Chủ Nhật, 2024-12-22, 10:14 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 5 » Nước nhục thì rửa bằng gì?
11:30 AM
Nước nhục thì rửa bằng gì?


§ Hoan Thiện

Năm 2008 đã kết thúc với nhiều tai tiếng ê chề cho hai chữ Việt nam. Ngoài việc tẩy chay của chính phủ Czech với tấm hộ chiếu Việt nam, vụ ăn cắp và vận chuyển hàng lậu của một vài nhân viên Việt nam Airlines có lẽ là giọt nước cuối cùng, làm tràn ly nước bài Việt của người Nhật. Nói không ngoa, scandale mới nhất, trong vô số scandale của hãng hàng không “quốc gia” đầy tai tiếng này, cũng đưa nỗi nhục nhã về quốc thể lên ngang tầm quốc gia, mà bất cứ người nào còn cho mình mang dòng máu Việt, cũng không khỏi ngẫm nghĩ với nhiều luồng dư luận trái chiều.

Đã có một số người Nhật cực đoan, gọi đồng bào của tôi trên đất Nhật là “lũ giòi bọ”.

Một nhà báo nổi tiếng, buông thõng một câu trên blog của mình: “nhục như con cá nục”!

Đám tả khuynh hiếu sát đã từng mắng nhiếc cụ Kiệt, đòi ném khi độc sarine vào các tín hữu Thái hà thì im hơi lặng tiếng.

Cũng vậy, một số tín hữu công giáo thì hả hê: “thiên bất dung nhan”, giờ thì lời Cha Kiệt được báo ứng nhãn tiền! Quả là việc Chúa làm!”

Tôi thì không tin đó là “việc Chúa làm”. Sự bôi nhọ, nỗi ô nhục của một dân tộc bị khinh miệt là đồ ăn cắp, đĩ điếm, buôn người, không thể là ý định của bất cứ thần thánh nào trên đời. Huống hồ là Jesus Christ, một Đấng lãnh tụ tôn giáo lành như đất, kẻ đã tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, người đã đặt trẻ em ngồi lên đùi hết sức nhân từ trong lúc thuyết giảng.

Chúa nào, Phật nào gởi tặng chúng ta sự ô nhục này? Không phải thế! Trong nỗi ê chề của quốc thể bị lăng nhục, tại sao chúng ta không nhìn lại mình, nhìn lại cái gọi là “những thành quả giáo dục” của mình? Đến nỗi nào, nền giáo dục của chúng ta đã sản sinh một số không ít, hay nói quá lên, là cả một thế hệ thực dụng đến mức chà đạp lên cả những nguyên tắc tối thiểu về đạo đức, để cả thế giới phải khinh miệt như thế?

Viên phi công, hay các tòng phạm của Vietnam Airlines, ắt hẳn không phải là người vô học. Ngược lại, cơ chế đặc quyền đặc lợi đầy rẫy trong xã hội Việt nam đương đại, càng làm cho tôi tin chắc rằng: họ là những cậu ấm, cô chiêu của xã hội, được cưng chiều, thụ hưởng những điều kiện tốt nhất về giáo dục nữa là khác. Chẳng nên dùng lý do học vấn, hay đói rách về kinh tế để giải thích cho những hành vi tội nghiệp của họ. Mà phải nhìn lại nền giáo dục của họ, của gia đình họ đã gieo trồng.

Một nền giáo dục sản sinh ra những con người như vậy, ắt hẳn là một nền giáo dục bệnh hoạn và băng hoại, cần được thay đổi tận gốc! Về vấn đề to tát này, nhiều bậc khả kính đã bàn, đã dũng cảm mổ xẻ, chắc không phải nói thêm gì nhiều, với vốn liếng hiểu biết của tôi vốn không nhiều nhặng gì trong lãnh vực này.

Rõ ràng, chúng ta đã gieo trồng các giá trị ảo, hay nói thẳng ra, là những giá trị giả dối. Chẳng nói đâu xa, từ một em bé đốt kho xăng được ông Trần Huy Liệu, bộ trưởng tuyên truyền thời ấy, ngụy tạo thành một anh hùng dân tộc ảo, chúng ta đã gầy dựng nên một lòng yêu nước giả tạo và rỗng chân. Chúng ta nhồi vào đầu con trẻ những khái niệm to tát về tổ quốc, đồng bào. Nhưng trẻ em của chúng ta không hề biết ngừng công việc, đứng nghiêm mỗi khi thượng kỳ. Trẻ em của chúng ta biết ủng hộ nhân dân Cuba, biết mua lại ve chai để làm kế hoạch nhỏ, xây đoàn tàu Thống Nhất, nhưng không biết ngả nón khi thấy xe tang, không biết nhường chỗ cho cụ già, phụ nữ nơi công cộng. Ở nơi đâu trên thế giới, người ta tiêu khiển bằng cách ném đá lên đoàn tàu đang chạy, như trẻ em Việt nam? Thanh niên chúng ta có thể nói vanh vách về “ba dòng thác “, nhưng dửng dưng lạnh nhạt khi nghe đến Trúc Lâm Yên Tử với vị vua quá đỗi cao minh và nhân từ, vượt qua mọi thời đại. Thanh niên của chúng ta cay cú ném đá cụ Kiệt, như một hành động biểu trưng cho lòng tự hào dân tộc, nhưng cũng trơ tráo bẻ vặt trong lễ hội hoa, giữa ban ngày ban mặt. Thanh niên của chúng ta hồ hởi xuống đường sau một bàn thắng, nhưng cũng ngang nhiên cản đường xe cứu thương chuyển bệnh.

Chỉ nên đấm ngực ăn năn, vì một nền giáo dục giả tạo, khiên cưỡng như vậy đã “đơm hoa kết quả”, không những cho một, mà là nhiều thế hệ người đi học Việt nam. Không ít trí thức Việt nam dễ dàng bán mình cho những quyền lợi tầm thường và phi pháp. Mà thời nào cũng vậy, người đọc sách mà phải bán mình, thì còn bi thảm và tội nghiệp hơn cả một cô gái đứng đường, xét về bình diện cá nhân và dân tộc.

Tại sao, chúng ta không quay về với những giá trị đích thực của dân tộc đã ghi đầy trong chính sử? Chí bất khuất, lòng kiên cường, lẽ khoan dung…của một lịch sử đầy oan khiên và bất hạnh như dân tộc Việt, không lẽ không thể gieo vào lòng người đi học Việt những giá trị đạo đức căn bản và vĩnh cửu?

Việc làm chính đáng đó, là công việc của các nhà giáo dục, xã hội…hay của vô số “nhà”, giáo sư, tiến sĩ…đang đầy rẫy trong xã hội chúng ta. Tôi, người ngoài ngành giáo dục, chỉ xin thưa thốt một điều: Các giá trị thật, chỉ có các giá trị thật, mới có thể tồn lưu và kết hoa trái thành một lòng yêu nước, yêu quốc sỉ đúng mực và chính đáng, như nó phải có!

Còn nhớ lúc còn thơ, dấm dúi đọc “Tâm hồn cao thượng” của Amicis qua bản dịch của Hà Mai Anh. Những bài học yêu nước, thương nhà, thờ cha kính mẹ, đùm bọc bạn bè, tôn kính thầy cô…tuy từ một nước Ý xa xôi, nhưng chẳng thể nào quên được, cho đến khi tóc chẳng còn xanh vẫn nhớ. Vì nó thực và sống động! Hay nhún vai buông thõng như bạn tôi, một đạo diễn tài hoa: “tớ đọc Amicis từ bé, lâu ngày thấm mẹ nó vào máu!”

Nỗi nhục nhã từ Czech, Nam Phi, Nhật bản…sẽ không bao giờ rửa được, nếu như những bài học đạo đức giản đơn, sống động và có thực mà thế hệ chúng tôi được học, chưa “thấm m. nó vào máu” của những “con người mới” của xã hội hôm nay.

Giật mình nghĩ ngợi, mới thấy bạn tuy bổ bã, nhưng rất mực thâm trầm, phải không?

Sài gòn, ngày 1.1.2009

Hoan Thiện

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 851 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0