cắt mất. Nhà tớ ở cạnh nhà một thằng, thế gọi là hàng xóm sát vách. Tuyên ngôn của nó là thế này: "chúng ta không có đồng minh vĩnh cửu, cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi của chúng ta là vĩnh hằng và trách nhiệm của chúng ta là bằng mọi cách phải bảo vệ nó".

Thế mà giờ TQ lăm le chiếm Trường Sa Hoàng Sa và đe doạ an ninh tổ quốc, có thằng (tự nhận, ko biết phải ko?) sống trong nước lại bảo nên nhớ TQ là hữu hảo! Người Trung Quốc nên tự hỏi, tại sao cả thế giới ghét người TQ chứ không riêng gì Việt Nam.

Kỳ Hòa
Theo như phân tách lịch sử giữa hai nước của ông Lưu Chính Huy thì TQ cần phải xét lại việc ơn nghĩa với VN cho minh bạch.

TQ phải biết rằng trong chiều dài lịch sử 1000 năm, các triều đại ở TQ từng nhận viện trợ hàng năm của VN(và các nước nhỏ lân bang) cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm VN mới chấm dứt.

Nếu VN có lỗi với thể chế hiện nay của TQ, là lỗi đã mở cửa cưu mang hàng triệu dân TQ tị nạn, khi chế độ Cộng Sản của Mao Trạch Đông chiến thắng chế độ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch.

Evas
Trong 1000 năm chỉ đánh có 5 lần, mỗi lần vài chục năm ít nhỉ? Bạn nói không bắt triều cống?

Bạn chỉ dựa vào nhận định của Friedman mà cho là TQ ổn định hơn Mỹ! Điều quan trọng bạn nên xem kĩ lại là nếu TQ ko đe dọa VN thì cũng chẳng ai ghét TQ. Có nhà nào 5 người thách đấu với nhà 100 người ko?

Bạn nghĩ người Việt chúng tôi rảnh hơi thù hằn à? Bạn sống ở VN, thì nên nghĩ đến lợi ích VN như người Đài Loan. TQ mà giành hết mỏ dầu thì dù muốn bạn cũng chẳng hút được giọt nào đâu.

Trân, Hà Nội
Tôi đưa ra một con số thế này: Năm nay Việt Nam nhập siêu gần 10 tỷ USD từ Trung Quốc so với GDP chỉ khoảng 70 tỷ USD của Việt Nam.

Mà năm nào cũng như vậy. Vậy mà Trung Quốc vẫn ứng xử với Việt Nam như vậy phải chăng giới lãnh đạo Trung Quốc không có lòng tự trọng? Nếu bạn là doanh nhân, nhà kinh tế bạn nghĩ sao? Bạn sẽ hành động gì?

Lê Minh
Lưu Chính Huy viết : "Mối quan hệ "hai nước anh em, đồng chí" còn thể hiện qua sự viện trợ khẳng khái, nhiệt tâm của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ."

Xin thưa với ông là thành quả cách mạng thuộc về giai cấp thống trị, nhân dân Việt Nam trắng tay.

Picollo
Ông Lưu Chính Huy đưa ra những quan điểm cá nhân về mối quan hệ giữa hai nước, song ông lại có vẻ tránh né việc nói thẳng vào bản chất sự việc đang diễn ra.

Có phải tự nhiên mà những người Việt Nam lại đang "ghét" Trung Quốc? Cách đây vài ba năm, thái độ này tuy cũng có ở một số bộ phận, nhưng không rõ nét và rộng khắp như hiện nay.

Bản chất của vấn đề là Trung Quốc đang hăm he chiếm HS-TS của Việt Nam, dù Việt Nam có đầy đủ lập luận và lý lẽ để yêu cầu TQ trao trả lại.

Nếu có một phiên tòa quốc tế. Nhưng sự thật là TQ đang dùng vũ lực nhằm đe dọa Việt Nam tại vùng biển này.

Sự thực là hàng hóa độc hại của TQ đang đầu độc các thế hệ người Việt Nam. Có bao giờ ông hàng xóm hăm he hiếp vợ bạn, bắt con bạn mà bạn lại im re, không dám nói gì, chỉ vì ngày xưa ông này từng giúp bạn nhiều việc, dù là việc lớn hay chăng nữa không?

Văn Minh
Suy nghĩ này dù tỏ thái độ thân TQ, nhưng còn khách quan hơn nhiều quan điểm chống TQ phổ biến của 'các chiến sĩ dân chủ' VN.

Theo suy nghĩ của tôi, tư tưởng bài xích TQ, ngoài lý do dân tộc chủ nghĩa, tranh chấp biên giới, còn có các nguyên do sau:

- Chống TQ là chống nước CS, độc tài lớn nhất, do đó đề cao lập trường của các chiến sĩ dân chủ.

- Chống TQ để nhấn mạnh Đảng CS, chính quyền VN đi ngược lại quyền lợi dân tộc, làm tay sai của TQ.

- Chống TQ để chứng tỏ chỉ có các chiến sĩ dân chủ mới có đủ dũng cảm, sự lo lắng đến vận mệnh và quyền lợi dân tộc.

- Chống TQ để đề cao quan điểm thân Mỹ, phương Tây.

Tóm lại, nhiều sự đối chọi bài xích TQ hiện nay dựa trên quan điểm chống Cộng theo mô hình chính trị phương Tây (các lý tưởng dân chủ phương Tây), nhiều hơn là lợi ích quốc gia.

Những người tham gia bài xích chống đối TQ, vô tình hay cố ý, mặc nhiên thừa nhận rằng nếu VN theo phương Tây và có thể chế chính trị theo mô hình phương Tây thì đất nước sẽ hùng mạnh, có nhiều đồng minh, và TQ sẽ không thể lấn át VN.

Thực tế đối chọi công khai luôn là hạ sách sau khi các giải pháp khác không có kết quả.

Từ xưa đến nay văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc văn minh TQ; trí tuệ, tư tưởng người TQ không hề thua kém ai.

Tại sao không thể làm bạn với một người láng giềng như vậy. Chỉ cần người VN có lòng đoàn kết xung quanh chính phủ, tiếp tục xây dựng văn hóa, hiện đại hóa đất nước, đối đãi đàng hoàng với các nước khác, không có lý gì nước khác có thể gây hấn với VN.

NTT
Một biện pháp marketing hữu hiệu trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" của phong trào chống TQ của người Việt à? 1000 năm chỉ chiếm đánh có 5 lần, bạn Huy nghĩ là ít? Đâu thể lấy số lượng ra mà so sánh đến tầm vóc mối quan hệ đươc. Thử hỏi người Việt chúng tôi không chống trả kiên cường thì liệu có thể đất nước của chúng tôi còn tồn tại đến bây giờ hay không.

Cỏ Lụa
Chào bác Huy, cảm ơn bài viết của Bác. Tôi nghĩ bác đang nhầm lẫn giữa tổ quốc và dân tộc. Tổ quốc Việt Nam gồm 52 dân tộc trong đó có Kinh, Hoa. Bác sống ở Việt Nam thì bác phải bảo vệ nơi bác sinh sống.

Lọ Lem
Những giúp đỡ của TQ đối với VN nên được ghi nhận xứng đáng. Nhiều khi các nhà chính trị có thể làm cho quan hệ giữa hai nước thêm sâu sắc nhưng họ cũng có thể đẩy hai nước vào trạng thái thù địch.

Nhưng tôi thắc mắc tại sao TQ giúp đỡ VN nhiều nhưng không được một số người VN ưa thích?

Trong 1000 năm TQ chỉ đánh VN 5 lần, nhưng trong thời hòa hoãn TQ có o ép và bắt VN cống nạp hay không?

Tuy nhiên, những sự việc này đã "xưa" nên nếu có người ngày nay không có cảm nhận nhiều.

Trong thời hiện đại tại sao có người Việt vẫn không ưa TQ? Có những việc làm nhất thời nhưng phá hủy toàn bộ công lao của ta.

Với nhiều người MB thì việc "đi đêm" giũa TQ và Mỹ trong chiến tranh VN là một sự phản bội (mặc dù ta có thể coi là bình thường trong chính trị). Nhưng có lẽ nghiêm trọng nhất là việc TQ hậu thuẫn chế độ Pol Pot tàn bạo trong xung đột gây tội ác với VN và chiến tranh biên giói Việt-Trung để t! rừng phạt VN đã hạ bệ chế độ Pol Pot kinh hoàng.

Nhiều người Việt (không hề yêu mến tập đoàn Lê-Lê) cũng có thể nói tập đoàn Đặng Tiểu Bình (tuy có công cải tổ TQ) góp phần gây tội ác với nhân dân hai nước VN và Cambodia.

Hiện nay, vô tình hay hữu ý hàng hóa kém chất lượng của TQ tràn ngập và đầu độc VN cũng làm giảm uy tín của TQ trong lòng nhiều người dân VN. Tuy vậy, tôi ủng hộ quan hệ tốt với TQ bởi tôi có những người bạn rất tốt từ đất nước vĩ đại này.

Hà Nội
Chào ban Huy, theo tôi bài viết của bạn cũng rất hay. Nhưng theo tôi thì bạn chưa có cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa hai nước. TQ luôn muốn biến VN thành một phần lãnh thổ của mình và từ đó thực hiện ý đồ bành trướng của mình.

PPT
Tôi cho rằng tác giả chưa đưa ra được một cách suy nghĩ khác về quan hệ Việt-Trung như mong muốn.

Trên thực tế, hệ thống lí luận này được đăng trên các trang mạng và đã bị các học giả Việt Nam bác bỏ, bởi lẽ chúng mang tính tuyên truyền cho một chiến lược bành trướng.

Hai mũi tên tuyên truyền ở đây là 1/ Đồng hóa TQ với người Hoa. Trên thực tế nhiều người Hoa là công dân Việt Nam, thậm chí là những con người khai phá trên những vùng đất nhất định sau khi bị chính Trung Hoa đuổi đi. Trong cộng đồng các dân tộc VN hiện nay có người Hoa, và chúng tôi sống thân ái, cùng chịu chung số phận như bao dân tộc khác kể cả khi bị đô hộ.

2/ Điều ngạc nhiên là luận điệu hăm dọa thể hiện rất rõ trong bài viết của tác giả. Việt Nam tin rằng trong trường hợp nào họ cũng có những người con tốt để lãnh đạo đất nước, không phải những người đã được TQ nuôi dưỡng.

Vì vậy không có vấn đề ơn nghĩa, thày trò ở đây. Người Việt có đủ trình độ và đủ tự do để tìm hiểu, phân tích tình hình, và hoàn toàn có quyền lựa chọn điều mình mong muốn.

Bất cứ lập luận nào mang tính can thiệp vào quyết định của nhân dân VN đều là xâm lăng.

Tốt hơn hết ông Lưu Chính Huy hảy bảo TQ trả lại Hoàng Sa và mấy đảo Trường Sa cho Việt Nam. Bằng không những phê phán của Nguyễn Khắc Phục là sự thật.

Thăng, Hà Nội
Đúng như những gì bạn viết nhưng bạn nên nhớ đấy chỉ là quan điểm của riêng cá nhân bạn cũng như một bộ phận không nhỏ người dân yêu chuộng hoà bình trung quốc nhưng đấy lại không phải là quan điểm của giới lãnh đạo.

Thực tế lịch sử đã chứng minh từ hàng nghìn năm trước, TQ chưa bao giờ từ bỏ ý định xâm lược thôn tính Việt Nam.

Ngay trong những năm 70 của thế kỷ trước, một mặt nhà nước TQ ủng hộ cuộc chiến ở VN, mặt khác họ bắt tay với Mỹ để làm thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Cũng như hiện nay, họ ủng hộ chế độ độc tài gia đình trị ở Bắc Hàn vậy. Mục đích chính của trò chơi chính trị này cũng chẳng khác gì cách họ đang thi hành ở Vn hiện nay.

Lợi dụng sự lúng túng của CQVN hiện tại, nếu bắt tay với Mỹ và Tây Âu thì sức ép dân chủ là nguy cơ tiềm ẩn của mất chính quyền, mất quyền lực.

Bắt tay với TQ thì bị thế giới cô lập như Bắc Hàn và chịu lép vế dẫn tới mất đất mất chủ quyền như thực trạng hiện nay. Điều này đúng như như phân tích của một nhà nghiên cứu Nga về an ninh khu vực vậy. Nếu một khi, nhà cầm quyền Vn từ bỏ lợi ích cục bộ thì may ra mới có một sân chơi bình đẳng với ông bạn TQ.

QH, Phan Thiết
Thưa ông Lưu Chính Huy, bài viết của ông rất sâu sắc, nhưng nó hoàn toàn là nguỵ biện. Điều ông cho rằng "Vẽ ra huyền thoại Hùng Vương 18 đời" là một minh chứng cho sự kém hiểu biết về lịch sử Việt của ông.

Josie Nguyễn
Tôi là người Kinh, là việt kiều và có con rể là người TQ. Đôi khi chúng tôi cũng bàn chuyện HS-TS một cách thẳng thắn nhưng không hề căng thẳng.

Tôi thấy bài viết của tác giả khá mạch lạc. Tôi có nhiều kinh nghiệm giao tiếp với người Hoa VN cũng như tại Bắc Mỹ, nhận định cũa tôi là người VN mình chưa đánh giá đúng đóng góp của TQ nói chung và người Hoa nói riêng đối với VN.

Trong thời cấm vận, nếu không nhờ số cán bộ người Hoa tại Saigòn thì ông Võ Văn Kiệt làm gì làm được chuyện xuất khẩu hải sản VN để đổi lấy thuốc men và các vật liệu cần thiết qua kinh Hồng Kông, làm gì Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng có thể hoạt động một cách an toàn tại Saigòn do được sự che chỡ của người Hoa tại Chợ Lớn.

Trước năm 1975, đóng góp người Hoa vào công nghiệp, thương nghiệp và các ngành nghề kỹ thuật thực dụng là không thể chối cãi được, vì người Kinh chỉ biết làm hai nghề thôi: một là làm nghề lao động (unskilled labour) và hai là làm quan chức không thực dụng, làm kỹ sư ngồi bàn giấy.

Thay vì học hỏi tính cần cù và thực dụng của người Hoa, người Việt đa phần chỉ biết ganh ghét, ghen tị đối với người Hoa.

MrNow
Tôi là 1 sinh viên học tiếng Trung Quốc.Bài viết này chẳng khác gì những bài dịch trên lớp mà tôi được học. Sáo rỗng vô cùng.

Suốt ngày rao giảng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ bằng hữu, láng giềng tốt. Nhưng sự thật ai cũng biết Trung Quốc có bao giờ tốt với Việt Nam không. Nếu là bằng hữu sao còn đi cướp đất, cướp biển của Việt Nam.

Panda21
Chào ông Huy. Tôi cho là vấn đề nằm ở những giá trị. Người Việt hiện chia xẻ những giá trị phương tây nhiều. Và ông cũng nên suy nghĩ kỹ hơn về người Hoa tại Chợ Lớn. Theo tôi họ gần gũi Đài Loan nhiều hơn, tôi có nhiều bạn bè là người gốc Hoa.

Pinochio
VN bắt chước TQ về văn hóa và thể chế? Điều đó không sai khi ta ra thăm Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tại sao tác giả không nói lên được nó là kết quả của 1000 năm đô hộ của TQ?

Nhắc đến Lê Duẫn hay HCM thì phải nói đến thời điểm lịch sử, nếu HCM còn sống thì ông cũng phải hô hào chống TQ khi TQ có những thái độ và âm mưu như ngày nay.

Ngày ông Hồ còn sống đâu có cảnh TQ chiếm đảo của VN (vậy ai là người phá vỡ quan hệ trước?)! TQ giúp VN cũng chỉ vì quyền lợi của TQ; cũng như các nước Tư Bản hiện nay mà thôi.

Còn nói về sự mang ơn thì tôi xin thưa: khi kể ơn thì xin kể luôn tội để đem lên bàn cân, đừng dùng tư tưởng hiện nay đang có trong xã hội TQ và VN là có công thì ơn đó tồn tại muôn đời cho dù sau này làm lỗi gì dù nặng hay nhẹ.

Nói đến công lao của TQ giúp và thúc đẩy VN tạo nên cuộc nội chiến máu lửa 30 năm (với cách nói văn vẻ chống Mỹ)thì với một số người VN đó cũng là tội lớn với dân tộc Việt.

Category: Chính trị | Views: 728 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0