Trong mấy ngày đầu
năm 2009, các mạng lưới ở Việt Nam trao đổi tin tức và bàn tán rất
nhiều về vấn đề biên giới Hoa-Việt. Người Việt ở nước ngoài cũng thắc
mắc không kém.
Trên thế giới có hàng trăm quốc gia đang tranh chấp về biên giới với
nhau. Nhiều cuộc tranh chấp kéo dài hàng mấy trăm năm người ta vẫn đành
chịu, không giải quyết được. Vì ở các nước đó không chính quyền nào
muốn kết thúc cuộc tranh cãi với nước kia, sợ mang tiếng với con cháu
sau này là mình cam tâm bán nước. Thí dụ giữa hai nước Canada và Mỹ,
với 5,000 cây số biên thùy, hiện có 4 vùng tranh chấp “nổi cộm” kéo từ
miền Ðông (tiểu bang Maine và New Brunswich) qua miền Tây (Alaska và
B.C.). Có những cuộc tranh chấp bắt đầu từ năm 1783, khi nước Mỹ mới ra
đời, cho tới những vấn đề gay go nổi bật lên mới ba chục năm gần đây,
khi Canada xác định đường biển xuyên Bắc Cực là lãnh hải nước họ, còn
Mỹ thì coi đó là hải phận quốc tế! Chính phủ hai nước Mỹ và Canada vẫn
tiếp tục cãi nhau không ai chịu nhường ai, suốt hai trăm năm rồi chưa
nghỉ. Nhưng hai nước vẫn thân thiện không bao giờ phải gây chiến với
nhau (họ đánh nhau lần lần chót vào năm 1812, gần với bây giờ hơn cuộc
chiến giữa quân Việt Nam và nhà quân Thanh vào năm 1789). Ngoài các
cuộc tranh chấp với Mỹ ra, Canada còn tranh chấp biên giới với cả Ðan
Mạch nữa, nếu quý vị tò mò muốn biết thêm!
Nếu trên thế giới các nước láng giềng gần hoặc xa có thể cãi cọ nhau về
biên giới hàng trăm năm mà lúc nào cũng có thể giao thương thân thiện,
thì tại
sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại phải vội vàng làm công việc phân định
biên giới với Trung Quốc cho lẹ như vậy? Chắc hẳn hai đảng Cộng Sản họ
phải có những “ý đồ” mà người dân thường không hiểu được!
Bản tin chính thức của nhà nước Việt Nam nói rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã gặp ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vũ Ðại Vỹ vào ngày 29 Tháng Mười Hai, 2008.
Trước mặt ông Vũ Ðại Vỹ, ông Dũng bảo phái đoàn phía Việt Nam phải
“tích cực đẩy mạnh tiến độ để kết thúc phần việc còn lại trong tiến
trình phân biên giới và cắm mốc.”
Ngày 29 tức là chỉ có hai ngày là hết năm 2008, như vậy thì khi ông
Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh cho nhân viên trong chính phủ của ông phải
“tích cực đẩy mạnh tiến độ” có nghĩa là họ phải làm gì? Trong 2 ngày
còn lại đó các chuyên viên Việt Nam không thể nào duyệt lại được 2000
biên bản ghi về các vụ cắm mốc, với 2000 cái mốc. Cũng không thể đi coi
lại bất cứ một cái mốc nào còn bị nghi ngờ không đích xác. Cho nên, nói “tích cực đẩy mạnh tiến độ” chỉ có nghĩa là thúc giục “ký cái gì thì ký luôn cho nó rồi!”
Vì thế ngày hôm qua, mùng 2 Tháng Giêng năm 2009, hai bên
chính phủ mới “thông báo đã hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc biên
giới trên đất liền trong năm 2008 như hạn định.”
Bản thông báo này sẽ đi vào lịch sử. Giống như lá thư ngày 14 Tháng
Chín năm 1958 của ông Phạm Văn Ðồng. Trong lá thư đó, ông “Thủ tướng
chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” đã ngỏ ý tán “thành bản tuyên bố
về hải phận” của Trung Quốc ra trước đó mười ngày. Tuy ông Ðồng không
nói rõ là ông tán thành những cái gì, nhưng phía Trung Quốc họ ghim
ngay lấy lời nói đó để giải thích rằng một ông thủ tướng chính phủ Cộng
Sản Việt Nam nhân danh cả nước Việt Nam, đã công nhận các quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc hải phận Trung Quốc! Tên ông Phạm Văn
Ðồng đã được gắn liền với quyết định của Cộng Sản Việt Nam nhắm mắt cho
nước bạn xã hội chủ nghĩa phương Bắc thâu hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa vào hải phận - vì lợi ích của mặt trận vô sản toàn thế giới
chống đế quốc Mỹ!
Bản thông báo chung ngày đầu năm 2009 cũng có thể được Bắc Kinh giải
thích theo lối tương tự. Bởi vì nội dung nó cũng lập lờ như lá thư của
Phạm Văn Ðồng. Họ nói rằng “đã hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc
biên giới” nhưng không ai được trông thấy cái quá trình đó nó diễn ra
và nó kết thúc như thế nào. Không ai được thấy một cái bản đồ nào, nhất
là bản địa đồ những nơi mà người dân Việt Nam nghi ngờ Trung Quốc vẫn
muốn cưỡng đoạt - kể từ khi họ bắt đầu gửi chí nguyện quân vượt biên
sang giúp Cộng Sản Việt Nam vào năm 1950, rồi được thúc đẩy mạnh lần
nữa trong cuộc xâm lăng năm 1979.
Không người Việt Nam nào biết đích xác hai đảng Cộng Sản “đồng chí,
anh em” này đã thỏa thuận gì với nhau theo lời lẽ bản thông báo chung
trên đây. Ngoài một lời thông báo mơ hồ rằng họ đã “làm xong việc cắm
mốc rồi” thì không ai biết họ đã cắm cái gì ở đâu, cắm ra sao!
Bản thông báo mơ hồ đó sẽ bị các
chính quyền Trung Quốc lợi dụng. Ngay bây giờ hoặc hàng trăm năm sau
này, khi không còn chế độ Cộng Sản ở cả hai nước nữa, các người nắm
quyền ở Bắc Kinh có thể vin vào câu “hoàn tất quá trình cắm mốc” này để
nói rằng trên căn bản, những người cầm quyền ở Hà Nội đã thỏa thuận
hoàn toàn với những cột mốc mà người Trung Hoa đã cắm, cho tới ngày 1
Tháng Giêng năm 2009! Bao giờ thì hai bên mới kiểm tra lại được tất cả
2,000 cây cột, so với các bằng chứng lịch sử, để coi mỗi cây cọc có cắm
đúng chỗ hay không? Chính quyền Cộng Sản Việt Nam đoán rằng phải mất cả
năm mới hoàn tất việc đó. Nhưng nếu khi đi kiểm tra mới nhận ra những
điểm sai lầm, cố ý hoặc sơ xuất, ngay trên thực địa, thì còn phải tranh
luận cho tới bao giờ? Nếu công việc đó mất một năm trời mới xong, thì
tại sao không đợi tới lúc đó hãy thông báo việc hoàn tất? Tại sao phải
thông báo chung “đã hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc biên giới”
ngay từ bây giờ, ngay đầu năm 2009?
Ở trong “thông báo đã hoàn tất” này có một điều gì khuất tất, cho nên họ mới nói việc hoàn tất “trong năm 2008 như hạn định.” Ai
ấn định ra cái hạn định phải làm xong trong năm 2008? Chỉ có mấy ông bà
trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam mới biết vì đâu các đồng chí
Trung Quốc lại ra cái hạn định đó. Các ông Nông Ðức Mạnh,
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết đều đã gặp các người cầm đầu đảng
Cộng Sản và chính phủ Trung Quốc. Không biết rằng khi đi nói chuyện như
vậy thì họ nhân danh chính phủ nước này nói với chính phủ nước kia, hay
họ mang danh nghĩa các đồng chí Cộng Sản Việt Nam nói chuyện với các
đồng chí Cộng Sản Trung Quốc? Nếu là đồng chí Cộng Sản với nhau
thì mọi chuyện rất dễ nói. Vì đối với các con người Cộng Sản, biên giới
quốc gia là một di sản của thời kỳ tư bản bóc lột, do ý thức hệ tư bản
bầy đặt ra. Người Cộng Sản đổ máu đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản
toàn thế giới, những con người vô sản thì không có quê hương! Ðúng hơn,
đối với các chiến sĩ vô sản thì nơi nào có chế độ Cộng Sản nơi đó chính
là quê hương! Ông Lê Duẩn đã nổi tiếng với lời tuyên bố coi Liên Xô là
quê hương thứ hai của ông.
Gần đây, một trên báo điện tử ở Việt Nam có phỏng vấn một tác giả
ở Quảng Tây chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Giáo Sư Hoàng Tranh đã in
cuốn Hồ Chí Minh với Trung Quốc vào năm 1990, bản tiếng Việt dầy 400 đã
được dịch và ấn hành. Nhà báo nghe tác giả Hoàng Thanh kể rằng “trong
những tháng cuối cùng cuộc đời Hồ Chí Minh, túc trực bên giường bệnh
của ông là một đoàn bác sĩ Trung Quốc, cùng với các bác sĩ Việt Nam.”
Chúng ta biết vào những năm cuối đời, năm nào Hồ Chí Minh cũng sang
Trung Quốc dưỡng bệnh nhiều tháng để được các y sĩ Trung Hoa điều trị.
Trong sách trên, Hoàng Tranh kể, một buổi chiều cuối Tháng Tám, có lúc tỉnh lại, Hồ Chí Minh nói với các bác sĩ người Tầu: “Tôi muốn nghe ai hát một bài ca Trung Quốc.” Một
y tá của bệnh viện Bắc Kinh bèn cất giọng hát cho ông nghe, Hoàng Thanh
viết, “Hồ Chủ Tịch nghe xong, mỉm cười, và đấy là nụ cười chót của ông
trước khi hôn mê cho đến lúc qua đời.” Hồ Chí Minh chết ngày 2 Tháng
Chín năm 1969. Những chi tiết trên đây đã được đăng trên báo điện tử ở
Việt Nam.
Con người ta lúc sắp chết ai cũng nhớ đến quê hương của mình, ông Hồ
Chí Minh khác, ông muốn nghe một bài hát Trung Quốc. Ông đúng là một
con người quốc tế, không có đầu óc chật hẹp như đa số chúng ta! Nụ cười
sau cùng trên môi ông là cảm xúc về một bài hát tiếng Trung Quốc, chứ
không phải là một bài mẹ ru con vùng Nghệ Tĩnh.
Nhưng đại đa số người Việt Nam không chia sẻ chí hướng “cách mạng vô
sản toàn thế giới” của ông Hồ và các đồng chí do ông dậy dỗ. Cho
nên mọi người Việt bình thường vẫn thắc mắc về những mảnh đất đã mất,
những miền biển đã bị cướp. Cho nên trong nấy ngày đầu năm 2009 trên
các mạng lưới ở Việt Nam lại xôn xao chuyện biên giới Việt-Trung. Câu
hỏi cuối cùng vẫn là: “Tại sao họ phải hoàn tất việc cắm mốc trong năm 2008?”
Rất có thể vì trong năm qua các ông lãnh tụ Cộng Sản ở Việt Nam đã gặp
các đồng chí Trung Quốc rồi phải chấp nhận một điều kiện của họ là “hoàn tất việc cắm mốc trong năm 2008” thì mới được họ đáp lại bằng những điều khác.
Chúng ta không biết được hai đảng Cộng Sản đã trao đổi những quyền lợi
nào với nhau. Nhưng có thể đoán rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc rất thiết
tha hoàn tất việc cắm mốc biên giới càng sớm càng tốt. Họ có thể muốn
ăn chắc. Ai biết được, sang năm các ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng
còn ngồi đó hay không? Ai biết được bao giờ thì đảng Cộng Sản Việt Nam
cũng phải nhả chính quyền ra cho dân tự do bầu cử chọn lấy? Ở đời có
cái gì bền mãi đâu?
Muốn ăn chắc, Cộng Sản Trung Quốc ấn định một cái mốc: hoàn tất việc
cắm mốc biên giới trong năm 2008! Trước ngày cuối năm, ông Vương Gia
Thụy, trưởng ban đối ngoại của trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc đã
bay sang Hà Nội. Ðã có một thứ trưởng ngoại giao, lại gửi qua thêm một
ủy viên trung ương đảng, chắc hẳn là để nhắc nhở các đồng chí Cộng Sản
Việt Nam về tình đoàn kết Cộng Sản toàn thế giới!
Nhưng chắc các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam cũng khôn chứ không ngu
dại. Họ đồng ý với các đồng chí Trung Quốc, nhưng suốt năm vẫn trì
hoãn. Ðến cuối năm, họ không dám ký một nghị định thư mà chỉ làm một
bản thông báo chung thôi. Cũng giống như ông Phạm Văn Ðồng ngày xưa
vậy, nghĩ rằng mình cứ nói “tán thành” chung chung, không nói tán cái
gì và thành cái gì cả, cũng được. Nhưng áo mặc không qua khỏi đầu, Phạm
Văn Ðồng làm sao đánh lừa được Chu Ân Lai! Ký một chữ, ghi tên vào lịch
sử!
Bây giờ cũng vậy. Bản thông báo chung loan tin “hoàn tất việc cắm
mốc” nhưng không cho biết chi tiết cái mốc nào ở đâu. Sẽ từ từ coi, sẽ
bàn cãi thêm. Nhưng trong khi bàn cãi như vậy, bên nào sẽ mạnh miệng?
Người ta bảo “mạnh vì gạo, bạo vì tiền!” Bây giờ hàng hóa Trung Quốc
đang tràn ngập Việt Nam, đến nỗi quả trứng, mớ rau nhập từ Trung Quốc
cũng rẻ hơn hàng sản xuất ở Việt Nam! Nếu ông Vũ Ðại Vỹ đạt được đúng
yêu cầu ông nói, là “phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác chiến lược
song phương” thì không biết công nhân các xí nghiệp Việt Nam, các nhà
nông Việt Nam còn có việc gì làm không, ngoài việc đi làm mướn cho
Trung Quốc?
Ví thử các cuộc tranh luận về 2000 cột mốc kéo dài hàng trăm
năm mới kết thúc, thì trong thời gian đó, dù chưa có bản hiệp định nào
được ký kết cả, chính quyền ở Bắc Kinh vẫn có thể vin vào bản thông báo
chung ngày đầu năm 2009 để nói với cả thế giới rằng một chính quyền đại
diện cho toàn thể nước Việt Nam đã công nhận là việc cắm mốc kết thúc
tốt đẹp mĩ mãn rồi! Không còn gì để bàn cãi lại nữa!
Và như vậy thì cái tên ông Nguyễn Tấn Dũng hàng trăm năm sau sử sách sẽ còn ghi cho hậu thế không quên!
Ngô Nhân Dụng
|