Thứ Ba, 2024-12-24, 8:31 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 28 » Việt Nam phản hồi trước cáo buộc lường gạt công nhân lao động đi Nhật Bản
6:19 AM
Việt Nam phản hồi trước cáo buộc lường gạt công nhân lao động đi Nhật Bản
2008-12-27

Kính chào quí vị. Câu chuyện của Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tuần trước là các công nhân sang Nhật làm việc, bỏ trốn ra ngoài, đến khi bị nhà chức trách Nhật bắt gởi về nước thì đến công ty Suleco đòi lại tiền ký quĩ nhưng bị từ chối cho đến khi nào nộp đủ số tiền phạt vi phạm hợp đồng.

AFP photo

Công nhân VN đợi đi nước ngoài lao động-Sân bay Hà Nội

Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ này là bà Hoài, cán bộ Văn Phòng Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội mà Suleco trực thuộc, và ông Cường, phụ trách việc xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng trong công ty Suleco.

Trước hết là phần đối thoại giữa Thanh Trúc và bà Hoài:

Bỏ trốn sẽ bị phạt

Trong cái hợp đồng để đi xuất khẩu lao động thì họ có ký xác nhận rằng họ sẽ làm việc trong thời gian quy định là 2 năm hoặc 3 năm, nếu mà họ bỏ trốn ra ngoài thì họ phải bị phạt, thứ nhứt là cái tiền thế chân của họ sẽ mất hết. Nếu họ có thế chấp giấy tờ nhà cửa thì họ phải đền tiền cho phía bên Nhật Bản, đền cho công ty đó, thì họ mới lấy ra được cái giấy tờ nhà.

Bà Hoài

Bà Hoài: Trong cái hợp đồng để đi xuất khẩu lao động thì họ có ký xác nhận rằng họ sẽ làm việc trong thời gian quy định là 2 năm hoặc 3 năm, nếu mà họ bỏ trốn ra ngoài thì họ phải bị phạt, thứ nhứt là cái tiền thế chân của họ sẽ mất hết. Nếu họ có thế chấp giấy tờ nhà cửa thì họ phải đền tiền cho phía bên Nhật Bản, đền cho công ty đó, thì họ mới lấy ra được cái giấy tờ nhà. Cái công ty của Nhật Bản ký hợp đồng với Suleco thì họ sẽ thâu tiền của công ty Suleco trước để bảo đảm là lao động của công ty Suleco đưa đi là không bỏ trốn, mà nếu trốn là công ty Suleco phải đền mất cái khoản tiền mà công ty Suleco phải đóng cho họ. Họ có cái hợp đồng ràng buộc như vậy. Vì vậy những người đi lao động ra nước ngoài mà bỏ trốn là phải chịu mất một khoản tiền như thế.

Thanh Trúc: Như thế này, thưa chị Hoài. Người công nhân đó họ nói là khi họ đi thì họ đã đóng mười ngàn (đôla) tiền thế chân và họ phải thế chấp nhà cửa, họ phải vay này vay kia sao cho đủ để mà được đi, thì khi mà đi công ty Suleco lại bảo họ phải bỏ tiền ra mua vé máy bay. Nhưng khi họ qua bên Nhật thì họ mới vỡ lẽ ra là công ty bên Nhật trừ tiền vé máy bay vô tiền lương của họ. Họ hỏi ra thì nói là đây là trừ tiền máy bay. Chị nghĩ rằng có một điều gì không được rõ ràng trong này không?

Bà Hoài: Bây giờ như thế này, chị. Tôi thì ở một cơ quan cấp trên, còn công ty Suleco là cơ quan thực hiện, cơ quan cấp dưới. Ở trên này là tôi chỉ nói trên cái quan điểm của Sở, còn lại ở dưới đó họ thực hiện như thế nào mà có đơn khiếu nại của công nhân hoặc của gia đình người tu nghiệp sinh thì Sở sẽ thanh tra để biết rõ là trường hợp đó có như vậy hay là không và công ty Suleco họ sẽ giải quyết. Không có tu nghiệp sinh nào kiện lên Sở hết trơn đó, cho nên trên Sở họ cũng không biết việc này đâu.

Thanh Trúc: Có một dư luận như thế này, chị Hoài, mong chị giải thích giùm. Người ta bảo rằng là những công ty như là Suleco hay là những công ty như là xuất khẩu nhân lực và thương mại SONA chẳng hạn, họ lấy tiền ký quỹ của công nhân, họ đưa công nhân đi lao động, nhưng mà trong thâm tâm họ, họ mong là công nhân vi phạm hợp đồng hay là trốn đi để ở nhà họ ăn trọn cái tiền ký quỹ đó, thay vì mà có chuyện gì công nhân về thì họ phải trả lại, hoặc công nhân hết hạn mà về thì phải trả lại tiền ký quỹ đó cho họ.

Bà Hoài: Cái này là không đúng đâu chị. Công nhân họ lao động rất là cực nhọc nhưng họ mất một cái khoản tiền thế chân năm ngàn hay bảy ngàn gì đó, họ rất là đau xót. Họ về họ lấy lại không được; chính từ những cái mà họ lấy lại không được, họ không biết là số tiền này là công ty lấy, hay là Sở lấy, hay là cá nhân của ông giám đốc đó lấy, cho nên họ nói có những điều như vậy chứ công ty mà để cho người lao động ở nước ngoài trốn nhiều thì công ty đó, ông giám đốc đó bị khiển trách. Mà công ty đó hàng năm khi xét khen thưởng là bị cắt thi đua. Đó, thông báo để cho chị nắm rõ được những tin tức như vậy.

Tại sao quá nhiều công nhân bỏ trốn?

Tôi nói với chị biết là đưa họ qua bên Hàn Quốc là 62 người thì họ đã móc ngoặc đâu trước rồi mà mình không biết, trong số 62 người thì họ đã bỏ trốn ra hết 37 người.

Bà Hoài

Thanh Trúc: Chính phủ Việt Nam có một chính sách xuất khẩu lao động để giải quyết công ăn việc làm trong nước, có điều Sở Lao Động - Thương Binh & Xã Hội có bao giờ đặt vấn đề là tại sao công nhân đi qua Đài Loan bỏ trốn nhiều, tại sao công nhân đi qua Nam Hàn bỏ ra lưu vong nhiều, tại sao công nhân đi qua Nhật Bản bỏ trốn nhiều ?

Bà Hoài: Có cái hội thảo, đồng thời có nhiều chính sách cùng với lại các nước mà có lao động của Việt nam đi qua bên đó thì hội thảo để tìm ra cái biện pháp duy nhứt. Nói cho chị nghe, người lao động mà đi qua, trong cái hợp đồng thì cái lương nó thấp hơn người lao động tự do ở bên ngoài. Nó đảm bào nhiều cái mặt khác nhưng người lao động họ không thấy cái đó, cho nên họ bỏ trốn. Tôi nói với chị biết là đưa họ qua bên Hàn Quốc là 62 người thì họ đã móc ngoặc đâu trước rồi mà mình không biết, trong số 62 người thì họ đã bỏ trốn ra hết 37 người. Đó, ngủ một đêm tới sáng thôi mà công ty chưa nhận mặt được người lao động thì họ đã bỏ trốn như thế, thì chị xem thử coi ra sao. Một tháng lao động của người bỏ trốn ra ngoài, không còn trong hợp đồng, là tới một ngàn rưỡi tới hai ngàn đô, trong khi đó người công nhân họ làm việc trong hợp đồng là có bảy tới tám trăm đô một tháng. Chính từ yếu tố đó họ mới bỏ đi ra ngoài nhiều. Cái này cũng phải nói là có chính phủ cả hai bên họp cũng chưa kiên quyết do đó chính phủ Hàn Quốc hoặc chính phủ các nước khác cũng như chính phủ Việt Nam cũng không có biện pháp kiên quyết khi mà họ đi ra nước ngoài mà họ bỏ trốn như vậy, sống bất hợp pháp, là phải trục xuất họ về nước. Cái này mình không có, cả hai bên đều không có áp dụng cái biện pháp mạnh đó. Vì vậy người lao động mặc dầu họ đóng thế chân ở đây rất cao nhưng mà họ sẵn sàng bỏ. Đó, lý do là như vậy đó, chị. Nhiều lần, có rất nhiều cuộc hội thảo để tìm ra biện pháp nhưng cuối cũng nó là như vậy đó.

Tiếp lời bà Hoài từ Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội tại thành phố Hồ Chí Minh là phần trình bày của ông Cường, chuyên xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng trong Suleco:

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược 

Ông Cường: Chị hỏi về vấn đề của em nào, phải Lê Văn Cương không? Em đó coi như là vi phạm hợp đồng. Đi làm mới có được mấy tháng là trốn ra ngoài rồi. Và em đó hiện nay đã về rồi thì chúng tôi đã xử lý nhiều lần rồi nhưng em đó không chịu.

Trong số đó thì các em chỉ mất tiền môi giới thôi, còn toàn bộ khi các em hoàn thành hợp đồng là các em nhận lại tiền đó và kể cả tiền lãi ngân hàng từ ngày em nộp đơn cho tới ngày các em về nước. Trước đây là 800 đô theo quy định của nhà nước, hiện giờ là 1.500 đô.

Ông Cường

Thanh Trúc: Ông xử lý bằng cách nào?

Ông Cường: Thì vi phạm hợp đồng thì phải bồi thường vi phạm hợp đồng.

Thanh Trúc: Như vậy là em đó mất trắng mười ngàn?

Ông Cường: Em đó có nộp mười ngàn đâu. Nộp cái gì có đâu có đó chớ làm gì có cái chuyện muốn nói bao nhiêu cũng được. Vi phạm hợp đồng yêu cầu bồi thường vi phạm hợp đồng.

Thanh Trúc: Như vậy em Cương này đã bồi thường cho Suleco chưa?

Ông Cường: Chưa. Tại vì chưa thành ra em đó làm đơn thưa kiện này nọ tùm lum hết.

Thanh Trúc: Còn một điều này nữa là khi mà những người lao động đi qua bên Nhật thì người ta nói rằng công ty Suleco bắt người ta đóng tiền mua vé máy bay, nhưng khi họ qua bên Nhật họ làm việc thì công ty bên Nhật lại trừ tiền vé máy bay vào trong tiền lương của họ thì họ mới vỡ lẽ ra là công ty bên Nhật mua chớ không phải công ty Suleco mua. Ông nghĩ sao về trường hợp này?

Ông Cường: Tiền vé máy bay lượt đi và lượt về nếu các em hoàn thành hợp đồng là không có chịu tiền vé máy bay gì hết và thậm chí tiền học phí của các em ở bên Nhật người ta cũng lo luôn. Hợp đồng quy định là phía Nhật đài thọ vé máy bay đi và đài thọ vé máy bay lượt về khi hoàn thành hợp đồng. Tất cả các em đều biết như vậy. Trước khi đi nó phải đọc đủ các điều kiện và hội đủ điều kiện đó thì công ty mới sử dụng và người Nhật họ sang phỏng vấn trực tiếp đã yêu cầu họ mới nhận về làm hồ sơ xin visa, chớ đâu có phảỉ tự động đi, đâu có phải một ngày một bữa mà đi liền đâu.

Thanh Trúc: Vậy thì tại sao có tin là vé máy bay là Suleco bắt người ta đóng?

Ông Cường: Những cái tin thì nhiều người đưa lắm, nhiều nguồn tin lắm mà toàn không có đúng đâu. Người lao động lúc nào họ cũng bất mãn hết.

Thanh Trúc: Bây giờ họ hỏi ông Cường cái này nữa. Những người mà người ta đi, có người đóng mười ngàn đôla, có người thì đóng ba ngàn?

Ông Cường: Ở đây không có thu mười ngàn, chị. Chưa hề thu ai mười ngàn hết.

Thanh Trúc: Như vậy thì phải đóng bao nhiêu?

Ông Cường: Tùy cái thời điểm đi và theo quy định của nhà nước thì mới thu cái số tiền đó. Trong số đó thì các em chỉ mất tiền môi giới thôi, còn toàn bộ khi các em hoàn thành hợp đồng là các em nhận lại tiền đó và kể cả tiền lãi ngân hàng từ ngày em nộp đơn cho tới ngày các em về nước. Trước đây là 800 đô theo quy định của nhà nước, hiện giờ là 1.500 đô. Rõ ràng như vậy, ngoài ra không có mất một cái gì khác hết.

Thanh Trúc: Tôi xin hỏi lại cho rõ. Như vậy theo lời ông Cường nói là phía môi giới là chỉ có 800 đô hay là 1.500 đô thôi?

Ông Cường: Dạ, đúng.

Thanh Trúc: Và những người công nhân đó cũng không phải bỏ tiền ra mua vé máy bay?

Ông Cường: Đúng.

Thanh Trúc: Vậy thì tại sao lại có chuyện là khi mà họ đi qua bên đó, họ trở về nước họ đòi lại mười ngàn?

Ông Cường: Ở công ty này chưa bao giờ thu của người lao động mười ngàn đô.

Thanh Trúc: Có khi nào có trường hợp Suleco là công ty của nhà nước thì không thu tiền, nhưng mà tổ chức gì họ đứng trung gian hay là cái tổ chức gì họ gọi là “cò” đó?

Ông Cường: Cái đó tôi hoàn toàn không biết. Cái đó các em liên hệ ở đâu ngoài đường thì cái đó không biết được.

Thanh Trúc: Bây giờ nếu như trong trường hợp của Lê Văn Cương thì giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Cường: Dạ xử lý yêu cầu em đó bồi thường 350.000 yen theo quy định của phía Nhật và từ ngày em trốn cho tới ngày hết hợp đồng 3 năm thì em đó có nghĩa vụ đóng phí dịch vụ theo quy định của nhà nước. Cái đó rõ ràng, trong hợp đồng ghi rõ ràng. Thậm chí hợp đồng bảo lãnh các em thế chấp giấy tờ nhà ở đây cũng có ghi rõ ràng.

Thanh Trúc: Thưa ông Cường, ông là một người của công ty đưa xuất khẩu lao động của nhà nước?

Ông Cường: Dạ đúng.

Thanh Trúc: Thanh Trúc muốn hỏi ông điều này. Vì sao có quá nhiều trường hợp công nhân Việt Nam đi qua Đài Loan, qua Malaysia, hay là đi qua Hàn Quốc, hay là đi qua Nhật Bản mà bỏ trốn ra ngoài nhiều như vậy?

Ông Cường: Cái đó là do suy nghĩ của mỗi em chớ bây giờ chị hỏi tại sao thì làm sao có lý do nào chính thức xác định việc đó.

Thanh Trúc: Có khi nào làm việc trả lương không đúng hợp đồng, bắt người ta làm việc quá giờ hay là ăn ở tồi tệ?

Có nhiều em mới qua là trốn ngay rồi. Đầu óc mấy em suy nghĩ đi qua đó là muốn trốn ra ngoài để được tự do hơn, đủ thứ chuyện như là làm ở ngoài nhiều tiền hơn.

Ông Cường

Ông Cường: Cái đó không thể khẳng định được, chị. Có nhiều em mới qua là trốn ngay rồi. Đầu óc mấy em suy nghĩ đi qua đó là muốn trốn ra ngoài để được tự do hơn, đủ thứ chuyện như là làm ở ngoài nhiều tiền hơn.

Thanh Trúc: Nhưng mà là một cơ quan hữu trách thì mình cũng phải tìm hiểu xem sao.

Ông Cường: Có tìm hiểu nhưng mà động cơ để các em trốn là tuỳ mỗi em. Có những em suy nghĩ đơn giản thôi, chị biết không. Trong hợp đồng ghi rõ ràng hợp đồng 3 năm, phải hoàn thành hợp đồng 3 năm, rồi nó suy nghĩ đơn giản là nếu nó về đây sẽ khó kiếm việc và về đây lương thấp, ví dụ như vậy, cho nên các em mới trốn ra ngoài để các em duy trì việc làm của mình bằng cách đi làm lậu bên ngoài, bất hợp pháp. Và khi bị bắt thì bị trục xuất về, coi như là trốn rồi, vi phạm hợp đồng rồi còn gì nữa. Tôi phụ trách vấn đề xử lý những trường hợp vi phạm hợp đồng. Còn mấy em hoàn thành hợp đồng thì mấy em trực tiếp đến phòng kế toán để thanh lý hợp đồng chớ không phải bỏ rơi.

Thanh Trúc: Xuất khẩu lao động là chính sách của nhà nước để giải quyết công ăn việc làm trong nước mà công nhân cứ vi phạm như vậy hoài thì phải có biện pháp nào đó để giải quyết.

Ông Cường: Thì biện pháp giải quyết đó là đặt cọc, là thế chấp tài sản, và mình nghĩ các em đặt cọc tiền rồi là các em không trốn. Các em biết đặt cọc một số tiền lớn như vậy, nhưng các em đi qua bên rồi các em vẫn trốn như thường. Các em xem thường hợp đồng lắm, cho chị biết như vậy để cho rõ ràng. Và tôi cũng cảm ơn chị, hỏi trực tiếp như vậy là hay nhứt.

Và câu chuyện này chưa thật sự chấm dứt, chưa được gọi là hoàn chỉnh bởi vẫn còn trống đánh xuôi kèn thổi ngược mà dù như người nghe có thể hiểu thêm ngọn nguồn từ các chi tiết do hai phía cung cấp.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngừng ở đây. Mong quí vị đón nghe chương trình tới.

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 914 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0