§ JB Nguyễn Hữu Vinh Tình cờ khi ngồi trên xe bus, tôi thấy một tờ giấy được ai đó lót ngồi để lại trên nệm ghế. Mấy từ “Công giáo trong nước” làm tôi tò mò nên đọc qua bài viết “Giáo phận Hưng Hoá: Niềm vui trên núi rừng Tây Bắc” của tác giả Lê Phủ Cam trên tờ Công giáo và Dân tộc số 1689 - tuần từ 2-8/1/2009.
Bài viết đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ trên suốt chặng đường cho đến khi về nhà.
Thông tin về vấn đề tôn giáo tại Tây Bắc
Thông tin về tình hình tôn giáo tại Sơn La và các tỉnh Tây Bắc cũng
như chính sách của chính quyền những nơi này đã được phản ánh khá nhiều
trên mạng lưới toàn cầu.
Noel những năm trước và 2008 có nhiều chuyện lạ lùng đã được phản
ánh trên một số bài viết. Ở đó, có lệnh “giới nghiêm” do chủ tịch
phường ban bố, chỉ dành cho một tổ dân phố có nhà giáo dân, chỉ dành
cho đêm Giáng sinh… Ở đó có “tự do tôn giáo chỉ được tu tại gia”. Ở đó
có những vụ bắt bớ linh mục về uỷ ban xã khi đến với giáo dân. Ở đó có
nhiều thông tin về những gì mà người giáo dân đã và đang chịu đựng khi
chính quyền quyết định “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.
Sau những bài viết về tình hình tôn giáo Sơn La qua mùa Noel, xuất hiện những bài tiếp theo về vấn đề này.
Đáng chú ý là bản tường trình sinh hoạt mục vụ của Linh mục Nguyễn Trung Thoại ngày 28/12/2008 nhan đề: “Lễ Giáng Sinh 2008 tại tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La”.
Trong bài viết, Linh mục Thoại đã nêu lên những hoạt động của Ngài
tại Sơn La trong lễ Noel vừa qua. Trong đó nổi bật lên một vấn đề: Tôn
giáo Tây Bắc đang “đổi mới”? Ngài đã nói lên những buổi lễ, những hoạt
động và tiến trình mục vụ tại miền Ngài phụ trách, đặc biệt là trong lễ
Noel vừa qua.
Bản tường trình của Linh mục Thoại nói rằng: “Riêng tại thành phố
Sơn La, giáo dân cho biết tình hình không ổn định, và đã góp ý với tôi
là lên làm lễ thì không tiện” (?) Nhưng Ngài đã không nói đến sự “không
ổn định” đó là gì và sự “không tiện” đó là gì?
Phải chăng, không ổn định vì ở đó không có giáo dân đang ngóng cổ
chờ chủ chăn cả mấy ngày trong vòng vây của các cán bộ và “quần chúng
tự phát”? Hay không tiện cho bản thân Ngài khi đến đó Ngài phải đến
UBND phường làm biên bản hoặc làm khó dễ?
Bản tường trình của Ngài đã không nêu bật lên được một thực tế là ở
Sơn La, giáo dân đang bị cấm đoán và ngăn chặn những hoạt động tối
thiểu của quyền tự do tín ngưỡng, quyền tối thiểu của một con người.
Bản tường trình của Ngài cũng đặt giáo dân và những người đọc trước
một nỗi hi vọng mơ hồ “hy vọng sẽ trở nên bình thường như tại các tỉnh
khác trong cả nước” với cách lý luận: “Thực tế, không ai lại từ chối
đáp ứng nhu cầu dựng vợ gả chồng cho con cái vì lý do “trước đây mày đã
không có vợ có chồng, nên bây giờ cũng không”, hoặc vì “hàng xóm láng
giềng không muốn cho mày có vợ có chồng”!?
Thực tế cho thấy là những “thực tế” kia đã và đang được thực hiện ở
Sơn La, nơi mà một Chủ tịch Phường, một ông Tổ trưởng dân phố có thể ra
lệnh giới nghiêm để ngăn chặn giáo dân đến nơi có hang đá giáng sinh,
để cấm giáo dân tập trung cầu nguyện. Thực tế đó là hàng loạt giáo dân
đã từ lâu không có Thánh lễ và Thánh thể. Và chắc Linh mục Thoại cũng
biết rằng: Với giáo dân, Thánh lễ là món ăn tinh thần hàng ngày không
thể thiếu. Thực tế ở Sơn La cũng là nơi mà người giáo dân khi sống lấy
vợ lấy chồng không được chịu phép bí tích, đến khi chết cũng không có
được một Thánh lễ an táng.
Năm 2003, Giáo phận Hưng Hoá có Giám mục An tôn Vũ Huy Chương với
tất cả những hi vọng và mong đợi của giáo dân. Trong Thánh lễ Tấn phong
Giám mục, ngài thán phục sự chịu đựng của họ trong thời gian qua khi
không có giám mục và số linh mục quá ít không thể nâng đỡ tinh thần của
họ như họ mong đợi. Ngài hứa sẽ viếng thăm các bản làng và cử hành
Thánh lễ Giáng sinh cho họ vào cuối năm.
3 năm sau (2006), Ngài lên đến Tây Bắc lần đầu tiên và “được chính
quyền tiếp đón”? Nếu không được chính quyền tiếp đón, các mục tử có đến
với đoàn chiên hay không?
Tiếp xúc với một số giáo dân tại Sơn La, chúng tôi thấy thật não nề
khi nghe họ nói: “Các Cha lên đây cũng thật khó cho các Ngài, bị rình
mò, bị xua đuổi khắp nơi, đường sá thì xa xôi hiểm trở. Nhưng có các
Ngài lên, dù không được dâng lễ, giáo dân vẫn thấy có Chúa ở gần và
không bị bỏ rơi”. Thật cảm động cho những ân tình đó của giáo dân với
chủ chăn của mình.
Đến nay đã hơn 5 năm Sơn La vẫn là “một nhà nước tự trị về tôn giáo”. Vậy giáo dân Sơn La sẽ còn phải chờ đợi đến bao giờ?
Vậy mà chưa có ai được nghe một lời than phiền từ hàng giáo phẩm của
Giáo phận? Những tiếng kêu của đàn chiên bơ vơ có lọt đến tai người
chăn chiên? Không hiểu sao, những lời lẽ trong bản tường trình kia lại
không một dòng nào nói đến những đau khổ của giáo dân đang phải chịu
kia, hay cứ tự do như hiện nay là đủ?
Ngẫm đến từ “Xin Vâng” - giáo dân Sơn La đã xin vâng khi những gian
khó được trao cho họ, nhưng là những người có trách nhiệm, không thể để
họ cứ mãi “xin vâng” trước sự bất công và vô lý đó.
Giáng sinh tưng bừng?
Khi đọc lại bài viết trên tờ Công giáo và Dân tộc về một giáng sinh
tưng bừng, là niềm vui trên núi rừng Tây Bắc. Tác giả Lê Phủ Cam đã
“quên” không nói đến những gian khó của họ.
Đọc bài báo, người ta không khỏi suy nghĩ: Tác giả và tờ báo đăng
bài này nhằm mục đích gì? Phải chăng là để tạo nên trong cộng đồng dân
chúng suy nghĩ rằng: Ở Tây Bắc đang có một Giáo hội phồn thịnh, tưng
bừng và tự do?
Chúng tôi đã có mặt ở miền Tây Bắc những ngày Noel 2008, đã chứng
kiến một Noel khác thường, đặc biệt là tại Sơn La. Chúng tôi hiểu những
nỗi cực nhọc của người dân theo đạo Công giáo.
Một hành trình qua các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… chúng tôi
không thấy hình bóng một nhà thờ. Tất cả những nơi có người công giáo,
tín hiệu duy nhất cho du khách là các trang trí đón mừng Noel tại các
gia đình hoạ hoằn mới có. Thậm chí có những gia đình vào đến nơi hỏi họ
có phải là giáo dân hay không, thì họ mắt trước mắt sau lấm lét mãi mới
dám xưng mình là người có đạo khi biết chắc chúng tôi là người công
giáo nơi khác đến.
Những gì chúng tôi đã chứng kiến tại Sơn La đêm 24 tháng 12 năm 2008
là sự thật. Điều này đã được chính ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch
phường và nhân dân phường Quyết Thắng xác nhận qua cuộc phỏng vấn trên
báo chí và đài phát thanh nước ngoài. Những văn bản của các cấp chính
quyền Sơn La với giáo dân ở đây là có thật, ở đó họ khẳng định “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”
– Thực chất là họ đã không nói thật, chẳng mấy ai không có nhu cầu tôn
giáo, kể cả họ, nhưng họ chỉ để cho những tôn giáo nào có lợi cho họ
được tự do mà thôi.
Một cộng đồng tôn giáo khắp 3 tỉnh Tây Bắc, đến nay vẫn phải dựa vào
những tấm lòng hảo tâm của các gia đình mới có nơi dâng Thánh Lễ? Có
những nơi Thánh lễ được tiến hành trong phòng khách, trong phòng làm
việc, dưới hầm… đó là thực tế của “niềm vui”?
Một cộng đồng tôn giáo trên một diện tích rất rộng lớn của miền Tây
Bắc, nhưng một linh mục phải làm công tác mục vụ cách hàng 300 – 400km
vẫn được coi là “niềm vui”?
Theo linh mục Phạm Thanh Bình quản xứ Sapa, đến nay có những vùng
cách nơi có linh mục đến 400 km như ở Mường Nhé và vùng biên giới Việt
- Lào với cộng đồng giáo dân nhiệt thành, nhưng vẫn chưa có linh mục
nào có thể đến được với họ vì quá nhiều ngăn trở. Hàng năm đến ngày lễ
trọng, họ từng đoàn vài chục người vượt non vượt đèo đến Nhà thờ Sapa
để được có hơi thở của Lời Chúa và của Thánh Thể. Đến với Chúa, họ phải
vượt qua quãng đường rừng 400km và qua nhiều trạm kiểm soát là điều
không dễ dàng, mặt khác cả khu vực đó chỉ có một mình linh mục Bình.
Tôi không hiểu tác giả bài báo có suy nghĩ gì không khi hạ bút nói
lên những lời “vui mừng” trên mặt báo khi nói đến những chi tiết này?
Điều đáng chú ý trong bài viết, là không bao giờ Lê Phủ Cam nêu lên
được những gian khó của giáo dân. Tác giả không biết rằng ở Mộc Châu,
để đến dự Thánh lễ, giáo dân Mộc Châu đã đứng trước hàng loạt sự gườm
ghè theo dõi của đủ các loại cảnh sát. Ở Cò Nòi (Mai Sơn) linh mục
Thoại đã từng được mời ra UBND Phường năm trước, và năm nay dâng Thánh
lễ trong vòng vây dày đặc của các loại cảnh sát, chắc để “chúc mừng
Giáng sinh”?
Họ phải ăn chực nằm chờ cả mấy ngày và bị bao vây để cuối cùng về
không. Giáo dân người H’Mông vùng Mường La năm ngoái xuống núi cách hơn
40km để tham dự Giáng sinh bị đuổi ngược lên núi trong đêm gió rét cắt
thịt nên năm nay khiếp không còn dám xuống núi nữa.
Lê Phủ Cam và tờ Công giáo và dân tộc đã không biết được rằng những
Thánh Lễ trên núi rừng Tây Bắc không có một giờ giấc nào nhất định nên
nhiều khi giáo dân phải chờ đợi đến mỏi cổ vẫn không thể có linh mục
đến, mỗi lần đến dâng lễ xong, linh mục phải chạy như ma đuổi đằng sau.
Có những nơi cả mấy chục năm nay, giáo dân không được một Thánh lễ nào.
Nhưng điều Lê Phủ Cam và báo Công giáo và dân tộc biết và nói rất
nhiều về “sự quan tâm của chính quyền các cấp” như chúc mừng Noel ở một
vài nơi nào đó.
Tưởng rằng không cần nói nhiều, người có tri thức sẽ hiểu được thực
tế những gì đã xảy ra qua những thông tin đã được nhiều người phản ánh.
Tờ “Công giáo và Dân tộc”, một tờ báo do chính một linh mục làm Tổng
biên tập lại vẽ ra những ảo tưởng ngược lại cho cộng đồng hòng lấp liếm
đi những gì thực tế với giáo dân?
Theo chúng tôi được biết, không có bất cứ một phóng viên, một cá
nhân nào của tờ Công giáo và dân tộc đã đến Tây Bắc những ngày Noel vừa
rồi. Tất cả những điều viết ra trên báo, chỉ là những thông tin nghe
hơi nồi chõ qua điện thoại và sự tưởng tưởng phong phú có định hướng
của tác giả bài báo mà thôi. Vậy nhưng Lê Phủ Cam vẫn thấy được những
“bạn trẻ nhảy múa, bà con say sưa với chén rượu gạo… thịt ngựa vùng
cao…” cứ như ông ta đang uống rượu và nhảy múa tại đó?
Có phải tác giả bài báo này đang muốn ẵm giải nhất về chuyện bịa 2009 không?
Thật tội nghiệp cho tác giả Lê Phủ Cam, ông ta ở tận Sài Gòn để viết
về “niềm vui” trên miền Tây Bắc với một định hướng rõ rệt nhằm nói lên
cái “tự do tôn giáo” trên miền Tây Bắc này?
Qua những chi tiết nêu trên, người ta dễ nhận ra bản chất của tờ báo
này là gì? Những điều đã thể hiện nói lên bản chất tay sai và nô lệ của
một tờ báo mạo danh Công giáo. Một cách lập lờ đánh lận con đen trên
diễn đàn của những người mù thông tin để bôi đỏ, xoá nhoà và tô vẽ
những ý muốn áp đặt hòng lấp liếm đi tội ác của những người không có
trái tim với cộng đồng tôn giáo Tây Bắc, nhất là ở Sơn La.
Ngày hôm nay, tại Hà Nội khai mạc Hội nghị 9 BCH trung ương đảng CS
Việt Nam, ông Nông Đức Mạnh nói: “Nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá
đúng tình hình đất nước”. Tôi nghe câu nói này đã nhiều, từ rất lâu,
cách đây dễ đã hơn vài chục năm. Nhưng hình như nói chỉ để mà nói, đã
có bao giờ người ta dám đối mặt với sự thật với công lý, với những thực
tế đang diễn ra. Đó là một vấn nạn của đất nước: Lời nói không đi đôi
với việc làm.
Nhưng với một Giáo hội Công giáo Thánh thiện, thông công và hiệp
nhất thì đối mặt với sự thật, với những khó khăn là điều hết sức cần
thiết. Có như vậy Giáo hội mới nhìn nhận chính mình đang ở đâu và phải
làm gì. Những cá nhân trong Giáo Hội cũng không là ngoại lệ. Bởi họ đã
được Thánh hoá với vai trò Ngôn sứ của mình.
Có như vậy, Giáo hội mới có thể canh tân và mang trên mình một sinh
lực mới, trẻ trung và vững tin theo bước chân Đức Ki tô cứu độ nhân
loại.
Hà Nội, Ngày lễ Hiển Linh 4/1/2009
JB Nguyễn Hữu Vinh
|