Công đoàn tỉnh Aichi dọa kiện đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Sau
vụ PCI (một tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn của Nhật phải đưa
hối lộ để được trúng thầu các dự án thực hiện bằng tiền viện trợ của
Nhật tại Việt Nam), vụ nhân viên, tiếp viên và phi công của Vietnam
Airlines, tổ chức trộm cắp hàng hóa trong các trung tâm mua sắm tại
Nhật để vận chuyển hàng gian về Việt Nam tiêu thụ, vụ "tu nghiệp sinh"
Việt Nam bị các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của chính quyền CSVN
bóc lột như nô lệ, vụ lãnh sự quán CSVN tại Osaka tại Nhật bán passport
Việt Nam cho tất cả mọi người, vụ đại sứ quán CSVN bị một công đoàn địa
phương tại Nhật kiện,... trên nhiều diễn đàn điện tử tại Nhật, nhiều
người Nhật cực đoan đang kêu gọi tẩy chay người Việt, đuổi hết người
Việt về nước, cắt vĩnh viễn các khoản viện trợ cho Việt Nam. Có người
so sánh viện trợ cho Việt Nam uổng hơn là đổ tiền vào... cống, bởi tiền
thuế của họ đang được dùng để nuôi bọn "dòi bọ" ở Việt Nam...
Cảnh sát Nhật khám xét toàn bộ các văn phòng đại diện của Vietnam Airlines tại Nhật.
Người
phát ngôn của Vietnam Airlines vừa chính thức xác nhận: Tất cả các văn
phòng đại diện của Vietnam Airlines tại Nhật vừa bị cảnh sát Nhật lục
soát để tìm kiếm hàng hóa bị ăn cắp.
Vụ tai tiếng liên quan tới
Vietnam Airlines bắt đầu từ ngày 10 tháng 8, sau khi cảnh sát quận
Kumamoto bắt quả tang hai "tu nghiệp sinh" người Việt đang ăn cắp hàng
hóa của một trung tâm mua sắm. Hai "tu nghiệp sinh" này đến Nhật để làm
việc cho một công ty xây dựng hồi tháng 2. Mỗi tháng họ nhận được
70,000 Yen nhưng bị các doanh nghiệp "xuất khẩu lao động" của chính
quyền CSVN "trấn lột" 50,000 Yen/tháng nên không đủ sống và được một
nhân viên của Vietnam Airlines tại Nhật tuyển mộ để đi ăn cắp mỹ
phẩm... Báo chí Nhật cho biết, cảnh sát Nhật đã xác định có tới 85
người Việt liên quan tới tổ chức trộm cắp này. Ðồng thời, cảnh sát Nhật
tuyên bố, việc đưa "tu nghiệp sinh" Việt Nam sang Nhật làm việc có dấu
hiệu buôn người nên đã đề nghị cảnh sát hình sự quốc tế hợp tác điều
tra.
Hôm 17 tháng 12, cảnh sát Nhật đã bắt quả tang Ðặng Xuân
Hợp, phi công của Vietnam Airlines đang vận chuyển hàng gian về Việt
Nam. Cảnh sát xác định có khoảng 50 nhân viên (bao gồm cả phi công lẫn
tiếp viên hàng không) của Vietnam Airlines dính líu đến tổ chức trộm
cắp và vận chuyển hàng gian đang bị điều tra. Vì các nghi can cùng cho
biết những Văn phòng đại diện của Vietnam Airlines tại Nhật là nơi cất
giấu hàng trộm cắp nên một đợt khám xét những văn phòng này vừa được
thực hiện.
Theo báo điện tử VnExpress, người phát ngôn của
Vietnam Airlines chỉ xác nhận cảnh sát Nhật đã khám xét các văn phòng
của hãng này và đã "làm việc" với một số tiếp viên, phi công. Phía
Vietnam Airlines từ chối bình luận trước khi giới hữu trách ở Nhật công
bố thông tin.
"Tu nghiệp sinh" Việt Nam tại Nhật - một loại nô lệ
Vụ
bê bối liên quan tới Vietnam Airlines tại Nhật không chỉ giới hạn trong
phạm vi tổ chức-vận chuyển-tiêu thụ hàng ăn cắp. Báo chí Nhật và một số
du học sinh tại Nhật đã cung cấp thêm nhiều thông tin để lý giải vì sao
"tu nghiệp sinh" Việt Nam tại Nhật phải tham gia vào các tổ chức trộm
cắp do nhân viên Vietnam Airlines tổ chức.
Về lý thuyết, "tu
nghiệp sinh" là một dạng học nghề nên dù sang Nhật để làm thuê song
không được trả lương mà chỉ được hưởng "trợ cấp". Ðó là sự bất công thứ
nhất mà người nghèo ở Việt Nam phải gánh chịu khi chập nhận sang Nhật
làm thuê.
Bất công thứ hai là muốn được đi sang Nhật làm "tu
nghiệp sinh", những người nghèo ở Việt Nam phải đóng khoảng 1 triệu
Yen/người cho Sovilaco hoặc Suleco (những doanh nghiệp quốc doanh, độc
quyền xuất khẩu lao động sang Nhật). Vì sợ "tu nghiệp sinh" bỏ trốn,
Nguyễn Gia Liêm - đại diện của Bộ Lao Ðộng Thương Binh Xã Hội CSVN được
cử sang Nhật để "giám sát, bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt
Nam" đã yêu cầu giới chủ ở Nhật thu giữ passport, thẻ ngoại kiều của
"tu nghiệp sinh" nhằm bảo vệ quyền lợi cho Sovilaco hoặc Suleco. Ða số
chủ hãng của Nhật chỉ dám giữ passport của "tu nghiệp sinh" vì thu giữ
giấy tờ tùy thân của người khác là vi phạm luật pháp của Nhật.
Gần
như tất cả "tu nghiệp sinh" tại Nhật phải làm việc khoảng 20 tiếng/ngày
và 7 ngày/tuần nhưng chỉ được trả "trợ cấp" 70,000 Yen/tháng (khoản thu
nhập chỉ bằng một nửa mức thu nhập tối thiểu) vì là... "tu nghiệp
sinh". Bất công thứ ba là 50% khoản trợ cấp 70,000 Yen/tháng đó được
giới chủ Nhật chuyển vào tài khoản của Sovilaco hoặc Suleco tại Nhật,
để Sovilaco hoặc Suleco khống chế "tu nghiệp sinh": Một mặt ngăn ngừa
họ bỏ trốn do lao động cực nhọc, lương thấp, mặt khác để hưởng tiền
lời. Nếu "tu nghiệp sinh" đau bệnh, xin trở về nguyên quán sớm hoặc có
lỗi lầm dẫn tới bị sa thải trước khi "hợp đồng gửi đi làm tu nghiệp
sinh" hết hạn, Sovilaco hoặc Suleco sẽ tịch thu toàn bộ số tiền 50% đã
giữ mỗi tháng để "bồi thường các thiệt hại do vi phạm hợp đồng". Ðó là
chưa kể, mỗi tháng, một tu nghiệp sinh còn phải trả cho Sovilaco hoặc
Suleco 10,000 Yen "quản lý phí".
Một blogger người Việt có
nickname là "Minh T", sống tại Nhật khẳng định: "Với 25,000 Yen còn
lại, phải dành 10,000 Yen trả tiền nhà/tháng, 15,000 Yen để trả các
loại chi phí ăn, uống, điện, nước, ga,... gái không làm điếm, trai
không ăn cắp cho bọn hàng không Việt Nam mới là chuyện lạ vì họ đã bị
bóc lột đến tận xương tủy. Mong sao cảnh sát Nhật phối hợp với ICPO
(Hình cảnh Quốc tế), điều tra, hốt hết bọn bất lương trong các đường
dây buôn người của chính phủ Việt Nam như họ đã tuyên bố".
Viên chức ngoại giao Việt Nam tại Nhật: Bẩn thỉu và thô lỗ
Bên
cạnh các scandal "PCI", "Vietnam Airlines", "Tu nghiệp sinh",... các
viên chức ngoại giao của Việt Nam tại Nhật cũng đang tạo ra vô số tai
tiếng.
Từ dư luận, báo chí Nhật đã cử phóng viên điều tra việc
các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Nhật bán giấy tờ giả. Một phóng
viên Nhật đã thử liên lạc và cuối cùng mua được một passport từ lãnh sự
quán CSVN tại Osaka với giá chỉ có 30,000 Yen, dù anh ta hoàn toàn
không phải là công dân Việt Nam và không biết nói tiếng Việt.
Ngoài
vụ "Quốc tịch Việt Nam trị giá 30,000 Yen", tòa đại sứ CSVN tại Tokyo
cũng đang nằm trong tầm ngắm do bị nghi chuyên chứng thực các bằng lái
xe giả (để người sử dụng được miễn thi lấy bằng lái xe tại Nhật). Sở
Cảnh sát Tokyo đã ban hành một chỉ thị, theo đó, những giấy tờ do tòa
đại sứ CSVN chứng thực chỉ có giá trị sử dụng sau khi đã được Bộ Ngoại
Giao Nhật chứng thực lại, rằng con dấu của Tòa Ðại sứ CSVN trên giấy tờ
là dấu... thực.
Vụ mới nhất, đang khiến dân chúng Nhật phẫn nộ
đó là việc một viên chức của tòa đại sứ CSVN tại Nhật lăng mạ công đoàn
tỉnh Aichi (Airoren), một chi nhánh thuộc Tổng Công Ðoàn Nhật. Trước
đó, Airoren đã nhận sự ủy thác của tổ chức công đoàn đại diện cho các
công nhân làm việc cho Toyota, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho 64 "tu
nghiệp sinh" Việt Nam, vốn đang bị Sovilaco, Suleco của phía chính
quyền CSVN và các công ty trung gian ở Nhật bóc lột.
Sau khi
Airoren liên lạc với 64 "tu nghiệp sinh" này để làm các thủ thục thay
mặt họ nộp đơn kiện đòi quyền lợi, cả 64 người đã bị viên chức của tòa
đại sứ CSVN tại Nhật gọi lên "làm việc". Trong buổi "làm việc" đó, "tu
nghiệp sinh" được yêu cầu chấm dứt quan hệ với Airoren bởi Airoren là
một "tổ chức phi pháp" hoạt động như "Mafia". Ai đó trong số 64 "tu
nghiệp sinh" đã bí mật ghi âm và sau khi băng ghi âm được chuyển cho
Airoren, Airoren đã gửi văn bản phản kháng cho chính quyền CSVN, yêu
cầu thủ tướng CSVN phải xin lỗi, nếu không, họ sẽ kiện đại sứ quán CSVN
ra tòa án Nhật.
Trước sự kiện này, blogger có nickname "Minh T"
nhận xét: "Chắc chắn những nhân viên của tòa đại sứ là đảng viên cộng
sản. Họ phải hiểu rằng Ðảng cộng sản là đại diện của giai cấp công nhân
nhưng họ đã không đứng về phía công nhân mà còn sỉ nhục người ta. Họ là
nhân viên ngoại giao nhưng quên mất nghiệp đoàn lao động là biểu tượng
của nhân dân lao động Nhật". Cũng blogger "Minh T" kể tiếp: "Tanaka
Masao - một cảnh sát viên của tỉnh Gunma đang tham gia điều tra vụ hàng
không Việt Nam, có cha từng là cố vấn quân sự cao cấp của Việt Minh,
nói như thế này với báo chí Nhật: Tôi không thể tưởng tưởng và hiểu
được, tại sao một dân tộc có 4,000 năm văn hiến, dũng cảm, lại để thế
hệ con cháu phải đi làm nô lệ ở xứ người như vậy".
Gia Ðịnh
|