|
|
Vào
lễ Giáng Sinh vừa qua, Ðại hội toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân Việt
Nam đã bế mạc sau 3 ngày hội họp tại Hà Nội. Hội này do đảng cộng sản
dựng lên để nắm thành phần nông dân, là lực lượng lao động chính yếu ở
nông thôn. Đại hội kỳ V quy tụ gần 1.200 đại biểu, đại diện cho số hội
viên khoảng 10 triệu người, và có thành phần chủ tọa hùng hậu gồm Tổng
Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nhà
nước CSVN Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh và Trần
Ðức Lương; Chủ tịch Quốc hội bù nhìn Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và
Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Huỳnh Ðảm...
Đọc
diễn văn trong lễ khai mạc, Nông Đức Mạnh dài dòng tâng bốc những
"thành quả vượt bực của giai cấp nông dân", và nhấn mạnh đến việc cần
"Bảo đảm thực sự quyền làm chủ của nông dân, thực hiện dân chủ hóa,
công khai hóa, tạo điều kiện cho nông dân lao động được biết, được bàn,
được kiểm tra mọi quá trình kinh tế, xã hội diễn ra ở nông thôn; được
tham gia lựa chọn và giám sát cán bộ và bộ máy quản lý hoạt động ở cơ
sở".
Đồng thời, Nông Đức Mạnh cũng nhắc lại khẩu hiệu: "Xây dựng
giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức
vững mạnh là vấn đề có tính nguyên tắc, là một nhiệm vụ cực kỳ quan
trọng".
Từ khởi thuỷ, đảng cộng sản Việt Nam vẫn chủ trương phân
chia xã hội thành nhiều giai cấp để dễ bề thống trị, đưa công nhân và
nông dân thành lực lượng nòng cốt để khống chế các thành phần khác. Họ
được hứa hẹn sẽ có đời sống vật chất và tinh thần ấm no hạnh phúc,
nhưng điều đó mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ ngoài tầm tay. Trên thực tế,
những người nông dân và công nhân Việt Nam cũng bị bóc lột tàn tệ như
những thành phần khác trong xã hội.
Dân số Việt Nam hiện nay là
85 triệu người, khoảng 70% sống ở nông thôn. Thành phần lao động nông
nghiệp chiếm 56% lao động cả nước, nhưng tổng sản lượng nông nghiệp chỉ
chiếm 25% GDP, một tỷ lệ bất cân xứng so với con số nông dân đông đảo.
Thu nhập của người nông dân Việt Nam rất thấp so với nông dân các nước
khác trên thế giới. Theo thống kê của ngân hàng thế giới (World Bank,
WB) thì nông dân Đan Mạch có mức thu nhập thường niên là 63.000$ US,
nông dân Pháp 59.000$ và Mỹ 54.000$, trong khi nông dân Việt Nam có thu
nhập chỉ 250$, thấp hơn cả những quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á như
Cam Bốt (420$) hay Lào (620$).
Thu nhập thấp có nhiều nguyên
nhân, từ thiên tai thì ít, mà từ "nhân tai" thì rất nhiều. Việc phân
phối những loại phân bón hay thuốc trừ sâu đều nằm trong tay những công
ty của các tư bản đỏ, có nhiều phù phép trong việc nâng giá. Trong khi
lúa gạo bán ra phải qua tay các thương buôn đỏ, có nhiều kinh nghiệm
trong việc ép giá. Nông dân bị kẹt giữa 2 đầu, mà đầu nào cũng có đường
giây leo cao đến thượng tầng của chế độ. Vào cuối tháng 3 năm nay, khi
giá gạo trên thế giới lên cao thì nhà nước ra lệnh cấm xuất cảng. Đến
tháng 6, khi gạo rớt giá, lệnh cấm được giải toả. Nông dân dở khóc dở
cười, vì bán ra thì lỗ, mà để lại thì không có kho, đằng nào cũng chết!
Tuy
nhiên, những điều đó vẫn chưa nói lên hết được kiếp lầm than của 60
triệu người dân nông thôn. Cuộc đời "bán mặt cho đất, bán lưng cho
trời" của họ sẽ tiếp diễn mãi cho đến các đời sau, bởi vì con cái của
họ đều lâm vào cảnh thất học do gia đình không kham nổi những chi phí
quá cao. Tại Cà Mâu, mỗi năm có tới 10.000 học sinh các cấp phải bỏ
học. Tại Bạc Liêu có lớp gần 1/2 học sinh vắng mặt. Tỉnh Quảng Ngãi có
4.000 học sinh miền núi phải bỏ trường. Đó là tình trạng chung nhiều
nơi. Cuộc sống thiếu thốn không chỉ khiến con cái nông dân phải bỏ học,
mà còn bị bán làm dâu xứ người để mang về một khoản tiền nhỏ nhoi. Có
từ 15 đến 17 ngàn cô dâu Việt đang sống ở Nam Hàn, trên 100 ngàn ở Đài
Loan, 30 ngàn ở một số nước khác, tổng cộng khoảng 150 ngàn, đều xuất
phát từ đồng bằng Cửu Long, riêng tỉnh Tây Ninh có trên 10 ngàn cô dâu
xứ Đài. Đây không phải là những cuộc hôn nhân bình thường theo tiếng
gọi của con tim, mà chỉ thuần là việc mua bán. Sau khi các công ty môi
giới khấu trừ mọi chi phí thì bậc cha mẹ còn nhận được vài trăm đô la,
vừa đủ dựng một căn nhà lá, trong khi những nàng Kiều thời đại phải đối
diện với một tương lai đầy bất trắc. 40% những cuộc hôn nhân kiểu này
bị gẫy đổ trong 5 năm đầu, nhiều trường hợp đưa đến những cái chết
thương tâm.
Đó vẫn chưa phải là tất cả số phận đen tối của người
nông dân. Điều ác nghiệt hàng đầu là ruộng đất canh tác, phương tiện
sinh sống của họ, luôn là miếng mồi ngon trước lòng tham của cán bộ có
chức quyền. Đó là nguyên do khiến tình trạng "dân oan khiếu kiện" có
mức độ trầm trọng nhất tại những vùng nông thôn. Tuần trước, vào sáng
17-12, 500 nông dân tỉnh Kiên Giang đã nhất loạt biểu tình để phản đối
việc chính quyền chiếm đoạt ruộng đất vốn do bà con khai phá từ đất
hoang để cấy lúa trên 12 năm nay. Công an đến đàn áp, bắn vào dân khiến
9 người bị trọng thương. Gần nhất, vào đúng ngày lễ Giáng Sinh, công an
cưỡng chiếm đất mà người dân đã canh tác trên 50 năm tại huyện Quốc
Oai, Hà Nội, đánh nhiều người bị thương. Từ những thực tế đó, việc nhà
nước rêu rao: "bảo đảm quyền làm chủ của giai cấp nông dân" trước sau
vẫn chỉ là chiêu bài lừa bịp.
Trong "liên minh công nhân - nông
dân - trí thức" mà Nông Đức Mạnh đề cập, thành phần công nhân, vốn được
đảng mệnh danh là "giai cấp lãnh đạo cách mạng", trên thực tế cũng chỉ
là nạn nhân của một chính sách bóc lột tàn tệ. Họ bị đem ra rao hàng
với giá rẻ mạt để làm miếng mồi câu đầu tư ngoại quốc, như nghị quyết
Trung ương 7 đã chủ trương "Giá nhân công rẻ là một lợi thế quan trọng
để phát triển." Vì thế so với những nước trong vùng, công nhân Việt Nam
có mức lương thấp nhất. Năm 2005, lương tháng của công nhân Việt Nam
tại các xí nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc là khoảng 40 đô la, so với
Cam Bốt là 45$; Trung cộng 63$; Phi Luật Tân, Thái Lan 100$. Năm 2008,
mức lương phổ biến của công nhân Việt Nam là từ 790.000 đồng đến
925.000 đồng/tháng, chỉ bằng 1/20 lương công nhân Đại Hàn.
Mức
lương thấp, gặp tỷ lệ lạm phát trên 20%, càng làm đời sống của hơn 12
triệu công nhân Việt Nam thêm cơ cực. Có nhiều trường hợp công nhân bị
cắt xén lương bổng, chửi mắng, đánh đập, lục soát thô bạo… tệ hại hơn
cả dưới thời thực dân, phong kiến. Năm 2006, có gần 400 vụ đình công
trên toàn quốc để đòi quyền lợi hay phản đối bóc lột. Năm 2007 có gần
550 vụ, và năm 2008, con số này lên gấp đôi. Chỉ riêng tại Sài Gòn,
trong 10 tháng đầu năm 2008 đã có 198 cuộc đình công. Có đợt đình công
cùng một lúc tại 36 công ty ở Sài Gòn, gồm hơn 40.000 công nhân. Điều
tệ hại hơn nữa là công nhân không được phép thành lập công đoàn độc
lập, nên họ không có phương cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình, đành
nhắm mắt chịu đựng cán bộ nhà nước bắt tay cùng chủ nhân mặc tình thao
túng.
Đó là thực trạng thê thảm của 2 tầng lớp công nhân và nông
dân dưới chế độ Việt cộng. Vì thế những luận điệu tuyên truyền của CSVN
đã bị rơi rớt từ nhiều năm nay, mà chỉ tồn tại trên những bài diễn văn
của thành phần đầu lãnh. Vế thứ 3 trong cái "liên minh" giả tạo này là
thành phần "trí thức" thì chưa bao giờ cộng sản có thể tranh thủ được.
Bởi vì những giá trị của trí thức là "tự do" và "nhân bản", lại không
song hành với một chế độ độc tài. Do đó, cái gọi là tầng lớp "trí thức
xã hội chủ nghĩa" không bao giờ là điều mà chế độ có thể khoe khoang.
Từ đó, bài diễn văn đọc ngày Giáng Sinh của Nông Đức Mạnh hiện nguyên
hình là một sản phẩm tuyên truyền xa rời thực tế.
Trần Hùng Nguồn: Việt Tân
|