|
|
Trong
thông cáo báo chí phổ biến hôm thứ Ba 30-12-2008 từ Paris, Tổ chức
Phóng viên Không biên giới RSF cho rằng, sinh hoạt báo chí tòan cầu
trong năm 2008 vẫn mang tính ảm đạm, cho dù xét về số liệu thì năm nay
những vụ đàn áp, cầm tù, sát hại, kiểm duyệt báo chí, có vẻ giảm so với
năm rồi.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phúc trình của RSF
năm nay là tình trạng các chế độ độc tài, tòan trị đang gia tăng sự
kiểm soát thông tin trên mạng Internet.
Báo cáo của RSF cho
thấy, mặc dù thiệt hại nhân mạng cũng như số nhà báo bị giam cầm có sút
giảm, tuy nhiên quyền tự do ngôn luận, nhìn tổng quát thì trên tòan
cầu, các thế lực cầm quyền phi dân chủ có khuynh hướng dòm ngó kỹ hơn
vào các website, các blog, video, Youtube, được tung lên mạng Internet,
bị cho là bất lợi cho chính sách cai trị độc đoán, và những ai mạnh dạn
lên tiếng đòi hỏi công lý, lẽ phải, sẽ bị trừng phạt mà hình thức thông
thường nhất là nhà tù.
Trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do trong
chương trình phát thanh về Việt Nam sáng ngày thứ Tư 31-12, khi đưa ra
sự so sánh về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam giữa các năm 2007 và
2008, ông Vincent Brossel, giám đốc RSF đặc trách khu vực Á Châu Thái
Bình Dương nhấn mạnh:
Không thể nói là tại Việt Nam sinh hoạt
báo chí được cải tiến vì thực tế cho thấy , gần đây số nhà báo, người
cầm bút bị giam giữ, xử lý, nhiều hơn so với hồi đầu năm nay. Mặc khác,
qua bản án dành cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến, người ta mới biết là nhà
nước gia tăng sự kiểm soát đối với những tờ báo thu hút đọc giả như
Thanh Niên, Tuổi Trẻ, có nội dung phóng khoán hơn những cơ quan thông
tấn, báo đài do nhà nước kiểm soát và quản lý trực tiếp.
Mặt
khác, gần đây Hà Nội cũng đặc biết chú ý tới những tiếng nói từ giới
bất đồng chính kiến được gởi lên diễn đàn Internet và tìm cách ngăn
chặn những quan điểm vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam.
Dịp
này, ông Vincent Brossel cũng mong rằng trong tương lai, nhà nước Việt
Nam sớm cải tiến sinh hoạt tự do báo chí mà Hà Nội thường quảng bá:
Chánh phủ Việt Nam nên chấm dứt việc kiểm duyệt, theo dõi những người
truy cập, sử dụng Internet, vì vừa rồi nhà nước đã ban hành những quy
định gắt gao, nhằm giới hạn, cấm đóan các blog, tức là trang nhật ký cá
nhân phổ biến trên mạng Internet, được xem là phương tiện đấu tranh cho
dân chủ, tự do, bất lợi cho Hà Nội.
Tổ chức Phóng viên Không
biên giới cho biết họ đang ráo riết vận động để blogger Điếu Cày cũng
như các nhà báo khác, được trả tự do. Ngoài ra, tổ chức này cũng vận
động công luận quốc tế cùng các ngành nghề kỹ thuật điện tóan, ứng dụng
các loại software và phổ biến phương tiện vi tính hiện đại, để có thể
chống lại việc Hà Nội kiểm soát, hay ngăn cấm sử dụng Internet với chủ
đích bảo vệ thể chế chính trị độc đoán ấy.
Người VN cần sống trong tự do, dân chủ
Để
ghi nhận ý kiến từ một người cầm bút trong nước, Đài Á Châu Tự Do cũng
đã tiếp xúc với luật sư Cù Huy Hà Vũ, phụ trách trang pháp luật trên
các báo thuộc bộ Tư Pháp và hội Luật gia Việt Nam. Ông nhìn nhận vai
trò hết sức quan trọng của ngành truyền thông đối với người dân, trong
cuộc sống hàng ngày: Quyền tự do ngôn luận của người dân nói chung , có
thể nói đó là khí trời, là nước để tồn tại, mà khó có gì có thể so sánh
nổi. Trong năm qua, các báo đài quan tâm đến Việt Nam đã đưa ra những
tin tức sốt dẻo về cuộc sống của dân chúng cũng như về hoạt động của bộ
máy của nhà nước. Giữa nhà nước với người dân phải tìm tiếng chung, thì
sức mạnh quốc gia sẽ càng lớn, nếu không có sự tương đồng giữa hai phía
thì đó là bi kịch của xã hội.
Dịp này, luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng
đặt vấn đề thiết thực đối với chánh quyền, trong các sinh hoạt truyền
thông, báo chí: Nhà nước cần nhìn và lắng nghe nguyện vọng của người
dân, bởi vì họ không có quyền lợi nào khác là được sống trong tự do,
trong dân chủ, có như vậy, mỗi một người dân Việt Nam mới có cuộc sống,
không chỉ đầy đủ về vật chất, mà còn sung mãn về mặt tinh thần. Trong
trường hợp đó, những quyền cơ bản của con người cần được nói lên, được
phản ánh nhận thức của mình đối với xã hội Việt Nam nói riêng và cả thế
giới nói chung, là cái điều vô cùng quan trọng đối với mọi người.
So
sánh những con số cụ thể về những vụ gây chết chóc, làm khó dễ, tìm
cách ngăn cản nhà báo hành nghề xảy ra khắp thế giới thì năm 2007 có 86
nhà báo bị giết, trên 900 bị bắt bớ, hơn 500 cơ quan truyền thông, báo
đài bị kiểm duyệt, trên 1500 nhà báo bị hành hung, hăm dọa.
Trong
khi đó, năm 2008 những trường hợp vừa nêu đã giảm thấy rõ, với 60 phóng
viên báo chí thiệt mạng, hơn 700 người bị bắt bớ, trên 350 cơ quan
thông tin, báo đài bị kiểm duyệt, hơn 900 nhà báo bị đánh đập, đe dọa.