SANTIAGO, Cuba - Năm mươi năm sau khi
các phiến quân vũ trang đắc thắng từ trên những ngọn núi phía đông kéo
xuống, hôm qua nước Cuba Cộng sản đã tổ chức kỷ niệm cuộc cách mạng với
những lễ hội đã bớt đi những giọng điệu gay gắt sau ba cơn bão tàn phá
và giữa tình trạng vắng mặt trước công chúng từ lâu của một Fidel
Castro ốm yếu.
Mặc dù ông Castro, 82 tuổi, đã tiếp
tục hồi phục tại một nơi được giữ bí mật, song các lễ hội vẫn tràn đầy
nỗi luyến tiếc quá khứ và lời ca tụng người chỉ huy lực lượng phản loạn
với bộ râu quai nón như là "nhà Lãnh đạo Cách mạng." Người em của ông,
Chủ tịch Raul Castro, đã dự báo cuộc cách mạng tiếp tục tồn tại thêm 50
năm nữa "cũng sẽ là cuộc đấu tranh lâu dài bền bỉ."
Những buổi lễ đạm bạc, bao gồm nhảy
múa và hòa nhạc khắp nơi trên hòn đảo, đã gây nhầm lẫn với lễ hội đón
năm mới được lan vào cùng những triển vọng về số thu nhập và khách tham
dự tăng lên, và những thay đổi khác nữa có thể làm dịu đi những nỗi
gian truân hàng ngày của mỗi người dân Cuba.
Nhiều người ở đây hy vọng cho các mối
quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ khi vị Tổng thống mới đắc cử Barack
Obama nhậm chức vào ngày 20 tháng Một, sau những tuyên bố rằng ông sẽ
nói chuyện trực tiếp với ông Raul Castro và chấm dứt những hạn chế về
du lịch thăm thân nhân và gửi tiền quà biếu [của người Mỹ gốc Cuba] tới
quốc đảo này.
"Tôi hy vọng ông ấy dỡ bỏ lệnh phong
tỏa," theo lời Ana Luisa Mas, 42 tuổi, ám chỉ những lệnh trừng phạt
trong thương mại của Hoa Kỳ mấy thập kỷ qua.
"Chúng tôi rất hy vọng là với ông
Obama, các thân nhân của chúng tôi sẽ có thể về thăm chúng tôi được
nhiều hơn và gửi cho chúng tôi nhiều tiền hơn," bà nói. "Chúng tôi cũng
hy vọng là ông Fidel sẽ còn ở lại với chúng tôi lâu lâu hơn một chút
nữa."
Không có các nhà lãnh đạo nước ngoài
Ông Raul Castro, 77 tuổi, người kế vị
Fidel vào tháng Hai, đã trích dẫn nhiều lời của anh trai mình khi ông
đứng phát biểu ngay phía dưới cũng cái ban công nơi mà ông Fidel đã
tuyên bố chiến thắng chính phủ độc tài Fulgencio Batista ngày 1 tháng 1
năm 1959.
Ông đã nhấn mạnh về một bài phát biểu
mà anh ông đã đọc tại Trường đại học Havana ít năm trước khi ông ta bị
bệnh, với cảnh báo rằng "cuộc cách mạng này có thể huỷ diệt chính nó"
và rằng nếu như điều đó xảy ra, "thì sẽ là sai lầm của chính chúng ta."
Không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào
có mặt vào thời điểm bài diễn văn buổi tối được đọc trên một quảng
trường bé nhỏ, cây xanh che phủ, với khung cảnh phô trương chút ít,
ngoại trừ các khách được mời gồm 3000 tín đồ của Đảng Cộng sản. Bên
ngoài Khu vực Quyền lợi của Hoa Kỳ sát mé biển của Habana, nhóm nhạc
Los Van Van nổi tiếng đang trình diễn.
Tổng thống Bolivia Evo Morales, người
ngay từ đầu đã nói là ông sẽ tham dự lễ kỷ niệm, và ông đã chào mừng
cuộc cách mạng Cuba và ông Fidel Castro từ thủ đô La Paz, biểu thị "lòng kính trọng của tôi, sự khâm phục của tôi đối với Fidel."
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez,
người cũng đã được trông đợi từ ban đầu là sẽ tham dự, ông đã thông báo
tại Caracas rằng bằng lòng kính trọng lễ kỷ niệm lần thứ 50 cuộc cách
mạng, ngọn cờ Cuba sẽ có một vị trí vĩnh cửu bên ngoài ngô mộ vị lãnh
tụ của nền độc lập cho Nam Mỹ Simon Blivar tại Venezuela.
"Cuba là nước bạn bè của quốc gia này, của liên minh này," ông Chavez nói.
Một bí mật quốc gia
Quảng trường Santiago được kẻ vạch
bằng những hàng ghế dành cho các vị khách mời, và một biểu ngữ lớn màu
đỏ treo trên một khách sạn kế bên xây từ thời thuộc địa nổi bật một bức
hình Fidel Castro giống một nhà lãnh đạo du kích quân 32 tuổi.
Sự kiện được mở đầu bằng một bài hát
ca ngợi tổ quốc Cuba và một cuốn phim tài liệu ngắn gồm những đoạn
video về Fidel Castro, hầu hết là từ thập kỷ trước khi ông bị bệnh.
Sức khỏe của ông là một bí mật quốc
gia, và ông vẫn không xuất hiện sau cuộc đại phẫu đường ruột khoảng 2
năm rưỡi trước. Thế nhưng thỉnh thoảng ông vẫn viết những bài bình luận
để gợi lên rằng ông vẫn có những cố gắng trong các công việc của chính
quyền.
Trước nửa đêm thứ Tư, một bài phát
biểu ngắn của ông đã được đọc trên đài truyền hình nhà nước, chúc mừng
"những người dân anh hùng của chúng ta."
Ông Raul Castro xem ra đã điều khiển
được chính phủ một cách vững vàng song vẫn còn phải đưa ra mọi cải cách
lớn. Ít người nghĩ là sẽ có những thay đổi rất lớn trong khi anh trai
ông vẫn còn sống.
Các giới chức thoạt tiên đã lên kế
hoạch cho một buổi lễ kỷ niệm long trọng hơn song đã giảm bớt sau khi
ba cơn bão trong năm nay đã gây tổn hại tới 10 tỉ đô la và đã quét đi
một phần ba mùa màng của nước này. Ông Raul Castro vào tuần trước đã
kêu gọi cắt giảm chi phí hơn nữa trong khi quốc đảo này đã loan báo mức
tăng trưởng kinh tế 4,3% trong năm, bằng đúng một nửa so với mức dự báo
ban đầu của chính phủ.
Qua nửa thế kỷ, những con người nổi
loạn giành chiến thắng này đã xoá bỏ được nạn mù chữ, tạo nên một hệ
thống chăm sóc sức khỏe chung, và xây dựng được hàng ngàn trường học.
Thế nhưng sau khi Fidel quyết định đi theo con đường cộng sản chủ nghĩa
vào năm 1961, các công đoàn đã mất đi quyền được bãi công, Giáo hội
Thiên chúa bị quấy rối, và những người phản đối chính phủ mới bị bỏ tù.
Ủy ban Nhân quyền và Hòa giải phi
chính phủ của Cuba đóng tại Havana mới đây đã tính được có 219 tù nhân
chính trị, giảm đi nhiều so với con số 15.000 năm 1964.
Hệ thống cộng sản chủ nghĩa của Cuba
vẫn cố bám riết, thậm chí sau khi Bức màn Sắt [bưng bít thông tin của
cộng sản] đã sụp đổ và các nước Trung Quốc và Việt Nam cộng sản đã đi
theo con đường kinh tế tự do trong khi vẫn duy trì hệ thống chính trị
của họ.
Khi Tổng thống Bush rời vị trí của
mình, cuộc cách mạng này sẽ tồn tại qua 10 đời tổng thống Hoa Kỳ, những
người đã duy trì các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhắm vào việc lật đổ
nhà lãnh đạo Cuba. Nhiều người tin rằng giờ là thời điểm thích hợp cho
một sự thay đổi lớn trong các chính sách của Hoa Kỳ đối với quốc đảo
này.
Hiệu đính: TBT Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
|