Phóng viên Bảo Khánh:
Xin chào anh Phương Nam – Đỗ Nam Hải. Hôm nay là
ngày 31/12/2008, nghĩa là chỉ còn vài tiếng nữa thì năm 2008 sẽ qua và năm 2009
sẽ đến. Đề nghị anh cho biết sơ lược một số nhận xét của mình về tình hình Việt
Nam trong năm 2008 vừa qua.
Trả lời:
Vâng, xin kính chào chị Bảo Khánh, xin kính chào
quý thính giả của Việt Nam Sydney radio. Tôi là Phương Nam – Đỗ Nam Hải đang
phát biểu từ thành phố Sài Gòn – Việt Nam. Trước hết, xin cho phép tôi được gửi
lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng năm mới đến tất cả quý vị thính giả của đài.
Trong năm 2008 vừa qua, chúng ta thấy nổi bật lên một số nét chính về tình hình
Việt Nam như sau:
1) Về kinh tế:
+ Tình hình lạm phát gia tăng, sản xuất và dịch
vụ đi xuống, đời sống của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam gặp khó khăn chồng
chất. Nhiều người lao động bị mất việc làm và đi đôi với nó là không có thu
nhập. Ở Việt Nam lại không có hệ thống an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối
thiểu cho người thất nghiệp, cho người nghèo không có nơi nương tựa
+ Cuộc khủng hoảng của nền kinh tế thế giới trong
năm 2008 vừa qua cũng đã tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phải
thấy rằng: sự yếu kém của bản thân nền kinh tế Việt Nam mới là nguyên nhân
chính. Nó có từ trước khi sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới trên diễn ra.
+ Những gói giải pháp nhằm chống lạm phát, chống
suy thoái kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa ra, tuy bước đầu cũng
đạt được những kết quả nhất định nhưng đó chỉ là những kết quả nửa vời, không
căn bản và nhất định sẽ bùng phát trở lại trong năm 2009 tới. Bởi vì nguyên nhân
sâu sa của vấn đề xuất phát từ thể chế chính trị lạc hậu là vẫn còn nguyên.
+ V.V…
2) Về chính trị:
Ở Việt Nam hôm nay, khi mà thế kỷ 21 đã bước qua
được tròn 8 năm rồi thì dân tộc Việt Nam vẫn còn phải chịu ách áp bức bởi một
thể chế chính trị độc tài toàn trị, phản dân chủ và phản dân tộc. Đó chính là
vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi nỗi quốc nạn
và quốc nhục của dân tộc ta. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, chế độ ấy luôn tập
trung quyền lực vào trong tay một thiểu số cầm quyền bất lương trong Đảng cộng
sản Việt Nam. Chính điều này đã làm triệt tiêu sự cống hiến cho quốc gia, cho
dân tộc của rất nhiều người con ưu tú, những lực lượng chính trị tốt nhất trong
từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nó vừa là nguyên nhân sâu sa, vừa là
nguyên nhân trực tiếp đã nảy nòi ra cái bộ máy hư hỏng, thối nát hiện nay.
Bộ máy ấy không hề lấy sự ủng hộ của lòng dân để
xây dựng và phát triển mà lại lấy súng đạn, nhà tù và sự lừa bịp nhân dân làm cơ
sở tồn tại cho nó. Những biểu hiện ra bên ngoài của bộ máy ấy là tình trạng tham
nhũng, lãng phí tràn lan, là môi trường sống bị hủy hoại. Là sự áp bức, bất
công, tụt hậu và đói nghèo có đầy trên mảnh đất này. Tình trạng mua quan, bán
chức, đạo đức xã hội đi xuống và tội phạm các loại ngày càng tăng. Nền an ninh
quốc gia, an ninh biên giới, an ninh biển Đông và an ninh của mỗi người dân ngày
càng bị xâm phạm nghiêm trọng. Nói tóm lại, những tác động xấu xa của nó chẳng
những là trong kinh tế mà còn là trong tất cả các mặt khác của đất nước như:
giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, v.v… Điều này
cũng là dễ hiểu, khi mà tập đoàn cầm quyền thiểu số luôn đặt quyền lợi của họ
lên trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Tập đoàn ấy lại không bị một cơ chế
kiểm soát và giám sát nào, do chế độ độc đảng hiện nay đã cho phép họ được tung
hoành như vậy.
Phóng viên Bảo Khánh:
Đề nghị anh cho biết một số nét về tình hình của
cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, trong năm 2008 vừa qua.
Trả lời:
+ Một điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người
tham gia vào công cuộc đấu tranh dân chủ hôm nay. Nỗi sợ đã dần được đẩy lùi. Họ
thực hiện các công việc như: khẳng định và chủ động thực thi các quyền tự do
thông tin, tư tưởng, ngôn luận, báo chí, lập hội, lập đảng, ra báo, biểu tình
đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi bảo toàn đất tổ, v.v… mà không cần phải xin
phép nhà cầm quyền. Lý luận của họ tuy đơn giản nhưng lại có cơ sở rất vững
chắc: đây là những quyền tự do căn bản thiêng liêng của con người. Những ai ngăn
cản nó thì chính những kẻ đó mới là phạm pháp, chứ không chúng tôi!
+ Họ thể hiện các quyền đó trên các làn sóng phát
thanh từ bên ngoài hướng về trong nước, trên các diễn đàn Internet, qua điện
thoại, fax, qua các cuộc bàn luận trong nhà, ngoài trời và cả trên đường phố.
Cần khẳng định rằng: tất cả những cuộc giải truyền đơn, biểu tình, thả bóng bay
vào cuối năm 2007 và trong năm 2008 vừa qua để đòi các quyền dân sinh, dân chủ,
đòi bảo toàn đất tổ, v.v… là rất ôn hòa và hoàn toàn hợp pháp. Họ là những người
yêu nước và họ không hề có tội. Tuy nhiên, cũng cần phải tránh kiểu suy nghĩ cho
rằng: đó là nội dung hoạt động chính của công cuộc đấu tranh dân chủ. Bởi vì nếu
ai có suy nghĩ như vậy thì khi những việc này tạm lắng xuống vì các lý do khách
quan sẽ dễ có tư tưởng bi quan, thất vọng cho là phong trào dân chủ đã bị nhà
cầm quyền cộng sản Việt Nam dập tắt.
+ Sự đàn áp phong trào dân chủ của công an Việt
Nam trong năm 2008 vừa qua một mặt chứng tỏ rằng: bản chất muốn triệt tiêu mọi
tiếng nói dân chủ là không hề thay đổi trong giai cấp cầm quyền. Nhưng mặt khác,
nó cũng chứng tỏ rằng: khả năng đàn áp của bộ máy công an trị ấy đã giảm đi rất
nhiều so với 10 – 30 – 50 năm về trước. Nắm vững được điều này, chúng ta càng
củng cố thêm niềm tin tất thắng vào cuộc đấu tranh dân chủ và nhìn thấy rõ sự
thất bại không thể tránh khỏi của chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở Việt Nam.
Phóng viên Bảo Khánh:
Đề nghị anh cho biết một số dự báo của mình về
tình hình Việt Nam trong năm 2009 và những công việc cần làm sắp tới của phong
trào dân chủ Việt Nam.
Trả lời:
+ Tôi cũng cho rằng tình hình kinh tế thế giới
trong năm 2009 sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn, song từng bước thế giới cũng sẽ
vượt qua được cơn khủng hoảng ấy. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế Việt Nam thì sẽ
bị tiếp tục lún sâu vào cơn khủng hoảng chung kia và còn kéo dài của riêng Việt
Nam nữa. Điều này là do sự quản lý và điều hành yếu kém của nhà cầm quyền và do
những yếu kém toàn diện của bao năm trước đó tích tụ lại. Đời sống của nhân dân
sẽ càng khó khăn hơn cả về vật chất, tinh thần và an ninh. Nhà cầm quyền cộng
sản Trung Quốc, với bản chất bá quyền nước lớn sẽ vẫn tiếp tục ép Việt Nam về
mọi mặt, mà họ có thể. Trong khi giai cấp cầm quyền cộng sản Việt Nam lại hèn
yếu, nhu nhược luôn đặt quyền lợi của họ lên trên quyền lợi của dân tộc.
Tất cả tổng hợp lại sẽ làm cho sự căm giận, phẫn
uất của nhân dân đối với giai cấp thống trị hiện nay ngày càng dâng cao. Điều đó
vừa là nỗi bất hạnh của dân tộc ta nhưng cũng lại là những điều kiện, tiền đề
tốt có thể tạo ra những bước phát triển đột biến tích cực cho công cuộc đấu
tranh dân chủ ở Việt Nam trong năm 2009 này. Phong trào dân chủ Việt Nam sẽ vừa
chủ động tạo ra thời cơ, vừa nhạy bén nắm bắt thời cơ khi nó xuất hiện, tiến lên
giành lấy nền tự do dân chủ cho dân tộc!
+ Theo tôi, những việc cần làm sắp tới của phong
trào dân chủ Việt Nam là:
* Tiếp tục khẳng định và chủ động thực thi các
quyền tự do căn bản của con người như: tự do thông tin, tư tưởng, ngôn luận, báo
chí, lập hội, lập đảng, ra báo, biểu tình đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi
bảo toàn đất tổ,…
* Tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ phong trào
dân chủ. Đồng thời, đấu tranh mạnh mẽ với các thế lực đen tối do lực lượng công
an Việt Nam tổ chức, chui vào phong trào để đánh phá từ trong ra. Phương châm
là: chúng ta đoàn kết để đấu tranh và cũng qua đấu tranh để thực hiện sự đoàn
kết thực chất, chứ không phải sự đoàn kết giả tạo, bề ngoài.
* Tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, liên minh các
lực lượng dân chủ ở trong và ngoài nước. Xây dựng, củng cố những mối liên minh
sẵn có và phát triển những mối liên minh mới. Trong đó chú ý xây dựng mối liên
minh với các lực lượng dân chủ ở các nước hiện vẫn còn đang rên xiết dưới chế độ
độc tài như: Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn, v.v…
* Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ về mọi mặt của
thế giới dân chủ. Đề nghị họ song song với sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh
tế, chính trị, quân sự, an ninh, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, v.v… với Việt
Nam thì cũng yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự
do của người dân, khi mà họ đã ký kết với quốc tế, nhưng lại không hề tôn trọng
ở Việt Nam.
* Xây dựng một bản dự thảo Hiến pháp đa đảng.
Trong đó tôn trọng quyền tư hữu tài sản của công dân, kể cả quyền tư hữu về đất
đai. Chế độ hộ khẩu cũng dứt khoát được bãi bỏ. Đây là những điểm khác nhau căn
bản về chất so với hiến pháp hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam.
* Đồng bào Việt Nam ở ngoài nước khi có điều kiện
hãy về sát cánh với đồng bào trong nước cùng đấu tranh dân chủ.
Phóng viên Bảo Khánh:
Anh có muốn nói thêm điều gì với thính giả của
đài?
Trả lời:
Sự nghiệp đấu tranh dân chủ là sự nghiệp chính
nghĩa và là của toàn dân, chứ không phải của riêng ai. Trong đó kể cả các viên
chức hiện đang làm việc trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam và cả những người
trong quân đội, công an cũng là những lực lượng dân chủ tiềm tàng. Đa phần trong
số họ cũng thuộc tầng lớp bị trị. Chúng ta cần nhớ rằng: cách đây gần 20 năm,
khi các nước Đông Âu thoát được ách độc tài cộng sản và giành được nền tự do dân
chủ thì hệ thống công an, quân đội của các nước này là vẫn còn nguyên vẹn. Thế
nhưng họ đã không bắn vào đoàn người biểu tình đòi tự do dân chủ. Bởi vì họ hiểu
rằng: đó chính là ý chí, nguyện vọng của dân tộc họ. Nhiều người trong số họ đã
hòa cùng với đoàn biểu tình. Rõ ràng, một sự thay đổi trong nhận thức đã dẫn đến
sự thay đổi trong hành động. Tôi luôn tin tưởng rằng: Đông Âu hôm nay chính là
ngày mai của Việt Nam!
Cuối cùng, với tư cách cá nhân và cũng với tư
cách là thành viên trong Ban điều hành lâm thời Khối 8406, tôi xin kính chúc quý
thính giả của Việt Nam Sydney radio luôn được mạnh khỏe, an lành và hạnh phúc.
Xin chúc cho nền dân chủ Việt Nam đến sớm.
Tháng 12/2008
Phương Nam – Đỗ Nam Hải.
|