Thứ Năm, 2024-11-21, 7:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 29 » Dân Chủ giúp xã hội bình an
8:58 PM
Dân Chủ giúp xã hội bình an
 Ngô Nhân Dụng

Trong thế kỷ vừa qua loài người đã trải qua nhiều cuộc cách mạng mà những người khởi xướng thường bắt đầu với các khát vọng hướng về điều thiện, nhưng kết quả lại mang lại thêm nhiều khổ đau cho nhân loại. Có những lý thuyết gia ước mong xây dựng thiên đường trên trái đất, nhưng cuối cùng xô đẩy nhân loại vào những cuộc chém giết. Có những người tự coi mình là có thiện chí, rồi xách dao xách súng đi giải phóng xã hội, khăng khăng bắt mọi người phải chịu cho mình giải phóng. Kết quả là họ gây ra những tàn hại không khác gì các bạo chúa khát máu. Bởi vì tự trong lòng họ, chính họ thiếu sáng suốt và không bình an.


Tục truyền khi chúa Giê Su ra đời ở Bethleem, những thiên thần đã hô to: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Ðọc Kinh Bình An chúng ta thấy những lời cầu mong chính mình có khả năng đem tình yêu thương vào nơi oán thù, đối đãi với nhau với tấm lòng khoan dung, tha thứ. Nếu con người sống một mình thì không cần nhắc nhở tấm lòng khoan dung. Nhưng khi có 2 người sống chung, hay một xã hội sống chung, thì đức khoan dung, tha thứ là cách biểu lộ tình yêu thương cụ thể, nhờ thế mọi người cùng được hạnh phúc.


Nếu chúng ta có tôn giáo, tin tưởng ở một con đường cứu rỗi, chúng ta có thể tập sống đức khoan dung, tập cho đến mức mỗi lần phát tâm đều tự nhiên chỉ thấy tình thương yêu. Lúc đó chính lòng mình cũng bình an nhờ đức khoan dung.


Nhưng vượt trên các cá nhân, thì một tập thể, một gia đình, một xã hội, người ta phải làm gì để thể hiện đức khoan dung?


Loài người đã thử nghiệm nhiều phương pháp sống với nhau sao cho an lành. Không phải chỉ huấn luyện cho từng người nuôi lòng thiện, mà phải tạo cơ duyên cho cả xã hội gieo rắc được mầm thiện. Các chế độ chính trị từ xưa đã nuôi cao vọng đó. Có lúc một cách tổ chức xã hội đem lại kết quả tốt một thời gian, rồi lại sinh ra các biến chứng tai hại, phải tìm ra phương cách khác. Từ thế kỷ 18, và kéo dài cho tới bây giờ, một cách sống chung mang lại nhiều kết quả tốt cho xã hội chính là lối sống với các thủ tục gọi là dân chủ tự do.


Có nhiều thứ đáng nói về đặc tính của một chế độ dân chủ tự do, nhưng hôm nay ngày Giáng Sinh nên nói tới một điều thôi. Ðó là trong một xã hội dân chủ tự do chúng ta có thể sống khoan dung với nhau, dù còn nhiều cá nhân chưa tu thân cho đủ để chính họ biết sống khoan dung trong chính đời sống hàng ngày.


Nhiều chế độ độc tài cũng luôn rao giảng điều thiện, thí dụ như “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa,” ngầm ý nói rằng có một mẫu người lý tưởng mà chế độ muốn ai cũng bắt chước. Nhưng kết quả lại khác, chính những kẻ đáng lẽ phải làm gương cho những người khác lấy làm mẫu mực, chính họ đã phạm những tội ác không thể tha thứ. Mà vì cần che giấu những lỗi lầm đó, những người này phải sống một cách giả trá. Hậu quả là cả xã hội chung quanh cũng phải tập sống giả trá. Cái ác đã mạo danh cái thiện, làm hủy hoại nền đạo lý chung mà một dân tộc đã xây dựng từ ngàn năm mới thành. Khi chúng ta khám phá ra không bao giờ nên truyền bá điều thiện bằng những phương tiện ác, như thù hận, chém giết, thì đã nhiều người bị chết oan, nhiều thế hệ sa ngã.


Gần đây trên tờ báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn, một người trẻ ký tên Phạm Duy Nghĩa đã bàn đến hiện tượng đó một cách dè dặt. Phạm Duy Nghĩa viết rằng: “Một dạo ngây thơ, chúng ta tưởng con người dưới chế độ chúng ta sẽ miễn dịch với cái ác, mầm mống tội phạm những tưởng chỉ có trong chế độ người bóc lột người.”


Khi nghe Phạm Duy Nghĩa nói đến “chế độ chúng ta” thì người đọc nghĩ anh muốn nói đến “Ðảng Cộng Sản chúng ta” chứ không phải là “Dân tộc Việt Nam chúng ta.” Nếu được tự do chọn lựa chắc người Việt Nam đủ khôn ngoan để biết rằng loài người không thể nào “miễn dịch,” hoàn toàn tránh được với những mầm mống ác. Nhưng chính những người cầm đầu đảng Cộng Sản, từ thời 1930 họ cũng biết điều đó. Nếu có những người ngây thơ, đó là một số những người nông dân chất phác mà lòng căm thù dễ bị kích thích để giúp đảng Cộng Sản làm những việc ác. Dân tộc Việt Nam không ngây thơ như vậy. Những chế độ đưa ra hình ảnh con người lý tưởng đều tự biến họ thành những tôn giáo mới, những người theo họ trở thành tín đồ, rồi đưa hình ảnh lãnh tụ lên như thờ phượng các giáo chủ; đó chính là những chế độ rất đáng nghi ngờ!


Chế độ dân chủ tự do không dựa trên những ảo tưởng như vậy. Chế độ Dân Chủ giả thiết rằng loài người rất phức tạp, mỗi người một ý, mỗi người một sở thích, và quyền lợi thế nào cũng có lúc xung đột với nhau. Không những thế, ngay cả khi mọi người đều đồng ý với nhau về các giá trị chung, như công bằng, bác ái, tự do, trật tự, hòa hợp, vân vân, thì ngay cả khu cùng tin vào hệ thống giá trị đó, lúc hành động cũng có nhiều xung khắc. Có lúc xã hội phải lựa chọn giá trị này mà hy sinh một giá trị khác. Khi nào thì chúng ta thấy tự do là điều tối quan trọng (Người ta vẫn hô: Tự do hay là chết)? Khi nào thì chúng ta phải hy sinh bớt tự do để sống hòa hợp và trật tự hơn (Xin vui lòng vặn nhỏ máy phát thanh để hàng xóm được yên tĩnh nghỉ ngơi)? Khi nào thì việc thực hiện công bằng sẽ làm chúng ta phải đặt nhẹ tấm lòng bác ái? Biết bao nhiêu thứ giá trị chung của nhân loại tự chúng có khi cũng xung đột với nhau. Và con người phải lựa chọn, gia giảm liều lượng mỗi thứ cho thích hợp với từng con bệnh xã hội, từng thời điểm, từng nền văn hóa khác nhau.


Muốn sống được với nhau an lành thì chắc loài người phải đặt ra một số quy tắc cùng tôn trọng khi cần lựa chọn chung cho nhiều người cùng sống trong một quốc gia. Trong lịch sử đã có những người đóng vai minh quân, một mình lựa chọn cho tất cả thần dân. Nhiều người trong số đó đã tạo được các triều đại bình an, thịnh vượng. Nhưng sau khi họ chết đi rồi, không có gì bảo đảm là con cháu họ sẽ tiếp tục những triều đại vàng son khác. Ông Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Sử Trung Quốc mới xuất bản đã nhận xét rằng trong các triều đại ở Trung Hoa có quá nhiều vị hoàng đế tàn bạo hay bất lực; ông so sánh thấy thời Ðế Quốc La Mã có nhiều vị hoàng đế anh minh kế tiếp nhau hơn. Tại sao? Vì các hoàng đế Trung Hoa theo chế độ cha truyền con nối, nếu may mắn thì được ông con tốt như ông bố, nhưng xác suất rất thấp, thí dụ trong mười lần mới có một lần ông vua con cũng tốt như ông vua bố, xác suất 10%. Nói theo sử gia Will Durant thì người dân phải chịu một cuộc đánh cá, một canh bạc của di truyền học, trúng thì ăn, thua thì đánh chịu. Trong khi đó, một thời kỳ tại đế quốc La Mã các vị hoàng đế cần được nguyên lão nghị viện bầu cử. Với thủ tục đó, xác suất để có được những minh quân đã tăng lên cao hơn, thí dụ 50% trúng thay vì 10%! Ðến khi người La Mã cũng chơi trò cha truyền con nối thì dân chúng lại phải gánh chịu trò đỏ đen của số mệnh, và đế quốc tàn lụi dần!


Cho đến nay chế độ dân chủ tự do có những quy tắc tương đối hữu hiệu nhất để người dân một nước cùng lựa chọn với nhau thể thức sống chung thành quốc gia. Nhờ những thể thức đó có thể đạt được mục đích sống bình an trong xã hội. Chế độ dân chủ tự do đã định chế hóa đức khoan dung, nhờ thế mà tấm lòng khoan dung của mỗi người cũng dễ nẩy nở hơn. Người Mỹ đã từng coi chế độ nô lệ là bình thường nhưng nay có thể bầu một ông tổng thống da đen chính vì họ tập sống quen thể thức tự do dân chủ.


Chúng ta đã sống qua thế kỷ 20 với những người khoe mình muốn đem lại hạnh phúc cho dân bằng đấu tranh giai cấp, cưỡng bách tập thể hóa, rồi bắt người ta xếp hàng vào trại cải tạo! Chính những người lãnh tụ như Karl Marx, Lenin trong lòng họ không thấy được bình an. Cho nên họ mới hô hào cải tạo cả loài người bằng phương pháp cưỡng bách. Cuối cùng tư tưởng của họ đưa tới những lãnh tụ như Stalin, như Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh, Pol Pot.


Người ta không thể đem cả một xã hội làm thí nghiệm cải tạo loài người, như chơi trò đen đỏ. Cần phải ấn định các thủ tục, các quy tắc sống chung để xã hội được bình an, bảo đảm đức khoan dung được thể hiện, nghĩa là chấp nhận các ý kiến đối lập, và sau cùng để cho người dân bỏ phiếu tự do lựa chọn! Người dân có thể nhầm chọn lựa các người cai trị không giỏi. Nhưng ít nhất họ không phải là nạn nhân của các người tưởng mình có từ tâm nhưng làm toàn những việc chỉ gây ra tai họa.


Tác giả Phạm Duy Nghĩa than rằng xã hội Việt Nam bây giờ nhiều cảnh giết người, cướp của, hiếp đáp, băng đảng. Và anh khuyến cáo mọi người hãy học điều thiện, “tìm lại đức tin và tín ngưỡng,” “tìm lại gia phong đã rách,” để “hàng triệu người dân nghĩ thiện tì sẽ hành xử thiện.”


Ðó là những đề nghị và ước mong rất đáng kính. Nhưng muốn cho người dân tập sống thiện chúng ta cần tạo khung cảnh xã hội chung quanh khuyến khích điều thiện. Làm cách nào để cơ chế xã hội “khuyến khích điều thiện?” Cần phải xây dựng một cơ chế tự do dân chủ.


Trong ngày Giáng Sinh có lẽ chúng ta nên nói về hy vọng nhiều hơn là ôn lại những quá khứ đen tối đó. Từ mấy chục năm gần đây phải nói rằng chế độ dân chủ tự do mỗi ngày được đem ra áp dụng ở nhiều nước hơn. Ngay cả các chế độ độc tài cũng cứ phải mạo danh tự gọi mình là dân chủ. Năm 1947 trên thế giới có khoảng 39 nước có thể coi là theo chế độ dân chủ tự do. Từ khi bức tường Berlin sụp đổ, con số đã tăng lên, nay có hơn 120 quốc gia đang áp dụng thể chế dân chủ. Theo đà này thì chúng ta có thể tin nhân loại sẽ sống khoan dung với nhau hơn, hy vọng cũng sẽ bình an hơn.


Dù theo bất cứ tôn giáo nào, ngày lễ lớn hôm nay có thể giúp chúng ta cơ hội tìm về một cõi bình an cho chính mình. Chúng tôi xin chúc quí vị độc giả hưởng những giờ phút an lạc một cuối tuần trong dịp lễ Giáng Sinh năm nay.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 910 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 79
Khách: 79
Thành Viên: 0