Báo
điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 1 tháng 1 năm 2009, đã đăng lời
phát biểu của ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính tri, Thường trực
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong dịp dự lễ Kỷ niệm
50 năm Quốc Khánh Cộng hòa Cuba, có đoạn nguyên văn như sau:
"Gần
nửa thế kỷ qua, bao vây, cấm vận và hành động thù địch đã không thể
khuất phục được nhân dân Cuba. Cách mạng Cuba đã vượt qua mọi khó khăn,
thử thách, giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng
và bảo vệ tổ quốc; đặc biệt, Cuba đã trở thành cường quốc hàng đầu thế
giới về giáo dục, thể thao, y tế, công nghệ sinh học".
Vì một
thời cùng hội cùng thuyền, cùng là anh em dưới sự dẫn dắt của anh cả
Liên Xô, Việt Nam ca tụng Cuba là điều dễ hiểu. Nhưng ông Trương Tấn
Sang ca tụng "Cuba đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về giáo
dục, thể thao, y tế, công nghệ sinh học", thì có vẻ hơi coi thường dư
luận. Hãy tạm bỏ qua một bên các lãnh vực thể thao, y tế, và công nghệ
sinh học, để xem Cuba đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về giáo
dục như thế nào? Sau đây là sự việc do chính báo chí Cộng sản VN ghi
lại:
Báo Tienphong Online do nhà cầm quyền VN kiểm soát, ngày 15
tháng 9, 2005 có bài phóng sự về tình cảnh đói khổ của sinh viên Việt
Nam du học tại Cuba. Qua bài "Chuyện của những du học sinh VN tại
Cuba", Nguyễn Ngọc Anh, quê ở Thái Nguyên, sinh viên năm thứ 3 ngành
tin học Đại Học Matanzas, kể: "Các anh đã từng là sinh viên chắc cũng
biết, nếu bụng lúc nào cũng cồn cào đói thì dù cố mấy cũng khó mà học
vào được. Bọn em sút cân nhiều lắm".
Vẫn theo bài báo, Ngọc
Anh kể tiếp, "một bữa cơm điển hình tại nhà ăn tập thể như sau: Mỗi
người được non một bát cơm nhỏ, một bát cháo đậu đen nấu với muối cùng
một món mặn gọi là kô-kê-tà (bột mỳ đặc không nhân nướng), lâu lâu mới
có một chút thịt. Căng tin không có, tuyệt nhiên không có bất cứ dịch
vụ ăn uống nào khác trong và xung quanh trường? [H]ầu hết sinh viên
Cuba ở nội trú đều phải tranh thủ về gia đình từ chiều thứ Năm hàng
tuần để 'nạp' thêm năng lượng và mang đồ ăn bổ sung cho tuần tới".
Tác
giả bài báo là Việt Hùng nhận xét: "Nhìn gương mặt thông minh và cương
nghị nhưng xanh xao gầy gò của Ngọc Anh mà thương. Lẽ nào một sinh viên
tài năng như em, đi du học mới 3 năm mà đã có dấu hiệu của 2 bệnh là
đau dạ dày và thận chỉ vì đói và uống nước chưa đun sôi (nước ở đây rất
nhiều vôi)."
Bài phóng sự kể tiếp:
"Phan Văn Châu học
năm thứ 3, từng là sinh viên xuất sắc của Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng có
lẽ là một trong những du học sinh khổ nhất tại đây. Quần áo của em chỉ
có mỗi 2 bộ mặc suốt từ khi sang tới bây giờ, giặt qua quít chưa kịp
sạch và khô đã phải mặc lại vì xà bông cũng không có tiền mà mua, giá
một cục xà bông dùng tạm được tương đương khoảng 4,5 euro. Cục xà bông
đấy, sinh viên ta vừa dùng để tắm, gội và giặt giũ, nhiều người rụng cả
tóc vì không hợp".
Nền giáo dục cao đẳng của Xã hội Chủ nghĩa
Cuba, sinh viên sống trong tình trạng đói rách như thế, mà được ông
Trương Tấn Sang ca tụng như một cường quốc đứng đầu thế giới về giáo
dục, quả thật người cộng sản có biệt tài là phát biểu rất hùng hồn, mà
không bao giờ cần suy nghĩ.
Ngoài việc ca tụng "Cách mạng Cuba
đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to
lớn", tất nhiên người đại diện Việt Nam không quên ca tụng công đức của
lãnh tụ Fidel Castro. Ông Trương Tấn Sang nói:
"Trong trái tim
mỗi người Việt Nam đều in đậm câu nói bất hủ của Tổng Tư lệnh Phi-đen
'Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình'. Chúng ta còn
ghi nhớ mãi hình ảnh Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô giương cao lá cờ Mặt
trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngay tại chiến trường Quảng
Trị tháng 9/1973".
Vì nói mà thiếu suy nghĩ, ông Trương Tấn Sang
vô tình đã nhắc tới thành tích bịp bợm lớn nhất trong lịch sử cuộc
chiến do đảng Cộng sản chỉ huy. Chủ tịch Fidel còn đấy, nhưng cái lá cờ
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bây giờ đâu rồi?
Trong
khi Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản VN ca tụng Fidel Castro như thần
thánh, cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Cách mạng Cuba, tờ báo đứng
đắn hàng đầu của Anh quốc là The Sunday Times, có bài phóng sự về đời
tư của Fidel Castro vào ngày 28 tháng 12, 2008; tác giả là nữ nhà báo
Christine Toome. Dưới tựa đề "Cuộc đời và tình ái của Fidel Castro"
(The Life and loves of Fidel Castro), bài báo có tiểu tựa: "Trong khi
làm cách mạng Cuba, Fidel Castro có công việc khác, cá nhân hơn: Ông ta
là một tay săn gái không không ngừng, kẻ nhẫn tâm bỏ rơi người tình và
hàng đống con ngoại hôn".
So với lãnh tụ Hồ Chí Minh của Cộng
Sản VN, lãnh tụ Fidel Castro của Cuba vào hàng hậu sinh, năm nay mới 82
tuổi, nhưng thuộc loại khả úy. Theo tài liệu do các sử gia công bố cho
đến nay, vợ và người tình của Hồ Chí Minh, gồm cả vợ Tây, vợ Nga, vợ
Tầu, vợ Thượng, và vợ đồng chí người Việt, nhiều lắm cũng không quá
mươi người, và chỉ thấy dư luận nhắc đến tên một vài người con. Nhưng
hậu sinh Fidel Castro thì vợ và người tình nhiều vô số kể, cộng với
hàng chục con rơi.
Bài báo của tờ Sunday Times viết rằng:
Người
ta đã thấy sự hỗn loạn của chế độ Sộng sản Castro làm cho hơn hai triệu
dân của một trong những đảo đẹp nhất vùng Caribbean bỏ nước ra đi tị
nạn. Nhưng trong cái lộ trình cá nhân của ông ta phá hoại cuộc đời của
những người gần gũi nhất, hàng đống phụ nữ đã ngủ với ông và những đứa
trẻ ông cho ra đời, cho đến nay, là một bí mật được canh gác nghiêm
ngặt.
Đời sống riêng của Castro luôn luôn là điều cấm kỵ chặt chẽ trên truyền thông do nhà nước Cuba kiểm soát?
Hình
ảnh tràn ngập của Castro trong 50 năm qua, là một chàng David cô độc,
chống lại mọi tay Goliath tư bản khổng lồ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Từ lâu,
Castro đã tính toán rằng quyền lực của ông ta chỉ tồn tại nếu dân chúng
và thế giới không thực sự biết về ông.
Con gái Castro là Alina,
52 tuổi, đang tị nạn tại Miami Hoa Kỳ, nói về cha mình rằng: "Ông là
một người khéo vận động quần chúng. Ông luôn tự đóng vai một người cô
đơn với bộ râu xồm và điếu xì gà, chiến đấu với đế quốc 24 giờ một
ngày, ngoài ra, không còn bận tâm điều gì khác". Thật không có gì xa sự
thực hơn.
Khi quân nổi loạn lật đổ Batista vào tháng Giêng 1959,
Castro ngự trên chiếc xe tăng Sherman, diễn binh trên đường phố Havana,
bên cạnh có đồng chí thân tín Huber Matos, và con trai Fidelito.
Nhưng
sau khi bị tù 20 năm về tội lên án Castro đã phản bội lý tưởng dân chủ
của cuộc cách mạng Cuba, Matos đã tị nạn tại Miami từ 30 năm nay; em
gái của Castro là Juanita cũng đã bỏ nước tị nạn từ 40 năm trước, và
con gái Alina mới đi thoát năm 1993.
Trong số nhiều vợ và hàng
đống người tình của Catro, có cô Marita Lorenz, người Mỹ gốc Đức bị
Castro quyến rũ khi mới 19 tuổi, vào lúc cách mạng mới thành công năm
1959, cho ở tại Khách sạn Havana Tự do, vốn là Havana Hilton. Cô thấy
Castro có quá nhiều phụ nữ tự hiến, bèn bỏ về Mỹ, và được CIA tuyển mộ
để ám sát Castro. Trở lại Havana với hai liều thuốc độc để pha vào nước
cho Castro uống. Trước khi hành sự, cô sợ quá, đổ thuốc vào chỗ tiêu
nước nhà vệ sinh.
Vẫn theo báo The Sunday Times, CIA đã thất bại
trên 630, xin nhắc lại: sáu trăm ba mươi lần, âm mưu ám sát Castro, mà
vẫn không thành công.
Hiện nay, vẫn còn những người tin tưởng
rằng, tại Hoa Kỳ, có một thứ gọi là "Siêu quyền lực", có khả năng làm
mọi chuyện kỳ diệu. Ngay cả chuyện ông Barack Obama đắc cử tổng thống,
người ta cũng cho rằng đây là chuyện do siêu quyền lực xếp đặt, để cứu
vãn uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Suốt trong nửa thế kỷ, sao
cái "Siêu quyền lực" này không ra tay loại Castro, để CIA thất bại trên
630 lần?
Có thể nói, nếu tại nước Mỹ có một thứ "siêu quyền
lực", thì cái quyền lực siêu đẳng này chính là nền tự do dân chủ, nó
nằm trong tay mọi người dân, và do dân trực tiếp sử dụng qua lá phiếu,
và quyền tự do ngôn luận.
Đa Nguyên
Washington DC, 7.1.2009)