Những
ngày cuối năm 2008, báo mạng VN tràn ngập bài vở quanh chuyện
vui có lẽ lớn nhất năm 2008, khiến người đọc có thể phát ngộp. Ngộp vì những bài vở hình ảnh sau chiến thắng của đội tuyển VN trong giải Vô đich Đông Nam Á 2008 . Sau
trận thắng 2-1 trên sân vận động Thái lan, hôm 28/12 , VN gỡ hòa
1-1 ở phút cuối trận đấu lượt về trên sân Mỹ Đình và giành được chiến
thắng chung cuộc với tỉ số 3-2 Báo
chí VN vừa nổ vừa tung : 80 triệu con tim vỡ òa , một đêm không ngủ,
niềm vui bất tận , kỳ tích , chiến thắng lừng lẫy 100%
vị trí cao nhất, đẹp nhất trên nửa trang VNNet đã được lấp kín cập
nhật về bóng đá , cả VNE, VNN, Dân trí, Kênh 14… đều tưng bừng với các
chùm ảnh nóng bỏng, các bài tường thuật cập nhật không khí trên sân,
các clip cổ động viên trước và sau trận đấu, tới các hình ảnh ăn mừng
của cổ động viên cả nước… khắp
các blog được update, hàng loạt các entry, blast, avatar tràn lan hình
ảnh, cảm xúc mới nhất, chân thực nhất về không khí ăn mừng của… chính
mình hoặc chính mình chứng kiến: Vỗ tay, nhảy múa, tràn ra đường, quốc
kỳ rợp trời, các dụng cụ nấu nướng, chai lọ… được đem ra làm trống,
tiếng hô vang “Việt Nam vô địch”, người ta bị xô đẩy ngã xe rồi lại
nhiệt tình nâng nhau dậy – không một lời cãi vã, chỉ còn chung một nụ
cười trên môi… Tờ Tuổi Trẻ chạy những hàng tít : Việt Nam vô địch, giấc mơ 49 năm thành hiện thực, Nổ tung trời đêm mừng chiến thắng của tuyển bóng đá VN Chưa
có bao giờ đẹp như hôm nay, cả nước xuống đường reo vang "Việt Nam vô
địch". Huế, Sài gòn, Đà nẵng, Nha Trang, Hà Nội...chung một niềm vui,
chung nước mắt nụ cười cho giấc mơ quá dài đã thành hiện thực. Lướt
qua những bài báo về chiến thắng trên sân banh này, người đọc lai bắt
gặp những chuỗi từ ngữ quen thuộc đến mòn nhẵn của những bài diễn văn
chính trị, bài nào cũng đầy ắp những tình yêu tổ quốc nồng cháy,
những niềm tự hào dân tộc , những tầm cao thời đại … ….Sau
khi trận đấu kết thúc hơn 3 giờ, tức là gần một giờ sáng mà nhiều ngả
đường gần sân Mỹ Đình, nhiều đường phố Hà Nội (và có lẽ là nhiều đường
phố trong cả nước), đông đảo những chàng trai, cô gái tuổi 18, đôi
mươi, những người chủ tương lai của Việt Nam hôm nay vẫn đứng trong giá
lạnh hát vang bài ca chiến thắng, biểu thị niềm tự hào và tình yêu Tổ
quốc nồng cháy. Một dân
tộc đáng yêu, đáng tự hào, đáng trân trọng như vậy chính là chỗ dựa, là
niềm tin, là sức mạnh to lớn... Đảng và các nhà lãnh đạo đất nước thật
hạnh phúc khi được dân tộc đó giao phó vận mệnh lãnh đạo và đầy vinh dự
được lãnh đạo dân tộc đó. Và cả nuớc mắt nữa , giời ạ! Tôi
không tin vào những gì đang diễn ra. Bên cạnh tôi, đã có nhiều người
khóc. Khóc! Một niềm vui khó tả khi 80 triệu trái tim đang cháy bừng
lên khát khao chiến thắng. Tôi
đang KHÓC ! bây giờ là 11h30 ngày 29/12 nhưng sao tôi vẫn KHÓC .Tôi vừa
tỉnh dậy sau 1 đêm thức trắng.Đêm qua tôi không dám KHÓC vì để dành
sức cổ vũ cho Việt Nam.Và bây giờ khi xem lại những hình ảnh của đội
tuyển ngồi một minh trong phòng tôi đã KHÓC , nước mắt của người Việt
Nam trong tôi đang chảy… ** Xin có đôi lời bàn quanh chuyện vui cuối năm 2008 này Trước
hết, hàng chục ngàn người, hàng trăm ngàn người của nhũng dòng người
cuồng nhiệt phất cờ gióng chiêng trống hò reo ấy, họ đã ở đâu, làm
gì, vào những ngày thanh niên sinh viên kéo nhau đến trước đại sứ
quán, lãnh sự quán Trung Cộng đòi trả lại Hoàng Sa Trường Sa cho VN?
Sao chỉ có vài trăm người , như trang mạng xcaphevn.org tường thuật : Sáng
nay có đến NON MỘT TRĂM thanh niên sinh viên nam nữ tụ tập trước lãnh
sự quán Trung Quốc trên đường Nguyễn thị Minh Khai để biểu tình, trong
đó có tôi, thế hệ 8x. Lực lượng Công an và An ninh khá đông, một số bạn
trẻ tìm cách tiếp cận đám đông thanh niên biểu tình thì bị một số nhân
viên công an ngăn chặn và tịch thu một số truyền đơn cũng như khẩu hiệu
của các bạn. .. Cả nước
hơn 80 triệu dân, thế mà mỗi lúc xuống đường để đòi lại lãnh thổ bị
ngoại bang xâm chiếm thì chỉ vài trăm người dám tham gia, và lại còn
bị Công an ngăn chận, hạch sách, bắt bớ … 600 tờ báo lớn nhỏ thì
tuyệt im thin thít … Vậy thì chúng ta phải lý giải thế nào đây? Chẳng
lẽ đối với 80 triệu người thì một vùng lãnh hải diện tích bằng nửa đất
nuớc có mất vào tay nguời cũng không ngang tầm chiếc cúp vô địch đá
bóng quy tụ vỏn vẹn mấy nước Đông Nam Á? Xem
bài vở, hình ảnh nguời trong nước ăn mừng chiến thắng đá banh tối Chủ
nhật vừa qua, rồi đọc lại bài viết cuả Lyn Bacardi về cuộc biểu tình
tháng 12 năm 2007 chắc hẳn nhiều thính giả của SBS phải thấy chua
chát. Lyn Bacardi tin tuởng rằng: Cuộc
biểu tình không có quá đông người đến dự, nhưng tôi tin nếu được phát
động rộng rãi và có chút thời gian nữa chuẩn bị, thì con số 84 triệu
dân sẽ làm được một bài ai điếu bi tráng tặng riêng cho Hoàng Sa,
Trường Sa. Tất nhiên là
còn phải nhiều điều kiện khác nữa , những điều kiện liên quan đến thái
độ của nhà cầm quyền , những điều kiện liên quan đến cái tâm thức của
84 triệu dân trong nước. Ngày nào mà người dân chỉ biết lấy chuyện
thắng cuộc thi hoa hậu, hay đoat chiếc cúp đá banh làm niềm tự hào
dân tộc, thì xin muợn lời nhà thơ Nguyễn Viện viết trong bài “Hoàng
Sa-Trường Sa 2007-2008 : Lời ai điếu cho một dân tộc “ đăng trên trang
mạng tienve.org, để nói về năm 2009 và những năm sau nữa Cũng
vào thời điểm này của năm 2007, việc Trung Quốc hợp thức hóa huyện Tam
Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã dẫn tới những phản ứng
mãnh liệt của sinh viên học sinh và một số văn nghệ sĩ Việt Nam bằng
những cuộc biểu tình tự phát. Chính
quyền Việt Nam phản ứng tiêu cực và khó hiểu là đàn áp biểu tình, bắt
bớ người yêu nước tham gia, tạo đà cho Trung Quốc đi bước thứ hai cưỡng
chiếm lãnh thổ Việt Nam vào cuối năm 2008 bằng việc công bố đầu tư 29
tỉ đô la khai thác dầu khí trên vùng biển này. Trước
đó, Trung Quốc đã khuyến cáo và buộc Công ty Exxon Mobil của Mỹ phải từ
bỏ hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò dầu khí trên vùng biển Đông.
Vùng địa lý có diện tích bằng một nửa diện tích đất liền của Việt Nam này đang bị Trung Quốc khống chế. Một dân tộc vốn tự hào là ra ngõ gặp anh hùng, thế nhưng 80 triệu người Việt Nam đã câm lặng chịu nhục hoặc thờ ơ vô cảm. Chính quyền hiện hữu đã thành công trong việc triệt tiêu sức đề kháng của dân tộc. Trong
sự đau xót đó, có người “đùa”, sẽ đến ngày “người máy” của Bộ Ngoại
giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở
pháp lý để khẳng định chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình đối với
Hà Nội và các vùng phụ cận…” Nếu
Đảng và nhà nước này tiếp tục đàn áp và bắt bớ người yêu nước (như
trường hợp nhà báo tự do Hoàng Hải) thì câu chuyện đùa trên có thể sẽ
là sự thật không xa. ** Đến đây lại nói về niềm tự hào dân tộc. Nhìn
lại năm qua, những vụ gọi là gây “ấn tuợng” nhất về hình ảnh VN, về
truyền thông, là chuyện các nhà baó bị khủng bố vì phản đối Trung
Cộng đã và đang thôn tính Hoàng Sa Trường Sa, mà nặng nề nhất là nhà
báo Nguyễn Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày bị kết án tù, chuyện các nhà
báo viết bài tố cáo vụ tham nhũng PMU 18, mà bị phạt nặng nhất là hai
nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến phải ra tòa, riêng ông
Chiến bị 2 năm tù . Về
mặt tôn giáo, nổi bật nhất là chuyện đối đầu giữa Nhà Thờ và Nhà Nuớc
trong vụ tranh chấp đất ở giáo xứ Thái Hà và Toà Khâm Sứ, với kết quả
ban đầu có thể tóm tắt trong câu “sức manh ở nòng súng “. Về mặt phụ nữ, vẫn chuyện “hàng trăm cô gái VN xếp hàng cho vài ông Nam Hàn tuyển chọn mua về làm vợ “. Về mặt ngoại giao, cuối năm 2008 dồn dập nhiều sự kiện: Chuyện
dài nhiều tập “cán bộ toà Đại sứ VN tại Nam Phi buôn lậu sừng tê giác”
chưa có hồi kết, thì đến chuyện Cộng hoà Czech ngưng cấp visa cho người
Việt, vì tình trạng phạm pháp trong cộng đồng nguời Việt tại nước này
gia tăng . Thế nhưng nổi bật hàng đầu là chuyện PCI. PCI
là vụ 4 quản trị viên công ty tư vấn Thái Bình Dương của Nhật hối lộ 2
triệu 600 ngàn đô la Mỹ cho Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám Đốc Sở GTVT
thành phố HCM, kiêm Giám Đốc dự án Xa Lộ Đông Tây và Dự án cải thiện
môi truờng nuớc, KIÊM XUÔI GIA của Bí thư Thành Uỷ thành phố HCM Lê
Thanh Hải. 2 triệu 600 ngàn Mỹ kim này là bên nhận hối lộ đã thông cảm
bớt xuống chỉ còn 10% tổng kinh phí dự án, chứ lẽ ra, như các quản
trị viên Nhật cho biết thì “đáng lẽ phải đến 15% tổng kinh phí dự án
cơ!”. Tokyo yêu cầu CSVN điêù tra – vì e ông Sỹ tẩu tán tài sản, nhưng Hà nội vẫn cứ đánh bài lờ. Mãi
đến khi ra truớc hội nghị quốc tế cấp viện cho VN, Nhật Bản loan báo
ngưng viện trợ thì chuyện điều tra Huỳnh Ngọc Sỹ được xúc tiến và hoàn
tất trong thời gian kỷ lục là dăm ba hôm! Một thính giả/độc giả của đài BBC sống ở Tokyo đã thố lộ Khi
các đồng nghiệp Nhật vô tình kể câu chuyện tham nhũng này với thái độ
bất bình, xoi mói, tôi cảm thấy tổn thưong vô cùng và chỉ muốn đất dưới
chân mình nứt ra để có chỗ cho tôi chui xuống. Tôi có lỗi gì? Hàng
triệu người Việt có lỗi gì mà phải chịu nỗi nhục này? Bao người đang
nỗ lực tạo dựng hình ảnh của Việt Nam nhưng mấy phần trăm những kẻ ăn
trên ngồi trốc đó đang ngày đêm huỷ hoại. Nếu tôi là Thủ tướng ư? Tử
hình không thương tiếc những kẻ tham ô trên 500 triệu đồng như luật
định. Hãy làm gì đó để rửa cái mặt Việt Nam đi hỡi các ngài có trách
nhiệm! ** Chuyện
PCI chưa đến hồi kết, và câu hỏi “Tuớng Sỹ Tuợng” còn những ai dính líu
trong vụ này nữa chưa có câu trả lời, thì xảy ra tiếp vụ một phi công
VN Airlines bi bắt quả tang chuyển hàng ăn trộm về nuớc, cùng việc phát
giác cả 1 đường dây nguời Việt được tổ chức đưa sang Nhật để trộm cắp
hàng hoá tại các trung tâm thuơng mại để chuyển về VN. Báo Nguời Việt tại Hoa Kỳ tóm tắt lại vụ này và cho biết thêm chi tiết về cái nhìn của người Nhật đối với nguời Việt như sau: Sau
vụ PCI , vụ nhân viên, tiếp viên và phi công của Vietnam Airlines, tổ
chức trộm cắp hàng hóa trong các trung tâm mua sắm tại Nhật để vận
chuyển hàng gian về Việt Nam tiêu thụ, vụ “tu nghiệp sinh” Việt Nam bị
các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của chính quyền CSVN bóc lột như nô
lệ, vụ lãnh sự quán CSVN tại Osaka tại Nhật bán passport Việt Nam cho
tất cả mọi người, vụ đại sứ quán CSVN bị một công đoàn địa phương tại
Nhật kiện,... trên nhiều diễn đàn điện tử tại Nhật, nhiều người Nhật
cực đoan đang kêu gọi tẩy chay người Việt, đuổi hết người Việt về nước,
cắt vĩnh viễn các khoản viện trợ cho Việt Nam. Có người so sánh viện
trợ cho Việt Nam uổng hơn là đổ tiền vào... cống, bởi tiền thuế của họ
đang được dùng để nuôi bọn “dòi bọ” ở Việt Nam... Vụ
tai tiếng liên quan tới Vietnam Airlines bắt đầu từ ngày 10 tháng 8,
sau khi cảnh sát quận Kumamoto bắt quả tang hai “tu nghiệp sinh” người
Việt đang ăn cắp hàng hóa của một trung tâm mua sắm. Hai “tu nghiệp
sinh” này đến Nhật để làm việc cho một công ty xây dựng hồi tháng 2.
Mỗi tháng họ nhận được 70,000 Yen nhưng bị các doanh nghiệp “xuất khẩu
lao động” của chính quyền CSVN “trấn lột” 50,000 Yen/tháng nên không đủ
sống và được một nhân viên của Vietnam Airlines tại Nhật tuyển mộ để đi
ăn cắp mỹ phẩm... Báo
chí Nhật cho biết, cảnh sát Nhật đã xác định có tới 85 người Việt liên
quan tới tổ chức trộm cắp này. Ðồng thời, cảnh sát Nhật tuyên bố, việc
đưa “tu nghiệp sinh” Việt Nam sang Nhật làm việc có dấu hiệu buôn người
nên đã đề nghị cảnh sát hình sự quốc tế hợp tác điều tra. Hôm
17 tháng 12, cảnh sát Nhật đã bắt quả tang Ðặng Xuân Hợp, phi công của
Vietnam Airlines đang vận chuyển hàng gian về Việt Nam. Cảnh sát xác
định có khoảng 50 nhân viên (bao gồm cả phi công lẫn tiếp viên hàng
không) của Vietnam Airlines dính líu đến tổ chức trộm cắp và vận chuyển
hàng gian đang bị điều tra. Vì các nghi can cùng cho biết những Văn
phòng đại diện của Vietnam Airlines tại Nhật là nơi cất giấu hàng trộm
cắp nên một đợt khám xét những văn phòng này vừa được thực hiện. Báo
chí Nhật và một số du học sinh tại Nhật đã cung cấp thêm nhiều thông
tin để lý giải vì sao “tu nghiệp sinh” Việt Nam tại Nhật phải tham gia
vào các tổ chức trộm cắp do nhân viên Vietnam Airlines tổ chức. Về
lý thuyết, “tu nghiệp sinh” là một dạng học nghề nên dù sang Nhật để
làm thuê song không được trả lương mà chỉ được hưởng “trợ cấp”. Nhưng
muốn được sang Nhật làm “tu nghiệp sinh”, những người này phải đóng
khoảng 1 triệu Yen/người cho Sovilaco hoặc Suleco (những cong ty quốc
doanh, độc quyền xuất khẩu lao động sang Nhật). Vì
sợ “tu nghiệp sinh” bỏ trốn, Nguyễn Gia Liêm - đại diện của Bộ Lao Ðộng
Thương Binh Xã Hội CSVN được cử sang Nhật để “giám sát, bảo vệ quyền
lợi cho người lao động Việt Nam” đã yêu cầu giới chủ ở Nhật thu giữ
passport, thẻ ngoại kiều của “tu nghiệp sinh” nhằm bảo vệ quyền lợi cho
Sovilaco hoặc Suleco. Ða số chủ hãng của Nhật chỉ dám giữ passport của
“tu nghiệp sinh” vì thu giữ giấy tờ tùy thân của người khác là vi phạm
luật pháp của Nhật. Gần
như tất cả “tu nghiệp sinh” tại Nhật phải làm việc khoảng 20 tiếng/ngày
và 7 ngày/tuần nhưng chỉ được trả “trợ cấp” 70,000 Yen/tháng (khoản thu
nhập chỉ bằng một nửa mức thu nhập tối thiểu) vì là... “tu nghiệp
sinh”. Bất công thứ ba là 50% khoản trợ cấp 70,000 Yen/tháng đó được
giới chủ Nhật chuyển vào tài khoản của Sovilaco hoặc Suleco tại Nhật,
để Sovilaco hoặc Suleco khống chế “tu nghiệp sinh”: Một mặt ngăn ngừa
họ bỏ trốn do lao động cực nhọc, lương thấp, mặt khác để hưởng tiền
lời. Nếu “tu nghiệp sinh” đau bệnh, xin trở về nguyên quán sớm hoặc có
lỗi lầm dẫn tới bị sa thải trước khi “hợp đồng gửi đi làm tu nghiệp
sinh” hết hạn, Sovilaco hoặc Suleco sẽ tịch thu toàn bộ số tiền 50% đã
giữ mỗi tháng để “bồi thường các thiệt hại do vi phạm hợp đồng”. Ðó là
chưa kể, mỗi tháng, một tu nghiệp sinh còn phải trả cho Sovilaco hoặc
Suleco 10,000 Yen “quản lý phí”. Một
blogger người Việt có nickname là “Minh T”, sống tại Nhật khẳng định:
“Với 25,000 Yen còn lại, phải dành 10,000 Yen trả tiền nhà/tháng,
15,000 Yen để trả các loại chi phí ăn, uống, điện, nước, ga,... gái
không làm điếm, trai không ăn cắp cho bọn hàng không Việt Nam mới là
chuyện lạ vì họ đã bị bóc lột đến tận xương tủy. Mong sao cảnh sát Nhật
phối hợp với ICPO (Hình cảnh Quốc tế), điều tra, hốt hết bọn bất lương
trong các đường dây buôn người của chính phủ Việt Nam như họ đã tuyên
bố”. ** Bài báo trên tờ Người Việt cho biết thêm rằng Bên
cạnh các scandal “PCI”, “Vietnam Airlines”, “Tu nghiệp sinh”... các
viên chức ngoại giao của Việt Nam tại Nhật cũng đang gay ra nhiều tai
tiếng khác . Chẳng hạn
là chuyện bán giấy tờ giả. Một phóng viên Nhật đã mua được sổ thông
hành VN từ lãnh sự quán CSVN tại Osaka với giá 30,000 Yen. Còn
tòa đại sứ CSVN tại Tokyo thì bị tình nghi chuyên chứng thực các bằng
lái xe giả (để người sử dụng được miễn thi lấy bằng lái xe tại Nhật).
Sở Cảnh sát Tokyo đã ra chỉ thị , theo đó, những giấy tờ do tòa đại sứ
CSVN chứng thực chỉ có giá trị sử dụng sau khi đã được Bộ Ngoại Giao
Nhật chứng thực lại, rằng con dấu của Tòa Ðại sứ CSVN trên giấy tờ là
dấu... thực! Vụ mới
nhất, đang khiến dân chúng Nhật phẫn nộ đó là việc một viên chức của
tòa đại sứ CSVN tại Nhật lăng mạ công đoàn tỉnh Aichi (Airoren), một
chi nhánh thuộc Tổng Công Ðoàn Nhật. Nguyên
do là vì , Airoren đã nhận sự ủy thác của nghiệp đoàn công nhân hãng
Toyota, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho 64 “tu nghiệp sinh” Việt Nam,
đang bị các công ty xuất khẩu lao động Sovilaco, Suleco của VN và các
công ty trung gian ở Nhật bóc lột. Sau
khi Airoren liên lạc với 64 “tu nghiệp sinh” này để làm các thủ thục
thay mặt họ nộp đơn kiện đòi quyền lợi thì cả 64 người đã bị tòa đại
sứ CSVN tại Nhật gọi lên “làm việc”. Trong buổi “làm việc” đó, “tu
nghiệp sinh” được yêu cầu chấm dứt quan hệ với Airoren bởi Airoren là
một “tổ chức phi pháp” hoạt động như “Mafia”. Một nguời trong số 64 “tu
nghiệp sinh” nay đã bí mật ghi âm và chuyển cuốn băng cho Airoren,
sau đó Airoren đã gửi văn thư phản đối đến nhà cầm quyền CSVN, yêu cầu
thủ tướng CSVN phải xin lỗi, nếu không, họ sẽ kiện đại sứ quán CSVN ra
tòa án Nhật. Blogger “Minh T” kể tiếp: “Tanaka
Masao - một cảnh sát viên của tỉnh Gunma đang tham gia điều tra vụ hàng
không Việt Nam, có cha từng là cố vấn quân sự cao cấp của Việt Minh,
nói như thế này với báo chí Nhật: Tôi không thể tưởng tưởng và hiểu
được, tại sao một dân tộc có 4,000 năm văn hiến, dũng cảm, lại để thế
hệ con cháu phải đi làm nô lệ ở xứ người như vậy”. Sau
những vụ vừa kể, trên các diễn đàn điện tử tại Nhật, có nhiều người
Nhật cực đoan kêu gọi tẩy chay người Việt, đuổi hết người Việt về nước,
cắt vĩnh viễn các khoản viện trợ cho Việt Nam. Có người so sánh viện
trợ cho Việt Nam uổng hơn là đổ tiền vào... cống, bởi tiền thuế của họ
đang được dùng để nuôi bọn “dòi bọ” ở Việt Nam... ** Trên diễn đàn Hội Nhà Văn, dịch giả Phạm Viết Đào viết: chưa
đầy vài tháng, dư luận Nhật Bản lại được mục kich sở thị những việc làm
nhem nhuốc của người Việt Nam tại đất nước Mặt trời mọc của họ; những
con người Việt Nam này chắc chắc không phải là loại công dân hạng bét;
riêng đối với Đặng Xuân Hợp và 50 người trong phi hành đoàn chắc chắn
phải mang hộ chiếu công vụ và tất nhiên họ được hưởng nhiều những ưu
đãi miễn trừ theo quy định riêng đối với ngành hàng không. Phạm
Viết Đào nhấn mạnh: đây kgông phải là một vụ ăn cắp vặt, cũng không
phải là lần đầu phi công, tiếp viên VN Airlines buôn lậu, mà ở VN
Airlines đã hình thành “băng nhóm” có tổ chức, để vận chuyển hàng ăn
trộm bằng phương tiện đường hàng không, và băng nhóm ăn trộm này
được đưa sang Nhật để hành nghề ăn cắp, ăn cắ có kỹ thuật cao mới
vô hiệu hóa những hệ thống bán hàng, canh giữ hàng bằng phương tiện
điện tử tinh vi của Nhật Những
ai có dịp ra nước ngoài không khỏi không có lúc phiền lòng vì đồng bào
mình đã gây ra nhưng chuyện nhem nhuốc làm sỉ nhục quốc thể, trong số
đó có cả những người nhà nước. Nhưng cả một tổ chức, một tập thể hình
thành một đường giây ngay trong một cơ quan nhà nước làm những việc
nhem nhuốc như thế thi đây là lần đầu. Theo
Phạm Viết Đào, Bất kỳ quốc gia nào cũng đều coi hàng không là bộ mặt
của quốc gia mình. Họ là sứ giả, là sứ thần để đưa bộ mặt của quốc
gia mình ra thế giới. Với những sự việc xảy ra ở Nhật liênc an đến VN Airlines, ông Đào kêu gọi: Phải bảo vệ những gì thuộc về danh dự dân tộc: Đói cho sạch, rách cho thơm! ** Nhân
ngày đầu năm dương lịch, xin gửi những thông tin trên đến những ai vẫn
còn gọi là “háo hức miềm tự hào dân tộc” với những hoa hậu, những
chiếc cúp đá bóng –dù chỉ là cúp vô địch của vỏn vẹn vài nuớc Đông Nam
Á- và xin hỏi thêm một lần nữa, nếu quả thật đã có những giọt nuớc mắt
lăn dài trên mặt hàng ngàn, hàng trăm ngàn, và như báo chí, truyền
thông của nhà nuớc Việt Nam đã nói “cả hàng triệu người Việt Nam” trong
đêm đội tuyển túc cầu Việt nam đoạt giải vô địch Đông Nam Á, mà báo chí
truyền thông nhà nuớc CSVN đã tung hô , thì có giọt nước mắt nào cho
Hoàng Sa, Trường Sa hay không ; có giọt nuớc mắt nào cho những nỗi nhục
mang tên Việt Nam ở Nam Phi, , ở Úc, ở Nhật Bản, ở Đại Hàn, Đài Loan,
Mã Lai hay không ? … SBS Radio Thứ Năm 1/1/2009 |