Dân
Washington chúng tôi thấy trước là sẽ diễn ra phong trào ồ ạt những
chuyên viên vận động hành lang, những bàn luận gia quán cà phê nhưng
lại khá ảnh hưởng, những tay tư vấn truyền thông, những "chuyên gia" đã
được trả tiền, và cả những tay vận động say mê và riêng lẻ. Ai mang lại
cuộc tấn công dữ dội của những luật sư đặc biệt này? Tại sao đó lại là
Barack Obama, người đã thề là sẽ "thay đổi" cách vận hành của
Washington và trục xuất ra khỏi phạm vi sinh hoạt chính trị tất cả "các
nhóm quyền lợi đặc biệt", những nhóm đã từng bị mô tả như là một hình
thức sinh hoạt thấp kém. Hẳn nhiên đây là một lời hứa mà Obama chắc sẽ
không giữ được.
Phương cách duy nhất để triệt tiêu hoạt động vận
động hành lang và các nhóm quyền lợi đặc biệt là phải triệt tiêu chính
quyền. Chính quyền càng mạnh bao nhiêu thì những hoạt động vận động
hành lang càng phải lớn mạnh bấy nhiêu. Do vậy, một cách ngược đời,
tham vọng mở rộng bộ máy chính quyền của Obama sẽ khuyến khích gia tăng
những nhóm tư vấn đặc biệt. Bạn chỉ cần nhìn vào những đáp ứng đối với
kế hoạch "kích thích kinh tế" - tổng cộng khoảng 700 tỷ đô - để kiểm
chứng sự thật vĩnh cửu này. "Cơn Sốt Vận Động Hành Lang đối với các
nguồn Quỹ Liên Bang" (A Lobbying Frenzy for Federal Funds) đã là tựa đề
của bài tường thuật trang nhất của báo Washington Post. Gói cứu nguy ngành công nghiệp xe hơi cũng đã đang lên cơn sốt tương tự.
Sẽ
còn thêm nữa. Ông Obama đề ra chương trình tái cấu trúc đối với một
phần ba trọng lượng của nền kinh tế: mảng chăm lo sức khoẻ, chiếm
khoảng 16 phần trăm của tổng sản lượng nội địa (GPD); mảng năng lượng,
gần 10 phần trăm của GPD; và mảng tài chính (các ngân hàng, các định
chế môi giới chứng khoán, các công ty bảo hiểm), khoảng 8 phần trăm
GPD. Sẽ có một sự huy động khổng lồ của những nhóm quyền lợi, từ các
chuyên viên tia X (radiologists) đến những nhà sản xuất năng lượng có
thể tái phục hồi (renewable-energy); từ các quỹ đầu tư (mutual funds)
đến các bệnh viện. Bara Vaida, một nhà báo uy tín về vận động hành lang
của tờ National Journal, đã nói "Theo cái nhìn thông thái
truyền thống thì là ... điều này sẽ là một sự phồn thịnh cho Phố K" -
một địa bàn có tính biểu tượng cho giới vận động hành lang ở
Washington.
Giới vận động hành lang đã bị chụp những cáo buộc
xấu, đó là lý do tại sao có các chính trị gia thường gièm báng họ. Lên
án họ hoàn toàn là một sự cường điệu không thể biện luận. Người ta muốn
đổ những bất mãn của chính họ lên trên một âm mưu nào đó của những tay
lái buôn nhếch nhác nhưng có nhiều ảnh hưởng. Những vụ bê bối có tính
định kỳ dường như củng cố những định kiến rập khuôn này: vụ Jack
Abramoffs là người đã cung phụng các giới chức làm luật, hay những dân
biểu quốc hội như Duke Cunningham là người đã nhận hối lộ từ những nhà
thầu các dự án chính phủ và chuyển cho họ những nguồn tài chính của
liên bang. Nhưng điều chính yếu phải nói là những thành kiến đối với
vận động hành lang là những chuyện thêu dệt phổ biến.
Chuyện
không thật thứ nhất cho rằng vận động hành lang là chống dân chủ bởi vì
nó làm vô hiệu "những nguyện vọng của quần chúng". Thật ra phải nói
ngược lại: vận động hành lang là cách thể hiện dân chủ.
Chúng ta
là một tập hợp của những nhóm quyền lợi đặc biệt, và quyền lợi đặc biệt
của một cá thể lại chính là công việc làm hoặc là hành động dấn thân vì
đức hạnh của một cá thể khác. Nếu người dân không thể tổ chức để tạo
ảnh hưởng lên chính quyền - như để ngăn chặn hoặc điều chỉnh những
quyền hành của nó - thì nền dân chủ tiêu vong. "Nguyện vọng của quần
chúng" ít khi quan sát được, bởi vì quần chúng thường bất đồng ý kiến
và có những mong muốn không nhất quán. Dĩ nhiên, "lợi ích công cộng"
nên luôn được đặt ưu tiên, nhưng cái đại diện cho lợi ích công cộng lại
luôn là vấn đề tranh cãi. Ý tưởng cho rằng việc chọn lựa những quyết
định phải diễn ra trong một môi trường chân không - được uỷ nhiệm cho
một người tuyệt thông thái - chính là hoàn toàn phi dân chủ. Những
người vận động hành lang gọt dũa tranh luận bằng cách cung cấp lối ra
cho một khối cử tri đông hơn và mang đến cho chính quyền thêm nhiều
thông tin.
Huyền thoại thứ hai là vận động hành lang thiên vị
người giàu, bao gồm các công ty, bởi vì chỉ có họ mới có thể trang trải
được các chi phí vận động hành lang. Chính quyền thiên vị những thành
phần này, bỏ quên người nghèo và tầng lớp trung lưu. Nhưng thật ra,
những dữ kiện đã chứng minh ngược lại.
Chắc chắn rằng những
người giàu bòn rút những đặc quyền từ chính quyền, nhưng chủ yếu họ mới
chính là những người đầy tớ của chính quyền. Theo thông tin của Văn
phòng Ngân sách Quốc hội thì 10 phần trăm những người giàu nhất nước Mỹ
phải trả khoảng 55 phần trăm của tổng số thuế liên bang (và trong số
đó, 1 phần trăm giàu nhất trả đến 28 phần trăm. Khoảng 60 phần trăm của
số ngân quỹ liên bang là 3 ngàn tỷ được chi phí đến những cá nhân - hầu
hết là những người nghèo và tầng lớp trung lưu. Bạn có thể tranh luận
rằng những gánh nặng và những phúc lợi phải là lớn hơn, nhưng nếu người
giàu thực sự có nhiều quyền lực, họ chỉ phải trả thuế thấp hơn nhiều.
Đối với người nghèo và thành phần trung lưu, chính họ có những đoàn thể
đấu tranh rất nhiều quyền lực. Chỉ xin nêu ra tên của ba đoàn thể: AARP
là cho những người hưu trí và gần tuổi về hưu; AFL-CIO là cho những
công nhân không tham gia nghiệp đoàn; Center on Budget and Policy
Priorities là cho thành phần nghèo.
Chuyện bịa đặt sau cùng là
vận động hành lang chiếm hầu hết các đặc quyền được tiếp cận với những
nhà lập pháp mấu chốt và những nhân viên quốc hội - và những nhóm quyền
lợi đằng sau mua đứt những đặc quyền được tiếp cận này. Dĩ nhiên điều
này xảy ra, nhưng đó không phải là vấn đề chính.
"Hoạt động vận
động hành lang là rất thực chất và công khai hơn nhiều so với những
chuyện người ta bỉ thử nó. Những người vận động hành lang trước hết là
phải thuyết phục những người làm luật bằng những dữ kiện", nhà báo lão
thành về vận động hành lang Jeffrey H. Birnbaum đã viết như thế trong
tờ Washington Post. Nếu những người làm luật "thấy những giá
trị và đòi hỏi của công chúng trong một xu hướng nào đó, thì họ sẽ có
khuynh hướng bỏ phiếu theo đó". Hoạt động vận động hành lang là một
phương pháp tiếp thị hiện đại: đó là nỗ lực chuyển quyền lợi nhỏ hẹp
của một nhóm thành một điều có thể lĩnh hội, dù đúng hay sai, được xem
như là sự phục vụ "quyền lợi công cộng" rộng rãi. Hãy nhìn vào trường
hợp vận động hành lang thành công, khi cho chìm xuồng hướng sản xuất
nhiên liệu chạy xe từ bắp ngô.
Theo Center for Responsive
Politics thì trong năm 2008, có khoảng 16 ngàn chuyên viên vận động
hành lang có đăng ký - tức là những người có tiếp xúc với quốc hội một
cách đầy đủ để thực hiện việc tường trình tuân theo luật về vận động
hành lang có tên 1996 Lobbying Disclosure Act. Con số này tăng khoảng
50 phần trăm kể từ năm 1998. Nhưng đó là còn chưa kể đến những đội quân
hùng hậu của những chuyên vấn giao dịch, những người quản lý quảng cáo,
những cố vấn internet, những chuyên gia chính sách (ở những trung tâm
nghiên cứu và nhiều nơi khác) là những người được trang bị đầy đủ để
tạo ảnh hưởng lên chính quyền – và bao gồm cả một đội ngũ yểm trợ khổng
lồ, ví dụ như là "những người xếp hàng" để giữ những vị trí tốt cho
những luật sư đắt giá trong những buổi điều trần quốc hội quan trọng.
Theo ước tính của James Thurber, giáo sư chính trị học của đại học
American University thì kích thước của khối vận động hành lang này lớn
lên tới 261.000 người.
Dưới thời của Obama sắp tới, khối vận
động hành lang này sẽ nở rộng ra. Không ai có thể nghi ngờ về việc vận
động hành lang có thể ảnh hưởng lên các chính sách công cho các mục
tiêu riêng. Đôi khi điều này bao gồm luôn cả những ưu đãi được che đậy
kín đáo: như là ngân khoản được nhét thêm vào một đạo luật, những biệt
đãi về thuế, những ưu tiên về luật lệ. Mặc dù nó có vẻ là lớn đối với
những nơi nhận được các ưu đãi, nhưng trong phạm vi chính quyền thì hầu
hết đây là những khoản nhỏ (toàn bộ khối lượng chi cho dịch vụ này chỉ
chưa đầy 1 phần trăm của kinh phí liên bang). Những gì thật sự quan
trọng chính là những chính sách lớn có tính quyết định kích thước và
hướng đi của chính quyền. Hoạt động vận động hành lang bảo đảm những
vấn đề được mổ xẻ một cách thực tế, và bất luận kết quả cuối cùng là
tốt hay xấu, đó chính là nền dân chủ đang vận hành.
Robert J. Samuelson
Nguồn: Newsweek, số ra ngày 22-12-2008
Nguyễn Văn Hiệp chuyển ngữ