Báo chí muốn cùng tham gia trực tiếp cứu trợ, MTTQ Việt Nam cũng không muốn “độc quyền”.
515
người chết và mất tích, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 11.500 tỷ
đồng. Đó là số liệu thiệt hại do thiên tai được Tổng cục Thống kê công
bố vào cuối tháng 11.
Trong vòng mấy tháng cuối năm nay, các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã gánh chịu hai trận mưa lũ lớn.
Trong
đợt mưa lũ đầu tháng 8, ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh và
Tuyên Quang đã có 125 người chết và mất tích. Tiếp đó, đợt mưa lũ cuối
tháng 10, đầu tháng 11 đã làm chết 47 người, bảy người mất tích ở các
tỉnh miền Bắc. Tại miền Trung, số người chết và tài sản thiệt hại do
mưa lũ không ngừng tăng. Đến ngày 26-10: 25 người chết trong mưa lũ.
Ngày 31-10: thêm chín người chết. Đến ngày 27-11: thêm 19 người chết,
hàng chục ngàn người dân thiếu lương thực.
Thế nhưng...
Mọi năm tấp nập
Năm
2007, các cơ quan thông tấn đăng tải ngập tràn thông tin kêu gọi độc
giả quyên góp để cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Báo Tuổi
Trẻ đăng Lá thư ban biên tập mong mỏi bạn đọc góp tay ủng hộ miền
Trung. Báo Thanh Niên cũng đăng lời kêu gọi quyên góp bên cạnh những
hình ảnh tang thương của miền Trung sau trận bão. Thế rồi các tôn giáo,
tiểu thương các chợ, các hội đoàn tấp nập vào cuộc.
Báo
Pháp Luật TP.HCM tổ chức đêm nhạc Hướng về miền Trung vận động hơn ba
tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung. Đoàn cứu trợ đã phối hợp với Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh để lên
kế hoạch trao tiền, hàng cứu trợ cho mỗi tỉnh. Báo Công An TP.HCM tổ
chức đêm nhạc Thương về miền giông bão. Có khán giả đi xem ca nhạc cầm
sẵn 10 triệu đồng để ủng hộ, có ca sĩ ủng hộ hơn 30 triệu đồng...
Lãnh
đạo Báo Công An TP.HCM đã trao số tiền bán vé và tiền vận động quyên
góp được gần một tỷ đồng cùng hàng cứu trợ ngay ngày hôm sau cho các
tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ,
Lao Động... thành lập nhiều đoàn cứu trợ bão lụt.
Từng
đoàn xe vượt qua các đoạn đường bị mưa lũ tàn phá và ngập sâu trong
nước để đem tiền, hàng cứu trợ đến cho đồng bào đang bị cô lập trong
mưa lũ. Các đoàn cứu trợ đều phối hợp với MTTQ Việt Nam tại mỗi địa
phương, để phòng trường hợp trùng lắp các đoàn cứu trợ và nhằm giám sát
hoạt động cứu trợ. Không khí hướng về khúc ruột miền Trung trong những
ngày mưa bão năm 2007 hiện lên rõ trên từng tuyến đường, từng trang
báo, từng show ca nhạc của thành phố.
Năm nay: Đìu hiu
Nhiều
tờ báo “im hơi lặng tiếng”, độc giả không nhận được lời kêu gọi nào
đóng góp cho đồng bào bị thiên tai. Tình hình mưa lũ được cập nhật trên
các báo chỉ là những thông tin vô cảm như một bản tin thời tiết thông
thường.
Đến
nay, chưa có một cơ quan truyền thông nào tổ chức sự kiện gì nhằm gây
quỹ ủng hộ đồng bào bị mưa lũ. Báo chí cũng không đưa tin tờ báo nào đi
cứu trợ khẩn cấp vùng lũ. Có tờ báo kêu gọi đóng góp nhưng số tiền vận
động được đến thời điểm này chưa bằng 3% số tiền năm ngoái quyên góp
được. Báo Thanh Niên: Năm ngoái 7,79 tỷ đồng, năm nay 203 triệu đồng;
Báo Công An TP.HCM năm ngoái 1,4 tỷ đồng, năm nay không có bạn đọc nào
đóng góp; Báo Tuổi Trẻ năm ngoái 5,54 tỷ đồng, năm nay gộp luôn tiền
quà Tết cho người nghèo cũng chưa tới con số đó.
Mặt trận “độc quyền”
Tháng
5-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân
phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục
khó khăn do thiên tai, sự cố nghiêm trọng..., trong đó, có quy định:
Sau khi tiếp nhận tiền ủng hộ, cơ quan thông tin đại chúng chuyển toàn
bộ số tiền đó vào tài khoản của Ban cứu trợ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cùng cấp làm chủ tài khoản.
Từ đó, Ban cứu trợ sẽ tổ chức cuộc họp với chính quyền các cấp để phân phối tiền, hàng cứu trợ về các địa phương bị thiệt hại.
Theo quy định trên, các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ không được trực tiếp phân phối tiền, hàng cứu trợ đến các địa phương.
Nghị định này tác động không nhỏ đến tâm lý của các mạnh thường quân, độc giả thường đóng góp ủng hộ đồng bào thiên tai.
Tâm lý người cho: Tiền đến đúng địa chỉ
Ông
Lâm Tấn Lợi - Giám đốc DNTN Duy Lợi cho biết năm nay, số tiền ông ủng
hộ cho đồng bào bị mưa lũ rất ít, không bằng 30% năm ngoái. Ông giải
thích: “Nếu số tiền tôi đóng góp cho báo chí, báo chí lại chuyển qua
Ban cứu trợ của UB MTTQ Việt Nam, tôi sẽ không biết cụ thể số tiền tôi
ủng hộ được cứu trợ cho ai, ở đâu. Thay vì mấy năm trước, báo chí mời
tôi cùng đi cứu trợ, tôi chứng kiến được số tiền chúng tôi đóng góp đã
trao trọn vẹn cho những đồng bào cụ thể đang bị đói, bị khát. Từ đó,
tôi thấy số tiền nhỏ bé của mình cũng có chút ý nghĩa.
Hơn
nữa, tôi không tin UB MTTQ làm công tác cứu trợ nhanh hơn báo chí. Đó
là chưa kể tôi nghi ngờ có thể có hiện tượng “xà xẻo” tiền cứu trợ qua
các cấp tỉnh, huyện, xã trước khi đến tay người dân”.
Chúng tôi nghĩ ý kiến của ông Lợi cũng là suy nghĩ của nhiều người.
TRÀ GIANG