Thứ Tư, 2025-01-22, 6:32 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 7 » Phnom Penh còn nhớ
6:40 PM
Phnom Penh còn nhớ

 

 
 
Học sinh Campuchia cầm quốc kỳ và cờ Việt Nam
Việt Nam được cho là từ lâu đã có ảnh hưởng tới chính trường Campuchia
Thủ đô Campuchia đã thay đổi gần như hoàn toàn trong vài thập kỷ gần đây. Đã 30 năm kể từ ngày quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh, đánh bật lực lượng Khmer Đỏ ra khỏi thành phố.

Đi trên đại lộ Monivong ngày nay sáng ngập ánh đèn, khó có thể hình dung buổi sáng ngày 7/1/1979, khi đoàn xe tăng T-54 của Việt Nam với cờ đỏ sao vàng từ từ lăn bánh trên con đường trung tâm, trong khi đoàn tàu cuối cùng chở đầy lính Khmer Đỏ vội vã rời Phnom Penh đi Battambang.

Đâu đó rộn lên tiếng súng, tiếng trực thăng trong những giờ phút cuối cùng của chế độ Pol Pot.

Cựu đại tá Bùi Tín, một trong những người đầu tiên đi cùng đoàn quân Việt Nam vào thành phố ngày hôm ấy, nhớ lại một Phnom Penh vườn không nhà trống:

"Tờ mờ sáng 7/1, tôi cùng một số anh em nhà báo quân đội vào Phnom Penh. Thật là một thành phố ma, không có một bóng người. Lác đác có tiếng súng, đây đó một vài xác người chắc là Khmer Đỏ bị bộ đội vào từ trước bắn chết."

"Cỏ mọc cao quá đầu người, nhiều khu vườn rậm rạp như rừng."

 Thật là một thành phố ma, không có một bóng người. Lác đác có tiếng súng, đây đó một vài xác người chắc là Khmer Đỏ bị bộ đội vào từ trước bắn chết.
 
Cựu đại tá Bùi Tín

Chiến dịch tấn công bắt đầu từ ngày 25/12/1978, mà nhiều người mệnh danh là Ngày Giáng Sinh đỏ, trong có 17 ngày đã mang lại chiến thắng cho quân đội Việt Nam.

Lính Việt Nam tấn công từ nhiều ngả, lần lượt chiếm các tỉnh bờ đông sông Mekong trước khi nhận lệnh của Bộ Chính trị từ Hà Nội vào đêm 4/1: “Bắt đầu đánh về Phnom Penh”.

Tới rạng sáng ngày 7/1, các quốc lộ số 1 và số 7 cửa ngõ thủ đô đã vào tay quân Việt Nam. Nhà nước Kampuchea Dân chủ bị xóa sổ sau gần bốn năm cầm quyền. Nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập ba ngày sau đó.

Chỉ trong bốn năm, từ khi chiếm Phnom Penh năm 1975, Khmer Đỏ, và đặc biệt là Pol Pot, đã để lại một ‘di sản’ đáng kinh khiếp.

Chứng tích

Trại tù Tuol Sleng ở Phnom Penh, mà nay là bảo tàng, vẫn còn ghi dấu những chứng tích ghê sợ của một thời Pol Pot thanh trừng những người bị cho là phản bội Angkar, tức lãnh đạo Khmer Đỏ, trong đó có rất nhiều người Việt.

Các nhân chứng kể lại về những ngày khủng khiếp dưới chế độ Pol Pot, khi các thành phố trở nên hoang tàn vì người dân bị chuyển về nông thôn, lao động cực nhọc trong các công xã để xây dựng chủ nghĩa cộng sản không tưởng.

Một triệu rưỡi người Campuchia chết vì đói, vì kiệt sức và vì bị đánh đập, tàn sát. Có thể nói không có gia đình nào không có người là nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. Bởi vậy, sự can thiệp của Việt Nam năm 1979, thoạt đầu đã được người dân đón nhận một cách mừng rỡ và biết ơn.

Anh Vanna, một thanh niên sống tại Phnom Penh, nói là không có quân Việt Nam thì chắc không có anh và không có cả nước Campuchia bây giờ.

Nhìn lại về việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia, hiện nay vẫn còn có nhiều đánh giá khác nhau. Giáo sư Henri Locard, chuyên gia lịch sử đương đại Campuchia, nói với BBC rằng các nhà nghiên cứu thậm chí vẫn còn tranh cãi nhau về cách dùng từ “giải phóng” hay “xâm lược” khi nói tới sự kiện 7/1/1979.

Ảnh ở trại tù Tuol Sleng
 Việt Nam đã giải phóng người dân khỏi sự giết hại của Khmer Đỏ, tuy rằng tôi không cho là lúc đó Việt Nam có đủ thông tin về cuộc sống bên trong chế độ Pol Pot.
 
Sử gia Henri Locard

Bản thân ông Locard cho rằng không thể chối cãi, người Việt Nam đã giải phóng Phnom Penh khỏi bàn tay sắt của một trong các chế độ tàn bạo nhất lịch sử loài người.

Ông nói: “Tôi nghĩ câu trả lời đã rõ ràng và cần nhắc lại rằng đó là sự giải phóng. Quân Việt Nam đã giải phóng người dân khỏi sự giết hại của Khmer Đỏ, tuy rằng tôi không cho là lúc đó Việt Nam có đủ thông tin về cuộc sống bên trong chế độ Pol Pot cũng như toàn cảnh tình trạng khổ cực của người Campuchia”.

'Xâm lược'

Thế nhưng cũng có sử gia khác, như ông Philip Short, tác giả cuốn ‘Lịch sử một cơn ác mộng’ nói về tiểu sử Pol Pot, thì lại nói rằng việc Việt Nam “xâm lược” Campuchia là vì lý do chính trị chứ không phải lý do nhân đạo.

Ông Philip Short cho rằng, có hai nguyên nhân dẫn tới việc Việt Nam tiến vào Campuchia: các cuộc tàn sát dân thường Việt Nam ở khu vực biên giới Tây Nam của lực lượng Khmer Đỏ; và ý nguyện thành lập một chính quyền thân Việt Nam ở Campuchia thay cho chế độ Pol Pot lúc đó đã ngả sang chống Hà Nội dưới sự nâng đỡ của Bắc Kinh.

Thực tế, Khmer Đỏ đã có các cuộc tiến công vào Việt Nam ngay từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Tháng 5/1975, Khmer Đỏ tập kích vào đảo Phú Quốc và giết hại hàng trăm dân thường trên đảo Thổ Chu.

Sau đó, từ năm 1977, lính Pol Pot lại nhiều lần tấn công vào các làng xã biên giới Tây Nam của Việt Nam, tàn sát hàng ngàn người. Lịch sử vẫn còn ghi lại các cuộc thảm sát ở Ba Chúc, An Giang, tháng 4/1978, khi trên ba ngàn người bị giết.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, kể từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời, ‘Bè lũ bốn tên’ bị lật đổ năm 1976 và Đặng Tiểu Bình quay trở lại nắm quyền bính, chính sách ủng hộ Kampuchea Dân chủ, bài xích Việt Nam ngày càng công khai.

Dù cách giải thích như thế nào đi chăng nữa, thì Việt Nam cũng đã có quyết định chiến lược tấn công Campuchia, mở đầu một thời kỳ mới, một cuộc chiến kéo dài mười năm sau đó mà tới nay không được nhắc tới nhiều.

Đài BBC sẽ có các bài viết và chương trình radio về các sự kiện dẫn tới chiến tranh biên giới 1979. Mời quý vị tiếp tục đón theo dõi.


Hoang Son, Hanoi
Việc Trung quốc ủng hộ Việt nam trong những năm trước 1975 và ủng hộ Polpot chống Việt Nam sau này là hòan tòan có thật. Đất nước chúng ta đã không may mắn, là con tốt của các nước lớn khác. Nếu không có sự can thiệp của Mỹ, Liên xô và Trung quốc thì sẽ không có cuộc chiến Việt Nam. Việc Trung Quốc ủng hộ Bắc Việt Nam chẳng qua là ngăn chặn Việt Nam rơi vào ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ ủng hộ Nam Việt Nam cũng vì ngăn cản ảnh hưởng của phe cộng sản.

Vào thời điểm trên giữa Liên Xô và Trung quốc đã có những mâu thuẫn trong quan hệ nên sau khi cuộc chiến Việt Nam 1975 kết thúc, Việt Nam buộc phải chọn lựa ngả theo Trung Quốc hay Liên Xô. Kết quả thì Bạn đã biết, chúng ta đã ngả theo Liên Xô và cuộc chiến Đông Dương lần 3 đã nổ ra. Chúng ta đã không sai khi tấn công Campuchia nhưng đã sai lầm khi ở lại đó quá lâu.

Hong Minh, TP HCM
VN tiến quân vào Cam trong trường hợp này là cần thiết dù có phải do động cơ nào đi nữa vì ít ra cũng đã tiêu diệt được chế độ diệt chủng Pol Pot. Còn lại phần sau đó là một tất yếu của tiến trình chính trị thế giới bao đời nay. Tôi chỉ mở ngoặc thêm một vấn đề, nếu VN đem quân vào Campuchia vì Kmer đỏ thường xuyên phá rối vùng biên giới Tây Nam thì nay VN lên tiếng chỉ trích Israel vì đem quân vào Gaza hình như hơi vướng nghen.

Vnh, GL
Tôi không cho rằng Việt Nam lúc đó lại không biết được tin tức về cuộc sống bên trong Campuchia, nhất là việc rất nhiều người Việt sinh sống tại Campuchia giết hại. Tôi cho rằng Việt Nam tiến vào Campuchia lật đổ chế độ Khme đỏ là hoàn toàn đúng. Chúng ta không thể đứng nhìn quân Polpot giết hại dân mình ngay tại Campuchia và tiến cả vào trong lãnh thổ của chúng ta để giết hại dân thường. Chẳng có cá nhân hay quốc gia nào chấp nhận việc đó cả.

Phong, An Giang
Nếu ai đó đến viếng Ba Chúc, An Giang thì sẽ hiểu được sự tàn ác của Khơ-Me đỏ như thế nào. Không thể chấp nhận được. Đây cũng là một trong những lý do để VN "đem" quân qua Campuchia. Tuy nhiên, tôi không hiểu lý do vì sao Sư đoàn 330 (ở Chi Lăng, gần đó) lại không hay biết gì để Khơ Me đỏ đột nhập tàn sát dân thường.

Trần Thị Hồng Sương, Cần Thơ
Tôi đã sang Campuchia thăm bộ đội thuộc tiểu đoàn Tây Đô Cần Thơ đóng quân tại Kompong Chnăng khi còn vang tiếng súng, tiếp tay xây dựng dây chuyền sản xuất dịch truyền cấp cứu cho bệnh viện dã chiến. Đêm đêm nghe xe cứu thương từ biên giới hụ còi chuyển bệnh qua ngang nhà mà đau thắt ruột gan, không cầm được nước mắt khi nhìn bộ đội trẻ mặt còn vương nét ngây thơ phải đối diện với cái chết kinh hoàng.

Khmer đỏ phá hoại đất nước khó thể tưởng tượng ra, đầu tượng Phật lăn lóc, Chùa Trường học bị phá song đặc biệt mộ của người Trung Quốc lại còn nguyên ! Bi thảm hơn bội phần những gì tôi đọc trên báo chí. Báo chí Âu Mỹ không thấy có mặt, không ai ngó ngàng đến dân Campuchia chạy loạn sang VN hàng hàng lớp lớp...

Thật lệch lạc khi coi cuộc chiến này là xâm lược, VN đã mệt gần đột quỵ sau 1975. Trung Quốc muốn Khmer đỏ nhân cơ hội phá VN cho lụn bại. Chuyện 1975 có thể CSVN sai nhưng phải nói đánh Campuchia là cần thiết trước tiên là vì an toàn của VN sau mới là giúp dân Campuchia .

Southman
Người ta thắc mắc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tại sao TQ ủng hộ VN- không biết ủng hộ thiệt giả?- rồi sau đó lại xúi giục Kmer đỏ đánh VN? Đến khi VN đánh đuổi được Kmer đỏ tận hang ổ thì đích thân TQ lại ra tay đánh VN ở biên giới? Quý vị nào có thể phân tích giùm tình hình chính trị quá phức tạp kể trên mà bản thân tôi rất muốn tìm hiểu?

Riêng tôi, dù ý đồ gì chăng nữa, việc VN đem quân qua tận Phnompenh để diệt bọn khát máu Polpot là cần thiết. Cần thiết để giữ gìn an ninh cho lãnh thổ VN, cần thiết để trả thù cho hàng ngàn dân vô tội VN bị chúng sát hại.

Cil Kwer, Lâm Đồng
Chuyện rõ như ban ngày mà vẫn có ý kiến ngược.Cặp từ đúng nhất trong trường hợp này là" giải phóng" - không thể khác được.

Hoang Son, Hanoi, Vietnam
Cuộc chiến diễn ra lúc tôi mới 9 tuổi. Tôi nhớ vào hôm quân ta tiến vào Phnom Penh Bố tôi đã rất vui báo cho cả nhà Phnom Penh được giải phóng. Việc quân Việt Nam can thiệp Cambodia là điều cần thiết tuy nhiên nếu lịch sử được lặp lại thì chúng ta nên tiến hành khôn ngoan hơn, không để hy sinh nhiều và bị bao vây cấm vận kinh tế quá lâu.

Tran Ha, Italy
Khi một sự kiện lịch sử diễn ra thì khó tránh khỏi những ý kiến trái ngược. Tuy nhiên luận điểm Việt Nam xâm lược Campuchia vào năm 1979 là hoàn toàn vô lý. Vì cùng với đà thắng lợi, VN thừa sức biến Campuchia thành một quận của mình ngay lúc đó. Ý kiến chủ quan của Philip Short đã xúc phạm sâu sắc đến những người lính VN - những người đã ngã xuống để đem lại tự do cho nhân dân Campuchia.

LMC, TP HCM
Tôi nghĩ VN đưa quân vào KPC quá chậm để cho nhiều thường dân VN dọc theo biên giới chết dưới tay Khmer đỏ. Các nhân mạng này có đền bù được không? Còn nếu nói "xâm lược" mọi người hãy suy nghĩ kỹ xem ngay nay còn ai có thể "xâm lược" được ai. Tôi dám chắc ngay cả Hoàng Sa bọn Tàu cũng không thể nuốt trôi.

Van Hung, Hue
Nhân dân Camphuchia phải đời đời biết ơn quân đội Việt nam đã giải phóng họ ra khỏi chế độ diệt chủng Polpot. Chúng ta không nên xuyên tạc lịch sử. Bởi tội ác tày trời của Khmer đỏ đã gây ra cho nhân dân Việt nam và Camphuchia trong năm 1979. Đất nước Camphuchia hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh xương máu của quân và dân Việt nam.Đó là sự thật hiển nhiên không thể chối bỏ.

Co Nhi, Saigon
Những năm cuối thập kỷ 70, cuộc tiến quân vào Phnompenh của VN có phải xuất phát từ một âm mưu xâm lăng hay không, đối với người dân đã trải qua thời gian ấy không quan trọng! Ai từng tận mắt chứng kiến sự dã man khát máu của Khơ me đỏ đều cùng chung ý nghĩ rằng: tiêu điệt những kẻ đồ tể thế kỷ 20 đó là chuyện đương nhiên, hợp tình hợp lý. Vả lại sau đó, người VN có chiếm đóng, bóc lột gì đất nước Chùa Tháp đâu. Cũng không cư xử với dân chính quốc như những gì Khơ me đỏ đã cư xử với dân Vn. Tóm lại, dù có thể có ý đồ gì riêng tư chăng nữa, " giải thoát" vẫn là từ xứng đáng hơn từ xâm chiếm nhiều, trong tâm tư nguyện vọng của nhân dân cả 2 nước.

Thang, VN
Cho rằng VN không có đủ thông tin khi tấn công CPC là hoàn toàn sai lầm. Những gì người dân biên giới phải chịu đựng trong mấy năm đó là quá đủ. Hơn nữa thời điểm đó rất nhiều dân tị nạn CPC tràn sang VN họ có đầy đủ thông tin về một cuộc diệt chủng đang xảy ra. Cái sai duy nhất của CQ VN là bưng bít thông tin.

Ngày đó, lúc đầu họ vẫn cho rằng các đồng chí CPC chỉ là hiểu lầm và chỉ là một bộ phận nhỏ của lính CPC có các hành động trên nên họ đã ỉm đi để giữ tình đoàn kết. Nhưng đặng chẳng đừng đến lúc đó họ lại không công khai trước ngôn luận thế giới về nguyên nhân thực sự của cuộc tấn công biên giới.

Năm 1991, tôi đã được nghe buổi nói truyện của ban tuyên giáo TW về vấn đề này. Chính phủ VN sau này cũng thừa nhận việc bưng bít thông tin trên là sai lầm trước cộng đồng quốc tế dẫn đến bị dư luận quốc tế phê phán và tẩy chay.

Nguyễn Minh, Nga
Đúng Việt Nam đem quân giải phóng Campuchia mang ý nghĩa chính trị. Nhưng đó cũng là để người dân ở biên giới được an toàn và ổn định cuộc sống! Chúng ta phải giải phóng Campuchia vì lúc này Pol Pot đã bắt đầu kết thân với Trung Quốc.Với dã tâm làm nhũng nhiễu Viẹt Nam.Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam phát triển và ổn định,nếu phat triển sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến họ. Bởi vậy TQ đứng sau Pol Pot để gây rối VN. Chính quyền ta nhìn thấy điều đó và để người dân yên tâm lao động sản xuất chính quyền VN phải ra tay.Âu cũng là giải cứu minh và cũng giải cứu bạn!

Thanh niên Việt, Hà Nội
Tôi thấy VN quả thật rất nhân đạo và đã giúp đỡ Lào cũng như Campuchia rất nhiều. Nếu sống cạnh một nhà nước hiếu chiến như Pol Pot thì cũng mệt lắm.

Ẩn danh
Tôi nghĩ dùng từ " xâm lược" là không đúng vì VN đã giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và không hề "lấy" của cải tài nguyên, đàn áp nhân dân như các nước đi xâm lược vẫn làm.

tran hung vuong HP, Viet Nam
Nói gì thì nói, cuộc tấn công vào K năm đó của VN là một ơn huệ lớn đối với dân Campuchia. Người Campuchia nên nhớ cái ơn đó vì rất nhiều người lính Việt đã ngã xuống. Tuy nhiên, bộ chính trị VN lúc đó không biết "dừng cuộc chơi" đúng lúc, không biết luợng sức mình, không chịu quan tâm đến dư luận quốc tế và đặc biệt là quên đi kẻ thù truyền kiếp là Trung Quốc cũng như những lần chúng xâm lăng VN nên đã phải trả giá đắt. Đó là hàng ngàn thanh niên tiếp tục ngã xuống ở biên thuỳ phương Bắc! Biết bao giờ họ được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh đó đây ?

Henry Nguyen, Sydney
Rõ ràng là Philip Short chỉ có 1 cái nhìn rất phiến diện về VN. Trong bất cứ 1 hành động nào thì cũng đều có nhiều lý do nhưng phải nhìn vào lý do chính chứ không phải là lấy lý do phụ để xuyên tạc mục đích. Dẫn chứng bằng thời sự bây giờ đi, Hamas bắn có mấy quả rocket vào Isreal, Isreal mang quân vào Gaza, có người Mỹ nào nói đó là xâm lược không. Ở đây VN bị giết cả ngàn người, không tấn công lại thì không lẽ đứng nhìn?

File on USA
Rõ ràng VN là nhân đạo khi đem quân vào Căm Pu Chia. Để đó rồi lịch sử phán xét nhưng thế giới, cộng đồng quốc tế nên ủng hộ tinh thần cuộc tấn công đầy nhân đạo này.

Conan Sài Gòn
Tôi nghĩ GS Henri Locard & ông Philip Short đều đúng. VN đánh Campuchia chắc không phải vì mục đích nhân đạo mà là lý do chính trị. Nhưng nhân dân Campuchia vô tình được giải phóng khỏi chế độ Pol Pot cũng tốt cho họ. Nhớ lại năm 1979 - 80 là thời tổng động viên. Làng tôi toàn bộ thanh niên đi bộ đội Campuchia & trên 90 % là bỏ xác lại Campuchia. Hy vọng thế giới này sẽ không còn chế độ giống như Pol Pot.

Nobody
Không biết VN có xâm lược Campuchia hay không nhưng theo tôi thấy thì từ ngày Campu chia thoát khỏi chế độ Khơme Đỏ đất nước Campuchia phát triển và dân số cũng tăng lên hẳn! chúc mừng nhân dân Campuchia.

Category: Chính trị | Views: 1398 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 36
Khách: 36
Thành Viên: 0