Các báo đều rầm rộ đưa tin về Dự thảo Chiến lược với các cách lĩnh hội khác nhau. VietNamNet nhấn mạnh: "Đổi mới giáo dục: Đột phá từ quản lý", Tuổi Trẻ xướng lên mục tiêu: “80 phần trăm sinh viên tốt nghiệp sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc” , Sài gòn giải phóng chú ý tới: "Sẽ thực hiện chế độ hợp đồng đối với giáo viên", Dân trí: "2020: Việt Nam sẽ có hai ĐH trong tốp đầu thế giới", VnExpress: “Bộ Giáo dục lên kế hoạch thay đổi chương trình phổ thông”...
Đây không phải chỉ là chuyện "giật tít", càng
không phải là chuyện kĩ năng làm báo khác nhau của các tờ
báo. Dường như, còn có vấn đề gì nằm phía sau đó nữa.
Mỗi báo nhìn thấy trong Dự thảo Chiến lược
một khía cạnh quan trọng, mỗi báo nhấn mạnh một mục tiêu,
mỗi báo có cách nhận định khác nhau về điểm nhấn trong bản
Dự thảo Chiến lược.... Đó có phải chỉ là do tôn chỉ của tờ
báo đó hướng tới mục tiêu nào? Hay do bản Dự thảo thiếu điểm
nhấn về mục tiêu, thiếu sự tập trung cần thiết về vấn đề
giải quyết những bức bách trong giáo dục?
|
Giáo dục được đổi mới liên tục, song kết quả vẫn còn ở phía trước. Tại sao? Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Tư duy chỉ đạo có vấn đề"
Báo Đại đoàn kết, số 202 ra ngày 26/12/2008 đưa ra
ngay một nhận xét: "Dự Thảo chiến lược giáo dục còn xa cuộc sống",
với ý kiến của GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội): "Vào
thời kì đổi mới, tính từ 1987 đến nay, giáo dục được đổi mới liên tục,
song kết quả vẫn còn ở phía trước. Tại sao? Tư duy chỉ đạo có vấn đề.
Chung chung, lãng mạn, xa cuộc sống".
"Ví dụ, bản chiến lược phát triển giáo dục từ 2001
đến 2010 vẫn còn đang thực hiện, chưa tổng kết, đến 2005 lại làm bản
chiến lược mới gối đầu chờ sẵn. Chương trình - SGK vừa thay, còn nhiều
tai tiếng, lại đang có một đợt thay sách đang được dự kiến, chậm nhất
chương trình mới "tích hợp" được dạy ở lớp 1 vào năm 2005".
GS. Hoàng Xuân Hãn đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với bản Dự thảo Chiến lược:
- Chiến lược này phải được Quốc hội thông qua trước khi triển khai (Theo điều 100 của Luật giáo dục)
- Ổn định giáo dục phổ thông bằng chương trình sách giáo khoa chuẩn
- Dừng mở trường và các cuộc cải cách triền miên
- Học sinh lớp phổ cập được học miễn phí (Điều 15 của Hiến pháp 1946)
- Minh bạch thu chi, quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư sẽ đảm bảo kinh phí cho giáo dục mà không cần tăng học phí.
"Các lãnh đạo giáo VN hãy một lần coi là mình có thể sai"
GS Chu Hảo có đôi lời bình luận về sự kiện
này trong buổi trình bày hội thảo về một chủ đề khác, tại
Viện IDS ngày 19/12/2008:
Khi Bộ GD - ĐT công bố Dự thảo lần 12 của
Chiến lược giáo dục từ 2009 - 2020, nhiều người trong số các
thành viên của Viện nghiên cứu phát triển IDS phê phán: vì sao
lại đưa ra chiến lược 2009 - 2020? Theo đánh giá của chúng tôi
là không hợp pháp. Bởi vì, trước đó Chính phủ đã kí một
bản Chiến lược đến 2010, đến nay còn chưa tổng kết. Và, tại
sao đầu tiên Bộ lại đưa ra chiến lược 2008 - 2020, sau đó lại
sửa lại thành 2009 - 2020?
Nhóm IDS đề nghị cần có một đề án cải cách
giáo dục toàn diện triệt để, không thể một sớm một chiều.
Các nhóm nghiên cứu có thể đề xuất ý kiến, có ủy ban cải
cách độc lập với Bộ GD-ĐT, làm trong việc trong một, hai năm,
rồi mới bắt đầu tiến hành cải cách mãnh liệt từ 2010.
Nhưng Bộ GD-ĐT đã không chấp nhận đề nghị trên.
GS Chu Hảo nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ đề nghị
các lãnh đạo giáo dục VN, hãy thử một lần, coi là mình có
thể sai - mà tính có thể sai là bản chất của tri thức khoa
học, không bao hàm khả năng kiếm chứng, thử sai thì không phải
khoa học - từ đó có thái độ khoa học, nghĩ rằng mình có thể
sai, để lắng nghe ý kiến khoa học.
Linh Thủy (Tổng hợp)