Chủ Nhật, 2024-12-22, 9:59 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 5 » Đối mặt 12
11:38 AM
Đối mặt 12


Vi Đức Hồi

“ …hôm nay là một ngày quan trọng đối với tôi, ngày tạo ra bước ngoặt của cuộc đời, ngày tôi bước sang một trang sách mới mà bản thân tôi bắt đầu có cơ hội làm lại từ đầu mặc dù đã rất muộn. Nhưng còn hơn là không…”

Khỏi cần tôi phải chỉ dẫn, lái xe đỗ chính xác ngay sân nhà tôi. Tôi xuống xe. Mấy cậu công an trẻ được phân công vội vàng theo sát tôi từng bước. Vợ tôi mở cửa, tôi bước lại gần và nói nhỏ:

- Anh đã bị bắt. Vợ tôi bàng hoàng.

- Làm sao?

- Bình tĩnh không sao đâu -tôi trả lời.

Một công an đứng sát tôi vẻ mặt nghiêm nghị:

- Anh Hồi, không trao đổi.

Tôi đi vào ngồi xuống ghế uống nước.

Vợ tôi cũng biết lơ mơ về việc tôi liên lạc với Nguyễn Văn Đài và biết Đài đã bị bắt, rồi thời gian gần đây tôi hay thức khuya, dậy sớm viết lách nhiều. Mấy lần vợ tôi gặng hỏi, tôi gạt đi. Vợ tôi làm nghề giáo viên, cả ngày đi trường, tối lại phải soạn bài, xem ra cái nghề dạy học là một trong những nghề vất vả. Mỗi người một việc, bận rộn suốt ngày nên vợ tôi cũng chẳng quan tâm đến những việc tôi làm. Thấy tôi thông báo, vợ tôi cũng láng máng biết chuyện gì nhưng không rõ ngọn ngành.

Trưởng phòng công an Thực mời vợ tôi ngồi rồi bắt đầu câu chuyện.

- Chúng tôi ở ban tổ chức tỉnh uỷ, có một số nội dung công việc cần làm việc với anh Hồi. Thời gian có lẽ phải hết tuần. Hôm nay là ngày thứ hai. Chị cứ yên tâm, không có gì lớn đâu. Trong thời gian anh Hồi đi làm việc với chúng tôi, đề nghị chị giữ kín, đừng tiết lộ cho ai biết, sợ rằng dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của anh Hồi, vì mình còn công tác lâu dài, chị hiểu ý tôi nói không?

- Vâng -vợ tôi gật đầu.
Bây giờ chúng tôi mượn tạm chị chiếc đầu máy vi tính để kiểm tra một số nội dung lưu trữ trong máy. Chị bảo cháu là đem máy đi sửa, mai kia mang về trả cháu. Nói xong, trưởng phòng bảo mấy người cấp dưới rút các rắc cắm ra đưa đầu máy trên bàn xuống. Thằng bé nhà tôi phản ứng:

- Sao lại lấy máy của cháu đi?

- Máy hỏng, các chú đem đi sửa, mai các chú đem trả

- Không, máy cháu có hỏng gì đâu?-thằng bé vừa phụng phịu vừa mếu máo.

- Nó sắp hỏng rồi, các chú đem đi chỉnh cho tốt thôi, mai chú đem trả ngay.

- Không -thằng bé tôi lớn tiếng. Mẹ nó phải an ủi, dỗ dành mãi nó mới thôi, nhưng vẫn phụng phịu.

Tôi bảo vợ tôi chuẩn bị cho tôi quần áo đem theo để thay. Tôi định theo vợ tôi để trao đổi riêng, họ ngăn tôi lại

- Đây là quy định. Anh thông cảm. Trong thời gian này anh không được tiếp cận với bất cứ ai.

Tôi không nói gì và đi vào nhà vệ sinh. Hai công an vội theo sát tôi không dời nửa bước. Trở lại phòng khách của nhà tôi, tôi thấy trưởng phòng công an Thực và hai công an khác đang lục lọi trong tủ tường phòng khách nhà tôi tìm kiếm gì đó. Tôi cố nén lại sự tức giận.

- Anh dừng ngay cái trò trẻ con đó đi. Anh định lục lọi nhà tôi thì ra quyết định khám xét đi, lúc đó anh tha hồ lục soát. Còn bây giờ anh đừng làm thế, nó mất hết tư cách của một viên chức nhà nước đang thi hành công vụ.

Trưởng phòng gặng cười ngượng ngạo rồi trở về chỗ ngồi uống nước.

Thấy vợ tôi cầm chiếc túi ni lông nhét đầy quần áo của tôi ở buồng đi ra, trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ thuộc ban tổ chức tỉnh uỷ chớp lấy cơ hội.

- Cô ngồi xuống đây, tôi có chuyện trao đổi với cô. Tôi với chú Hồi là người quen biết với nhau đã từ lâu, anh em thỉnh thoảng vẫn gặp nhau vui vẻ luôn đấy.

- Vui vẻ uống rượu thôi chị ạ -Trưởng phòng công an Thực chen vui vào.

Còn cô thì tôi biết tên, người thì hôm nay mới biết -trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ nói tiếp. Như vừa rồi chú này đã giới thiệu, vừa nói anh ta vừa chỉ vào trưởng phòng công an Thực, tôi và mấy anh em ở đây đều ở ban tổ chức tỉnh uỷ, theo tin của một số quần chúng phản ảnh, chúng tôi được giao trách nhiệm làm rõ một số vấn đề về chú Hồi. Đây là việc nhạy cảm, tế nhị chúng tôi không muốn cho ai biết, khi nào có kết luận sẽ hay. Cô cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi gì cả. Mấy hôm nữa xong việc thì chú về, bây giờ thì anh em chúng tôi xin phép cô, chúng tôi về.

Vợ tôi cứ vâng vâng, dạ dạ tiếp thu, hai thanh niên công an trẻ nhất đã đưa đầu máy tính của tôi lên xe. Mọi người chào vợ tôi rồi đi ra xe. Trưởng phòng Thực đi sát tôi ra đến xe. Tôi quay ngoắt lại giả vờ quên chìa khoá phòng làm việc, làm cho họ không kịp phản ứng. Vợ tôi đứng ở hè cũng nhanh nhẩu bước vào. Tôi đến sát vợ tôi nói nhỏ:

- Số máy Đỗ Nam Hải ở Sài Gòn anh để trong ngăn kéo này, tìm khác thấy. Em gọi cho anh ấy, báo là anh đã bị bắt để anh ấy thông báo cho mọi người biết. Dứt lời thì mấy công an đã ập đến kéo tôi ra và thúc tôi ra xe.

Làng xóm xung quanh vẫn yên tĩnh, mấy người ra nhìn mấy ông khách của tôi hôm nay chắc là ở xa lắm vì ai cũng lạ mặt. Xe nổ máy tiến thẳng lên “ đồi nhà đỏ” , cụm từ dân địa phương ở đây đặt cho cơ quan huyện uỷ.

Xe đỗ xuỵch trước tiền sảnh nhà làm việc của huyện uỷ. Cơ quan yên tĩnh. Hẳn đã có hẹn trước nên phòng làm việc của bí thư huyện uỷ ở tầng hai đèn vẫn sáng trưng. Ra đón chúng tôi có phó văn phòng huyện uỷ phụ trách quản trị hành chính, một chuyên viên của ban tuyên giáo huyện uỷ, người đồng sự cấp dưới của tôi, và ở bên ngoài cổng ra vào có một bảo vệ cơ quan.

Tôi mở phòng làm việc của mình, bật điện mời mọi người vào. Cậu cán bộ thuộc ban của tôi pha nước mời mọi người uống, trưởng phòng bảo vệ nội bộ của ban tổ chức tỉnh uỷ và trưởng phòng công an tỉnh lên thẳng phòng làm việc của bí thư huyện uỷ, số còn lại chen chúc nhau vào phòng làm việc của tôi. Một “ chuyên gia” máy tính thuộc công an tỉnh Lạng Sơn sốt sắng:

- Anh Hồi cho bọn em làm việc đi.

- Cứ việc -tôi trả lời.

Nói rồi cậu ta bắt đầu ngồi vào bàn máy tính của tôi. Mọi người xúm xung quanh theo dõi, bỏ lại một mình tôi ngồi ghế salon uống nước. Mọi ngày đi công tác về, trên bàn làm việc của tôi chồng chất báo chí, tài liệu, công văn, giấy tờ; nhưng hôm nay thì không, bàn trống trải, hẳn ban văn thư đã được lệnh không được chuyển đến phòng tôi. Bí thư huyện uỷ cùng hai trưởng phòng đi vào phòng tôi. Khác với mọi hôm cứ gặp tôi là tay bắt mặt mừng, nhưng hôm nay bí thư huyện uỷ mặt lạnh lùng đi thẳng vào bàn máy tính của tôi nơi mọi người đang xúm xít ngó nhìn.

Tôi cũng đứng dậy lại gần để xem. Chẳng khó khăn gì, “ chuyên gia” máy tính công an tỉnh đã tìm thấy trong máy những bài viết của tôi, mọi người chăm chú trên màn hình đọc theo động tác lướt nhanh của “ chuyên gia” máy tính. Khuôn mặt bí thư huyện uỷ mỗi lúc một biến sắc khi anh ta đọc được một số đoạn của những bài tôi viết.

Trưởng phòng công an tỉnh đề nghị tôi mở tủ để kiểm tra. Tôi bật toang hai cánh tủ, một ngăn là trưởng phòng, một ngăn là cán bộ công an bắt đầu lục soát.

- Trời ơi giấy khen của ban tuyên giáo huyện uỷ, của Vi Đức Hồi vừa được tặng thưởng năm 2006 đây này -trưởng phòng công an mỉa mai.

Tôi cười, ban của tôi năm nào mà chả được tỉnh, huyện khen thưởng! Đây mới là của huyện, năm 2006, ban của tôi được uỷ ban tỉnh tặng bằng khen đấy, cả tỉnh duy có ban của tôi và đảng uỷ các cơ quan dân chính đảng được tặng bằng khen thôi, anh biết không?

Bí thư huyện uỷ tỏ vẻ càng tức giận, anh ta không nói gì, trưởng phòng công an tỉnh nhạo báng:

- Bác Hồi giỏi rồi, bọn em chịu bác đấy.

Sau một hồi lục soát, cuối cùng họ cũng tìm thấy được mấy tờ giấy lộn tôi ghi hộp thư của một số người bạn tôi. Sau đó họ bảo tôi khoá tủ tủ rồi ngồi xuống ghế uống nước. Thấy hai trưởng phòng của tỉnh ngồi cùng tôi uống nước, bí thư huyện uỷ cũng bỏ đám đông đang xúm quanh máy vi tính xuống ngồi cùng.

- Tôi xin lỗi anh, tôi đã không cùng chí hướng với anh được. Đã từ lâu tôi làm việc này. Tôi dự định đến cuối năm tôi cáo nghỉ chế độ rồi công khai luôn, nhưng với tôi nó quá bức xúc, thành thạt xin lỗi anh -tôi nói với bí thư huyện uỷ.

- Bây giờ thì còn nói gì được nữa! Khắc làm, khắc chịu thôi -bí thư huyện uỷ trả lời.

- Vâng, việc đó thì tôi xác định trước khi làm rồi -tôi nói.
Như sực nhớ ra điều gì, trưởng phòng công an tỉnh đứng dậy đi vào bàn làm việc của tôi kéo ngăn kéo bàn ra tiếp tục lục soát, tìm kiếm. Anh ta mở luôn cả ngăn tủ bàn làm việc tiếp tục sục sạo nhưng cũng chẳng tìm kiếm được gì. Vẻ mặt thất vọng, lại đi ra ngó màn hình máy tính.

Phó văn phòng chạy đi chạy lại hết lo chè nước, bổ sung ghế ngồi cho đến thực hiện những nhiệm vụ của trưởng phòng công an giao phó, cậu cán bộ của ban tôi được giao nhiệm vụ ngồi rít ở bàn máy tính theo dõi, giám sát để làm chứng.

Thời gian trôi đi một cách chậm chạp, trong bầu không khí yên tĩnh nhưng rất căng thẳng.

- Được chưa? -trưởng phòng công an tỉnh hỏi “ chuyên gia” máy tính,

- Được rồi anh ạ -cậu ta trả lời.

- Đưa xuống niêm phong lại rồi làm thủ tục giao, nhận đi,

- Vâng.

- Văn phòng có loại băng dính to bản không? Cho xin một ít để niêm phong máy.

- Có anh ạ -phó văn phòng thốc tháo về phòng mình rồi đem sang cuộn băng dính giao cho “ chuyên gia” máy tính. Lúc này họ bê cả đầu vi tính của nhà tôi vào để niêm phong.

- Anh có cầm dấu không? -trưởng phòng công an hỏi phó văn phòng

- Không, dấu văn thư cầm.

- Anh tìm văn thư để lấy dấu đi.

- Vâng, phó văn phòng nổ xe máy phóng thốc tháo đi tìm văn thư, lát sau anh ta cầm chùm chìa khoá của văn thư đến mở tủ lấy cả hộp dấu sang phòng tôi. Công việc niêm phong được thực hiện chóng vánh. Cậu thư ký của trưởng phòng công an từ nãy loay hoay soạn thảo biên bản mãi vẫn chưa xong. Trưởng phòng lại gần xem rồi hướng dẫn, chỉnh sửa câu chữ cho anh ta để viết cho nhanh.

- Viết một bản rồi phô tô cho nhanh -trưởng phòng nói.
Phó văn phòng huyện uỷ chờ viết xong rồi đem sang máy phô tô thành ba bản. Có đến bốn người ký: bí thư huyện uỷ, trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh uỷ, tôi và cậu cán bộ của ban tuyên giáo huyện uỷ ký làm chứng. Riêng trưởng phòng công an tỉnh có tên Thực thì không ký, họ giao cho huyện giữ một bản, còn hai bản họ cầm về. Công việc xong xuôi, họ khuân toàn bộ giàn vi tính ở phòng làm việc của tôi cùng với đầu vi máy tính của nhà tôi lên xe rồi bắt tay nhau chào tạm biệt.

Tôi bắt tay chào bí thư huyện uỷ, phó văn phòng và người cán bộ của ban tôi rồi lên xe ngồi theo sự chỉ dẫn của họ. Hai công an trẻ vẫn tiếp tục ngồi ở vị trí cũ để canh giữ tôi. Mọi người đã thấm mệt, trên xe không ai nói chuyện, một số người gật gù ngủ.

Xe lướt nhanh trên đường quốc lộ 1A. Lúc này lượng xe trên đường đã giảm hẳn, thỉnh thoảng có tốp công an giao thông đứng tụm năm, tụm ba bên lề đường đang làm nhiệm vụ “ cao cả” . Đúng là: ngày nghỉ nhưng các anh không nghỉ, giờ nghỉ nhưng các anh không nghỉ như một bài báo nào đó đã tôn vinh sự “ tân tụy” của ngành công an. Chưa hết tôi còn được nghe chính những cán bộ công an kể về sự tận tâm, tận lực của lực lượng công an rằng nhiều cán bộ, chiến sĩ công an xung phong ra đứng đường, thậm chí tranh giành nhau ra đứng đường, tìm cách giành “ phần khổ” về mình. “ Đứng đường” , thường người ta ám chỉ những người thất thế, những người sa cơ lỡ bước, thậm chí ám chỉ những người vô gia cư, bình thường thì chẳng ai thích ra đứng đường vì hứng cát bụi, phơi mặt ra đường; vậy mà công an ta có những hành động “ quyết tâm ra đứng đường” thì quả thật là cảm động.

Hăm mốt giờ xe đến nơi. Mọi người chào nhau đi nghỉ, hẹn sáng mai gặp lại. Tôi trở về phòng tắm rửa rồi lên giường ngủ. Hai công an trẻ ngủ cùng phòng với tôi ngồi xem ti vi chờ cho tôi đi ngủ trước, bên cạnh phòng tôi là phòng dành cho những công an khác ngủ để canh chừng.

Đời người ai cũng có ngững ngày ghi lòng tạc dạ như ngày sinh, ngày đi thoát ly, ngày vào quân ngũ, ngày vào đại học chẳng hạn. Còn tôi, hôm nay 26 tháng 3 năm 2007, là một ngày quan trọng đối với tôi, ngày tạo ra bước ngoặt của cuộc đời, ngày tôi bước sang một trang sách mới mà bản thân tôi bắt đầu có cơ hội làm lại từ đầu mặc dù đã rất muộn. Nhưng còn hơn là không.

(còn nữa)

Vi Đức Hồi

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 717 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0