Thứ Năm, 2025-01-23, 11:11 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 31 » Giới trẻ nói về kiểm soát blog
11:13 AM
Giới trẻ nói về kiểm soát blog


2008-12-29

Việt Nam ban hành thêm thông tư quản lý nhật ký điện tử trên internet, ngăn cấm phổ biến quan điểm chính trị, tôn giáo, hay xã hội trên các trang blog. Cộng đồng blogger phản ứng như thế nào trước thông tin này?

AFP photo

Internet thông dụng phổ biến toàn cầu-việc kiểm soát không đơn giản

Đó là đề tài của loạt thảo luận nhiều kỳ trên Diễn Đàn, bắt đầu từ tuần này,để ghi nhận ý kiến của các blogger trẻ từ nhiều miền đất nước: Nhung từ Hà Nội, Bắc ở Hà Tây, và ba người bạn tại Nghệ An là Phương, Ngọc, và Thường.

Các bạn trẻ tự giới thiệu:

Nhung : Tôi tên là Trang Nhung, 26 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội. Tôi cũng là một trong số các blogger sử dụng trang Yahoo.360 .

Bắc : Tôi tên là Bắc, quê ở Hà Tây, hiện tại đang làm trong Nam.

Ngọc : Tôi là Ngọc, hiện nay đang làm việc tại Nghệ An.

Thường : Tôi tên là Thường. Tôi ở Nghệ An.

Phương : Tôi là Phương, hiện đang ở Nghệ An và cũng đang sử dụng blog. Tôi cũng đang hoạt động trong các công ty, hiện nay hoạt động trên báo ạ.

Nghị định quản lý blog

Trà Mi : Như các bạn cũng biết là trong Tháng Mười Hai này có thêm một thông tư nữa để quản lý riêng đối với loại hình blog. Như vậy thì chỉ trong một thời gian ngắn thôi nhà nước đã không ngừng ban hành nhiều quy định nhằm kiểm soát thông tin trên blog cá nhân. Điều này đã khiến cho nhiều người thắc mắc là tại sao nhật ký điện tử cá nhân lại được nhà nước quan tâm đến như vậy? Các bạn là những blogger trẻ ở Việt Nam, các bạn có câu trả lời cho câu hỏi này không?

Theo tôi thì các blog hiện nay có nhiều tin tức về chính trị hay về tôn giáo, đó là những vấn đề nhạy cảm trong xã hội Việt Nam hiện nay mà nhà nước muốn tránh đề cập.
Trang Nhung, Hà Nội

Nhung : Theo tôi thì các blog hiện nay có nhiều tin tức về chính trị hay về tôn giáo, đó là những vấn đề nhạy cảm trong xã hội Việt Nam hiện nay mà nhà nước muốn tránh đề cập.

Hiện tại thì truyền thông chính thống ở trong nước đều tránh đề cập đến những tin tức mà nhà nước cho là nhạy cảm, cho nên khi các blogger đã nhập cuộc trong các việc này thì nhà nước cũng quan ngại.

Trà Mi : Đó là ý kiến của Nhung. Các bạn khác, các bạn có ý kiến nào khác?

Ngọc : Tôi nghĩ rằng hiện nay Việt Nam là thời điểm nhạy cảm mà người ta rất quan tâm như mấy vụ vừa rồi liên quan tới Thái Hà, tới Toà Khâm Sứ, liên quan tới tôn giáo, thì ở trong nước người ta cũng có phản đối rất nhiều, rồi ở ngoài nước, điều đó ảnh hưởng tới chính trị. Cho nên tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam cũng rất lo sợ nên đã quản lý chặt chẽ hơn trong vấn đề thông tin này.

Trà Mi : Dạ, vừa rồi là ý kiến của ai ạ? (Ngọc: Của Ngọc ạ.) Vâng. Các anh khác có ý kiến nào khác không?

Thường : Tôi tên là Thường. Tôi thấy báo chí truyền thông, những cái thông tin đại chúng ở Việt Nam thì bây giờ hiện tại nó là của nhà nước Việt Nam, dường như nó là cái công cụ rất là hiệu quả của bên nhà nước, thế nên khi sự xuất hiện của blog là một cái nó mang tính đại trà, cá nhân, thì nhà nước lại không quản lý được, cho nên có rất nhiều những thông tin mà người ta đưa lên blog nói rất là thẳng thắn và như thế thì có khi nó không có lợi cho bên phía nhà cầm quyền.

Cho nên tôi nghĩ là nhà nước người ta muốn cấm, nhưng mà tôi tin rằng cái việc đấy có thể người ta sẽ không thành công. Bây giờ cái gì người ta chưa quản lý được thì người ta đầu tiên là cấm hoặc là bãi bỏ, nhưng mà sau đó nếu mà không hợp lý và người dân người ta phản đối thì lại thả ra thôi. Đấy là cái thường lệ mà tôi đã gặp rất là nhiều. Nhiều các quyết định của bộ này bộ kia cứ ra rồi sau đó mấy hôm mà không hợp thì bỏ đi, cho nên chắc là các bạn cũng yên tâm, không sao đâu.

Ảnh hưởng của blog tại VN?

Sự xuất hiện của blog là một cái nó mang tính đại trà, cá nhân, thì nhà nước lại không quản lý được, cho nên có rất nhiều những thông tin mà người ta đưa lên blog nói rất là thẳng thắn và như thế thì có khi nó không có lợi cho bên phía nhà cầm quyền.
Thường, Nghệ An

Trà Mi : Vâng. Cảm ơn ý kiến anh Thường. Hồi nãy hình như còn một anh nào đó muốn phát biểu phải không?

Phương : Tôi là My Phương đang ở Nghệ An. Chuyện nhà nước muốn quản lý blog này thì rất dễ hiểu thôi, là bởi vì chính quyền hiện nay đang lo ngại về vấn đề người ta đang nói lên những tiếng nói về sự thật, về công lý, nhưng mà việc đó em nghĩ là không nên quản lý vội, bởi vì nhà nước cũng nên nhìn nhận để mà nghe những chính kiến họ phát biểu, những ý kiến thẳng thắn bởi vì ở trong những thông tin này có nhiều cái tốt, nó giúp cho nhà nước ý kiến tốt hơn. Bây giờ mình nên lắng nghe đã, nên phân định rõ ràng coi cái nào cần thì mình lấy ý kiến.

Chứ còn bây giờ nhà nước cấm hoặc quản lý ngay lập tức thì lập tức có một phản ứng là người ta cảm thấy nhà nước mình không khách quan, hoặc người ta cảm thấy mất tự do đi.

Trà Mi : Giới hữu trách ở Việt Nam khẳng định là không thể buông lỏng quản lý blog, những gì các anh chị tình bày cũng cho thấy là blog hiện nay ở Việt Nam đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với nhà nước cũng như đối với xã hội, thì theo sự quan sát và theo kinh nghiệm thực tế của các bạn thì những ảnh hưởng đó là gì? Mức độ của nó ra sao? Các bạn có thể cho biết một cách cụ thể hơn không?

Thực sự ảnh hưởng của blog rất lớn. Nhờ qua blog mà nhiều người nói được ý kiến thẳng thắn của mình, nêu lên quan điểm của mình đối vớí chính trị cũng như là đối với nhà cầm quyền
Phương,  Nghệ An

Phương : Thực sự ảnh hưởng của blog rất lớn. Nhờ qua blog mà nhiều người nói được ý kiến thẳng thắn của mình, nêu lên quan điểm của mình đối vớí chính trị cũng như là đối với nhà cầm quyền, tại vì lâu nay nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng báo chí hay các nguồn thông tin như là công cụ để giúp mình trong việc quản lý hay cai trị dân, cho nên hiện nay blog có thể thoát ra khỏi sự chỉ đạo của nhà nước mà người dân có thể nói lên được tiếng nói của mình, cái nguyện vọng của mình.

Thời gian vừa qua ở đất nước Việt Nam đã xảy ra những vụ việc mà chúng ta đã biết. Thế giới người ta đã biết bộ mặt thật của nhà nước Việt Nam nhờ qua blog, qua thông tin. Chính vì thê mà hôm nay Việt Nam muốn ngăn cấm việc này.

Trà Mi : Đó là ảnh hưởng thực tế của các trang blog. Các bạn khác có ý kiến nào khác cho câu hỏi này hay không?

 Nhung : Theo tôi thấy thì ảnh hưởng của blog hiện giờ tại Việt Nam thực sự rộng lớn, tuy nhiên nếu điểm qua một số blog của các nhà báo nổi tiếng, của một số blogger nổỉ tiếng, thì có thể thấy là ảnh hưởng không phải là nhỏ.

Thí dụ như blog Osin hay là blog Vàng Anh chẳng hạn. Họ cung cấp những thông tin cùng những phân tích rất xác đáng về những sự kiện nổi bật tại Việt Nam như tham nhũng hay là tôn giáo hay là các vấn đề chính trị này khác. Qua các blog này thì mọi người có thể thấy được những thông tin nhiều chiều hơn, có thể nói phần nào khá khác biệt so với các thông tin chính thống và các trang báo truyền thông của nhà nước.

Họ cung cấp cho người đọc một cái nhìn khác vì thế mà nếu các blogger tiếp tục phát huy cái việc cung cấp thông tin như vậy thì có thể là trong tương lai sẽ có ảnh hưởng rộng lớn hơn hiện nay .

Tại sao phải kiểm soát?

Qua các blog này thì mọi người có thể thấy được những thông tin nhiều chiều hơn, có thể nói phần nào khá khác biệt so với các thông tin chính thống và các trang báo truyền thông của nhà nước.
Trang Nhung, Hà Nội

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến của Nhung. Cái lý do mà giới hữu trách giải thích sở dĩ phải quản lý blog là vì cần có khung pháp lý để mà giải quyết vấn đề tư tưởng xã hội, tạo môi trường hoạt động tốt cho blogger, thì các bạn có đồng tình với quan điểm này không?

Phương : Mình nên quản lý theo một cái xu hướng tự do hơn bởi vì Việt Nam đang trên đà phát triển, mà muốn phát triển tốt thì mình phải nhìn ra các nước phát triển, họ đã sử dụng blog như thế nào thì mình cũng nên học hỏi họ để mà sử dụng chứ không phải là bây giờ mình cắt đi tất cả các nguồn thông tin, những cái phát biểu mà nói lên chính kiến, nói lên sự thật.

Bởi vì quản lý quá chặt không cho họ phát biểu lên thì hạn chế mất cái quyền cá nhân của họ là một, cũng hạn chế đi bớt các tư tưởng tốt mà họ đưa lên, hạn chế bớt đi các thông tin và trao đổi mà cái quyền tối thiểu của con người đó là quyền trao đổi thông tin. Bây giờ nếu quản lý chặt chẽ không cho blog này phát triển tự do thì em nghĩ cần nên phải suy nghĩ lại.

Thường : Tôi cũng nhận thấy rằng cái việc nhà nước mà can thiệp vào cái blog cá nhân thì đây là một động thái thực sự vi phạm đến nhân quyền. Theo quan điểm của tôi thì tôi hoàn toàn không đồng ý và đây chỉ là một cái điển hình thôi trong rất nhiều những cái khác mà nó thuộc về cá nhân mà nhà nước đều can thiệp vào. Tôi hoàn toàn là không đồng ý với cái cách làm đấy. Đấy là cách làm rất là quen thuộc của bên phía nhà cầm quyền, tức là khi nào người ta cảm thấy là không quản lý được nữa thì người ta cấm nó đi, xem như là một giải pháp an toàn thôi.

Trà Mi : Ý kiến vừa rồi là của anh Thường. Bây giờ kế tiếp Trà Mi muốn được nghe ý kiến của anh Bắc .

Bắc : Mình thì cũng không đồng ý với cách quản lý này. Đơn giản hiện tại là thông tin trên mạng internet là vô cùng lớn; nếu mà các bạn chú ý trên CNN thì hiện tại họ có thêm chương trình All Reports tức là nó nhận hết những tin trên mạng gửi về cho CNN để họ có thể đưa tin. Chính vì thế mà mình thắc mắc tại sao nhà nước của mình lại cứ phải quản lý những cái này.

Nếu mà các bạn chú ý trên CNN thì hiện tại họ có thêm chương trình All Reports tức là nó nhận hết những tin trên mạng gửi về cho CNN để họ có thể đưa tin
Bắc, Hà Tây

Trà Mi : Lý do giải thích là cần một thông tư quản lý blog để giải quyết vấn đề tư tưởng xã hội và để tạo môi trường hoạt động tốt cho blogger đó anh.

Bắc : Tôi đánh dấu hỏi vào đó. Không hiểu tại sao họ lại muốn làm như thế thì mình cũng không đồng ý với cách làm ấy.

Chuyện không đơn giản

Trà Mi : Dạ. Anh Bắc không đồng tình với cách lý giải này, thế còn các bạn khác, những bạn ở đây thì các bạn có đồng ý với cách giải quyết hoặc là với cách viện dẫn như vậy không? Cái khái niệm môi trường hoạt động tốt cho blogger ở đây nên được hiểu như thế nào? Mời các bạn góp ý thêm.

Phương : Tôi nghĩ rằng nếu mà nhà nước muốn quản thì phải đánh giá được cái gì nó tạo nên cho đất nước mình phát triển hay không phát triển. Bây giờ blog mới phát triển ở Việt Nam, tức là so với các nước tiên tiến là đi sau rất là nhiều rôi.; một nguồn thông tin mới mà bây giờ mình mới được một chút thì mình lại cấm rồi lại bác bỏ thì không thể phát triển được. Cho nên chúng tôi không thể đồng tình được với chuyện quản lý này.

Trà Mi : Có anh nào muốn góp ý thêm không?

Thường : Tôi là Thường ở Nghê An.
Trà Mi : Dạ. Mời anh Thường.

Thường : Blog thuộc từng cá nhân cho nên việc quản lý rất là khó, thế nhưng mà khi cảm thấy nó khó quản lý mà cấm thì đây là một cách rất là tiêu cực. Tôi nghĩ là bên phía nhà nước phải có chính sách nào đấy và phải đối mặt với cái thực tế đấy, làm sao để cho nó trở nên cái kênh thông tin hiệu quả để giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận với những thông tin thực, bởi vì trên thực tế hiện nay ở Việt Nam nếu chỉ nghe những thông tin chính thống từ bên báo chí của nhà nước thì thường là những thông tin ấy bị bóp méo, những thông tin đấy không đáng tin cậy.

Trên thực tế hiện nay ở Việt Nam nếu chỉ nghe những thông tin chính thống từ bên báo chí của nhà nước thì thường là những thông tin ấy bị bóp méo, những thông tin đấy không đáng tin cậy

Thường, Nghệ An

Giờ ngay cả các blog mà cấm đi thì đúng là người Việt Nam không còn cơ hội để tiếp cận với thông tin.

Trà Mi : Vâng. Thưa anh, nhưng mà nhà nước muốn kiểm soát blog để ngăn chận và để xử lý những thông tin "sai lạc" nói về nhà nước, những thông tin "sai lạc" nói về tôn giáo, về chính trị, nhưng mà bây giờ các anh không đồng ý. Nếu không như vậy thì làm sao ngăn chận được những điều này?

Bắc : Thực ra những thông tin trên blog nó không có tính chất theo tôi thì nó không phải là thông tin chính thức.

Trà Mi : Thưa, có anh nào góp ý thêm không?

Phương : Nếu mà nhà nước muốn ngăn chận thì có việc nhà nước để làm cho tốt thôi, bởi vì các nào tốt, cái nào là chân lý thì nhà nước phải lấy cái đó mà ngăn chận được. Thế còn bây giờ nhà nước cứ dựa theo một chiều thì không thể ngăn chận dược bởi vì bây giờ ta biết là hơn 700 cơ quan báo chí thuộc của nhà nước quản lý mà nhà nước chỉ theo một chiều có lợi cho nhà nước, còn bây giờ ngăn chận blog thì các phát biểu ý kiến cá nhân của người dân bình thường sẽ không được nói lên. Mà muốn ngăn chận thì nhà nước chỉ có cách là làm cho đúng và cho công minh thì mới ngăn chận được, còn nếu nhà nước chỉ có làm như thế thì không thể ngăn chận được.

Cuộc thảo luận sẽ được tiếp nối vào giờ này tối Thứ Hai tuần sau. Mong quý vị đón nghe.

Mời quý vị thính giả góp tiếng với "Diễn đàn bạn trẻ" qua email vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn trong hộp thư thoại 001- (202) 530 7775. Quý vị muốn trực tiếp tham gia chương trình, xin vui lòng để lại số phone để chúng tôi tiện liên lạc. Ngoài ra, quý vị cũng có thể góp ý kiến thảo luận trên trang blog của Ban Việt Ngữ RFA ở địa chỉ  http://www.rfavietnam.com/.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 951 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 32
Khách: 32
Thành Viên: 0