Cuối
năm tây, thị trường Việt Nam ảm đạm lạnh lẽo như gió mùa đông bắc. Tha
hồ cho quảng cáo kích cầu từ ba nhà – nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân
phối – người dân Sài Gòn vẫn không hào phóng mở rộng hầu bao. Tuy đèn
mầu, nhạc giáng sinh, sự hoạt náo tưng bừng trên phố Lê Lợi, Nguyễn
Huệ, quảng trường Nhà Thờ Đức Bà tạm thời cuốn họ vào không khí lễ hội,
nhưng không thể cất giúp họ mặc cảm tự ti. Nguyên nhân sự tự ti nọ, bắt
nguồn từ bốn năm chuyện phạm nhân quyền, nhục quốc thể gần đây.
Nhân quyền – cẩu quyền
Bạn
đọc ở xa, lên internet đọc tin trong nước, chẳng lạ gì việc tập đoàn
massage Tân Hoàng Phát ở TPHCM bị ‘đánh sập’. Nhưng để có đầu có đuôi,
kẻ viết bài xin tóm tắt lại nội vụ: từ năm 2004 tới nay, trên địa bàn
Thủ Đức, bỗng xuất hiện cặp vợ chồng tuổi ngoại tam tuần, thích xây
công viên văn hóa, làm nhà cho người nghèo, ủng hộ quỹ từ thiện giúp cụ
già neo đơn, trẻ nhỏ mồ côi…Ông đại diện ban điều hành tổ dân phố, bà
tổ trưởng tổ 47 đều khen họ hiền lành, tốt bụng. Riêng bà vợ còn được
xét tặng danh hiệu ‘Người tốt việc tốt’ cấp quận năm 2007. Vậy mà, đùng
một cái, ngày 6 tháng 12 mới đây, mặt nạ đạo đức của vợ chồng nọ bị
công an Thành phố phối hợp với công an quận Thủ Đức lột trần. Chồng –
Phan Cao Trí, vợ – Phan thị Yến, hiện nguyên hình là hai con sói hung
tợn. Nạn nhân của chúng, các cô bé quàng khăn đỏ, 100% là gái Tây Nam
Bộ trẻ đẹp, non nớt (có em mới mười bốn mười lăm tuổi) nghe lời dụ dỗ
hứa hẹn, ngoan ngoãn theo lên Sài Gòn, chui vào miệng sói, để rồi bị
giam lỏng, bị ép học kỹ thuật kích dục, hàng ngày hành nghề dưới chiêu
bài ‘kỹ thuật viên mát xa’ trong hệ thống 5 cơ sở của Tân Hoàng Phát
rải từ Bình Dương tới Đồng Nai, Sài Gòn.
Đọc
phóng sự trên báo Pháp Luật, Tuổi Trẻ, Công An Nhân Dân…về thủ đoạn
chăn dắt, bóc lột nô lệ gớm ghiếc như thời Trung cổ của ông bà chủ Tân
Hoàng Phát và đám tay chân, người đọc cả nước bàng hoàng, phẫn nộ, còn
dân ở khu vực chung quanh thì cười khẩy. Họ bảo chuyện khách đến mát
xa, say xỉn gây gổ đánh nhau, chuyện kỹ thuật viên bị ‘xử đẹp’ diễn ra
hàng ngày ai cũng biết, chỉ các quan thành phố, quận, phường xã, là
‘đui huyền mù’!
Tính
tới nay, khi đế chế Tân Hoàng Phát đã bị xóa sổ, bước đầu, có hơn 50
nạn nhân của nó dám viết đơn tố cáo từng bị bỏ đói, bị nhốt vào chuồng
chó vì không biết chiều khách; bị đánh đập phải liều nhảy lầu để trốn;
bị bắt nộp vài chục triệu để ‘chuộc thân’; tiền lương, tiền boa bị thu
hết, phải viết giấy nợ khống; phải mua phấn son, quần áo ‘nội bộ’ với
giá đắt gấp nhiều lần bên ngoài…Nội vụ thế nào, còn phải chờ kết quả
điều tra của công an, nhưng tựu trung dư luận rất ngạc nhiên vì giữa
lòng Sài Gòn hoa lệ, nơi pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn được đề cao về
tính nghiêm minh, mà nhân phẩm con người bị đánh lộn sòng với ‘chó
phẩm’ thì không thể ‘ngửi’ nổi.
Vụ
Tân Hoàng Phát chưa nguôi, báo chí đã ‘tương’ thêm một bài về chiến
công của cảnh sát quận Tân Phú trong việc khám phá ‘đường dây coi mắt’.
Tại một ngôi nhà trong hẻm đường Trịnh Đình Trọng – Tân Phú, 106 cô gái
trẻ đang chen chúc chờ ‘trình diễn’ cho các khách nam người Hàn Quốc
coi. Ai cũng hồi hộp mong được ‘chấm đậu’, được khách cưới làm vợ, đưa
về Hàn Quốc. Khi công an ập vào, chủ ‘đường dây’ phía Việt Nam là Vòng
A Mùi, ‘trưởng đoàn’ phía Hàn Quốc là Jang Hong Il cùng bốn chú rể, sáu
thân nhân chú rể, 12 người môi giới, tất cả đều bị đưa về trụ sở cảnh
sát.
Tại
đấy, theo khai nhận của trưởng đoàn Jang thì nếu mai mối thành công,
mỗi khách Hàn Quốc phải trả cho ông số tiền từ 6.000đô-10.000đô. Cộng
tác với Jang là Vòng A Mùi. Khi Jang có yêu cầu cho khách Hàn ‘xem
hàng’, Mùi lập tức sai em và con đi gom gái từ 10 ‘lò’ khác nhau trên
địa bàn Sài Gòn, đem đến những địa điểm bí mật ‘trình diễn’ cho khách
chọn. Được biết, nhiều ‘thí sinh’, và cả ‘ban tổ chức’ họ Vòng, từng là
‘khách quen’ của công an trong đợt truy quét hồi tháng 7- 2008. Đợt đó,
đông vui hơn đợt này, có tới 121 cô gái tranh nhau cơ hội lọt mắt xanh
của 3 người Hàn Quốc tại khách sạn D.Q- Gò Vấp. Lúc ngồi làm tường
trình, nhiều cô không biết chữ, ngay cả ký tên, cũng phải ’ ịn mực điểm
chỉ’.
Bộ
dạng hơn trăm cô gái Nam Bộ ngồi tại trụ sở công an, khi lên báo, trông
vừa đáng thương, vừa đáng… đè ra quất mấy roi vào đít vì toàn da trắng
tóc dài mà khờ khạo như trẻ con. Cô nào cũng nói xoen xoét ‘lấy chồng
để báo hiếu, trả nợ cha mẹ. Sang đó sống chung, mình tốt với họ, thì họ
tốt với mình’.
Các
cô gái nhà nghèo, thất học, không hiểu chuyện đời đã đành, nhưng còn
những người hiểu chuyện, là những người lớn. Họ đâu hết mà để bọn trẻ
làm kỳ cục quá xá. Đánh nhau với giặc ngoại xâm bao nhiêu năm mới giành
được độc lập tự do. Rốt cuộc chỉ hành xử quyền tự do đó vào mỗi việc
đem thân đi bán, thì .... Nhưng thôi, dù sao cũng là chuyện trong nhà,
đóng cửa bảo nhau, không như chuyện ‘ngoài nhà’ sau đây.
Lấy mo che mặt
Nó
là chuyện bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất đại sứ quán Việt Nam tại Nam
Phi. Bà này bị cho là có tham gia buôn bán sừng tê giác. Đài BBC đưa
tin, ngày 21 tháng 11 cảnh sát Nam Phi đã có buổi làm việc với báo Mail
& Guardian về nội vụ (Mail & Guardian là tờ báo đầu tiên đưa
tin từ băng ghi hình bà Anh của chương trình truyền hình 50/50 thực
hiện cách đó 2 tháng và đã phát vào ngày 17-11). Ngay sau thông tin
này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải triệu hồi bà Vũ Mộc Anh về nước làm
tường trình.
Sừng
tê giác xấu xí ô dề, đen thui, hao hao sừng trâu, chả biết quý gì đến
nỗi…Nhiều người đọc bình thường thắc mắc thế. Có lẽ họ quên truyền
thuyết An DươngVương kể sau khi chém con gái xong, vua cầm sừng tê bảy
tấc rẽ nước đi xuống biển. Chi tiết hoang đường đó, cho thấy người xưa
coi sừng tê thần thông quảng đại cỡ...tiềm thủy đỉnh. Ngoài ra, cứ lời
các cụ đông y bí truyền, thì sừng tê còn có tác dụng cải tử hoàn sinh,
kích dục (nếu có sừng này, e tay và miệng các kỹ thuật viên tập đoàn
mát xa Tân Hoàng Phát thất nghiệp hết). Chính vì sừng tê quý hiếm thế
nên bản thân loài động vật có sừng này bị săn bắn ráo riết. Trên thị
trường đông dược ngầm ở Hà Nội để mua được 100 gram sừng tê thứ thiệt,
phải trảù ít nhất 30 triệu đồng. Cứ thế nhân lên…. Bảo sao bà Vũ Mộc
Anh không hy sinh thể diện quốc gia!
Bạn
đọc đừng lo bà Anh hy sinh lẻ loi cô độc. Vì sau bà, ông Đặng Xuân Hợp,
Phó cơ trưởng của Việt Nam Airlines, cũng ‘oanh liệt hy sinh’ tại Nhật
Bản vì bị tình nghi vận chuyển hàng ăn trộm. Trên mặt các báo Tokyo,
Yomiuri, Asahi, báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật… ngày 18-12, Phó cơ
trưởng Đặng Xuân Hợp đều xuất hiện với bộ mặt xấu hổ, thành tích xấu
hổ: giúp các tu nghiệp sinh Việt Nam chuyển hàng ăn trộm về nước ‘mỗi
lần được 100USD’. Từ vụ ông Hợp, báo chí có dịp xới lại hàng loạt những
chuyện chuyển hàng, chuyển ngân bất minh của các tiếp viên, phi công
Việt Nam từ năm 2006 trở lại đây (bị hải quan bắt giữ ở sân bay Nhật,
Hàn, Úc, Đức, Việt Nam…). Xới đến đâu, người đọc thở dài đến đó. Nhưng
rồi thương, cũng cố chống chế ‘chỉ cá biệt, cò con thôi. Cấp thấp chúng
nó mới thế’. Nghĩ vậy là lầm! Vì vụ PCI gây rúng động dư luận Việt –
Nhật còn chưa nguội chút nào. Có tích mới dịch nên tuồng! Để độc giả dễ
theo dõi tuồng, kẻ viết bài xin ngược dòng thời gian, nói về tích.
Số
là từ khi dự án ‘Đại lộ Đông Tây’ và ‘Cải tạo môi trường nước’ được
triển khai ở TPHCM, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công
chánh TPHCM đã được cử làm Giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU). Được ông
Giám đốc PMU ủng hộ, công ty tư vấn Thái Bình Dương (PCI) đã trúng thầu
trong các dịch vụ tư vấn xây dựng. Từ năm 2001 đến năm 2006, số tiền
PCI ‘đền ơn’ ông Giám đốc PMU là 2,43 triệu đô la. Chỉ riêng tháng 12
năm 2003 và tháng 8 năm 2006 đã là 820.000 đô la. Nội vụ sẽ mãi nằm
trong vòng bí mật, nếu bốn cựu viên chức chóp bu của PCI Nhật Bản là
cựu chủ tịch, cựu quản lý, cựu giám đốc điều hành, cựu giám đốc văn
phòng không bị truy tố hôm 25/8/2008 tại chính quốc vì tội hối lộ, vi
phạm luật chống cạnh tranh không bình đẳng. Vụ việc nghiêm trọng đến
nỗi chính phủ Nhật phải ra quyết định ngưng cấp viện vốn vay ODA cho
Việt Nam năm tới, đóng băng luôn vốn vay năm nay, chừng 700 triệu đô la
‘cho tới khi ủy ban điều tra chung đưa ra được các biện pháp hữu hiệu
và đúng đắn để chống tham nhũng’.
Mặc
dù Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đều tỏ
quyết tâm không bao che, không chậm trễ, né tránh trong vụ PCI, nhưng
phải gần nửa năm sau khi tin xấu xì ra trên báo chí Nhật Bản, thì mãi
cho tới ngày 9 tháng 12, Bộ Công An Việt Nam mới khởi tố vụ án nhận hối
lộ liên quan tới ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Nhân chữ Sĩ tên ông, dư luận cắc cớ
hỏi nhau gần 2, 5 triệu đô la hối lộ nọ, ông Sĩ ăn một mình sao hết.
Chắc phải điều đủ bộ tướng sĩ tượng xe. Nhưng gặp nạn, tướng, tượng, xe
không thấy, chỉ Sĩ chịu tội một mình. Tội thay!
Trộm
nghĩ, người phạm pháp xưa nay thường bị gán cho động cơ là ‘đói ăn
vụng, túng làm càn’. Nhưng bà Anh, ông Hợp, ông Sĩ lại không hề thuộc
diện túng đói. Nghĩa là không có lý do để buôn lậu, vận chuyển hàng
trái phép, nhận hối lộ. Đã không túng đói, mà lại là cán bộ trung kiên,
được giáo dục đến nơi đến chốn về lòng trung thành với Đảng, về ý thức
trách nhiệm với màu cờ tổ quốc. Đến như thế mà còn vì tiền vứt bỏ thể
diện quốc gia, thì trách sao những cô gái mát xa kích dục ở Tân Hoàng
Phát, những cô gái tham gia ‘trình diễn’ cho khách Hàn chọn như chọn cá
chọn rau, vốn là gái quê Nam Bộ nghèo, thất học, dại khờ thứ thiệt, lại
chẳng coi nhân phẩm như ‘cẩu phẩm’
Viết
tới đây, bỗng nhớ lại lời phát biểu của công dân Ngô Quang Kiệt trong
cuộc họp đòi đất ở Hà Nội dạo nọ. Tuy không phải là quan chức hay trí
thức khoa bảng với học hàm học vị lê thê in trên name card, nhưng không
phải người vô học, vô danh, nghĩa là không thể phát biểu hồ đồ, vậy mà
chẳng hiểu nghĩ ngợi thế nào, ông Kiệt lại phóng ngôn – đại khái là cảm
thấy nhục nhã khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam lúc đi nước ngoài gì
đó...Khỏi nói cũng biết nhờ câu nói mang mầu sắc ‘phỉ báng lịch sử, đi
ngược lại dân tộc’ này, ông Kiệt đã có tên trong sách kỷ lục ghi nét.
Oan
ưng thế nào, không biết rõ không dám lạm bàn, chỉ nhân điểm mấy vụ
‘hót’ kể trên, để thấy rằng lời lẽ tầm bậy (!) của ông Ngô nọ, e hơi
bị.... không sai. Và sự tự ti mặc cảm của người Sài Gòn dịp cuối năm, e
không phải là không đúng.