Thứ Ba, 2024-12-24, 9:05 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 28 » Tản mạn Noel 2008 - Sơn La: Chuyện lạ có thật
12:14 PM
Tản mạn Noel 2008 - Sơn La: Chuyện lạ có thật


§ JB Nguyễn Hữu Vinh

Những ngày giáp Noel 2008, các nhà thờ ở Hà Nội không trang hoàng Giáng sinh như mọi năm, hứa hẹn một Noel không sôi động. Các gia đình giáo dân cũng không có không khí như những năm trước, lòng dạ nào mà đón Noel.

Ở Nhà thờ Lớn Hà Nội, nghe đâu chính quyền hay cơ quan nào đó cho người vào mắc các bóng điện lên các cây xung quang sân nhà thờ. Chắc họ nghĩ rằng với những bóng đèn màu đó, người ta sẽ nhầm rằng vẫn có một không khí Giáng sinh sôi động như thường?

81224SonLaVinh1.jpg

Nhưng Nhà thờ lớn vẫn uy nghiêm cổ kính phơi dáng trầm mặc, rêu mốc đứng đó, im lìm suy tư, thì những hoa hoè, những bóng điện màu xung quanh chỉ như những vật trêu ngươi.

Ở các quảng trường, các cấp chính quyền, đoàn thể lại hăng hái tổ chức những buổi ca nhạc, những cuộc “tụ tập đông người” nơi công cộng để… thay thế Noel ở nhà thờ. Trên sàn nhảy, sân khấu, được quảng cáo là “sân khấu giáng sinh” lại đưa một nhân vật mà ai cũng biết với vụ scandal sex nổi tiếng – Hoàng Thuỳ Linh biểu diễn, được báo chí lăng xê.

Gần ngày Giáng sinh, mấy người bạn rủ tôi đi một chuyến xa xa để cảm nhận không khí Noel ở những vùng khác. Vậy là anh em cùng nhau lên đường, chuyến này chúng tôi cùng nhau ngược Tây Bắc.

Qua nhiều nơi, nhiều chỗ không khí Giáng sinh dọc đường đi rộn rã với những ngôi sao, những chùm bóng điện nhấp nháy, trang trí nhiều khi đơn sơ nhưng đã làm sôi động khu dân cư vốn yên bình. Đi trên các con đường từ miền Phú Thọ, Yên Bái, Lao Cai rồi sang Lai Châu, Điện Biên, con đường núi non gập ghềnh hiểm trở nhưng để lại nhiều thú vị về miền Tây Bắc đất nước. Những nơi chúng tôi qua, giáo dân đón Noel với tất cả những gì mà họ có thể làm, có nơi là một cây thông nguyên màu tươi xanh, có nơi là những câu băng rôn “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”… rất nhiều “Ông già Noel” phóng xe máy vù vù đi giữa đường núi tạo nên cảnh khá vui mắt.

Những con đường Tây Bắc đã được sửa chữa lại, dễ đi hơn năm trước tôi đi qua đây. Những đoạn đèo, những khúc ngoặt đã đỡ nguy hiểm hơn nên vừa lái xe vừa vui cười nói chuyện thoải mái.

Đây là chuyến đi ngẫu hứng, không có địa chỉ cụ thể nên chúng tôi cứ thế đi, thích đâu dừng đó, tối đâu ngủ đó. Nhưng hẹn nhau rằng đến tối Noel phải về đến Sơn La.

Đã nhiều lần đọc các bài viết và các thông tin về tôn giáo ở Sơn La, chúng tôi cũng tò mò muốn xem một lần cho biết, cha ông nói rồi: “Trăm nghe không bằng một thấy”.

Về đến Sơn La cũng đã khá muộn, kiếm chỗ ăn tạm rồi đi xem đêm Noel Sơn La thế nào, định bụng sau khi xem xong thì hoặc về Mộc Châu ngủ, hoặc ở lại Sơn La.

Không một người quen nào ở đó, mấy anh em bàn nhau chỗ nào có nhà thờ hoặc nơi có người Công giáo, chúng ta cùng đến dự Noel rồi tính. Nhưng quay đi quẩn lại mãi mà chẳng thấy một Nhà thờ nào. Hỏi người dân họ cho biết Sơn La làm gì có nhà thờ hoặc Chùa. Nhiều người trong chúng tôi hết sức ngạc nhiên.

Loanh quanh mãi, đến một gia đình có chăng đèn màu, có trang hoàng Hang đá Giáng sinh, mấy anh em chúng tôi có cảm giác ấm áp như được về đến nhà người thân, bảo nhau dừng lại đây và vào hỏi chủ nhà về nơi dự Noel đêm nay.

81224SonLaVinh2.jpg

Khá ngạc nhiên là khi chúng tôi dừng lại, không biết từ đâu ra, một đoàn 7-8 chiếc xe máy áp sát và nhìn ngó vào trong xe, lúc đầu tôi cứ ngỡ cánh xe ôm như ở Hà Nội. Nhưng không phải, họ săm soi rồi gọi điện cho nhau: “Chúng nó đến rồi, báo động…”

Tôi thấy lạ lùng bước vào hỏi chủ nhà: “Chúng tôi là người công giáo, đi chơi một vòng Tây Bắc, đêm nay Chúa Giáng trần, xin chúc Gia đình đầy Hồng Ân Chúa hài đồng và cho chúng tôi biết cách nào để đi lễ đêm nay”?

Chủ nhà còn khá trẻ, điềm đạm nhìn chúng tôi hơi ngờ vực, nhưng khi biết chúng tôi thật tâm và là người Công giáo thật, anh xởi lởi vui mừng đón chúng tôi vào nhà. Anh bảo “để em đi gửi xe, kẻo để đây họ lại sinh chuyện” . Trong nhà, một cụ già đang ngồi đọc kinh cầu nguyện một mình, cô đơn, lạnh lẽo.

Bên cạnh ấm nước chè mới pha đặc quánh, nhấp ngụm trà đặc giữa cái lạnh của vùng Tây Bắc đêm Giáng sinh, tôi hỏi mọi người về những điều lạ mà chúng tôi mới gặp. Chủ nhà cho biết: “Không phải hôm nay đâu anh, cách đây vài hôm, chính quyền địa phương đã cho người dựng biển và canh giữ người Công giáo đêm Noel rồi. Cánh mấy đứa vừa đến soi xe anh đấy là người của họ đấy, cả chục người canh giữ ở cửa nhà em mấy hôm nay. Mọi động tĩnh trong nhà đều được họ giám sát và báo cáo”.

Tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng, lẽ nào trên đất nước “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” này lại còn có những nơi như vậy? Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cụ già đọc kinh xong góp chuyện: “Các chú mới đến đây thì thấy lạ, nhưng ở đây mãi rồi, chúng tôi cắn răng chịu đựng mà chẳng biết kêu ai. Cứ mỗi khi có lễ trọng của người Công giáo, chính quyền lại mất công mất sức canh giữ cứ như là chúng tôi buôn thuốc phiện hay ma tuý không bằng” .

Tôi hỏi: “Luật pháp Việt Nam là tự do tín ngưỡng, đạo Công giáo được cả thế giới và nhà nước Việt Nam công nhận, tại sao các bác lại bị đày đoạ như thế? Các bác làm đơn báo cáo và xin phép sinh hoạt chưa?” Ông già cười buồn: “Đơn từ đủ cả chú ạ, cả hàng mấy chục cái từ xưa đến nay, nhưng họ bảo Sơn La không có nhu cầu tôn giáo, chúng tôi được tự do tôn giáo nhưng chỉ được tu tại gia, không được tụ tập, họ còn làm cả quy ước tổ khu phố để cấm sinh hoạt tôn giáo”.

Thấy tôi có vẻ như không tin, ông già mở tủ lấy cho tôi một tập giấy dày cộp, mở ra trong đó toàn là đơn xin và công văn trả lời của thành phố, của các cấp chính quyền và cả quy ước tổ dân phố…

Điều lạ nhất là nội dung các văn bản trả lời của các cấp đều như nhau, chỉ khác ngày tháng và chữ ký, tất cả đều phủ nhận quyền tự do của người dân, áp đặt ý muốn của chính quyền là “không có nhu cầu tôn giáo, không được truyền đạo trái phép…”

Tôi hỏi: “Họ cấm truyền đạo trái phép, nhưng đạo Công giáo được nhà nước thừa nhận, những người công giáo cầu nguyện, lễ lạt thì không phải truyền đạo mà là hoạt động tín ngưỡng bình thường thì họ cấm sao được”? Cụ già thở dài: “Chú ơi, ở đây xa xôi, đồng bào công giáo sống không tập trung, lo làm ăn chân chính nên họ muốn làm gì thì làm, có ai nói được với họ đâu, chú không tin thì cứ ra chỗ gần đây chứng kiến thì biết” . Nói rồi, ông chỉ cho chúng tôi đi đến dãy phố gần quảng trường, đầu dãy phố, có cái ngõ nhỏ có cây thông và ngôi sao giáng sinh thì vào sẽ biết.

Uống nước xong, chúng tôi rủ nhau đi bộ xem cảnh thành phố ban đêm, một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra, một đám cảnh sát giao thông đang đứng đó lập biên bản đo vẽ. Cách đó dăm chục mét, một nhóm người lố nhố đứng, ngồi trong bóng tối nhìn ra.

Khi chúng tôi đi qua bên này dãy phố họ nhòm theo rất kỹ. Vượt sang bên kia phố chúng tôi quay lại, đến gần một ngõ nhỏ, một ngôi sao giáng sinh bằng đèn màu đứng sau ngõ. Một nhóm chừng vài chục người từ trong bóng đêm chặn chúng tôi lại giọng hách dịch: “Các anh là ai, đi đâu giờ này, yêu cầu ai về nhà nấy”? Tôi thấy lạ hỏi lại: “Còn anh, anh là ai mà chặn đường chúng tôi”? Anh ta sẵng giọng: “Tôi là Thuận, chủ tịch phường Quyết Thắng, đề nghị các anh cho xem giấy tờ và về trụ sở làm việc”.

Quá ngỡ ngàng, tôi phản đối: “Thứ nhất, tôi là khách du lịch qua đây, anh là ai mà đòi kiểm tra giấy tờ của tôi? Tôi không vi phạm gì, đang đi trên phố anh không có quyền hỏi. Thứ hai, anh làm việc ở đây thì phải có đèn đảm bảo ánh sáng, có bàn làm việc, không thể đứng tụ tập trong bóng tối xông ra chặn đường khách bộ hành được. Thứ ba, anh không có quyền cấm tôi đi lại những nơi mà nhà nước không cấm. Nếu cấm, các anh phải có biển báo. Anh đang vi phạm pháp luật” . Anh ta đáp: “Đây có cán bộ tổ trưởng dân phố, anh không được vào đây vì giờ này là giờ giới nghiêm” Tôi hỏi: “Ai ban lệnh giới nghiêm? Toàn bộ Thành phố Sơn La hay chỉ nơi này? Tại sao giới nghiêm mà không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để chúng tôi là khách du lịch biết”? Anh ta bảo: “Đây là quy định của tổ chúng tôi, phường chúng tôi quy định thế, anh đến đây phải chấp hành” . Tôi đáp: “Anh không có quyền quy định trái pháp luật, dù là địa bàn anh quản lý, nếu đúng anh là Chủ tịch phường anh càng phải hiểu hơn, anh không là Thủ tướng, không là Chủ tịch nước nên không có quyền ra lệnh giới nghiêm, anh hiểu chứ”? Anh ta nói: “Tôi chẳng cần biết chủ tịch nước là ai, ở đây tôi ra lệnh thế đấy” . Quả là cùn, thương hại thay cho cán bộ chính quyền ở Thành phố Sơn La.

Anh bạn đi cùng tôi: “Tôi cứ vào xem, anh sẽ làm gì, nếu các anh cấm, phải có biển cấm ở đây?” Anh ta doạ: “Các anh vào đó nếu xảy ra điều gì không an toàn cho các anh thì phải tự chịu trách nhiệm đấy” . Bạn tôi nói: “Được rồi, tôi tự chịu trách nhiệm” . Thấy vậy anh ta hoảng: “Không được, tôi cấm anh, ở đây nội bất xuất, ngoại bất nhập” . Bạn tôi: “Anh là gì mà cấm tôi”?

Anh ta bảo: “Tôi là chủ tịch phường, mai mời anh đến cơ quan gặp tôi”? Tôi thấy anh chàng này có vẻ thích oai, tôi nói: “Này, tôi không cần biết ông là ai, ông ăn mặc thế này, đứng trong bóng tối, xông ra chặn đường đòi xét giấy tờ của tôi? Nếu có thằng nghiện nào đấy hứng chí chặn khách bộ hành lại hô lên tao là chủ tịch nước, trói chúng mày lại thì chúng tôi cũng nghe à”?

Anh ta cứng họng, chỉ nói lấy được: “Tôi nhắc lại, quy ước của tổ dân phố phường chúng tôi là giới nghiêm ở đây”.

Tôi bảo: “Nếu anh đi về Hà Nội, qua chỗ nhà tôi, tổ tôi quy định ai bước chân đến đoạn đường quốc lộ qua tổ là cứ chém, anh có thấy được không?” Anh ta cùn: “Các anh đi về khách sạn, ở đây chúng tôi đang làm việc theo mệnh lệnh trên, các anh muốn dùng vũ lực à” .

Ngay khi đó một đoàn từ trong ngõ và xung quanh xúm lại hai khách du lịch chúng tôi miệng đầy mùi rượu phả vào mặt và hằm hè dữ tợn. Một thanh niên xông lại dùng máy ảnh ghé sát chụp vào mặt tôi, tôi giơ máy ảnh chụp anh ta, một người xông lại: “Ai cho phép anh chụp ảnh” . Tôi đáp: “Ở đây không có biển cấm chụp ảnh, tôi chẳng thèm chụp anh, tôi chụp cái thằng ranh vừa chụp tôi đấy” . Anh ta đành thôi.

Chúng tôi chỉ có hai người trước hàng đoàn các “cán bộ” trước mặt và rất nhiều trong bóng tối, chúng tôi đành phải quay lại, hai người được phái đi theo.

Qua chỗ cảnh sát giao thông đang xử lý hiện trường vừa xong, một công an giao thông đi cùng chiều với tôi, anh ta đã nghe vụ cãi nhau vừa rồi nên bảo nhỏ: “Các anh nói đúng rồi, cán bộ làm việc phải có bàn và đủ ánh sáng, cấm phải có biển, chặn người ta lại hạch sách là không được. Nhưng dân ở đây họ quen thế đấy anh ạ, cứ thấy cán bộ là sợ. Ở đây họ đang ngăn chặn giáo dân bên đạo sinh hoạt Noel đó mà” .

Chúng tôi quay lại mà lòng ngao ngán cho một Thị xã mới lên Thành phố.

Nơi đây người dân sống trong sợ hãi vô lý. Nơi đây có những “lệnh trên” để tổ trưởng dân phố, chủ tịch phường có quyền ra lệnh giới nghiêm. Ở đây, tổ dân phố có thể soạn thảo luật thay Quốc hội, ra những quy ước, quy định trái pháp luật nhằm tước bỏ quyền tối thiểu của mỗi con người - Tự do tôn giáo.

Về đến nhà giáo dân, nói chuyện vài câu với ông cụ, cụ bảo rằng: “Cha Thoại được giao phụ trách vùng Sơn La, lên đây cũng đã phải ra phường, và thường xuyên bị ngăn chặn. Năm trước Ngài còn bị bắt ra uỷ ban phường dưới Cò Nòi, giáo dân đi đòi mãi mới được” .

Chị chủ nhà rất hiếu khách đã cho chúng tôi biết: “Em vừa qua khách sạn để đăng ký phòng cho các anh, nhưng họ bảo hết phòng. Không hiểu sao hôm nay lại hết phòng được, nếu các anh ở nhà em thì chỗ cũng thoải mái thôi, nhưng chắc chắn họ sẽ gây khó dễ”. Chúng tôi hiểu vì sao khách sạn lại hết phòng.

Cảm động và cảm thông với chủ nhà, chúng tôi bảo nhau cảm ơn và lên xe đi, đến đâu hay đó.

Khi xe chúng tôi vừa nổ máy, mấy chiếc xe máy cứ bám theo chúng tôi, chạy cả chục cây số vẫn thấy ánh đèn xe máy đó qua gương chiếu hậu. Chúng tôi nghĩ, quả là ở đây đã đào tạo được một lớp người ngu trung và mẫn cán. Có vậy, những chính sách, những cách cai quản khác người, trái pháp luật mới được thi hành như vậy để các quan yên tâm.

Chúng tôi lại cùng nhau lên đường trong đêm Noel, đêm Chúa Giáng trần, cảm nhận được sự lạnh lẽo đó giữa núi rừng Tây Bắc khi sương nặng hạt và đầy mây mù chắn lối đi.

Quá khuya, chúng tôi dừng lại giữa rừng để nghỉ ngơi, nằm trong xe mà không thể nào chợp mắt được. Đâu rồi quyền của người dân? Đâu rồi một chính quyền của dân, do dân và vì dân ở Sơn La như những báo cáo rạng ngời dịp cuối năm này? Ở đây như anh bạn tôi nói, Độc lập trừ Tự do trừ Hạnh phúc như trong bất cứ văn bản hành chính nào đã ghi.

Những giáo dân Sơn La đang khốn khổ với niềm tin của mình vào Thiên Chúa, vậy mà chưa mấy khi tôi được nghe tiếng nói của các vị chủ chăn Giáo phận Hưng Hoá về những giáo dân của họ nơi đây đang bị tước đoạt quyền thờ phượng của mình. Họ đang bị bỏ mặc cho gió núi đại ngàn và thú dữ nơi núi rừng Tây Bắc?

Khu vực Tây Bắc vẫn im lìm với gió rừng đại ngàn và sương mù, các bản làng vẫn chìm khuất dưới bóng đêm và bóng núi bao phủ.

Hà Nội, Ngày 27/12/2008

JB Nguyễn Hữu Vinh

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 713 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0